Đó là lần đầu tiên tôi đi Bắc.
Xe qua trạm kiểm soát An Hoà vào lúc nửa đêm. Vó đưa mời nhân viên kiểm soát hai gói thuốc Samit, cười lả giả. Anh ta trông bộ cũng ngái ngủ, leo lên nhìn vào thùng xe thấy toàn cả thép gai, vẫy tay cho đi. Xe trực chỉ ra Bắc. Xe chúng tôi đi là xe thuê của Hợp tác Xã Vận Tải Thành Phố - loại xe tải tư nhân bị buộc phải vào hợp tác xã sau 1975. Mấy tấn thép gai và cọc sắt, chúng tôi cố gắng nhét gọn trong thùng xe. — ca-bin phía đầu xe, ngoài tài xế và phụ lái, chỉ còn chỗ cho một người ngồi. Vó, người đứng tên trong bản hợp đồng, ngồi ở đó. Còn tôi và Cương thì phải ở phía sau thùng xe, nằm ngồi ngay trên đống thép gai. Chúng tôi dùng một tấm ván đè lên những cuộn thép gai lổn chổn, đầy những mũi nhọn đe dọa, sẵn sàng chích vào da thịt. Chúng tôi lấy xách, áo quần cũ, và gối chèn chung quanh phòng khi xe chạy nhồi lên nhồi xuống vì vấp phải ổ gà, nhất là bắt đầu từ đoạn đường bên kia cầu Bến Hải.
Xe chạy chậm. Tảng sáng, xe qua cầu Bến Hải. Tôi nhoài người ra khỏi thùng xe, quan sát chiếc cầu và giòng sông lịch sử trong màn sương sớm. Cầu nhỏ, ngắn, hư hỏng nhiều chỗ. Lối đi trên lòng cầu phải lót bằng nhiều tấm ván. Tôi có cảm giác cầu rung rinh, đong đưa dưới sức nặng của chiếc xe. Giòng sông cạn, quá cạn, nhiều đoạn có thể lội qua được dễ dàng. Hai bên đầu cầu còn thấy hai cái trụ cờ để không, đứng chơ vơ. Vài ngôi nhà vẫn còn đó, nằm im, lạc lõng. Qua khỏi cầu, đường bỗng hẹp hẳn. Đường tuy có tráng nhựa, nhưng mấp mô giống các đường đất chạy quanh làng quê. Nhà cửa hai bên đường tiêu điều, xơ xác. Mọi thứ trông khác hẳn. Không khí dường như cũng khác hẳn. Tôi có cảm giác như đi vào một vùng đất lạ. Cảm giác đó làm tôi hơi áy náy. Đúng là tình cảm và đầu óc chia lìa Nam Bắc đã chi phối cảm quan của mình. Nhưng biết làm sao được! Càng ra xa về phía Bắc, cái cảm giác đó, lạ thật, tan loãng ra, để cuối cùng đọng lại trong tâm một nỗi ngậm ngùi.
Miền Bắc của đất nước tôi, tuy là kẻ chiến thắng, nhưng nghèo quá, tội nghiệp quá! Lại càng ngậm ngùi hơn khi sau này, trong nhiều dịp khác, tôi được đi vào nhiều vùng khác nhau của nông thôn miền Bắc. Thạch Hà, Nghèn, Đồng Lộc, Khe Giao, ga Vinh, Diễn Châu, có lúc đến tận miền biển của tỉnh Thái Bình là huyện Thái Thụy. Nghèo. Quá đỗi nghèo! Có lần, trong một chuyến đi trầm hướng về động Phong Nha, Quảng Bình, tôi tình cờ đi ngang một làng nhỏ ở sâu trong núi. Đó là một làng công giáo gọi là làng Chày. Ngôi nhà thờ lợp tranh xiêu vẹo. Ông cha xứ già khọm với cuốn thánh kinh nhàu nát đâu còn từ thời thuộc địa. Mọi người chơn chất, hiền lành đến độ tôi có cảm tưởng như đây là một bộ lạc thiểu số. Nếp sống và tri thức của người dân lạc hậu có đến cả 50 năm. Được biết chúng tôi là người trong Nam ra, dân làng dè dặt cho biết, họ tự ý sống cô lập như thế này từ hồi cải cách ruộng đất năm 1956. Họ sống theo kiểu tự cung tự cấp, hầu như không liên hệ gì với bên ngoài. Lâu lâu, cán bộ huyện về kiểm tra, rồi lại đi. Họ cho biết, ngay cả khi Sài Gòn thất thủ, mãi đến hai tháng sau họ mới biết tin. Mà thực sự, họ cũng chẳng hề quan tâm đến việc này.
Đợi khá lâu ở Phà Gianh. Một phần vì nhân viên trực phà làm khó dễ để vòi vĩnh. Một phần vì kẹt xe. Phà nhỏ, xe đông. Ngày nào như ngày nấy. Tuyến đường sinh tử Bắc Nam thường bị khựng lại ở mấy điểm phà: Phà Gianh, phà Bến Thuỷ, phà Ghép. Sông Gianh, biên giới giữa hai tỉnh Bình Trị Thiên - Nghệ Tĩnh (thực ra là giữa Hà Tĩnh - Quảng Bình), một thời là biên giới của hai miền. Trịnh Nguyễn phân tranh. Qua khỏi phà Gianh rồi, Vó mới cho hay: phà này là điểm phiền nhất trong chuyến đi. Nhiều chuyến thép gai trước đó, khi ra đến đây, bị buộc phải trở về vì thiếu giấy tờ, giấy tờ không hợp lệ, hoặc không biết cách "chi" cho nhân viên trực phà, cho đám thuế vụ Trạm số 7. Mừng, chúng tôi ghé Kỳ Anh ăn cơm. Theo dân buôn đi lại trên tuyến đường này, từ Bến Hải trở ra, các quán ăn ở Kỳ Anh là ăn uống được nhất. Lý do: chủ nhân mời "thợ nấu" từ Huế hoặc Đà Nẳng ra nấu ăn. Các món ăn khá phong phú: thịt kho, canh chua, mực, tôm, đồ xào... Lại có cả nhạc miền Nam cũ, thường được gọi là nhạc vàng. Một cái máy cassette cũ kỹ để bên cạnh quầy tính tiền phát ra toàn những bản nhạc của chế độ cũ. Thôi thì nhạc tình, nhạc lính loạn xà ngầu. Giọng Thanh Tuyền, Chế Linh lẫn Khánh Ly, Lệ Thu, và cả Thái Thanh nữa. Những "Vọng Gác Đêm Sương", "Rừng Lá Thấp", rồi "Xuân Này Con Không Về", "Mưa Rừng"... Lúc chúng tôi sắp chấm dứt bữa ăn, sửa soạn trả tiền để đi, thì chợt nghe một điệu nhạc quen quen, rồi tiếng hát "anh Quốc ơi, anh Quốc ơi"... A, bản nhạc "Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc." Đến đây, tôi ngạc nhiên thực sự, nếu không muốn nói là sửng sốt. Quá lâu mới lại được nghe bản nhạc này, lại nghe ngay trên miền Bắc. Khi trả tiền , tôi hỏi nhỏ anh chàng chủ nhân:
"Anh thích nghe nhạc vàng à?"
"Thích quá đi chứ!" Anh ta phát âm giọng Hà Tĩnh pha Bắc, lại cố nhấn âm theo kiểu miền Nam.
"Anh có biết bản nhạc này nói về ai không?"
"Chả cần biết. Nó cứ có trong cái... cái... máy nhạc thì ta cứ nghe. Tui chẳng rõ bản nhạc chi."
Tôi giảng giải:
"Anh Quốc, tức là Phạm Phú Quốc, phi công miền Nam lái máy bay ra thả bom ở miền Bắc, bị bắn rơi đấy!"
"Thế đấy! Hèn gì cứ nghe nó gào anh Quốc ơi, anh Quốc ơi. Cái thằng Quốc này nó bị bắn rơi ở vùng Kỳ Anh này đấy. — ngay phía này này (anh ta chỉ về phía xa xa bên kia cụm tre làng trước mặt). Máy bay nó đâm xuống ruộng, xác nằm đó cả chục năm trời."
"Anh vặn nhạc này không sợ à?" Tôi cười hỏi.
"Sợ đéo gì! Cán bộ công an cũng thích nghe khối ra đấy! Mà lại, thằng này cũng thương binh bậc 3, sợ quái chi thằng nào."
