Cô gái mười chín và chàng trai hơn cô ba tuổi. Họ đang chung bước vào mùa hè nóng đầu đời. Họ yêu nhau.
Nơi thành phố miền tây này nàng ở xóm dưới, xóm có nhiều người Tàu, gần bờ sông, xa xóm học, nơi có những dãy nhà xây tường vách cũ kỹ, rêu phong. Ban ngày dưới những gốc phượng đầy cánh hoa đỏ tả tơi lũ bé gái nô đùa rần rần, còn lũ bé trai thì làm chủ trên những cành ô môi to đen, thậm chí trên cả những cành chùm ruột gầy còm xơ xác. Dọc một bờ tường có nhiều hàng quán lưu động, đám vô công rỗi nghề ngồi đánh cờ tướng, đám khác đánh cờ ca-rô bằng những mẩu phấn gạch ngang dọc trên mặt hè phố nứt nẻ.
"Bộ không sợ bóng đêm hả?"
Nàng cười rúc rích:
"Có anh, sợ gì."
Chàng trai chột dạ. Chàng cắn môi nghĩ đến tấm thân gầy còm của mình. Chàng tự hỏi quả mình có đáng là đối tượng cho niềm tin ấy? Rồi chàng quyết định không tự cho phép mình làm hư niềm tin của nàng.
Lát sau chàng lại hỏi:
"Không sợ cả bọn anh chị?"
Nàng không đáp, nhưng đi qua một ngọn đèn đường nàng có liếc nhìn chàng với nụ cười long lanh trong khoé mắt. Chàng hiểu. Chàng nhớ đến một câu thơ cổ Nhật Bản từng đọc đâu đó:
Tên cướp có thể giết người bằng lưỡi kiếm của y;
nhưng cô gái giết tên cướp bằng khoé mắt nàng.
Bộ ngực cô gái đầy đặn, ngon lành. Mái tóc dài thơm ngây ngây bay rối ren trong bóng đêm. Gió sông luồn lách qua những con hẻm. Không ai lạnh. Cô gái đuổi theo dư vị một giấc mơ, còn chàng trai lại kéo cao cổ áo như đang tơ tưởng đến mùi ngai ngái, mênh mang -- mùi hơi thở và da thịt thôn nữ trên rơm trên rạ. Sau cùng họ lặng lẽ gặp nhau ở mùi thân thể người tình. Cứ thế, lựa những lúc cô gái không hỏi, chàng trai khẽ huýt gió một bài tình ca. Chàng vui vui với ý nghĩ những ngày xa nhà chàng đã quen một cô gái miền tây xinh đẹp, lãng mạn, ngọt lừ. Chàng đang là nỗi ghen tức cho nhiều người, và biết đâu cho cả lũ thanh niên anh chị.
Nhưng có bao giờ cô gái cho phép chàng phủ phê nghĩ ngợi. Nhìn một thân cây, cô lại hỏi:
"Sanh đẻ ở đây mà sao lắm phen em lạ thiệt lạ với thứ cây này, thứ hoa này."
Chàng ngước nhìn. Nổi dưới trời sao là một tàn cây đen sẫm, lá to, hoa trắng ngần như chiếc bát sứ.
Chàng đáp:
"Magnolia - mộc lan."
"Mộc lan?"
"Sao?"
"Chưa từng thấy đó nha."
"Thì nó đó. Những đoá hoa như những cô gái béo trắng."
"Ghét gái mập ha!"
"Hồi nào. Gái mập đẻ ra mẹ loài người."
"Rồi gái ốm?"
"Đẻ ra cha loài người."
"Còn em?"
"Mát da mát thịt, đẻ ra con anh."
"Má nói có sai hồi nào."
"Sao?"
Cô gái lại cười rúc rích.
Chàng trai lập lại:
"Sao?"
"Trai Bắc kỳ xạo khỏi nói."
"Vậy ông già người chi vậy?"
"Người Tàu."
Một lát sau:
"Em đói?"
"Trời, hồi chiều má đổ bánh xèo làm một bụng cành hông."
"Lúc nào cho anh tới ăn bánh xèo đây?"
"Ý, đừng sảng chớ. Bả cạo đầu tui ạ."
Chàng trai đáp khẽ:
"Vậy thôi."
