có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 6 18, 2010

Ông Phan Thanh Giản là nhân tài đạo đức



Ông Phan-Thanh-Giản, có tên chữ là Tịnh Bá và Đạm, hiệu là Lương-Khê, biệt hiệu là Mai-Xuyên, sinh vào giờ Thìn, ngày 12, tháng 10 thuộc Hợi, năm Bính Thìn tức năm 1796 dương-lịch, thuộc đời vua Cảnh-Thịnh Nguyễn-Quảng-Toản (1792-1802). Con của Ông Phan-Thanh-Xáng, tự Văn-Ngạn, hiệu Mai-Thư tiên sinh, rất giỏi chữ nho, đến Vĩnh Long làm thơ lại cho Nam triều, thưòng lãnh nhiệm-vụ tãi lương-thực về Huế. Và con của Bà Lâm-Thị-Phần (có sách nói tên Lâm-Thị-Bút, người huyện Bảo-An). Ông nội của Ông Phan-Thanh-Giản là Ông Phan-Thanh-Tập tự Đào-Ấn hiệu Ngẫu-Cư tiên sinh và Bà nội là Bà Huỳnh-Thị-Học. Tổ tiên Ông là người Trung-Hoa đến cuối đời nhà Minh mới sang nước Việt-Nam, trước ở Bình-Định, đến lúc Tây-Sơn nổi dậy, thân sinh Ông chạy xuống Định-Tường, rồi đến xã Bảo-Thạnh, quận Bảo-An,Tỉnh Bến-Tre (Kiến-Hòa trước kia).

Lúc Ông được 7 tuổi, mẹ mất sớm, được người cha gởi sang bên ngoại ở làng Phú Ngãi, để ăn học vở lòng với nhà sư Nguyễn-Văn-Noa, đến năm 1816 Ông theo học trường tỉnh Vĩnh-Long. Việc học-hành của Ông lại gặp trở ngại, vì cha bị vu cáo nên bị ở tù tại Vĩnh-Long. Ông xin ở tù thay cha, nhưng không được chấp- thuận. Các quan thuở ấy thấy Ông nhỏ tuổi mà là một đứa con hiếu-thảo, lại có đức-hạnh và thông-minh, nên các quan nâng-đỡ cùng khuyên Ông nên cố-gắng học-hành để tiến thân.Năm Ất-Dậu 1825, Ông đâu Cử-Nhơn tại Gia-Định và năm sau ra Huế thi Hội và thi Đình, Ông đậu đệ tam tiến-sĩ đầu tiên tại Nam Kỳ (Khoa thi Hội năm 1826 có khoảng 200 cống sĩ, nhưng kết quả chỉ có 10 người đậu, gồm : 7 người ở Bắc-Kỳ, 2 người ở Trung-Kỳ và 1 người ở Nam Kỳ là Ông được đứng vào hạng thứ 3 trong số 10 người, cho nên được gọi Ông là "Đệ Tam Giáp Tiến Sĩ "). Sau đó, Ông cưới vợ Cần-Giuộc, rồi được bổ-nhậm chức Biên-Tu ở Hàn-Lâm-Viện kinh đô Huế, vài tháng sau đổi ra Quảng-Bình. Rủi thay người vợ trẻ ở Cần-Giuộc mất sớm vì bịnh, nên Ông tục-huyền với Bà Trần-Thị-Hoạch ở Quảng-Trị, sống chung nhau chưa bao lâu, để báo hiếu với cha, Ông cho vợ về Kiến-Hòa để phụng dưỡng cha già. Người vợ là người đức-hạnh nên buộc lòng hy-sinh việc "xuất giá tùng phu", nghe lời chồng, cho nên khi Ông khi tiễn đưa vợ hiền về Nam Kỳ đã làm bài thơ kiệt-tác như sau :

Từ thuở vương xe mối chỉ hồng,
Lòng nầy tạc dạ có non sông,
Đường mây cười tớ ham dong ruổi,
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng,
Ơn nước nợ trai đành lỗi bận,
Cha già, nhà khó cậy nhau cùng,
Mấy lời dặn bảo cơn ly biệt,
Rằng nhớ, rằng quên, lòng hởi lòng!.