*
Nơi chúng tôi thi công là một bệnh viện cỡ vừa thuộc xã Thạch Hà, nằm ngay trên quốc lộ 1. Thạch Hà cách thị xã Hà Tĩnh chừng 7,8 cây số. Xe đổ thép gai và cọc sắt xuống ngay bên lề quốc lộ, kế cổng vào của bệnh viện. Vào báo cho ban giám đốc biết xong, chúng tôi trở về nơi chúng tôi dự định ở. Đó là nhà người chú ruột của Cương. Ông là dân tập kết năm 1954, vợ người Thạch Hà, nên ở luôn đây, không chuyển gia đình vào Nam như phần đông dân tập kết khác. Ông là cán bộ hưu trí. Nhà cửa của ông, giống như nhiều nhà ở vùng này, trông nghèo nàn, nhếch nhác. Một vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của tình hình miền Nam, một ít người bung ra, bỏ hợp tác xã, mánh mun, buôn bán. — đây không có cái trò chạy chợ, vì không có chợ họp hàng ngày, mà chỉ có chợ phiên tháng hai lần (như thời thuộc địa). Chợ họp vội họp vàng trong vòng một buổi sáng rồi giải tán. Thành thử, cách mánh mun, buôn bán ở đây là chạy hàng cho con buôn miền Nam ra (như chúng tôi chẳng hạn): mua vàng bạc, kiềng xưa, máy nổ, tem phiếu, thuốc tây các nước xã hội chủ nghĩa, vải vóc của các nước Đông Âu... Đa phần là móc ngoặc, vì ở ngoài dân chẳng có gì mà trao đổi. Chú của Cương, may mắn học được một nghề buôn mới: buôn da trâu bò. Ông đi lùng sục ở các xã trong tỉnh, mua da trâu, bò về ướp muối để dành, đợi đủ số lượng, mới thuê bao một chuyến xe bộ đội mang vào lò mổ ở Huế để bán. Con buôn ở Huế sẽ buôn chuyển tiếp vào các lò thuộc da ở Sài Gòn. Thằng con trai đầu của ông bán thịt chó cho dân nhậu buổi chiều. Quanh vùng có một vài nơi bán phở. Người ta bán trong nhà, nửa công khai, nửa bí mật. Buôn bán tư nhân, nói chung, là điều đại cấm kỵ. Nhà nước không hẳn cấm hoàn toàn chuyện buôn bán, nhưng thủ tục kinh doanh rất phức tạp, thường chịu một mức thuế rất cao, hầu như không chịu nổi. Bởi thế, người có gan buôn bán, phải "đi lại" với công an, thuế vụ rất kỹ để có thể tồn tại. Trong thời gian gần một tháng thi công ở đây, chúng tôi thường lui tới quán chị Liệu. Đây là một quán nước nằm phía đối diện với cổng bệnh viện. Về hình thức đăng ký kinh doanh, quán chị Liệu bán nước chè, trà móc câu, kẹo bánh. Thực tế, đây chỉ là mượn đầu heo nấu cháo. Chị bán mì, cháo, bún. Chị chạy mánh cho con buôn từ trong Nam ra hay Hải Phòng vào. Theo tôi dò hỏi, có rất nhiều đầu mối buôn bán thuốc phiện ở những vùng như thế này, thường ngụy trang dưới dạng các quán nước. Cho đến khi rời đi, tôi không rõ chị Liệu này có buôn bán thuốc phiện hay không. Chị trạc tuổi tôi, có ba đứa con. Gia đình chị thuộc diện địa chủ, nên không thuộc loại đáng tin cậy trong xã hội Cộng Sản. Cha chị bị đấu tố đến chết trong đợt cải cách ruộng đất năm 1956. Hồi còn là cô bé 8, 9 tuổi, chị đã phải dắt mấy đứa em lên rừng sống, vì lúc đó không ai dám chứa chấp con địa chủ. Mỗi lần kể lại chuyện cũ, khuôn mặt chị trở lại trầm ngâm với một vẻ nhẫn nhục chịu đựng đặc biệt.
Chúng tôi dành một ngày để tuyển mộ người làm tại địa phương. Các toán làm thép gai khác thường tuyển công nhân ở Huế và mang họ theo ra địa điểm thi công để bảo đảm tay nghề và kỹ thuật. Chúng tôi vốn ít, lại là lần đầu, nên quyết định dùng người địa phương, vừa để đỡ tốn chi phí di chuyển, lại trả công thấp hơn và khỏi lo những chuyện lỉnh kỉnh bất thường khác. Kiếm người làm ở đây không khó lắm, vì số thanh niên cũng như bộ đội phục viên khá đông, hầu hết đều không có việc gì làm thêm ngoài làm ruộng. Vả lại, vì là việc làm ngắn hạn, nên có gì họ cũng dễ thu xếp. Tuy thế, chúng tôi cũng tới ngoại giao với đảng ủy địa phương và ban chủ nhiệm hợp tác xã để tránh những rắc rối không cần thiết. Tiền công, chúng tôi trả theo ngày (một ngày làm trung bình 10 tiếng). 15 đồng một công. Tiền công này khá cao so với với bất kỳ công việc nào ở địa phương vào thời đó. Lương cán bộ trung bình 80 đồng/tháng.
Nhiều người đến xin làm, nhưng chúng tôi chỉ lựa bảy người. Trung bình một người rào một ngày được khoảng 10 mét chiều dài. Vòng rào khu bệnh viện khoảng hơn một cây số rưỡi, chúng tôi trù tính hoàn tất trong vòng ba tuần. Công việc tương đối đơn giản, không nặng nề lắm, nhưng đòi hỏi sự cần mẫn, cẩn thận và phối hợp chặt chẽ. Hàng rào thực hiện theo kiểu ô vuông. Thép gai mang theo được quấn thành từng cuộn. Phải tháo ra, dùng búa hoặc dùng tay uốn lại cho thẳng và chặt thành từng đoạn dài khoảng 1 mét 6, dùng để dựng thẳng lên. Những cuộn còn tốt, nghĩa là ít sét và có độ dài tương đối thì dùng để rào chiều ngang, tạo thành những ô vuông cạnh cỡ 2 dm. Hầu hết thép gai đều đã rỉ sét vì phơi sương phơi nắng, phơi mưa hoặc chôn dưới đất lâu ngày. Không cẩn thận, chúng sẽ gãy thành từng đoạn nhỏ, rất khó làm và hao phí vật tư. Nếu tận dụng, chúng tôi lại phải hao công trong khi dùng thép nhỏ cột lại.
Những ngày đầu tiên, để thúc đẩy tinh thần làm việc, tôi và Cương cũng phải bắt tay làm. Công việc, thực ra, chẳng nhàn nhã tí nào. Lại có phần nguy hiểm nữa. Các mũi thép gai rỉ sét sẵn sàng chích vào tay, vào người bất cứ lúc nào. Sắt rỉ sét là nơi chứa vi trùng tetanos (phong đòn gánh). Lúc đầu, tôi rất lo sợ, vì nếu bị nhiễm tétanos thì phải làm sao đây. Nhưng rồi bị chích nhiều quá (không thể nào tránh được, dù rất cẩn thận), đâm liều. Mặc kệ! Tiền trước đã. Ấy thế mà trong lịch sử năm, bảy năm rào thép gai của dân Huế, chẳng có ai nhiễm loại vi trùng quái ác này.
Trong số nhân công, có một người đàn ông trung niên, cỡ 40 tuổi, tên Tuấn. Anh thường hay trò chuyện với tôi, có lẽ vì đồng trang lứa. Anh ta là trung úy phục viên, sống tạm nhờ vào số lương hưu ít ỏi của mình và nhờ vào một bà vợ khá đảm đang. Mơ ước của anh là được đưa gia đình vào Nam sinh sống. Nhưng anh chưa có vốn. Một lần, trong giờ giải lao, tôi hỏi:
"Sao mấy anh lại thích vào Nam?"
Anh cười:
"Vào Nam là giấc mơ lớn của dân miền Bắc chúng tôi."
Tôi ngạc nhiên:
"Giấc mơ lớn? Anh nói quá. Có gì mà lại là giấc mơ lớn?"
"Thế đấy! Chú xem ở đây thì biết. Không buôn. Không bán. Không nhà máy. Không xí nghiệp. Chỉ sống nhờ đất, mà đất thì đấy, mô có đè ra mà ăn được mãi. Miền Nam mới giải phóng, chính sách còn nới. Đảng và Nhà Nước qui định kinh tế năm thành phần, dễ xoay trở. Ngoài này, chúng tôi phải tiến lên xã hội chủ nghĩa, nên gay lắm!"
