(Phát biểu trong buổi ra mắt Tuyển Tập Võ Phiến ngày Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2007 tại Phòng Sinh Hoạt Người Việt, Westminster, California)
Tôi đã được đọc những tuyển tập đầu tiên của Võ Phiến gần nửa thế kỷ trước, hồi 1957-58. Sách ông bấy giờ mỏng hơn, với những tựa mà vì thú vị và ngưỡng mộ, tôi đã thuộc lòng, như Mưa Đêm Cuối Năm, hay Đêm Xuân Trăng Sáng.
Và trong một tuyển tập ấy, tôi được đọc truyện ngắn ‘Thác Đổ Sau Nhà’. Đọc xong, tôi đã chia sẻ tức thì với mấy người bạn xung quanh, rằng đó là truyện hay nhất trong những truyện ngắn Việt Nam tôi đã được đọc.
So với các truyện ngắn hay nhất thế giới, bấy giờ tôi nghĩ ‘Thác Đổ Sau Nhà’ có chỗ đứng nghiêm túc cạnh những tác phẩm cùng loại của Guy de Maupassant, của Lỗ Tấn, của Anton Chekhov… Bây giờ là gần 50 năm sau, tôi vẫn nghĩ như vậy, mặc dầu đã được đọc thêm những truyện ngắn của Kawabata, của Gabriel García Márquez, và của nhiều tác giả mới tìm thấy trong ngoại văn…
Trước khi bàn thêm vào chuyện, tôi muốn mở dấu ngoặc ở đây để nói về một hiện tượng khá vui trong văn học. Là cuốn truyện độc giả cho là lý thú nhất, có thể không phải là tác phẩm đắc ý nhất của tác giả. Tôi biết chị Võ Phiến rất ưng ý truyện ‘Nguyên Vẹn’. Nhưng tôi chọn ‘Thác Đổ Sau Nhà’ để trao đổi với quý vị hôm nay, thay vì ‘Nguyên Vẹn’, tôi có những lý do đặc biệt.
Lý do đặc biệt đó là tôi được gặp gỡ ‘Thác Đổ Sau Nhà’ trong một thời điểm đặc biệt và một địa điểm đặc biệt.
Thời điểm đó là cuối thập niên 50. Sau gần ba năm hòa bình, cuộc chiến mới lại bắt đều nhen nhúm. Tuy chưa có những trận đánh lớn, nhưng từ góc nhìn y tế, chúng tôi không còn xa lạ với kết quả của du kích chiến với những hành động khủng bố dọc các trục giao thông và tại những chỗ đông người. Còn địa điểm đặc biệt tôi được gặp tác phẩm Võ Phiến chính là phòng nội trú trực bệnh viện Chợ Rẫy.
Thời gian và không gian ấy làm cho tôi cảm thấy trực tiếp gần gũi với những suy nghĩ của tác giả cũng như của nhân vật ‘Thác Đổ Sau Nhà’ với chiến cuộc đang đầu độc cuộc sống xung quanh.
Chuyện xảy ra một phiên gác gần Tết. Một chuyến xe đò bị phục kích khoảng xế chiều gần Long An, trên đường Mỹ Tho – Sài Gòn. Những người chết đã yên phận, những người bị thương nhẹ đã được đưa về bệnh viện Long An săn sóc, vậy mà vẫn còn đến mấy cái chân phải cưa, hai ca bụng và một ca rách phổi phải mổ. Đám nội trú ngoại trú chúng tôi xúm nhau giải quyết.
Phần tôi được phụ trách một người đàn bà trẻ bị mảnh mìn xuyên vào bụng. Chị có thai đã được khoảng bốn tháng. Tới được bệnh viện, vết thương chị còn rỉ máu, tay chị lạnh ngắt, mặt chị xanh như tàu lá, mắt chị lờ đờ như sắp hôn mê. May mắn, loại máu chị đêm ấy bệnh viện còn dư hai bịch, kịp cho chúng tôi có thì giờ hồi lực cho chị, và mở bụng ra và kẹp lại mấy mạch máu đang rỉ rả băng huyết.