Riêng bà Trần-Thị-Họach, không những đồng-ý thay chồng để báo hiếu, mà còn sẵn sàng muốn có người hầu hạ cho chồng khi bà xa vắng, nên dẫn người tỳ thiếp tên Thịnh để giúp chồng, bị Ông quyết liệt từ khước và bảo người tỳ thiếp trở về, Bà Thịnh cảm cái nghĩa của Ông, nên về sau không lấy chồng, mà ở với Bà Hoạch cho tới già tại làng Bảo Thạnh, quận Bảo-An, Tỉnh Bến-Tre. Ngoài ra, khi Ông ra làm quan không bao giờ tỏ ra kiêu-hãnh "áo gấm về làng" bằng cách mỗi lần trở về quê thăm lại các quan ở Vĩnh-Long, thăm các thầy, thăm các bạn lúc nào nhã-nhặn lễ phép, không phô-trương ta đây là quan lớn ở triều-đình, Ông mặc áo như người thường dân. Đời sống Ông rất mực-thước, giản-dị, thanh-liêm, Ông dành nhiều thì giờ cho công-vụ và đọc-sách làm vui, cũng vì thế trong 41 năm làm quan, ít khi trở về thăm lại quê-hương của Ông, có lẽ vì đường sá quá xa xôi, việc nghỉ phép khó-khăn, đặc-biệt có lần về nhà cư tang cha vào năm 1843 và ngược lại bà Hoạch cũng thỉnh-thoảng mới ra thăm Ông tại nhiệm-sở.

Về đường quan lộ của Ông rất thăng trầm trong nhiều chức vụ qua các lãnh vực khác nhau, trải qua 3 triều đại : Minh-Mạng, Thiệu-Trị và Tự-Đức, xin trích dẫn như sau : Giai-đoạn 1826-1859, Ông lận-đận, thăng-trầm trên đường hoan lộ nhiều lần, ví như  tháng 8 năm 1826 thuộc vua Minh-Mạng thứ 6, Ông giữ chức Biên Tu ở  Hàn Lâm Viện, rồi  được  thăng  chức  Lang  Trung  Bộ Hình, kế đến Tham Hiệp ở  Quảng-Bình, quyền Hiệp-Trấn  Nghệ- An và sau đó làm Hiệp-Trấn Quảng-Bình. Năm sau tức 1827 Ông được về triều-đình để nhận chức Phủ-Doãn Thừa-Thiên, Ông được vua Minh-Mạng chú-ý vì có nhận-định chánh-trị sắc-bén và già dặn, nên ít lâu sau được thăng làm Thị-Lang Bộ Lễ tức làm việc tại Nội-Các và kế đến lại tái nhậm chức Hiệp-Trấn Quảng-Bình lần thứ hai đến năm 1831 Ông bị thuyên-chuyển về  Quảng-Nam để dẹp cuộc khởi-loạn của dân-tộc thiểu số miền sơn cước. Cuộc chinh phạt đó, Ông gặp khó-khăn vì là quan văn, nên xem như thất bại, cho nên Ông bị giáng chức lần thứ nhứt. Rồi, Ông từ một thuộc viên của sứ bộ sang Hạ-Châu (Singapore), lại thăng lên Hàn-Lâm Kiểm-Thảo Sung Nội-Các Hành-Tẩu, đến năm 1833 được thăng Viên Ngoại-Lang Bộ Hộ, quyền ấn, Phủ Thừa-Thiên, rồi Hồng-Lô Tự-Khanh và cuối năm này, Ông được cử làm Phó Sứ sang Tàu, sau khi trở về được thăng chức Đại-Lý Tự-Khanh để coi việc Bộ Hình và được sung vào Cơ-Mật-Viện Đại-Thần. Sau đó, vì nhờ tài ngoại giao, nên Ông được khen ngợi và lãnh chức Kinh-Lược Sứ Trấn Tây (Cao-Miên), rồi trở về sung chức Bố-Chánh Tỉnh Quảng-Nam, quyền ấn Tuần-Phủ Quan-Phòng. Vào tháng 5 năm 1836 thuộc vua Minh-Mạng thứ 7, nhà vua muốn ngự du Ngũ-Hành Sơn ở Quảng-Nam, Ông dâng sớ cản ngăn đại lược như :"Nhà vua đi tuần hành, dân trong hạt chẳng vui mừng, nhưng  nay  khoảng  tháng  4, tháng  năm  mùa  hạ, mùa lúa không được tốt, lại đang lúc thời  tiết  cấy cày, trồng trọt, nếu dân lo cung đón nhà vua thì được việc này, mất việc kia.Nay xin tạm đình để dân dốc sức vào việc ruộng nương..."Lá sớ của Ông làm vua tức giận và nghi các quan ở Quảng-Nam làm việc bê-bối, nên vua cử Ông Vũ-Duy-Tân đến điều-tra hư thật. Ông này lại nịnh hót đặt điều nào : Dân chúng đang mong vua đến, các quan nhũng lạm...