Tôi nhìn chăm anh, thử xem anh ta có vẻ mỉa mai gì không. Tuyệt nhiên không. Anh nói nghiêm chỉnh. Tôi hỏi:
"Anh đã vào công tác miền Nam rồi chứ?"
"Tôi công tác ở Huế gần hai năm, khi Huế mới giải phóng."
"Thế à. Anh công tác ở đâu?"
"Ban Quân Quản thành phố, phụ trách khu vực nội thành."
Một vài lần nói chuyện sau, tôi mới hay chính anh ta phụ trách điều nghiên thành phần ngụy quân, ngụy quyền tại chính khu vực tôi ở. Tôi là một trong những đối tượng được theo dõi kỹ. Anh ta đến làm phiền gia đình tôi nhiều lần. Lý do: sau khi Huế thất thủ, tôi ở Sài Gòn. Và khi trở ra lại Huế, tôi tránh không về ở lại nhà tôi, mà ở nhà vợ. Thật là một tình cờ lý thú: người phụ trách theo dõi tôi bây giờ lại làm công cho tôi. Sau này khi chấm dứt công trình, trước khi từ giã, tôi có nói cho anh ta biết điều đó. Anh ta chỉ cười buồn: "Thì mình chỉ làm nhiệm vụ trên giao thôi."
Tôi ở lại Thạch Hà chỉ năm ngày. Sau đó, tôi cùng với Cương lên đường ra phía bắc để tìm hợp đồng cho những công trình kế. Mọi việc giao lại cho Vó.
*
Trước khi theo dõi tiếp câu chuyện, tôi xin ngừng lại ở đây để nói sơ qua về công việc gọi là rào thép gai.
Việc đi rào thép gai bắt đầu khoảng năm 1980 tại làng An Cựu, thuộc thành phố Huế. Tôi chẳng biết ai là người đầu tiên ra Bắc làm cái nghề này. Khi tôi từ trại cải tạo trở về, thì việc đi Bắc để rào thép gai đã phát triển thành một phong trào làm ăn khá rầm rộ tại Huế, đặc biệt là tại làng An Cựu. Hầu hết những chủ thầu đều là người cư ngụ ở khu vực này. Mãi về sau, có một số người từ vùng khác nhảy vào, nhưng thường thì ít nhiều cũng có liên hệ giây mơ rễ má với dân An Cựu (như tôi chẳng hạn). Có thể xem An Cựu là căn cứ địa của phong trào thép gai đầu thập niên 1980. Những chủ thầu thép gai giàu lên rất nhanh. Chỉ một hai chuyến đi Bắc vào là thấy mua nhà, sắm xe honda và nhậu nhẹt thả giàn. Chiều chiều, nếu ai tạt ngang qua khách Sạn Chuyên Gia (tên gọi khách sạn dành riêng cho các chuyên viên các nuớc xã hội chủ nghĩa đến chi viện cho chế độ Việt Nam Cộng Sản), sẽ thấy một số người Việt Nam khề khà bia rượu bên cạnh các ông "Tây" mới (chữ để chỉ các chuyên viên Ba Lan, Tiệp Khắc, Lỗ Ma Ni...) thì đó chính là "dân thép gai". Cụm từ "dân thép gai" hồi đó có một nghĩa gần như tương đương với chữ giàu. Thực ra, cụm từ đó chỉ nhiều hạng người khác nhau có dính líu đến việc đi rào thép gai: chủ thầu, người công nhân đi rào thuê, người đi đào thép gai từ các căn cứ quân sự cũ, các đại lý "chế biến thép gai" và dân trung gian chạy mánh hợp đồng mà chúng tôi thường gọi đùa là đám chuyên viên ăn có.
- Chủ thầu: bỏ vốn và trực tiếp chỉ đạo việc thi công.
- Dân đi thép gai: chiếm số lượng đông nhất. Đó là những người đi vào các căn cứ quân sự cũ của Mỹ và VNCH gỡ, đào thép gai, cọc sắt về bán lại cho các đại lý. Một số người đã "hy sinh" trong dịch vụ này vì bị đạp phải mìn, lựu đạn.
- Đại lý "chế biến": nơi thu mua thép gai, cọc sắt. Gọi là chế biến, vì ở đây, thép gai phải được lựa ra loại tốt, loại xấu (để định giá), phải buộc lại thành từng cuộn cho gọn, và quan trọng nhất là phải được luộc lại bằng dầu hôi trộn hắc ín, vừa để che dấu sự rỉ sét (bảo đảm chất lượng!) vừa để chống rỉ sét. Cọc sắt cũng vậy. Thời giá năm 1982: bốn đồng một kí lô thép gai loại thường; năm đồng một kí loại tốt; 18 đồng một cọc sắt loại 1 mét 8; 25 đồng một cọc sắt loại 3 mét 2. Hồi đó, vàng giá cỡ 150 - 170 đồng một chỉ. Bà Thiên là đaị lý nổi tiếng nhất chuyên cung cấp hàng cho chủ thầu thép gai.
- Chuyên viên chạy mánh hợp đồng: Đây là những kẻ "ăn có". Những tay này tự ý ra Bắc, đi hết cơ quan này đến xí nghiệp nọ, gạ gẫm các đơn vị này ký hợp đồng rào thép gai cho đơn vị, cơ quan, xí nghiệp của họ. Khi đã ký được hợp đồng rồi, họ đem về bán lại cho các chủ thầu đế lấy huê hồng. Tỉ lệ huê hồng tùy theo mức độ béo bở của hợp đồng, thường từ 5% đến 15% tính trên doanh số.
Tại sao dân miền Bắc, hay nói đúng hơn, các cơ quan, xí nghiệp miền Bắc thích rào thép gai?
Đa phần các cơ quan, xí nghiệp miền Bắc -- trừ một số cơ sở an ninh, quốc phòng -- đều không có hàng rào chung quanh. Điều này khiến cho người lạ, trâu bò hay đi băng ngang qua cơ quan, ngay cả những lúc đang làm việc. Một số cơ quan, xí nghiệp dùng đất còn thừa chung quanh để trồng trọt, tăng thêm nguồn thu nhập cho cán bộ, công nhân. Trâu bò thường băng ngang dẫm phá. Kẻ gian cũng thường đột nhập ăn trộm. Xây hàng rào bằng tường gạch, bê tông thì tốn nhiều tiền. Vì thế, họ chọn rào thép gai. Thi công nhanh, rẻ tiền, đặc biệt là người và trâu bò lại rất sợ dây thép gai vì vừa nhọn vừa rỉ sét.
Đó là lý do bên ngoài. Cái quan trọng là có bày ra chuyện xây dựng (rào thép gai được bao gồm trong công trình xây dựng), thì mới có cớ rút tiền ra khỏi tài khoản. Có rút tiền ra khỏi tài khoản ngân hàng thì mới có thể "kiếm chác," "chấm mút" được. Tại sao họ không ký hợp đồng với các công ty xây dựng miền Bắc? Ký được (và vẫn thường ký), nhưng vì đều là cơ quan nhà nước cả, nên chẳng "làm ăn" được. Anh này nhìn anh kia, kiểm tra lẫn nhau, nên rất khó hay không thể "móc ngoặc" được. Trong lúc đó, chủ thầu trong Nam ra, tuy cũng nhân danh cơ quan nhà nước (đây là luật lệ), thực tế là tư nhân. Họ xoay chạy được nguồn vật liệu "ngoài luồng," nghĩa là không nằm trên giấy tờ, lại chịu chia chác không những đúng mức mà trong rất nhiều trường hợp, quá mức đến chỗ không ngờ được. Chưa kể là còn bí mật nữa. Hợp đồng vừa mới ký là họ đã có tiền riêng đút túi. Rồi lại nhậu nhẹt, quà cáp thả giàn!
Vì những lý do đó, việc rào thép gai, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, biến thành một phong trào lan rộng ra hầu hết các cơ quan, xí nghiệp miền Bắc. Những tay mánh mun giỏi, vốn lớn, táo bạo và có đầu óc kinh doanh, đã trúng được những vụ thầu thép gai rất lớn: rào cả một nông trường (dài hàng vài chục cây số), khu vực ga, rào cả phi trường (phi trường Gia Lâm, Hà Nội). Có một người quen tôi, sau này, trúng cả những hợp đồng lớn do Bộ Quốc Phòng Cộng Sản đứng ra ký kết, để rào (và bao luôn xây dựng) doanh trại quân đội ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Bởi thế, thép gai hầu như "tuyệt chủng" ở Huế, Quảng Trị. Sau này, dân đi thép gai vào các tỉnh phía Nam như Quảng Nam, Quảng Ngãi để mang ra.
