có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 3 10, 2010

Tri kỷ





Tri kỷ tìm nhau mắt đã mờ
(Tchya)




Người xưa nuôi chí lớn hay giữ lòng cao, chỉ mong được một người biết cho, là suốt đời tự lấy làm an ủi:

Khối tình lăn lóc cổ câm
Cõi trần được một tri âm cũng nhiều! (1)

Là vì có nhiều người đến lúc tay buông xuôi vẫn còn hậm hực rằng chưa từng gặp ai tri kỷ.

Tri kỷ là người biết ta, hiểu ta, như Bảo Thúc hiểu biết Quản Trọng.

Quản Trọng thiếu thời nghèo khổ, thường cùng Bảo Thúc buôn chung, lúc chia lãi bao giờ cũng lấy phần hơn, mà Bảo Thúc không cho là tham, vì biết bạn quẫn bách, bất đắc dĩ phải thế. Quản Trọng nơi chợ búa thường bị ăn hiếp, Bảo Thúc không cho là nhát, vì biết bạn có lượng bao dung. Quản Trọng bàn việc mà vịêc hay hỏng, Bảo Thúc không cho là ngu, vì biết ở đời có lúc may lúc rủi. Quản Trọng ba lần làm quan, ba lần bị bãi, Bảo Thúc không cho là vô dụng, vì biết là chưa gặp thời. Quản Trọng ra trận ba lần, ba lần đều bỏ địch mà chạy, Bảo Thúc không cho là hèn, vì biết còn có mẹ già phải phụng dưỡng.

Quản Trọng bị cầm tù, Bảo Thúc cứu ra, lại nhường chức tể tướng và ưng thuận lui xuống làm dưới quyền, vì biết bạn có tài trị quốc hơn mình. (2)

Được một người hiểu biết mình như thế, há phải dễ đâu! Bởi vậy, Quản Trọng đã thốt ra một lời chí tình: Sinh ta ra là cha mẹ, biết ta rõ là Bảo Thúc!

Cũng vì vậy, những ai may mắn mà gặp tri kỷ, thì khi có rượu dốc bầu cho đến cạn, hết rượu rồi tình âu yếm lại nhỏ nhẹ gởi vào lời thơ:

hôm qua có bạn rượu lại hết
hôm nay có rượu bạn không biết
cất đi đợi bạn đến cùng nào
cùng uống cùng vui cùng say tít
say sưa quên cả ta là ai
còn hơn lúc tỉnh nhớ mà mệt… (1)

Bạn chẳng may mà mất đi, thì khóc than rầu rĩ, dang tay đập vỡ quách cây đàn…



Tri kỷ đáng yêu đáng quý bao nhiêu thì ngày nay trong đám văn nhân, các ngái lại thù ghét bấy nhiêu: các ngái có yêu có quý chỉ yêu chỉ quý những kẻ rất ư không biết mình!

Những người được trời phú cho một sức tưởng tượng quá dồi dào, quen thói nhìn bản thân qua một lấn kính hiển vi, thấy trong đó quả nhiên mình là tài đong tám đấu, sách chở năm xe, tất nhiên chẳng ngại ngần gì mà không xưng thần xưng thánh trong làng văn tự.

Bọn người xu nịnh, được họ rước mời chiều chuộng, thổi họ lên chín từng mây. Họ hửng mũi, vuốt râu, cho bọn này thực đáng tôn làm tri kỷ. Còn tri kỷ của họ-tức là người biết tài khí của họ-gián hoặc có nói thẳng để cho tỉnh ngộ, thì họ lại căm hờn giận dữ, hay vuốt bụng thở dài mà ư ử một giọng buồn xo:

… quốc sĩ xưa nay,
chọn người tri ky một ngày được chăng!



Một ngày, dễ mấy ai tìm ra tri kỷ: Vì biết như thế nào mới thực là tri kỷ?

Trang Chu cùng Huệ-tử đi chơi trên bờ lạch. Thấy trong lạch đàn cá tung tăng, Huệ-tử nói:

-Đàn cá bơi, vui vẻ lắm thay! (3)

Trang Chu hỏi:

-Là cá đấy ư, mà biết rằng cá vui?

Huệ-tử cãi:

-Là tôi ư, mà thầy biết rằng tôi không biết cá vui?

Đoạn cãi lẫy này chưa ắt đã là nguỵ biện. Mình biết lấy mình còn khó thay, huống chi dễ dò rốn bể, khôn lường đáy sông!

Cho nên, nói rằng mình biết rõ người, thường chỉ là một lời tự phụ, có thể lầm người không biết đến đâu.

Từ Hải hỏi Kiều:

-Lại đây xem lại cho gần, phỏng tin được một vài phần hay không?

Đáp lại câu hỏi ngờ nghệch này, Kiều biết nói sao? Gái trầm luân phải giữ lễ, vả cũng đang mong tế độ, tất phải thưa rằng:

-Lượng cả bao dong, Tấn-dương được thấy mây rồng có phen!

Đấng anh hung bấy giờ, nếu là người từng trải, biết giá trị của những lời xu phụ, ắt đã chẳng

Nghe lời vừa ý gật đầu
cười rằng: tri kỷ trước sau mấy người?
khen cho con mắt tinh đời!