Bệnh nhân sống, nhưng cái thai không giữ được. Cô Hoa y tá đánh thuốc mê nhặt cái bào thai đã đầy đủ chân tay mắt mũi, nhẹ nhàng bỏ vào chai cồn. Cô nói, ‘Để em chôn em bé tử tế, vứt nó vào kho rác bệnh viện thì tội nghiệp quá’.
Tôi ra hành lang báo cái tin nửa vui nửa buồn cho gia đình đang ngồi chờ. Rồi tôi trở về phòng gác, lại nghĩ đến những người du kích cộng sản nói chung, và về người du kích hôm nay nói riêng. Ngồi rình sau bờ ruộng hay khóm tre, giữa những cụm ô rô và dừa nước, anh ta nghĩ gì khi giật cái quả mìn đã tạo ra tai nạn này. Anh ta dù ngây thơ đến đâu cũng biết rằng ông Diệm ông Nhu, hay các ông bộ trưởng, hay các quan chức không ngồi trong chiếc xe đò lục tỉnh bình dân ấy. Mà cũng không có đơn vị lính cộng hòa nào hành quân bằng xe đò.
Không, tôi chắc anh ta sẽ không ngạc nhiên nếu biết rằng chiến công của anh là một người đàn bà trẻ mang bầu bốn tháng suýt chết, sống sót được nhờ phòng mổ may mắn còn đủ máu để cứu chị; là em gái thai nhi, con búp bê tuyệt vời bằng da bằng thịt, đẹp và vô tội như một thiên sứ, mà sự sống chưa bắt đầu đã bị chấm dứt vì quả mìn của anh ta…
Về lại phòng trực, cái hình ảnh em gái thai nhi trong chai thủy tinh đựng cồn vẫn còn trong đầu tôi, cũng như câu hỏi đã tự hỏi nhiều lần, ‘Ông du kích giật mìn xe đò, ông là ai?’ Thường thường tôi không có câu trả lời. Nhưng hôm ấy, vì một tình cờ tôi tìm ra phần nào chân dung nguời du kích: có ai bỏ quên tuyển tập truyện ngắn của Võ Phiến trên bàn ăn phòng gác. Giở ra đọc, tôi trúng ngay vào ‘Thác Đổ Sau Nhà’.
Tôi đọc một hơi hai lần, đọc xong thì mãn đêm trực. Và tôi nghĩ tôi hiểu được rất nhiều về người du kích cộng sản chưa gặp mặt, mà từ khi làm nội trú tôi vẫn phải đương đầu với những chiến công thảm khốc của anh. Tôi gặp anh ta qua nhân vật Thọ của Võ Phiến.
Thọ là một cán bộ cộng sản tập kết, để lại vợ trẻ bơ vơ và cha già lẩm cẩm. Võ Phiến không dễ dãi như phần đông những văn chương chống cộng thời ấy, không biến Thọ thành một quái vật răng đen mã tấu. Võ Phiến để cho Thọ tự tả mình. Hãy nghe Thọ tâm sự lần chót với vợ trước khi tập kết:
‘Con người ta ao ước xung quanh mình cái gì cũng có trật tự, muốn cho tư tưởng mình góp lại thành hệ thống, muốn cho muôn vật xếp vào từng loại, có hướng đích. Bấy lâu cuộc sống phát triển một cách tự động, xã hội lộn xộn bừa bãi, giậm chân một chỗ hàng thế kỷ không tiến lên được. Người ta mong muốn tránh sự lộn xộn, tự động, muốn một tổ chức hợp lý, muốn dắt dẫn xã hội đi nhanh về một hướng. Sự mơ ước say mê nào cũng tàn nhẫn. Nhưng lần này phải tàn nhẫn với tất cả mọi người, tất cả loài người, để theo đuổi một mơ ước… nhiều khi người ta cũng thấy việc đó quá sức mình, người ta muốn xuôi tay cho xong… Em thấy không, anh khổ quá, khổ quá sức! Hạnh, em phải hiểu cho anh… Bắt đầu là sự chán nản trước một tình trạng hỗn độn bừa bãi vô trật tự tuyệt vọng, xã hội cũ không để cho lớp người như anh một chút tin tưởng gì. Thầy mẹ chúng ta khác, em thấy không? Thầy có chỗ tin tưởng của thầy, chỉ có lớp anh mới khốn khổ bơ vơ, anh có thể sống vậy được sao, anh phải đi tìm một tin tưởng. Bây giờ anh đã là một cái trục nhỏ trong bộ máy lớn đang chuyển hết tốc độ để thực hiện một mơ ước…’
Rõ ràng là Võ Phiến bắt mạch được Thọ. Người đảng viên này khao khát những chuyện to lớn, tìm một lối đi. Và Võ Phiến thấy rõ cái khao khát đó không hẳn là khao khát độc lập tự do hạnh phúc cho dân tộc, không phải là lòng yêu nước… Chuyện ấy Thọ không đề cập đến, yêu nước là hệ luận phụ, trong khi chuyện chính là đấu tranh giai cấp để tiến tới thiên đường của thế giới đại đồng mà người cộng sản đệ tam mơ ước.