*
"Nghề" đi ký hợp đồng cũng không có gì phức tạp lắm, chỉ cần dẻo miệng, chịu "chi" tiền, và biết cách đi cửa sau. Thủ tục tương đối giản dị. Trước hết, kiếm một xí nghiệp hay một hợp tác xã nào đó chịu đứng ra làm đơn vị thầu, xem như chủ thầu "biểu kiến." Xí nghiệp, hay hợp tác xã này sẽ cấp cho người đi ký hợp đồng một giấy giới thiệu để có cơ sở pháp lý đi liên hệ với các cơ quan khác. Với giấy giới thiệu này, ta có thể trực tiếp đến thẳng bất cứ cơ quan, xí nghiệp nào trên miền Bắc để thuyết phục họ chịu ký hợp đồng. Con đường "đột nhập" phải thực hiện từng bước qua những nhân vật then chốt: kế toán tài vụ, thủ kho, bí thư đảng uỷ rồi mới đến thủ trưởng đơn vị. Từ khâu đầu (tức đơn vị cấp giấy giới thiệu) đến khâu cuối (đơn vị chịu ký hợp đồng), nhậu là đầu câu chuyện và kết thúc bằng chi tiền. Khi đã có hợp đồng rồi, người ký hợp đồng sẽ bán cho chủ thầu thực sự, là người đứng ra thi công công trình.
Nói chung, để tiết kiệm tiền bạc, thường thì chủ thầu sẽ đích thân đi liên hệ ký hợp đồng. Tôi ở trong trường hợp này.
Khởi hành từ Thạch Hà, Cương và tôi đón xe bộ đội đi về Vinh. Ngoài này, không có xe "lam" cũng như xe đò cho những tuyến đường ngắn. Chúng tôi mang theo hai xe đạp cho dễ di chuyển. Qua phà Bến Thủy (bến phà lớn nhất miền Bắc), chúng tôi đến ga Vinh, đón tàu chợ đi Nam Định. Nam Định là thành phố đông vui. Chợ búa khá tấp nập: chợ Rồng, chợ Mỹ Tho... Ghé vào một quán nước nghỉ ngơi, vô tình tôi được chủ nhân chỉ cho một căn nhà nhỏ thụt vào trong một con hẻm kế con lộ chính là nhà mà ngày xưa nhà thơ bất đắc chí Trần Tế Xương cư ngụ. Tôi tò mò đến đứng ngoài đường nhìn vào trong. Căn nhà cũ quá là cũ, có gác lửng bằng gỗ, sân gạch lỗ chỗ, mái ngói âm dương rêu phong chen lẫn với màu ngói mới vá víu. Tôi chẳng rõ bây giờ ai đang ở đây. Nhưng tự dưng, lòng bồi hồi khó tả. Đầu óc bỗng vang vang hết câu thơ này đến câu thơ khác, chợt nhớ chợt quên, của người thi sĩ một thời nào xa lơ xa lắc. Tôi ngậm ngùi nghĩ đến ông, rồi nghĩ lại thân thế mình hiện tại, lòng cảm xúc.
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Chúng tôi đạp xe qua nhà máy dệt nổi tiếng, vượt cây cầu treo, đi lòng vòng ở khu ngoại ô thành phố Nam Định. Hễ thấy nơi nào có cơ quan, xí nghiệp hay hợp tác xã có đất rộng, không có hàng rào vây quanh là chúng tôi ghé vào. Công việc thuyết khách không dễ dàng, trơn tru như mình vẫn tưởng. Có nơi chúng tôi được đón tiếp khá lịch sự, nhưng cũng có nơi, chúng tôi gặp phải những cái nhìn dửng dưng, lạnh lùng, không mấy thiện cảm. Có một tay thủ trưởng cơ quan nọ còn hỏi móc chúng tôi: "Mấy ông thực sự là cán bộ hay dân chạy mánh?"
Ngày đầu trôi qua trong thất vọng. Đến xế chiều, chúng tôi quyết định đi Thái Bình. Qua phà Tân Đệ, chúng tôi tàng tàng đạp xe đi về phía tỉnh lỵ Thái Bình. Phải nói con đường nhựa dẫn về Thái Bình đi qua những vùng khá đẹp. Cây cối xanh tốt, sông nước trong xanh, đồng lúa rợp ràng. Nghe nói, đây là tỉnh tương đối sung túc nhất miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Dọc đường, chúng tôi gặp nhiều hợp tác xã, xí nghiệp ở hai bên đường. Trời ngả về chiều. Chúng tôi ghé vào vài chỗ, nhưng nơi nào cũng sửa soạn ra về. Đến gần tỉnh lỵ, thấy một xí nghiệp thu mua tơ tằm còn mở cửa, chúng tôi ghé vào. May mắn sao, chúng tôi được gặp ngay tay cán bộ tài vụ. Anh ta tiếp chúng tôi vui vẻ và tỏ ra vồ vập với việc rào thép gai cho xí nghiệp. Tiếc thay, bàn bạc chưa được bao lâu thì trời tối. Chúng tôi xin phép được ngủ qua đêm tại xí nghiệp để ngày mai bàn tiếp. Tay cán bộ đồng ý ngay. Nhưng khi hỏi giấy tờ để dăng ký tạm trú, chỉ có Cương có Chứng Minh Nhân Dân, còn tôi thì không có Chứng Minh Nhân Dân (vì chưa được cấp quyền công dân), chỉ có giấy giới thiệu của Hợp tác xã. Thực ra, tôi có mang theo giấy ra trại (tức lệnh tha), nhưng không đưa. Vả lại có đưa cũng không ích gì, lại gây thêm thành kiến. Thế là chúng tôi đành phải ra đi. Không có CMND, thuê khách sạn cũng không được. Cuối cùng, chúng tôi chỉ còn một cách là lang thang ngoài đường cho qua đêm. Đi loanh quanh một hồi, đến khuya, chúng tôi về trụ tại công viên trung tâm thị xã Thái Bình. Chúng tôi cột hai xe đạp lại với nhau, lấy ni lông trải trên cỏ, ôm nhau ngủ dưới trời sương. Sao chẳng thấy công an lại hỏi. Và cũng may mà không có cơn mưa giông nào trong đêm.
Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại xí nghiệp tơ tằm. Có lẽ vì đêm trước tôi chẳng có giấy tờ gì khiến tay cán bộ nghi ngờ, nên thay vì tiếp đãi, anh ta đổi hẳn thái độ, thẳng thừng từ chối đề nghị của chúng tôi. Suốt ngày hôm đó, chúng tôi kiên nhẫn đi vòng vòng quanh thị xã. Trời không đến nỗi phụ lòng. Đến chiều, chúng tôi ký được một hợp đồng với sân đá bóng tỉnh lỵ. Sân bóng cần rào thép gai để ngăn cản những người không có vé leo lậu vào xem. Đêm đó, chúng tôi được phép ngủ lại tại nhà khách Sở Thể Dục Thể Thao Tỉnh. — đây, không ai hỏi han giấy tờ gì cả. Sáng hôm sau, thay vì tiếp tục đi quanh Thái Bình, chúng tôi đón xe về huyện Quỳnh Phụ theo lời giới thiệu của Giám Đốc Sở Thể Dục Thể Thao. Chúng tôi ở đây thêm năm ngày, ký được thêm ba hợp đồng nữa.
Thấy đã tạm đủ cho một chuyến đi, chúng tôi trở về lại Thạch Hà.
Vó xem xong mấy bản hợp đồng, kêu lên:
"Giá cả thế này mà ký làm gì?"
Tôi ngạc nhiên:
"Thì giá cao hơn giá mình ký ở đây mà!"
Vó giải thích:
"Anh xem, từ Huế ra Thái Bình, đoạn đường gấp ba lần từ Huế ra đây. Nào phí chuyên chở, nào phải qua thêm ba cái phà mắc dịch. — đây, ta có chỗ ở miễn phí. Ra ngoài đó, phải ở khách sạn, chi phí nhiều hơn, công nhân khó kiếm. Nếu đem công nhân từ Huế ra cũng phiền. Đây ta ký 25 đồng một mét, ngoài đó phải 50 đồng mới làm nổi. Anh chỉ ký có 27 đồng thì làm sao mà làm cho được. Mấy ông dở quá."