Vì thế, Ông bị nịnh thần dèm xiển, nên bị giáng chức nặng-nề, làm phận sự một người quét dọn bàn ghế tại tỉnh đường Quảng-Nam và nhà vua cũng bãi bỏ cuộc ngự du Quảng-Nam. Tuy nhiên, Ông không than van, đến khi vua hiểu được lòng của Ông, thì được bổ nhậm chức Đô-Sát Viện Ngự-Sử, Sung Cơ Mật-Viện Đại-Thần. Đến năm 1843 thuộc vua Thiệu-Trị thứ 3, có một luồng khí bạch vắt ngang trời, vua xuống chiếu cầu lời trực ngôn, Ông dâng sớ chỉ trích khéo vua và tố cáo sự thối-nát hành-chánh địa-phương, đồng thời Ông đề-nghị biện-pháp cải-thiện, Ông được vua Thiệu-Trị khen ngợi. Vua Tự-Đức lên ngôi  bổ Ông làm Thượng-Thơ Bộ-Lại, đến năm Tự-Đức thứ hai, Ông được cử làm Giảng Quan ở tòa Kinh-Diên mới thiết-lập và hai  năm sau được cử Ông làm Phó Sứ Lãnh-Tuần Phủ Gia-Định kiêm chức Lãnh Đốc các đạo Vĩnh-Long và Định-Tường, Biên Hoà, An-Giang và Hà-Tiên (Trong khi Ông Nguyễn-Tri-Phương làm Nam Kỳ  Kinh Lược  Chánh Sứ).  Trong chức vụ này, Ông  lúc  nào  cũng  nghĩ  đến ích nước lợi  dân, nên Ông lại dâng sớ điều-trần để cải-tổ, được vua chấp thuận và khen-ngợi. Năm 1853, Ông được gọi vể triều để lãnh chức Hiệp-Biện Đại-Học Sĩ Lãnh Thượng Thơ Bộ Binh. Tháng chạp năm 1856 thuộc Tự-Đức thứ 9, Ông được cử Tổng-Tài Quốc-Sử để soạn bộ Khâm-Định Việt-Sử Thông-Giám  Cương-Mục. Nước Pháp và Tây Ban Nha liên minh đánh Việt-Nam, gồm 14 chiếc thuyền chở 3000 quân dưới quyền chỉ huy của Rigault de Genouilly, ngày 24-7 năm Mậu Ngọ 1858 đến đánh Đà-Nẵng, triều đình cử Ông Nguyễn-Tri-Phương chống giữ, quân giặc thấy khó chiếm, bèn bỏ ý định đánh Huế, quay vào Gia-Định năm 1959 để đánh chiếm thành Gia-Định sau hai ngày giao tranh, chiếm được hơn 80.000 ký thuốc súng, 200 khẩu đại bác và một số tiền điếu rất lớn. Các quan bày tỏ lập-trường về việc chiến hay thủ, Ông dâng sớ bàn đại lược như sau : "Thiên hạ đất rộng, công việc rất nhiều, ở chỗ việc nhiều, cai trị chỗ đất rộng, cốt làm cho yên mà thôi. Theo sức người mà dạy, không khó nhọc mà thành công, noi phép mà cai trị, quan lại quen mà dân yên, cho nên lợi không gắp trăm thì không đổi phép, công mà không gắp mưu thì không đổi đồ dùng. Làm cái kế ngày nay cốt nhứt nuôi dân chăm cày cấy, nuôi lính đủ ăn, lưu ý như thế thì sức dân được thư thả mà quân có chỗ dạy, sức đất không bỏ phí mà lương có chỗ ra, quân giỏi, lương đủ thì như nước chảy cuồn cuộn không hết, thì  hoặc đánh  hoặc giữ, không  việc gì là không nên, đối với việc dân yên nước thịnh, may ra bổ ích đôi  chút ..." Vua Tự-Đức khen rằng : "Lời nói đều có cốt yếu, bọn tân tiến không thể ví nổi, chỉ nên thực lòng cố sức giúp trẩm, đời sau chắc có tiếng khen". Kế đến : Ngày 25-2-1861 thành đồn Kỳ-Hòa (Chí-Hòa) thất thủ em Ông Nguyễn-Tri-Phương là Nguyễn-Duy tử trận, ông Phạm-Thế-Hiển bị thương nặng mấy hôm sau thì chết, riêng Ông Nguyễn-Tri-Phương cũng bị thương phải bỏ đồn rút quân về Biên-Hòa. Ngày 12-4-1861 Page hạ thành Mỹ-Tho; ngày 9-9-1861 Đề Đốc Bonard thay Charner chiếm thành Biên-Hòa và ngày 28-3-1862 Bonard chiếm thành Vĩnh-Long. Trước tình thế nguy-ngập, vua Tự-Đức cử Ông và Ông Lâm-Duy-Hiệp vào Nam-Kỳ để thương-thuyết hầu tìm cách cứu vãn tình thế, cuộc thương-thuyết diễn ra tại Sài-Gòn, có Đô-Đốc Bonard đại-diện quân Pháp và tướng Palanca đại-diện Tây-Ban-Nha (Y Pha Nho) . Kết-quả, bắt buộc phải ký hòa-ước vào ngày 5-6 dl năm 1862 nhằm ngày 9 tháng 5 âl năm Nhâm-Tuất, quân giặc ở thế thượng phong, gồm 12 khoản, trong đó những khoản làm cho dân-tộc chúng ta khổ tâm như :
  • Khoản 3 : Nhường cho Pháp các tỉnh : Biên-Hòa, Định-Tường, Gia-Định và đảo Côn-Nôn. Người Pháp được đi lại trên sông ngòi Nam-Kỳ.