Nó nhắc tôi đến những năm học tại khu IV Thanh Hoá, trong các buổi học tập dành cho học sinh dù mới đang học trung học đệ nhất cấp. Những đề tài triết học loại đó được đưa ra dưới những tựa và từ vô cùng hấp dẫn và oai, như ‘nhân sinh quan’, ‘vũ trụ quan’, mà học sinh cảm thấy mình quan trọng khi được dự phần. Nhưng tôi cũng nghĩ chuyện trên trời dưới bể như vậy, phần đông chúng tôi quên tức thì.
Nhưng một câu hỏi mới hiện ra, là tại sao nó lại thấm vào xương vào tủy những người như Thọ. Đọc Võ Phiến xong, ta có thể lý giải như thế này. Một giáo làng như Thọ bỗng nhiên được sinh hoạt như thể đang dự phần vào những sự kiện có tầm quan trọng đến trật tự thế giới, cái quan trọng hoang tưởng làm sao không bốc lên đầu. Làm sao không say mê được, nếu mình được thuộc vào guồng máy lớn có khả năng áp đặt trật tự cho mọi diện của cuộc sống tinh thần hay vật chất của tất cả loài người. Và bản thân mình, khi được đồng hóa với guồng máy lớn đó, dù với tư cách một bánh xe nhỏ, lại có quyền tàn nhẫn với tất cả loài người để thực thi cái giấc mơ thiên đường hạ giới. Cái oai của người đảng viên, dù là đảng viên ‘trục nhỏ’ như Thọ gọi, nôm ra ra là đảng viên tép riu, có sức cám dỗ vô cùng mãnh liệt… Trong tâm trạng đó, Thọ có thể dễ dàng tàn nhẫn với ngay bà ngoại ruột của mình, để bà chết vì đấu tố mà không tới thăm, với cả cha mình, để ông đi tù vì thiếu thuế của cộng sản, mà anh ta không thay đổi lòng trung thành với đảng.