Vó rút cặp ra, đưa cho tôi xem hai cái hợp đồng rồi nói:
"Xem, tôi ở đây ký được hai cái: một ở Đồng Lộc, một ở Nghèn. Cả hai đêu không xa đây bao xa, chừng 20 cây số. Trường cấp ba Đồng Lộc, 27 đồng/mét. Đội Máy Kéo ở Nghèn, 32 đồng/ mét.
Tôi và Cương chặc lưỡi, thán phục:
"Ông tài thật. Làm sao mà hay vậy?"
Vó không trả lời, mà hỏi cách thức chúng tôi liên hệ ký hợp đồng ở Thái Bình ra sao. Chúng tôi mô tả chi li mọi thứ. Nghe xong, Vó cười ngất:
"Mấy ông nên nhớ một điều: đối với thủ trưởng, thủ phó, kế toán, tài vụ, thủ kho, kể cả bí thư đảng ủy, điều quan trọng không phải là hàng rào thép gai bảo vệ xí nghiệp, cơ quan như thế nào, mà họ sẽ được chia chác ra sao sau khi ký hợp đồng."
Cương nói:
"Tụi em có đề cập với họ rồi, mà trông bộ họ chẳng quan tâm."
"Đề cập ở đâu? Trong văn phòng phải không?"
"Chứ đâu nữa." Tôi bảo.
Vó lại cười ngất:
"Trời! Chuyện đó làm sao lại bàn ở văn phòng được. Phải bàn ở trên bàn nhậu, các ông hiểu chưa? Nhậu ở nhà hay phải ở một nơi hết sức kín đáo. Phải "một hai ba, vô, vô, vô, thủ trưởng." Phải say mèm với nhau rồi mới nói chuyện tình nghĩa được. Sau đó mới bàn đến hợp đồng. Các ông thật đúng là "chưa thông thời vụ" mà đã đi ký hợp đồng. Thôi được, đây là bài học đầu tiên..."
Im lặng một lát, Vó lên giọng triết lý:
- Ra làm ăn ngoài này, mà ở trong mình cũng thế thôi, các ông nhớ cho tôi ba câu: "Thủ kho to hơn thủ trưởng," "Đầu tiên là tiền đâu," "Tiền bạc đi trước, mực thước theo sau."
*
Nghiệm thu xong việc rào thép gai ở bệnh viện Thạch Hà, chúng tôi trở lại Huế và chuẩn bị cho chuyến ra Bắc lần thứ hai. Lần này, đi gấp, làm giấy tờ không kịp, chúng tôi phải mượn đỡ giấy phép của một chủ thầu khác để đi cho kịp ngày. Lần này, chúng tôi thi công hai chỗ. Trước hết, chúng tôi đến Đồng Lộc. Trường cấp ba Đồng Lộc cách quốc lộ khá xa, về phía núi. Chúng tôi đi ngang qua một địa điểm khá nổi tiếng thời chiến tranh: ngã ba Đồng Lộc. Những ai ở lại Việt Nam sau ngày 30/4/75, chắc không ai không nghe bản nhạc của Trần Văn Tý (tác giả bài Dư Âm độ nào) "Ai Đi Mô Cũng Nhớ Về Hà Tĩnh," trong đó hầu như địa danh đặc biệt nào của cái tỉnh nghèo nàn này cũng đều được đưa vào: sông Lam, núi Hồng Lĩnh, Đồng Lộc, Khe Giao. Theo lời yêu cầu của tôi, tài xế lái xe cho ngừng lại ở ngã ba Đồng Lộc. Có hai con đường đất rẽ về hai nơi: một về Đồng Lộc, một về Khe Giao. Ngay tại ngã ba, tôi thấy một tượng đài đã sụp đổ, hư hỏng, còn trơ lại hai cái cột trụ và tấm bảng tên bảy người con gái, chữ đã mờ theo năm tháng. Mấy cô là thanh niên xung phong bị tử trận tại đây vì trúng bom hồi còn chiến tranh. Dân ở đây cho biết, tượng đài này được xây qua loa đâu thời còn chiến tranh, tự động sụp đổ. Bao nhiêu năm rồi, không có ai quan tâm xây dựng lại. Có lẽ vì khi chiến thắng rồi, cái chết đó chẳng còn cần thiết khai thác về mặt tuyên truyền, nên người ta làm lơ cho khỏe, để dồn vào việc khác lợi ích hơn: rào thép gai chẳng hạn! Đứng trước bức tường đổ, tự dưng tôi ngậm ngùi tự hỏi: các cô đã chết cho cái gì?
Công trình ở Đồng Lộc nhỏ, chỉ kéo dài trong vòng hai tuần. Cương với tôi coi sóc, còn Vó đi Nghệ An chạy chọt hợp đồng. Hai tuần ở đây thật dài lê thê! Đồng Lộc nghèo nàn, heo hút quá! Tôi có cảm giác đây là một vùng đất đã bị bỏ quên từ lâu. Nhà lưa thưa, cây cối lưa thưa. Chiều chiều, bên khuôn cửa sổ loang lổ của ngôi trường, tôi lặng lẽ đứng nhìn một cặp vợ chồng kéo cày thay trâu trên cánh đồng cằn cỗi -- điều mà trước đây trong Nam, tôi vẫn cho chỉ là trò tuyên truyền chính trị ấu trĩ của Bộ thông Tin VNCH. Rảnh rỗi, tôi thường đạp xe đạp quanh làng, vào xóm, ghé thăm vài nhà lân cận trò chuyện. Người dân ở đây cam phận một cách hồn nhiên. Thanh niên trông có đợt nghĩa vụ quân sự để đăng ký đi. Đó là cách duy nhất được thoát khỏi vùng đất buồn bã này. Ra biên giới phía Bắc cũng được. Nếu vào được trong Nam thì quá sức may mắn. Theo tôi, có lẽ đây là trở ngại lớn nhất cho bất kỳ cuộc vận động dân chủ nào ở phía bắc. Dân trí quá thấp. Nhân dân ở đây cũng như ở nhiều vùng nông thôn khác miền Bắc, hết bị kềm kẹp bởi chế độ phong kiến, đến thực dân, rồi chuyển qua cộng sản. Họ gần như mất hết khả năng đề kháng và hoàn toàn chẳng có ý thức nào về tự do dân chủ. Họ sợ cán bộ đảng viên như sợ ông thần. Nói chuyện khi nào cũng giữ mồm giữ miệng.
Tình hình kinh tế như vậy, nên ngày hai buổi chúng tôi chỉ ăn canh rau muống nấu nước muối cộng thêm một muỗng bột ngọt. Cá không có, vì quá xa biển. Thịt thì quá hiếm. Trâu, bò là tài sản của hợp tác xã, dùng để làm sức kéo. Heo, dù nuôi trong nhà, nhưng giết thịt cũng phải báo cáo, xin phép. Gà vịt thưa thớt, chỉ dành trong các dịp kỵ giỗ, lễ lạc, tết. Lâu lâu thèm thịt quá, cán bộ và dân ngầm thỏa thuận với nhau, lừa cho con trâu hay bò sập hầm để có cớ giết thịt, chia nhau. Không có chợ. Chợ phiên ở đây họp một tháng một lần, gần ngã ba Đồng Lộc. May mắn là trong hai tuần ở đây, chúng tôi gặp được một phiên chợ. Cương đi chợ mua được con vịt, ít ruốc, chai nước mắm, hai lít rượu sắn mang về. Chủ và thợ nhậu một bữa đã đời. Tôi tưởng như mình đang sống ở một thời nào vào thế kỷ trước hay xa hơn nữa. May mà, tay cai trường, vốn bộ đội phục viên, có tậu được cái đài (radio) hiệu Sony đâu hồi đi công tác trong Nam. Anh ta ưa mở đài Hoa Kỳ (VOA), đài BBC để nghe nhạc vàng, nghe tin tức nên cũng đỡ buồn. Nhất là dịp này đang là mùa tranh cúp bóng đá quốc tế ở Tây Ban Nha.
Hoàn thành xong công trình ở đây, tôi như trút bớt đi được một gánh nặng. Thi công công trình có lời, vì đám cán bộ xã ở đây ít vòi vĩnh, có chia chác biếu xén chút ít là đủ. Nghiệm thu dễ, khỏi sửa đi sửa lại. Rời Đồng Lộc, chúng tôi trở ra Nghèn.