Hai người vẫn chậm bước song song. Tiếng guốc cô gái có lúc khua vang bất ngờ, có lúc lẹp kẹp như đứt quai. Còn tiếng giầy da của chàng trai gõ lộp cộp đều đều. Lòng phố đêm trả cho họ tất cả những âm thanh của họ.
Chàng trai lại huýt gió, rồi cô gái lại hỏi:
"Còn cái cây kia. Cây chi tím bầm tím ngắt vậy?"
"Jacaranda -- phượng tím."
"Lạ há, chưa từng nghe đó nha."
"Thì nó y chang cây phượng chỗ góc trường, không thấy sao. Lá xíu xiu, nhưng tháng tư tháng năm tháng sáu lá rụng hết để cây biến thành bó hoa tím lưng trời, tròn đầy như mâm xôi lá cẩm."
"Em sanh đẻ miền Tây mà sao... Ồ mà anh thấy nhỏ Lang lóng rày có chi lạ không?"
"Lạ là sao?"
"Nó biểu nó uống giấm thanh đó."
"Hát vọng cổ vẫn mùi."
"Ừa, nó văn nghệ quá trời, có điều nặng chi tới sáu chục ký. Mập quá. Kỳ quá anh há."
"Đó là mẹ loài người."
"Vậy chớ nó nhiều bồ lắm á."
"Không vậy sao làm mẹ loài người?"
"Nó biểu đời nó ghét có mỗi một chuyện..."
"Gì vậy?"
"Là không dám làm."
"Là sao?"
"Là nó dám làm."
"Mà làm gì?"
"Thì... yêu đương đó mà."
Cô gái lại cười rúc rích. Còn chàng trai không huýt gió nữa. Tới chỗ bờ tường là gần tới nhà cô gái. Ở đây chàng sẽ nhìn thấy một eo sông mà con nước nằm dưới trăng trông như bụng một con rắn vàng có chửa. Căn nhà hai tầng. Chàng không bao giờ biết được sân sau, chỗ tiếp giáp bờ sông có gì. Chàng chỉ biết con hẻm bên hông nhà có trồng nhiều chuối và nhãn, chuối cau chuối sứ và nhãn đàng hoàng, không phải chuối dại, nhãn dại như chàng vẫn thấy trên những lề đường nơi chàng ở. Có khuya từ nhà nàng về một mình, chàng còn nghe thấy tiếng dơi bay rào rào trong bóng tối như bay trong giấc mộng xa vời. Lách qua mấy gốc nhãn hai đứa sẽ vào nhà bằng ô cổng nhỏ bên hông. Luôn luôn nàng nhẹ bước vào trước như để lấy hương da thịt quen thuộc trấn áp trước mấy con chó dữ dằn. Chỉ khi nàng suỵt khẽ chàng mới vào theo. Giờ đó cha mẹ anh em nàng đã rút hết lên lầu. Chỉ nàng ngủ dưới nhà. Nàng chiếm một phòng nhỏ phía sau, chỗ gần bếp, có khung cửa sổ nàng có thể thò tay vào lấy chìa khoá giấu bên trong. Đêm nào cũng thế, hai đứa đứng tựa lưng vào khung cửa sổ tình tự trong bóng tối nhưng họ như vẫn thấy nhau rõ ràng. Nếu chàng thấy được nàng cố giấu trong cần cổ xinh đẹp trắng ngần nụ cười rúc rích quen thuộc, hay những sẵn sàng đón nhận trong bộ đồ bộ màu lam có thêu hoa cúc vàng tao nhã, thì nàng cũng thấy rõ trong tấm thân chàng sự ham muốn trổi dậy, toả bốc không sức nào ngăn giữ. Họ đã đứng đó, đã yêu nhau trong bóng tối quen thuộc thật nhiều đêm, nhiều lần.
Lại có tiếng rượt đuổi, rồi tiếng còi cảnh sát xa xa. Họ rời nhau ra như cái ngó sen ngắt đôi, nhùng nhằng tách biệt. Đó là lúc nàng không thể giữ được nữa tiếng cười rúc rích, và chàng cũng tự biết không nên nán lại thêm giây phút nào.
* * *
Một hôm chàng nói:
"Anh nhận giấy gọi rồi."
"Gọi chi?"
"Anh sẽ đi lính."
"Có vụ đi lính nữa sao?"
"Biết vậy đi, cứ biết chiến tranh và anh sẽ là một người lính."
"Rồi bỏ em hả?"
"Không, một thời gian anh về."