Và ly kỳ nhất là Võ Phiến còn giải thích được tại sao ở cấp cán bộ tép riu của Thọ, người cộng sản chấp nhận rằng những hy sinh anh ta phải làm, những tàn nhẫn anh ta phải đem đối xử với vợ con cha mẹ và bản thân, cấp trên của anh được miễn. Khi câu hỏi được nêu lên, Thọ nói:
‘… như thế không phải là có sự phỉnh gạt. Cùng đeo đuổi một lý tưởng không phải ai cũng làm như ai. Mỗi cương vị có một nhiệm vụ khác nhau. Ở cương vị này, làm việc này, phải có thái độ này, phải sống cái tình cảm này; ở cương vị kia, làm việc kia, thì phải có thái độ kia mới thích hợp. Trong vai trò điều khiển phải có một thái độ; trong vai trò chấp hành phải có thái độ khác. Mọi người thấm nhuần lý tưởng chung, nhưng hoạt động trong vai trò của mình, ai có vai trò nấy. Quan niệm máy móc, tự đặt mình vào vị trí kẻ khác… Không được đâu. Một tế bào của lá phổi không hoạt động như một tế bào của bộ não; nhưng cả hai đều phải sống đúng cái chân lý sinh hoạt của một con người. Mình phải có cái quan niệm kỷ luật…’
Còn lại một câu hỏi, là phải có một căn cơ thế nào Thọ và những người như anh mới để những đại ngôn loại nhân sinh quan vũ trụ quan của cán bộ tuyên truyền phỉnh phờ đến chỗ nhận làm đảng viên tép riu, để ác với nguời thân và người không thân, tóm lại với cả loài nguời? Võ Phiến đã minh bạch trả lời câu hỏi ấy. Là căn cơ ấy là căn cơ của Thọ, một con người yếu đuối về thể xác lẫn tinh thần. Dưới mắt người vợ, Thọ hèn yếu với tấm thân gầy còm xấu xí, mà chính anh ta hổ thẹn ngay cả những lúc phải khỏa thân trong đời sống vợ chồng. Thọ hèn yếu tâm thần, có gì khó nghĩ là trằn trọc thao thức suốt đêm… Thọ ghen kinh khủng, nhưng không đủ can đảm, hay nói cách khác, là quá hèn để nhận mình ghen… Tóm lại Võ Phiến cho ta hình ảnh của một con người thất bại, bỗng dưng tìm được lẽ sống trong vai tuồng một chiếc bánh xe nhỏ trong guồng máy lớn của cộng sản quốc tế có khả năng áp đặt trên người khác cái kỷ luật của mình. Từ cái oai đó, anh ta có khả năng tàn nhẫn tuyệt đối để thực hành cái mơ ước ấy.
Tôi chưa thấy một cuốn tiểu thuyết chính trị nào viết trung thực, điêu luyện, và thuyết phục đến thế. Tôi nghĩ nó có sức công phá ghê gớm. Hèn chi có một thời điểm trong lịch sử rất gần, đối phương gọi Võ Phiến là ‘biệt kích văn hóa’. Phải thốt lên những lời như vậy, phải chăng họ đã trúng thương.
So với văn chương chống cộng thế giới, ‘Thác Đổ Sau Nhà’ có giá trị thuyết phục như cuốn Doctor Zhivago của Boris Pasternak, tuy rằng người cộng sản ở cuốn tiểu thuyết Nga được giải Nobel này thuộc thành phần cao cấp hơn và trí thức hơn anh giáo làng tên Thọ ở vùng núi Quy Nhơn…
Những nhân vật khác của ‘Thác Đổ Sau Nhà’ cũng rất đặc biệt. Thí dụ như Kha, nhân vật quốc gia sống trong vùng cộng sản suốt cuộc chiến chống Pháp, và suốt thời gian ấy có lẽ bị giam lên giam xuống, cho đến khi miền Nam được thành hình. Với đệ nhất cộng hòa miền Nam, Kha có đất sống, và trở thành một quận trưởng dấn thân. Qua ngòi bút của Võ Phiến, Kha đem lại sinh khí cho người miền Nam. Tôi biết có nhiều công chức, quân nhân, y sĩ, kỹ sư, giáo chức miền Nam, thấy Kha giống mình. Và qua Kha, Võ Phiến làm tôi nhớ đến phong độ của con người miền Nam lên cao thời ấy, theo với sự phát triển của miền Nam trong nhiệm kỳ tổng thống đầu của đệ nhất cộng hòa, từ giáo dục, thể thao, văn học, kinh tế, đến lập pháp, tư pháp…
Nhưng có lẽ thấm thía nhất là nhân vật Hạnh, người đàn bà Thọ bỏ lại để đi tập kết. Chị là học trò cũ của Thọ, về sau lấy Thọ. Chị trẻ hơn Thọ nhiều, có lẽ học xong tiểu học, nhưng khôn ngoan hơn chồng. Chị thương chồng, mà người chồng vì quá nhiều mặc cảm, và quá nhiều trăn trở không ít thì nhiều vì cái mặc cảm tạo ra, không đáp ứng được tình yêu của chị… Chị bị chồng bỏ lại để đi tập kết. Chị sống bơ vơ một thời gian.