*
Nghèn là một thị trấn nhỏ trên quốc lộ 1, nằm ngay ở một ngã ba, nên người ta thường gọi là ngã ba Nghèn. Nghèn ở khoảng giữa đường từ thị xã Hà Tĩnh đi Vinh, cách dãy núi Hồng Lĩnh chừng 12, 13 cây số. Nơi đây có quán ăn, có bệnh viện, nhiều quán nước, một nhà khách dành cho khách vãng lai. Tóm lại, Nghèn khá đông vui so với nhiều nơi khác. Nơi chúng tôi thi công là Đội Máy Kéo của huyện. Vòng rào dài hơn ba cây rưỡi số nằm kế đường lộ. Thủ trưởng kiêm bí thư đảng ủy đơn vị này là một kỹ sư, tính tình hiền lành, ít xông xáo, dáng dấp tương đối nho nhã. Mọi việc thường do tay tài vụ quyết định. Tay này thuộc loại "hạm" nặng, thủ đoạn, ưa vòi vĩnh. Mãi sau này, chúng tôi mới rõ là Đội Máy Kéo này đã được nhiều chủ thầu và dân chạy mánh hợp đồng chà đi xát lại nhiều lần, nhưng chịu không nổi với tay tài vụ này, nên nhả ra. Chẳng biết Vó có biết điều đó trước hay không, tôi không rõ.
Vì công trình ở đây tương đối khá lớn, nên khác với hai công trình kia, chúng tôi không thuê người địa phương, mà tuyển công nhân từ Huế mang ra. Ăn uống công nhân tự lo. Chúng tôi chịu phương tiện di chuyển. Mười người đi tàu chợ ra ga Vinh rồi bắt xe bộ đội đi về Nghèn. Xí nhgiệp dành cho công nhân một phòng để ăn ở, sinh hoạt. Bọn chủ thầu chúng tôi cũng được dành cho một phòng nhỏ. Nhưng thường thường chúng tôi thích ra ăn ở tại quán nước ngay đầu ngã ba. Chủ quán cũng là một trung úy bộ đội phục viên (tôi để ý: hầu hết các quán nước ngoài này đều là dân bộ đội phục viên). Anh ta còn khá trẻ, trên 30. Tính tình rộng rãi, giao thiệp rộng, chịu chơi. Anh ta có chiếc honda dame, thỉnh thoảng chúng tôi cần mượn đi, anh ta cũng sẵn sàng. Bù lại, anh ta hầu như câu được bọn chúng tôi làm khách hàng. So với dân địa phương, bọn tôi rất chịu tiêu xài: sáng trà móc câu, mì gói, tối rượu, nhậu nhẹt tưng bừng. Thuốc lá loại sang: Samit, No 1 (thuốc ngoại nhập, một gói năm đồng).
Chẳng biết anh ta có phải là dân công an gài để theo dõi chúng tôi không, nhưng anh ta rất bạo mồm bạo miệng, ưa nói xấu chế độ. Giữa chỗ đông người anh ta nói búa sua. Buổi chiều, sau khi cơm nước xong xuôi, công nhân của tôi ưa tụ về đây nhận nhẹt, hát hò. Thanh niên địa phương thấy chúng tôi vui vẻ nên kéo tới nhập bọn, vì chuộng phong thái thoải mái của dân miền Nam. Hơn hai tháng thi công ở đây, hầu như tối nào, quán của Chiến cũng huyên náo. Một công nhân có mang theo cây đàn. Thế là kẻ đàn, người hát, thằng thì phụ họa. Toàn là nhạc vàng, lại nhạc lính cộng hoà vì hầu hết bọn họ đều đã từng là lính trước 1975. Nhìn không khí này, tôi cứ mải bồi hồi. Loại nhạc vàng, nhất là nhạc lính, hoàn toàn bị cấm nghiêm ngặt ở trong Nam, vặn nghe trong nhà còn sợ huống gì hát giữa chốn công cộng. Thế mà ở đây, lại được hát thoải mái, hát thả giàn. Hát rồi còn bày cho thanh niên địa phương hát, hoặc chép lại cho họ mang về nhà tập.
Nghèn là một khu vực đang phát triển, hiểu theo cả nghĩa tốt lẫn nghĩa xấu. Dân ở các vùng xa tụ về đây mở quán xá, chiếm đất làm nhà. Một vài công trình đang tiến hành xây dựng như khách sạn, công ty thu mua lâm sản. Tất nhiên không thể thiếu đám ma cô, đĩ điếm. Địa phương có. Hải Phòng vào có. Vinh sang có. Chập choạng tối, nếu ta thấy bên vệ đường có một bóng người lẻ loi với chiếc nón lá trăng trắng cầm tay, thì đúng là chị em ta đang hành nghề. Ngoài này, không có nhà chứa, nên chị em ta thường đón xe dọc đường để đi khách ngay trên xe. Cũng có một số khác làm ăn quanh quẩn trong vùng. Để tránh bị phát hiện, mấy nàng ít khi công khai đứng gần nói chuyện với khách. Qua một vài dấu hiệu trao đổi, hai bên hiểu ý nhau, nàng lặng lẽ đi trước. Khách lặng lẽ theo sau. Đến một đoạn đường vắng nào đó, thấy yên, nàng rẽ vào một lối mòn ở bên đường, rồi cứ thế lần mò trong bóng tối đi sâu vào phía trong. Đến một bờ suối, một gốc cây hay một chỗ nào thuận tiện (được nghiên cứu từ trước), nàng sẽ rút trong túi áo ra một tấm ni lông, trải trên mặt đất sỏi đá lỗ chỗ, lấy đôi dép và chiếc quần làm vật gối đầu, rồi nằm xuống chờ đợi. Nếu khách thích thì cùng nằm xuống. Một lát sau xong xuôi, nàng sẽ cho giá. Khách lặng lẽ rút tiền trao, rồi đi. Lắng nghe động tịnh một hồi, thấy yên, nàng trở dậy, thu xếp mọi thứ, lần mò theo lối cũ, trở ra đường lộ. Im lặng tuyệt đối! Mấy nàng rất sợ công an, tất nhiên.
Chúng tôi cũng thế, ngay ngáy lo mấy cậu công nhân đi chơi bời lạng quạng bị công an bắt thì phiền, ảnh hưởng đến việc làm ăn. Nhưng đó là lúc đầu. Sau này tôi mới biết, công nhân của tôi chẳng thèm đi với gái làng chơi, mà chỉ thích quan hệ với mấy cô gái nhà lành, đặc biệt là với mấy bà có chồng đi bộ đội. Điều này lại càng làm chúng tôi lo lắng thêm. Có gì đổ bể ra, thì chuyện phiền hơn nữa. Cũng may, không có gì. Sở dĩ có tình trạng đó là vì quan hệ trai gái ở miền Bắc tương đối dễ dãi. Nhiều bà có chồng ở một bên mà vẫn tìm cách hẹn hò với trai tỉnh bơ. Đàm tiếu thì có đàm tiếu, nhưng lên án gay gắt, hoặc cô lập thì ít thấy. Rốt cuộc, rồi đâu êm đấy. Có trường hợp một ông chồng cán bộ đi công tác xa về bắt gặp vợ nằm ngủ với trai. Mà trai lại là ông bạn hàng xóm ở cùng khu tập thể. Ông ta la lối, kiện tụng rùm beng. Nhưng không hiểu dàn xếp cách nào rồi thấy cũng êm. Về sau, tôi gặp cả hai vợ chồng cùng đi với nhau, cười nói, vui vẻ cả làng.
Đội Máy Kéo nằm kế bên một đơn vị xây dựng lưu động. Đơn vị này đặc biệt ở chỗ chỉ gồm toàn nữ, cỡ 17, 18 tuổi xuân mơn mởn. Hầu hết đều chưa chồng. Đội trưởng là một cô gái mập mạp, mạnh khỏe, vui tính tên là Tám. Công việc của mấy cô là xây nhà, làm đường, xây cầu -- tóm lại là những việc nặng, công việc vẫn thường dành cho đàn ông. Tôi quan sát mấy cô làm việc nhiều lần. Dưới cái nắng mùa hè chang chang, các cô lấy khăn trùm kím mặt mày tay chân, chỉ chừa hai con mắt, rồi thì bưng, vác, xách, kéo xe, trộn vữa, lợp nhà, đào móng... Mệt thì thôi, nếu có nghỉ ngơi đôi chút là chuyện trò như bắp rang. Toàn là chuyện tiếu lâm, hoang nghịch hết chỗ chê. Hoang nghịch đến độ ngay cả những công nhân giang hồ lì lợm của tôi cũng chào thua, tránh đi chỗ khác, không dám đứng nghe. Có lẽ đội xây dựng nữ là một trong những đặc điểm của xã hội miền Bắc thời đó. Các cô được thúc đẩy bình quyền với nam giới bằng cách lao động như nam giới. Nhiều cô được tuyên dương là anh hùng vì những thành tích mà đôi khi chính nam giới cũng lắc đầu le lưỡi, không làm nổi. Số phận mấy nữ anh hùng về sau thường hẩm hiu: khó kiếm chồng. Thành tích và những chiến dịch tuyên truyền qua đi, để lại cho các cô những nỗi ngậm ngùi về sau. Hồi còn ở Việt Nam, tôi có đọc một truyện ngắn khá cảm động đề cập đến những người đàn bà lỡ thời, ngày xưa đã từng đoạt danh hiệu cao quý là anh hùng lao động hoặc anh hùng chống Mỹ. Họ sống hẩm hiu không phải chỉ trong sự quên lãng của mọi người, mà cả trong sự quên lãng của chính họ. Đám công nhân của tôi và các cô xây dựng cũng có giao dịch qua lại, nhưng lạ là, không có cặp nào dính. Mấy ông thợ miền Nam chê mấy cô "phốp pháp" quá, mà ăn nói thì cũng bạo quá, mất duyên.