  • Khoản 5 : Người Pháp và người Tây-Ban-Nha được buôn bán  ở  Đà-Nẵng, Đà-Lạt  và  Quảng-Yên.

  • Khoản 8 : Nước Đại-Nam tứcViệt-Nam phải trả 4 triệu đồng chiến phí trong hạn 10 năm... 

Hòa-ước Nhâm-Tuất ký xong, vua Tự-Đức và các triều không hài lòng và chủ trương : "Việc nhường đất, bồi tiền như thế không hợp lý, nhưng các điều ước mới định mà cãi nghị ngay thì họ sẽ không đồng ý". Ngoài ra, vua Tự Đức không bắt tội Ông Phan Thanh Giản mà còn cử Ông làm Tổng-Đốc Vĩnh-Long để từ từ thương chước để chuộc lại lổi lầm trước kia. Tháng 11-1862 Ông Phan-Thanh-Giản yêu cầu Pháp trả lại Vĩnh-Long, nhưng Pháp cho hay, chỉ trả lại khi nào Ông Quản-Cơ Trương-Định thôi đánh Pháp. (Bởi vì, khoảng thời gian trước và sau khi ký hòa-ước Nhâm-Tuất cho đến mất trọn 6 tỉnh thuộc Nam Kỳ, các sĩ phu và dân chúng thuộc 6 tỉnh (Nam Kỳ) rất uất hận nổi lên chống cự giặc ngoại xâm, dầu biết võ khí thô sơ nhưng với lòng yêu nước nồng nàn cao độ họ đã làm cho quân Pháp điên đảo, trong số những người cầm đầu lúc bấy giờ có các Ông : Trương-Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn-Hữu-Huân (Thủ-Khoa-Huân), Võ-Duy-Dương tức Thiên-Hộ-Dương, Đức Cố Quản Trần-Văn-Thành .v.v.).  Sau đó, đề cử sứ bộ sang Pháp và Tây Ban Nha (Y Pha Nho)  để xin chuộc lại gồm có : Chánh sứ toàn quyền Ông Phan-Thanh-Giản, Phó sứ là hai Ông Phạm- Phú-Thứ và Ngụy-Khắc-Đản, còn Ông Trương-Vĩnh-Ký làm thông ngôn. Để  người  Pháp  giúp  phương  tiện cho sứ  bộ, triều  đình  Huế lấy cớ là  để đáp lễ Pháp Hoàng đã phái người đến chúc mừng vua Tự-Đức nhân dịp ký hòa-ước 1862. Người Pháp bằng lòng cho mượn tàu Européen và cử Aubaret, Rieunier đi theo hướng dẫn, nhưng phía Việt-Nam phải trả mọi phí tổn. Sau 2 tháng 7 ngày trên tàu,  phái đoàn mới đến nước Pháp, được đón rước rất trọng thể và mãi đến ngày 7-11-1863 được vào bệ kiến vua Napoléon Đệ Tam tại điện Tuileries theo nghi lễ ngoại giao thật long trọng. Ít hôm sau, bộ ngoại giao Pháp mời sứ bộ tới và hứa sẽ nghiên-cứu rồi sửa đổi lại hòa-ước 1862 và sẽ ký một hòa-ước mới. Ông Phan-Thanh-Giản tuyên-bố đại lược rằng : "Sứ bộ Việt-Nam xin chuộc 3 tỉnh Miền Đông và Việt-Nam sẽ trả mỗi năm 2 hay 3 triệu hoặc 40 triệu một lần. Người Pháp có quyền cư trú tại 3 hải cảng để tự do buôn bán, đồng thời Việt-Nam nhượng cho Pháp hải cảng Sài-Gòn" Chánh Phủ Pháp chấp-thuận soạn thảo hòa-ước mới để thay thế hòa-ước 1862 trước kia, đồng thời trao cho sứ bộ Việt-Nam trước khi lên đường sang Tây-Ban-Nha. Bởi vì, nước Pháp lúc đó đã thâm lủng 972 triệu  quan Pháp, nên vua Napoléon lẫn Tổng-Trưởng Tài-Chánh đều chủ trương trao lại đất choViệt-Nam để  lấy tiền. Do vậy, sứ bộ do Ông Phan-Thanh-Giản thành-công, còn được đưa đi xem các nơi tại Pháp và Tây-Ban-Nha (Y Pha Nho) rất văn-minh của xứ người.Ngày 24-3-1864, sứ bộ về đến Sài-Gòn. Vua Tự-Đức và triều thần đều vui mừng. Vua Tự-Đức bèn phong Ông làm Thượng Thơ Bộ Lại như cũ. Nhưng thực tế, triều đình Huế đã mừng hụt, vì phe thực-dân đã vận-động để chống lại việc cho chuộc đất, đứng đầu là các nhân vật thuộc bộ hải-quân và thuộc địa như : Chasseloup Laubat, Bonard, De La Grandière ...vì thế vua Napoléon đổi ý không cho chuộc lại đất. Tháng 2-1865, Aubaret tới Huế cho hay không có hòa-ước mới và yêu cầu vua Tự-Đức cho trả tiền chiến phí, đồng thời  phải cấm nghĩa-sĩ chống Pháp. Như thế, việc chuộc đất hoàn-toàn thất bại vì kẻ mạnh trở mặt, muốn thế nào cũng được, làm cho Ông Phan-Thanh-Giản lại bị vua Tự-Đức tức giận cách lưu. Đây là lần Ông bị giáng chức thứ sáu, tội nghiệp cho Ông lúc này đã 70 tuổi. Sau đó, dã tâm của giặc Pháp càng ngày càng rõ rệt là muốn nuốt trọn Nam Kỳ lúc bấy giờ có 6 Tỉnh, các lực-lượng nghĩa-sĩ chống giặc ngoại-xâm nổi lên đánh phá khắp nơi. Trước tình thế đó, Vua Tự-Đức lại cử Ông Phan-Thanh-Giản vào Nam, vì nghĩ rằng người Pháp đã biết Ông, với chức Hiệp Biện Đại Học Sĩ Bộ Hộ, Thượng Thơ Sung Kinh Lược Sứ thuộc 3 Tỉnh An-Giang, Vĩnh-Long và Hà-Tiên. Ông xin từ chức vì cớ tuổi già, nhưng không được vua chấp  thuận và trước khi  đi  Ông có tâu rằng : "Chánh sách của Ông là luôn luôn tuân đúng theo hòa-ước". Vua Tự - Đức cũng  ngỏ ý : "Muốn hoà-bình cho dân-tộc được yên ổn, nhưng không nên vì lẽ ấy mà khuất-phục tình hình một cách thụ động". Về phía thực-dân Pháp, De La Grandière (De Lagrandière?) đã thảo kế-hoạch đánh chiếm luôn ba tỉnh Miền Tây (Nam Kỳ). Ngày 15-6-1867, De Lagrandière rời Sài-Gòn xuống Vĩnh-Long với 17 chiến hạm và hắn nhờ Cố Dương đưa thơ mời Ông Phan-Thanh-Giản xuống soái hạm để cho biết lý-do động binh của hắn. Ông và Án Sát Võ-Doãn-Thanh cố-gắng thương-thuyết, nhưng bọn thực-dân đã quyết-tâm cướp nước, thì làm sao còn thương thảo được, hai Ông hoản binh, hứa sẽ nộp thành với điều-kiện yêu cầu đừng sách nhiễu dân và tiền với lúa trong kho vẫn phải để Việt-Nam nắm giữ. De La Grandière ưng thuận, nhưng khi hai Ông trở về thành vào ngày 20-6-1867, thì thành Vĩnh-Long đã bị quân Pháp chiếm. Sau đó, đến thành An-Giang mất ngày 22-6-1867 và thành Hà-Tiên cũng bị quân Pháp chiếm luôn vào ngày 24-6-1867 (Theo sách Việt-Nam Sử Lược của Ông Trần-Trọng-Kim viết : "Ông Phan-Thanh-Giản bảo các quan đành chịu nộp thành cho khỏi sự tai hại" nhưng không thấy dẫn chứng dựa theo tài-liệu nào? Chỉ thấy trong quyển La Geste Française en Indochine của Cura Taboulet tập 2, trang 518-519, đã dịch ra và in trong quyển quân-sự tập  3  của  BTM do  Ông Pham-Văn-Sơn  biên soạn  viết : Ông Phan-Thanh-Giản viết thơ buộc Tổng  Đốc An-Giang  và Hà-Tiên hạ vũ khi đầu hàng. "Nếu cần xin xem quyển Nguyễn-Đình-Chiểu về tác-giả và tác-phẩm trang 672" ).