Đại vương sau này chôn chân nơi sa trường, có biết chăng mình đã lầm tưởng ai kia con mắt tinh đời? Có hối chăng rằng chính mình cũng đã không tinh đời được như Châu Kỵ?

Quốc-sách chép:

Châu Kỵ nước Tề, người cao, mặt mũi phương phi. Một buổi sang, soi gương, hỏi vợ:

-Ta đẹp hay Từ-công đẹp?

Vợ đáp:

-Chàng đẹp chứ, Từ-công sao đọ được!

Kỵ không tin, lại hỏi người thiếp, thiếp nói:

-Từ-công sánh thế nào được với ông!

Có khách đến, Kỵ cũng hỏi thế. Khách đáp:

-Từ-công đẹp sao được bằng ngài!

Hôm sau, Từ-công đến chơi, Kỵ nhìn kỹ, biết rằng dáng dấp mình không bằng, lại soi gương, càng thấy mình kém xa. Ngẫm nghĩ rồi vào trào tâu với Tề-vương:

-Thần vốn biết dung mạo không bằng Từ-công, vậy mà vợ thần vì yêu, thiếp thần vì sợ, khách thần vì muốn cầu cạnh, đều nói thần đẹp hơn. Nay nước tề, đất vuông ngàn dặm, thành quách trăm hai, trong cung ai không yêu đại vương, ngoài triều ai không sợ đại vương, bốn phương ai không mong nhờ đại vương. Coi vậy, đủ thấy người ta che mắt đại vương rất nhiều…



Ở đời, gặp nhau đã khó rồi, biết nhau, hiểu nhau, càng khó hơn nữa bao nhiêu!

Có cuộc gặp gỡ bằng thân yêu, thân yêu vì chưa hiểu nhau nên lầm nhau, đến khi hiểu nhau rồi, sẽ trở thành thờ ơ.

Có cuộc gặp gỡ bằng xung đột, xung đột vì chưa hiểu nhau, hiểu nhau rồi, thì khắng khít gỡ không ra.

Ngoài sự gặp gỡ ở hình thức, lại có những phen gặp gỡ trong tinh thần, lâu bền hơn, đằm thắm hơn. Một câu thơ, một tiếng đàn, một dòng chữ viết, một nét đan thanh, thường xui nên những cuộc hạnh ngộ lạ lùng.

Cuốn sách in ra, tiếng đàn vẳng lên, ấy đều là những nhịp rung động của tâm hồn truyền đi bốn phương. Tản mác ra bầu trời, nhịp rung động ấy sẽ gặp bao nhiêu nhịp rung động khác, của bao nhiêu tâm hồn tuy cách xa nhau về thời gian và không gian, nhưng cùng hoà chung một tiếng tơ lòng.

Ta gặp những ai? Nào biết đâu…

Ngoài số người mà ta thuộc mặt nhớ tên, còn bao nhiêu người tuy quen mà chưa biết, bao nhiêu người với ta cùng cảm thông trong linh tính, mà chưa từng ngó thấy hình hài.

Thế thì, thi sĩ há nên chán nản mà ngâm:

Đời vắng tri âm sống cũng thừa! (4)

Hãy khá ngậm ngùi rằng biết bao tri âm lẩn quất quanh mình mà không được gặp.

Không được gặp, ấy là một điều không may.

Vì, có khi hạnh phúc của cả cuộc đời chỉ tuỳ thuộc vào một phen gặp gỡ.

Hạnh phúc thường đi lẩn bên mình, song ít khi nhận thấy. Một bậc thang, một chuyến tàu, một căn phòng khách, một cuộc xung đột cỏn con, hạnh phúc ẩn hiện quanh quất chứ không xa. Nhưng, nhưng… có nhiều lúc ớ đâu xui đến, không tiện ngỏ lời, không tiện tỏ lòng, ta dùng dằng đắn đo, tưởng như còn nhiều cơ hội khác đến sau, chụp lấy lúc nào cũng kịp. Có ngờ đâu cơ hội thoảng bay qua và cơ hội cũng như thời giớ, đã đi là không trở lại!

Hạnh phúc ở đời, có lẽ ai cũng đã từng có phen đi đến, nhưng rồi thấy ai cũng phàn nàn rằng không được gặp, ấy phải chăng là vì đã bỏ mất cơ hội tao phùng!



Bạn mà trời chọn sẵn cho ta, là anh em: yêu nhau, ghét nhau, hiểu nhau hay lầm nhau, gặp sao ta đành cam chịu, không còn mong đổi.

Thế thì anh em sao quý được bằng người bạn mà ta chọn lấy, cho hợp lòng ta, cho giống chí ta!

Ấy vậy mà từ trước đến nay, những bạn ta gặp được, chọn được, chưa ắt đã ai tri kỷ, còn bạn thực là tri kỷ thì dường như có đầy, mà lại ít có dịp nhìn ra…

Nào những ai xưa kia tin rằng mình đã gặp được người tri kỷ, vì tưởng rằng:

mình với ta tuy hai mà một! (Tản Đà) - parce que c’etait lui, parce que c’etait moi (Montaigne) - Hai bên ý hợp tâm đầu! (Nguyễn Du)

Đến nay, nằm trong đêm tối của thời gian, ai đó đã thấy rõ chưa cái mặt thực của tình tri kỷ?