Quản lý thực sự mấy cô gái này là một cô gái khác. Cô tên Duyên, kỹ sư xây dựng. Tôi cũng không rõ cô là kỹ sư thật hay là "hàm" kỹ sư như một số người mà tôi được biết. Cô trên 30 tuổi, còn độc thân. Khác với mấy cô công nhân xây dựng, Duyên ăn nói điềm đạm, thái độ có vẻ học thức, đôi khi tỏ ra hơi kênh kiệu. Cô ta ít khi đùa. Khi xử lý công việc, thái độ cô nghiêm nghị đúng phép. Mấy cô công nhân bướng bỉnh là thế, nhưng trông bộ cũng sợ cô thủ trưởng này ra phết! Tất nhiên, cô ta không đẹp. Bọn tôi nhiều lần lân la trò chuyện, mục đích không phải là tán tỉnh, mà là dụ cô ta xin tài khoản rào thép gai. Cô ta lịch sự từ chối với lý do: chỉ có thủ trưởng cô mới có quyền quyết định, mà thủ trưởng thì ở Vinh.
Riêng cá nhân tôi, thấy cô còn trẻ, lại có học, tôi thích qua cô, tìm hiểu tâm tình của thanh niên miền Bắc -- lúc đó, đối với tôi, vẫn còn là một ẩn số. Họ có thực sự thích chủ nghĩa cộng sản hay không? Họ có ghét chế độ miền Nam đến mức nào? Họ có biết gì về dân chủ không?... Lúc đầu, trông bộ Duyên nhìn tôi bằng nửa con mắt, có lẽ vì nghĩ rằng, tôi là một thứ "ngụy" nào đó ở trong Nam ra mánh mung kiếm tiền. Nhưng sau một đôi lần trò chuyện, Duyên thay đổi thái độ. Cô cởi mở, nói chuyện, trao đổi với tôi khá nhiều chuyện về cuộc sống, lý tưởng và mơ ước, đặc biệt là hỏi tôi rất nhiều điều về cuộc sống ở trong Nam. Nói chung, Duyên cũng như tôi đều muốn đối chiếu giữa tuyên truyền và thực tế, giữa lý thuyết và những điều có thể thực hiện. Tôi không dấu lý lịch của mình. Duyên nói:
"Nhiều đứa trong bọn em, trong chỗ riêng tư, vẫn thường trao đổi với nhau về các anh, các chị trong Nam. Em tin là tình cảm đối với quê hương tổ quốc, Nam Bắc gì cũng giống nhau thôi. Có điều, mình ở chế độ nào thì mình phục vụ cho chế độ đó. Em chưa có dịp vào Nam, nhưng qua lời kể, qua phong cách của một số người trong Nam em gặp, càng ngày em càng tin rằng mình nghĩ đúng."
"Em có đọc sách báo trong Nam không?"
"Có, một đôi cuốn. Bạn cho mượn."
"Em cảm thấy thế nào?"
Duyên phân vân:
"Đọc còn ít quá, mà lại chỉ là mấy tờ tạp chí cũ, đâu thời 60. Nếu có dịp vào Nam, thế nào em cũng tìm đọc thật nhiều."
Duyên cho tôi biết lai lịch của cô. Cô là đảng viên. Để được vào đảng, cô đã phấn đấu rất căng trong một thời gian dài. Lý do: cha cô là con địa chủ. Còn mẹ cô vốn là công an, bị đuổi việc vì không chịu dứt bỏ mối tình với một kẻ mà chế độ quy cho thuộc thành phần xấu. Tôi nói:
"Trường hợp em cũng lạ. Nghe nói, muốn vào đảng phải có lý lịch ba đời vô sản mà?"
"Đúng thế. Nhưng cũng có biệt lệ. Em được vào đảng là nhờ thời gian chiến tranh. Lúc đó, những hành vi anh hùng có thể tạm thời che được lý lịch. Vả lại, nhà nước... cũng cần... cũng cần... điển hình để động viên. Hồi đó, đi học ở trường em khổ tâm lắm. Bị mặc cảm thuộc giai cấp địa chủ. Mẹ em khuyên ráng phấn đấu để chuộc lỗi cho mẹ."
"Như thế là cô đã chuộc được rồi nhé!"
"Em không nghĩ thế. Ồ... mà thôi."
"Em có được tin cậy không?"
Duyên xuống giọng:
"Em cũng chẳng rõ nữa. Mà cũng chẳng cần. Mình lo làm mình ăn."
Có lần, Duyên thú thật với tôi:
"Anh biết không, em nghe nói ông nội em còn sống ở trong Nam. Ông bỏ trốn vào Nam năm 1954."
"Bố em không vào tìm sao?"
"Có. Nhưng chưa gặp được."
"Em có mơ ước gì không?"
"Có."
"Gì?"
Cô gái thở nhẹ:
"Vào Nam."
Một đêm, trời mưa dữ dội. Tôi ghé qua chỗ Duyên chơi. Hôm đó là cuối tuần. Mọi công nhân của cô đều đã "cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ, thồ gạo" (*), nghĩa là về nhà hết. Chỉ một mình cô kỹ sư thủ trưởng ở lại. Tôi cũng thế. Công nhân tôi, đứa xin vào Huế, đứa đi Vinh chơi. Duyên tiếp tôi ngay trong phòng cô. Đó là một căn phòng nhỏ, gọn, nằm kế phòng làm việc của cô. Một cây đèn dầu Trung Quốc vừa đủ chiếu sáng căn phòng. Phòng tươm tất, gọn gàng. Một cái giường tre trải chiếu, bên trên phủ thêm tấm "ra" bằng vải hoa, có lẽ loại vải hoa Chợ Lớn. Một chiếc chăn mỏng Liên Xô màu xanh nhạt. Chiếc gối thêu. Cái bàn nhỏ bằng gỗ tạp, đặt kế cửa ra vào, có để vài đồ trang điểm. Tấm tranh phong cảnh Liên Xô treo cuối phòng. Tường dán vài tấm ảnh, có lẽ cắt từ tờ báo ảnh Trung Quốc. — góc phòng là cái bếp dầu nhỏ cùng với chén, đũa, soong, chảo. Duyên ngồi ở giường. Tôi ngồi ở chiếc ghễ đẩu nhỏ đặt cạnh bàn. Bên ngoài trời mưa mỗi lúc mỗi dữ dội. Đài báo một cơn bão lớn sẽ đổ bộ vào Nghệ Tĩnh khuya nay. Tôi hỏi đùa:
"Em nghĩ có điều gì không ổn khi anh vào nhà em vào giờ này?"
"Chắc không."
Chúng tôi bắt đầu trao đổi vu vơ chuyện này, chuyện nọ. Chẳng ai đề cập đến cơn bão đang đe dọa mỗi lúc mỗi dữ dội ở bên ngoài. Thú thật, đầu óc tôi đầy những ý nghĩ đen tối. Vừa nói chuyện, tôi vừa nhìn chăm vào cô gái. Duyên mặc một cái áo sơ-mi trắng, quần kaki nội hóa. Chân mang dép nhựa cán bộ. Tóc bới cao, kiểu mấy bà cụ già miền Bắc. Duyên nói chuyện, nhưng tránh nhìn thẳng vào tôi, hai tay vân vê mép tấm ra giường, hai bàn chân chồng lên nhau, ngọ ngoạy liên tục.
Câu chuyện dần dà đứt khoảng, ý tứ không liên tục. Thỉnh thoảng, cả hai đều im lặng, cái im lặng ngồn ngột, bứt rứt, và đầy dụng tâm. Trời khuya dần. Gió mạnh, đập liên hồi trên mái nhà, đánh rầm rầm vào cửa sổ. Duyên thỉnh thoảng sờ tay vào cái chốt cửa để thử xem có gì không, rồi lại ngồi xuống chỗ cũ, im lặng, vẻ bần thần. Lợi dụng một cơn gió mạnh tống vào cửa, tôi đứng dậy đến bên chỗ Duyên, ngồi xuống một bên, hỏi qua hơi thở đứt quãng:
"Em sợ không?"
Duyên lắc đầu. Tôi xích lại gần cô một chút. Cô ngồi yên, không tỏ dấu gì phản đối. Tôi đặt tay trên vai cô, bắt đầu vuốt tóc. Duyên vẫn ngồi yên, mắt nhìn chăm vào tấm ảnh treo phía trước. Tôi táo bạo đặt một nụ hôn vào tóc cô, rồi đột ngột kéo cô vào lòng, hôn tới tấp trên má, trên ngực cô. Người cô như mềm ra, hai tay chấp chới, quờ quạng vu vơ, cố không ôm lấy tôi. Cô để yên cho tôi hôn. Nhưng khi tôi để tay trên đùi cô, đột nhiên cô phản ứng. Cô đẩy hẳn tôi ra, ngước mắt nhìn tôi, nói một câu chắc nịch:
"Anh có gia đình rồi nhé!"
"Không đúng. Ai nói với em vậy?"
"Em biết. Cỡ tuổi anh ở trong Nam nhất định là đã có gia đình rồi."
Tôi cười bả lả, chống chế:
"Ấy vậy mà anh thì khác."
Rồi bịa chuyện:
"Anh có vợ rồi thật. Nhưng vợ con anh vượt biên đi Mỹ từ khi anh còn ở trại cải tạo kia. Xem như bỏ anh vậy."
Duyên dứng dậy, giọng cương quyết:
"Em không tin. Mấy ông trong Nam khó tin quá. Thôi đủ rồi, về đi anh. Có dịp, ta sẽ trở lại bàn tiếp. Bão lớn rồi đấy. Không chừng nhà anh sập cả."
Tôi nói một câu vớt vát:
"Bão thế này, làm sao em ở một mình được?"
Duyên nói dứt khoát:
"Em lo được."
Thực ra, lúc này, tôi cũng chẳng còn muốn ở lại. Tôi băng ngang gió bão, đi về chỗ ở của mình.
*
Cơn bão số tám đổ bộ vào Vinh năm đó (1982) tàn phá nặng nề Hà Tĩnh và Nghệ An. Cây cối hầu như đổ hết. Mùa màng hư hại nặng nề. Tàu bị lật. Toàn bộ hệ thống điện của thành phố Vinh mới được Cộng Hòa Dân Chủ Đức (Đông Đức) giúp xây dựng, bị hỏng hoàn toàn. Các căn nhà của Đội Máy Kéo và Đội Xây Dựng bị tốc mái. Cây cối chung quanh bị trốc gốc, chẳng còn cây nào. Hai cây bạc hà đổ ngay trên hàng rào thép gai chúng tôi vừa rào xong, làm sập hẳn một đoạn. Tôi huy động công nhân dọn dẹp cây cối để sửa chữa lại. Và sau đó, mọi việc tiến hành bình thường. Ba ngày sau, Vó và Cương từ Huế trở ra. Theo thỏa thuận giữa chúng tôi với nhau, ba chúng tôi thay phiên nhau một người ở lại coi sóc việc thi công, còn hai người kia đi về Huế lo thu mua thép gai hoặc tìm kiếm hợp đồng. Về phía Đội Máy Kéo, cứ mỗi tuần một lần, đơn vị ứng trước cho một số tiền để thanh toán chuyện ăn uống và các dịch vụ khác. Theo hợp đồng, chúng tôi chỉ có quyền nhận tối đa là 70% tổng số tiền trước khi công trình hoàn tất. Số tiền còn lại sẽ được chuyển khoảng vào cho đơn vị chủ thầu ở Huế khi nghiệm thu xong. Thường thì chúng tôi cố gắng giao dịch làm sao nhận được số tiền mặt tối đa tại chỗ. Mọi việc tùy thuộc vào tay tài vụ. Vì thế, công việc của chúng tôi là ngày nào cũng phải ghé thăm tay tài vụ, khi thì tại nhà, khi thì tại sở, mời mọc thuốc men, rủ đi ăn sáng... Cuối tuần, trước khi anh ta đi ngân hàng rút tiền mặt, chúng tôi thường phải đãi anh ta nhậu nhẹt đã đời. Món ăn cao cấp ở đây là thịt chó. Rượu xịn phải là rượu gạo thứ thiệt mang từ Huế ra. Hồi đó, bia là thức uống chưa phổ biến, vì quá đắt. Nói là đãi tài vụ chứ thật ra, là đãi luôn cả khách khứa, bà con anh ta. Bữa tiệc ngoại giao giữa anh ta và chúng tôi đôi khi trở thành tiệc ngoại giao giữa anh ta và khách làm ăn của anh ta. Biết thế, nhưng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Chúng tôi chiều anh ta còn hơn là bà mẹ chiều đứa con độc đinh của mình. Ấy thế mà, tiền anh ta chi lại cho chúng tôi rất là nhỏ giọt chỉ vừa đủ thanh toán những việc lỉnh kỉnh.
Công trình chấm dứt sau chín tuần lễ thi công. Đêm trước ngày nghiệm thu, chúng tôi làm một tiệc lớn đãi quan chức trong Đội Máy Kéo. Tan tiệc, chúng tôi còn trao cho mỗi vị một bì thơ đựng tiền. Ấy thế mà hôm sau, khi đi nghiệm thu, tay tài vụ cầm thanh gỗ nặng đập vào một vài đoạn trên hàng rào thép gai. Một số cọc sắt khuỵu xuống, còn thép gai thì rụng lả tả từng đoạn ngắn. Không phải công nhân tôi làm ẩu, nhưng vì thép gai hầu hết đều rỉ sét, hư hỏng như thế. May mà anh ta chỉ thử một vài đoạn. Thực ra, chúng tôi biết ngay thâm ý của anh ta là muốn vòi vĩnh thêm. Vì thế, ngoài việc phải ở lại thêm một tuần nữa để sửa chữa, chúng tôi còn chi thêm tiền cho tài vụ. Rốt cuộc, mọi chuyện rồi cũng phải xong. Biên bản nghiệm thu được ký. Chúng tôi phủi tay ra về.
Chuyến này, chúng tôi lỗ nặng. Không phải do chi nhiều tiền hối lộ. Mà vì số tiền 30% còn lại của công trình không bao giờ được chuyển vào cho chúng tôi. Vó và tôi nóng ruột vào ra nhiều lần, quà cáp, ăn uống nhậu nhẹt với tay tài vụ. Nhưng anh ta cứ nay lần mai lửa không giải quyết được gì. Cho đến lúc anh ta bay chức vì tội tham ô, hủ hóa. Hồ sơ làm thép gai của chúng tôi ở Đội Máy Kéo đóng lại. Và riêng cá nhân tôi, sau đó, chấm dứt luôn nghề đi rào thép gai cùng với giấc mộng làm giàu của mình trong thời buổi không ai có quyền được làm giàu. Vì hết vốn!
*
Chuyện Duyên. Ngày vào lại Huế, tôi có đến chào Duyên. Duyên niềm nở tiếp tôi tại văn phòng. Chúng tôi nói chuyện với nhau y như thể chẳng hề có chuyện gì đã xảy ra giữa chúng tôi. Có lúc, tôi định nói với cô một lời xin lỗi trước khi ra về. Nhưng lại thôi. Lần sau nữa, ra lại Nghèn, định ghé thăm cô, thì đội Xây Dựng đã trở về Vinh. Duyên chắc cũng về đó.
Bây giờ, cô kỹ sư Duyên ở đâu sau 18 năm, kể từ dạo ấy? Vinh, Nghèn hay đã vào miền Nam như mơ ước? Thôi, ở đâu thì ở, xem như tôi có nợ cô một lời xin lỗi vậy. Nhưng lắm lúc, nghĩ cho cùng, chắc gì Duyên đã cho rằng tôi có lỗi!!!
Trần Doãn Nho
Tháng 7/1998