"Thiệt đó chớ?"
"Thiệt."
"Quay lại nghe, đừng bỏ tui ngang xương đó nghe."
Đêm nay chàng lại đưa nàng về. Chàng không nói đêm nay có thể là đêm cuối. Chàng mệt mỏi. Dừng chân ngoài mấy gốc nhãn chàng chỉ hôn nàng và nói:
"Đêm nay nóng quá!"
"Hè mà."
"Ừ, đang hè."
"Anh vô trỏng chớ?"
Chàng ái ngại. Quả thế, đó là lần đầu chàng thấy ái ngại cái bóng tối mênh mang, nơi ấy có cánh cửa sổ, có căn phòng bên trong tối om và chưa một lần chàng nhìn rõ đâu là chiếc giường từng đêm nàng ngả tấm thân mát da mát thịt, đâu là chiếc gối thơm tho mà chàng chắc rằng mỗi khi nhớ đến sự vụng dại của chàng nàng khó mà không rúc vào để giấu tiếng cười rúc rích trong đêm.
Chàng đáp:
"Không, anh về. Anh có việc."
Nàng ra chiều không ưng ý. Chàng hôn nàng lần nữa với bàn tay lục lạo ơ hờ. A lạ, hôm nay nàng húng hắng ho. Chàng hứa thầm nếu mai trở lại chàng sẽ mua cho nàng một hộp thuốc ho. Rồi chàng lặng lẽ quay ra hè phố vắng. Chàng ngước nhìn bầu trời đêm, trên ấy như có cái miệng vô hình táo tợn thổi xuống những hơi lửa chết người. Chàng mệt nhừ. Dưới những ngọn đèn mờ nhạt chàng vượt qua những hàng phượng và chùm ruột, những vỉa hè ban ngày có bọn nhàn rỗi ngồi đánh cờ, có bọn trẻ leo trèo phá phách, có những con hẻm chó sủa xa vắng vu vơ, có bọn anh chị đứng phì phèo thuốc lá và bụng chàng lại cồn lên chút lo lắng mơ hồ quen thuộc.
Xóm dưới đã xa rồi, xa lắm, chàng ngoái lại và không còn thấy gì. Chàng khẽ huýt gió. Giờ chàng đã bước tới khu phố đầy ánh sáng đèn. Cũng có nhiều cây nhưng không loại nào có trái ăn được như ở phía nhà nàng. Có những tiệm ăn sang trọng, sạch sẽ nhưng chàng chưa một lần ao ước. Chàng lại tự hỏi biết bao giờ chàng được đến chơi và được má nàng cho ăn món bánh xèo ưa thích. Thốt nhiên chàng nghe thấy tiếng cười rúc rích bên tai. Chàng ngoái lại. Rồi chàng ngậm ngùi lẫn kinh ngạc nhận ra đó chính là tiếng cười kỳ cục của chàng.
Chàng đã đi lố đến ba con hẻm. Khi không chàng rối trí. Mùa hè. Thành phố miền tây. Đúng mà, chàng đang đi dưới một đêm hè, trên một thành phố miền tây. Đã tới tiệm giầy Big 5 là quá hai lốc đường rồi. Chàng phải quay trở lại. Chàng đi qua góc đường số 5. Cửa tiệm thuốc tây Sav-on drugs còn mở khuya. Chàng dừng chân nhớ mình cần mua một món gì đó. A, chàng đã không tự hứa sẽ mua cho nàng một lọ thuốc ho đó sao. Nhưng chàng cứ đứng ỳ một chỗ, cho đến lúc bất thần chàng bắt gặp trong khung gương, chỗ đặt chiếc cân miễn phí, chân dung một người đàn ông đã trọng tuổi, mệt mỏi, bơ vơ -- thứ người đã xa xôi lắm với mùa hè dù đi dưới đêm hè.
Chàng quay lưng. Dưới bầu trời hừng nóng chàng tìm về nhà nơi con hẻm giữa đường số 5 số 6. Có tiếng mèo rượng đực. Chàng ghét tiếng mèo. Tiếng chó sủa khuya làm con hẻm thêm xa vắng, thênh thang; tiếng mèo làm nó thêm hút sâu, ngột ngạt.
Nén lắm mà chàng vẫn không thể không thốt một tiếng thở dài: Mới đó đã ba mươi năm!
Hà Thúc Sinh
Alhambra 6-94