Sau đó, Ông Phan-Thanh-Giản lấy tiền lúa nộp một phần cho Pháp để thanh-toán tiền bồi thường năm đó, rồi Ông ra sống tại một ngôi nhà tranh ở ngoài thành Vĩnh-Long. Chính tại nơi đây, Ông quyết-định chấm dứt cuộc đời của Ông. Có lẽ đó là lối thoát duy nhứt của Ông sau khi Ông đơn phương nộp thành trì cho Pháp mà không có sự ưng-thuận của triều đình, nhứt là trước đó vua Tự-Đức đã đặt hy-vọng bảo-vệ thành trì vào tay Ông. Ông đã hiểu mình phải làm gì, bởi vì thân làm tướng giữ thành mà để mất thành là một trọng tội, cho nên Ông tự xử lấy mình. Ông xếp tất cả áo mão và các tờ sắc-phong kèm theo tờ sớ chịu tội với triều đình rồi Ông bắt đầu tuyệt thực. 

Sự tuyệt thực của Ông có ý-nghĩa là một biện pháp "ung dung tựu nghĩa" tức là bình-tỉnh đón nhận cái chết để đạt được nghĩa lớn tức là đền nợ nước. Các con cháu quì lạy khóc lóc nhưng Ông đã quyết không ai ngăn cản được. Ông vẫn bình tỉnh và sáng suốt khuyên con cái lo học-hành, không được làm việc cho Pháp, đồng thời  bảo con cháu lo tang ma thật giản dị và Ông tự tay viết di bút để đề mộ bia cho Ông gồm 24 chữ Hán, viết thành 3 hàng được phiên âm như sau :

"Minh tinh thỉnh tỉnh nhược vô ứng thư,
Đại-Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cửu. Diệc dĩ thử chí mộ".

nghĩa là : Xin bỏ tấm triệu, còn nếu không chịu bỏ thì chỉ nên viết : "Linh cữu của người học trò già họ Phan ở bãi biển nước Đại-Nam" mộ chí cũng đề như thế.  Đồng thời Ông làm thơ tuyệt mạng :  Thời trời, lợi đất, lại người hòa, Há dễ ngồi coi phải nói ra. Làm trả ơn vua, đền nợ nước, Đành cam gánh nặng ruổi đường xa. Lên gềnh xuống thác thương con trẻ, Vượt biển trèo non cam phận già. Cũng tưởng một lời an bốn cõi, Nào hay ba tỉnh lại chầu ba!  Và Ông tuyệt thực suốt 17 ngày mà không chết để chờ quyết định của vua Tự-Đức. Sau cùng, vào lúc nửa đêm mùng 4 rạng mùng 5 tháng 7 năm Đinh Mão 1867, Ông hướng về phương Bắc nơi có vua Tự-Đức để lạy 5 lạy và trước sự chứng kiến đau lòng của các con cháu, rồi Ông uống á-phiện với dấm thanh để  tự vận. Lúc đó có nhiều người quan Pháp kính nể việc làm của Ông, bác sĩ hải-quân  Pháp là Le Coniat đã tận  lực  cứu  chửa, nhưng  không  cứu Ông được, nên phải trút hơi thở cuối cùng thượng thọ 71 tuổi và được các quan lớn nhỏ ở lục tỉnh cùng thân nhân bằng cố hữu về đông đủ để chịu tang và các con cháu đưa về an táng tại làng Bảo-Thạnh, quận Ba-Tri (Bến-Tre) đúng như ý muốn của Ông. Khi hay tin Ông chết, các quan Việt-Nam và Pháp tới phúng điếu đều ngậm ngùi thương tiếc một công thần với 41 năm công cán suốt 3 triều đại là: 1.-Vua Minh - Mạng (1820-1840) tức con thứ ba của vua Gia-Long là Thánh-Tổ Nguyễn-Phúc-Đảm, thọ 50 tuổi, trị vì 20 năm và có 170 người con. 2.-Vua Thiệu-Trị (1841-1847) tức Hoàng-TháiTử của vua Minh-Mạng là Hiến-Tổ Nguyễn-Miên-Tông, thọ 37 tuổi và trị vì 6 năm. 3.- Vua Tự-Đức (1847-1883) tức con thứ  hai củaVua Thiệu-Trị với Bà Thái-Hậu Từ-Dũ, quê ở Gia-Định (Nam Kỳ) là Hoàng-Thái Tử Dực-Tông Nguyễn-Hồng-Nhậm, thọ 55 tuổi và trị vì 36 năm.