Dám ngờ rằng ít có ai không phải chua chát mà than cùng Aristote:

- Này các bạn tri kỷ của ta ơi, ở đời không ai là tri kỷ hết!

Baudelaire còn chua chát hơn: “Ta nên có thật nhiều bạn, nhưng cũng nên trữ sẵn nhiều bao tay, để đề phòng lây ghẻ”.



Khi ngựa kí tuổi già, người ta bắt kéo xe muối lên Thái-hằng, móng nó duỗi ra, đầu gối khuỵu lại, đuôi và chân mồ hôi đầm đầm rỏ giọt xuống đất. Đến giữa dốc, nó thụt lùi, không tiến được nữa. Bá Nhạc gặp thấy, vội xuống xe, ôm đầu nó mà khóc, cởi áo phủ cho nó, nó cúi đầu xuống phì hơi, rồi ngẩng cổ lên mà hí, tiếng hí động tới trời xanh.

Có tài như ngựa kí đi ngàn dặm, mấy người biết cho đâu, hoạ chăng chỉ một mình Bá Nhạc là tri kỷ: Tiếc thay khi gặp được nhau thì đã quá muộn màng.



Đời sở dĩ hiếm tìm ra tri kỷ phải chăng vì hiếm người quân tử, như lập luận của Âu Dương Tu?

Âu Dương Tu bàn rằng:

Quân tử với quân tử, lấy cùng đạo mà kết bạn; tiểu nhân với tiểu nhân, lấy cùng lợi mà kéo bè, ấy là lẽ tự nhiên: Song chỉ có quân tử là có bạn, còn tiểu nhân thì ham lợi chuộng tiền, cùng mối lợi ắt hò nhau kết liên, thấy lợi thì tranh nhau, hết lợi thì sơ nhau, có khi lại tàn hại nhau, dù ruột thịt cũng không từ. Quân tử giữ đạo nghĩa, xử trung tín, nghĩ danh tiết: lấy đấy mà sửa mình, thì cùng đạo cùng ích cho nhau; lấy đấy mà thờ nước, thì cùng lòng cùng giúp cho nhau.

Đời Nghiêu, bốn tiểu nhân kéo bè, mười sáu quân tử kết bạn: Thuấn lên giúp Nghiêu, đuổi tiểu nhân, tiến quân tử, thiên hạ đại trị. Khi Thuấn nối ngôi, triều đình hăm hai người, việc gì cũng biết phục thiện và nhường nhịn lẫn nhau, hăm hai người một bè mà Thuấn dùng được cả, thiên hạ lại trị. Trụ có ức vạn bày tôi, sinh ức vạn lòng, cho nên mất nước. Chu ba ngàn bày tôi cùng chung một dạ, vận nước mới dấy được lên. Đến Hán Hiến-đế, đem cầm tù khắp mặt danh sĩ, cho là cùng đảng; khi giặc khăn vàng nổi lên, thiên hạ có loạn, bấy giờ hối lại mới cho thả tù thì đã muộn, đại thế không cứu được nữa.

Xử cho nhiều người dị tâm không hùa được thành bè đảng, không ai bằng Trụ: Cấm người giỏi không cho bè đảng, không ai như Hiến-đế. Đều đi đến diệt vong.

Biết nhường nhịn mà không ngờ lẫn nhau, không ai như hăm hai người của Thuấn, ba ngàn người của Chu: hậu thế khen hai đời ấy là biết phân biệt tiểu nhân với quân tử. (5)

Bè đảng mọc ra như nấm, mỗi nghề một bè, mỗi phái một đảng, đàn bà con trẻ cùng kết thành đoàn. Nhường nhịn nhau để mưu lợi chung thì ít, tranh gianh nhau để kiếm lợi riêng thì nhiều, khiến nên bốn biển năm châu sát khí đằng đằng, hết loạn kia đến loạn nọ.

Phải chăng là họp nhau vì lợi nên không hoà, hò nhau bằng thù nên không mấy lúc mà tan rã?

Nếu tiểu nhân với tiểu nhân không bạn được với nhau lâu, thì đời này kể có hàng ngạn triệu người gọi là bè đảng với nhau nhưng lại chỉ xô nhau vì lợi, ta vẫn có thể luận theo thái thú Lư Lăng mà nói rằng: không còn có bè đảng bạn bầu nào cả, vì đạo nghĩa, trung tín, danh tiết, có ai biết là những gì nữa đâu?


Lãng Nhân
(Trước đèn)


--------------------

(1) Bùi Kỷ: Ưu thiên đồ mặc
(2) Sử ký
(3) Trang Tử
(4) Trần Tuấn Khải: Chuyện không hợp ý cười thêm ngượng, Đời vắng tri âm sống cũng thừa.
(5) Âu Dương Tu: Bằng đảng luận