Lúc làm Kinh-Lược trấn nhậm tỉnh Vĩnh-Long Ông có lập miếu thờ Đức Khổng Tử do Ông Nguyễn-Thông trông nom, khởi công năm Giáp Tý 1864 đến cuối năm 1866 hoàn-thành, đồng thời cất tòaVăn-Xương-Các chung trong đất Văn -Thánh tại làng Long-Hồ để khi rảnh rổi việc quan, Ông cùng các bạn văn nho họp luận bàn thi phú. Tòa Văn Xương-Các đến nay vẫn còn uy-nghiêm dưới nhiều cây cổ thụ trồng từ xa xưa, cách chợ Vĩnh-Long   khoảng 3 cây số. Bên trong có thờ chân dung Ông và bài-vị Ông Võ Trường Toản. Riêng tại Miểu Quốc-Công nằm trong thị xã Vĩnh-Long cũng có thờ Ông, hai nơi này lúc nào khói hương cũng nghi ngút. Ngoài ra, năm 1966, chánh-quyền Tỉnh và thân hào nhân sĩ trước kia, cũng dựng tượng đồng bán thân Ông đặt tại công viên tại chợ Vĩnh-Long. Bởi vì, Ông là vị quan thanh-liêm, cương trực, hết lòng phục mệnh các vì vua và lo cho đất nước, dân tộc, lúc bấy giờ, cho nên Ông bị hành-động gian-xảo của giặc Pháp ở thế thượng phong về quân-sự cùng văn-minh tân kỳ của giặc Pháp (bởi vì, Ông đã thấy tận mắt khi cầm đầu sứ bộ sang Pháp), lúc nào cũng muốn cưỡng chiếm 6 tỉnh Nam-Kỳ cho bằng được. Dù ai, ngoài Ông ra cũng không tránh khỏi kết-quả thiệt-thòi của giặc Pháp đưa đến. Vì thế, Ông đành thất thủ thành và đưa đến cái chết can-đảm. Trong khi đó, có tin từ triều đình Huế gởi vào : Bãi chức hàm của Ông, đục tên trên bia tiến-sĩ ngoài Huế để làm gương, cuối cùng đến năm 1885 vua Đồng-Khánh mới phục hồi chức hàm và đến năm 1924 vua Khải-Định mới phong thần cho Ông. Hơn nữa, sau khi Ông  chết, hai con  của Ông  là: Phan-Tôn và Phan-Liêm đã nghe lời  Ông  căn dặn  trước khi  chết là : "không ra làm quan với Pháp" mà còn đứng lên chống Pháp. Vì vậy, khi Ông qua đời không những thân bằng quyến thuộc, các quan lớn nhỏ Việt-Pháp cùng đồng bào miền lục tỉnh đến nơi tiễn đưa Ông rất long-trọng và luyến tiếc một nhân tài không thể cưỡng lại tình thế lúc bấy giờ. Riêng Ông Nguyễn-Đình-Chiểu làm bài thơ điếu Ông, bằng chữ Nôm như sau :  Non nước tan tành hệ bởi đâu? Dàu dàu mây bạc (trắng) cõi Ngao châu, Ba triều công cán vài hàng sớ, Sáu tỉnh cang (cương) thường một gánh thâu, Ải (Trạm) Bắc ngày trông (chiều) tin nhạn (điệp) vắng, Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu, Minh tinh (sinh) chín chữ (*) lòng son tạc, Trời đất từ đây mặc gió thu.  (*) Ông Phan-Thanh-Giản viết di bút để lại cho các con cháu có 11 chữ là : Đại Nam hải nhai lão thư sinh tánh Phan chi cửu có nghĩa là "Linh cữu của người học trò già họ Phan ở bãi biển nước Đại-Nam". Như vậy, chữ "cữu" là cuối chữ của câu 11 chữ do Ông Phan-Thanh-Giản viết rớt đúng chữ "linh" thì rất đúng quy tắc.  Bởi vì, theo quy-tắc thời xưa, khi viết minh  tinh (tấm triệu) hay mộ bia bắt buộc phải chú ý đến 4 chữ : Quỷ, Khốc, Linh, Thính và phải tôn trọng quy tắc: "Nam Linh, Nữ Tính, bất dụng Quỷ Khốc nhị tự". Nhưng tại sao Ông Nguyễn-Đình-Chiểu là đồ nho lại viết 9 chữ và cắt bỏ hai chữ Đại-Nam  có ý nghĩa gì ? Theo thiển  nghĩ   lúc bấy  giờ ở Nam Kỳ lục tỉnh đã bị giặc Pháp chiếm, thì không  thể dùng chữ Đại-Nam mà phải cắt bỏ để trách khéo Ông Phan-Thanh-Giản? và có ý để Ông Phan-Thanh-Giản thành Quỷ sau khi chết, bởi để mất Nam Kỳ.  Hơn nữa, câu thơ chót Ông Nguyễn-Đình-Chiểu kết bằng chữ gió thu (tức gió mùa Thu, theo ngũ-hành thuộc Kim, theo phương hướng thuộc hướng Tây) ý nói lục tỉnh Nam Kỳ giờ đây do giặc Pháp cai trị là để gói trọn sự thống hận đổ trút hết tội tình lên Ông Phan-Thanh-Giản, giống như hành động vua Tự-Đức vậy. 

Ngoài ra, Ông Nguyễn-Đình-Chiểu không dừng ở đây, lại làm thêm bài thơ điếu Ông Phan-Thanh-Giản bằng chữ Hán, không kém sự phiền giận của Ông. Xin trích dẫn như sau :

"Bỉnh tiết tằng lao sinh Phú Bật,
Tận trung hà hận tử Trương Tuần,
Hữu thiên lục tỉnh tồn vong sự,
Nam đắc thung dung tựu nghĩa thần..."

Với 4 câu thơ trên Ông Nguyễn-Đình-Chiểu, mượn Ông Phú-Bật ở đời nhà Tống được vua cử đi sứ để thuyết phục được giặc Khiết-Đan và lấy lại được đất cho nhà Tống, còn Ông Phan-Thanh-Giản cũng được cử đi sứ, nhưng không thành công. Riêng Ông Trương-Tuần ở đời nhà Đường giữ thành Tuy Dương, chống giặc An-Lộc-Sơn, đã chiến đấu đến cuối cùng, thành mất Ông Trương Tuần chết theo thành, còn Ông Phan-Thanh-Giản không theo gương người xưa, chết tức khắc theo thành?. Vì thế, việc còn mất lục tỉnh, còn có trời. Nhưng, Ông Phan-Thanh-Giản muốn ung dung làm thần (tựu nghĩa thần) thì thật khó lắm thay! Quả thật, Ông Nguyễn-Đình-Chiểu, là con người  vì yêu  nước  nồng-nàn, cho  nên  việc mất  lục tỉnh Nam-Kỳ làm Ông tức giận tột cùng. Vì thế khi Ông Phan-Thanh-Giản chết, Ông làm hai bài điếu để hờn giận, căm thù thật đáng sợ hơn là thương tiếc Ông Phan-Thanh-Giản lâm vào tình trạng tiến thối lưỡng nan lúc bấy giờ. 

Qua những trích dẫn vừa qua, chúng ta thấy được Ông Phan Thanh Giàn đáng được tôn kính Vinh Danh, bởi vì Ông là Nhân Tài Đạo Đức, Cương trực, Thanh Liêm,  Trung Quân Ái Quốc và Thương Dân suốt đời,  giống như các bậc danh nhân ngày xưa, đáng cho thế hệ chúng ta và kế tiếp sau này tôn vinh và ngưỡng mộ mãi mãi.   Để biểu lộ tôn kính đối với các bậc tiền nhân bằng hành động, không gì bằng mỗi khi có dịp chúng ta qua Tiền Giang hay Hậu Giang thuộc miền Nam Việt Nam, xin nhín chút thời giờ quý báu đến Bến Tre để thăm các lăng mộ của các Ông : Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản... Nếu du khách muốn đi thăm viếng mộ Ông Nguyễn-Đình-Chiểu ở ấp Vĩnh-Đức-Trung, làng An Đức, quận Ba-Tri, Tỉnh Bến Tre (Kiến - Hòa  trước  kia), trước hết phải đến Mỹ-Tho thuộc Tỉnh Tiền-Giang (Định-Tường trước kia) tìm bến bắc Rạch Miểu, để qua con sông Tiền Giang, kế đến lấy xe đò đi về Thị Xả Bến-Tre khoảng 12 cây số, rồi đi tiếp về chợ quận Ba-Tri khoảng 35 cây số, thì thấy lăng mộ Ông Nguyễn-Đình-Chiểu.


Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