Cái cảnh cô đơn từ khi chồng còn chưa đi tập kết, lại càng cô đơn hơn khi bị anh bỏ lại một mình. Chị phải đảm đang thêm nhiều công việc mà người đàn ông ra đi đã để lại cho chị cáng đáng, trong đó có việc lên núi chăn đàn bò của gia đình. Một đêm nọ có người thợ săn lạc tới. Trong đêm, ông ta tưởng đàn bò của chị là đàn nai, và nổ súng. May đạn thối, còn những hòn đạn mới ông toan nạp lại vào súng lại tuột tay rơi xuống khe. Bấy giờ ông nhận ra sự lầm của mình, và mừng rỡ ông chạy tới lán người chăn bò, thấy hắn đang ngủ say. ‘Hắn’ là chị. Mới đầu cả người thợ săn lẫn người chăn bò cùng mừng rỡ vì tai nạn không xảy ra, nhưng rồi cả hai ghi nhận hoàn cảnh của họ là hoàn cảnh của người đàn ông và người đàn bà giữa rừng núi hoang vu. Chuyện phải đến đã đến. Chị không trách ai, nhưng chị tủi thân vì ông ta chỉ thấy chuyện chung chạ một đêm với chị là một a-văng-tua của cuộc đời săn bắn, thế thôi… Tất cả chỉ là cái thú xác thịt, của ông ta cũng như của chị. Ở ông ta cái thú vô tư lự, không phán xét mình hay người, ở chị cái thú lẫn với xấu hổ và tủi nhục… Và sáng hôm sau, ông xuống núi ra khỏi khu rừng, không thắc mắc, không hẹn hò tái ngộ, cũng không ngoái đầu nhìn lại một lần chót… Thật ra hành động của người thợ săn ấy không làm ta ngạc nhiên. Ông ta là ông quận Toàn, chỉ thú đi săn, và thú ăn ngon, thú hưởng thụ. Thời thế mặc thời thế, ông chỉ xoay sở để những thú vui của mình được nguyên vẹn.
Để chấm dứt cái cảnh vất vưởng ấy, chị lấy Kha, trở thành bà quận trưởng. Tôi nghĩ Võ Phiến rất thương yêu nhân vật này. Tôi cảm thấy có lẽ Võ Phiến dùng chị làm ẩn dụ cho đất nước Việt Nam, một giải đất rất đẹp đã bị Thọ và Kha tượng trưng cho quốc và cộng thay phiên nhau làm chủ, đã bị sử dụng một đêm bởi quận Toàn tượng trưng cho cuộc sống xôi thịt vô tâm vô tình, của một số người miền Nam. Nhưng chị đã phục hồi, như những người nữ của những truyện hay Việt Nam. Và bao giờ chị cũng đáng yêu. Rất nhiều nữ độc giả thấy mình trong nhân vật nữ này.
Cô Hoa, cán sự y tế đánh thuốc mê cho tôi mổ hôm đó, hóa ra là chủ nhân cuốn sách bỏ quên trên bàn nội trú. Chính cô đã để riêng cái xác em gái thai nhi để chôn cất nó tử tế. Cô thông minh, cuộc sống hoàn toàn bình thường và hạnh phúc, sắp làm đám cưới với anh ngoại trú bạn tôi, vậy mà rất tâm đắc với vai nữ của ‘Thác Đổ Sau Nhà’. Cô bảo, ‘Anh ạ, em hoàn toàn thấy em trong nhân vật Hạnh… Em không quen tác giả, nhưng nhiều khi em cứ tưởng như ông Võ Phiến dựng nhân vật này cho em…’
*
Toàn bộ, ‘Thác Đổ Sau Nhà’ thành công ở chỗ ghi lại với nghệ thuật rất cao tâm sự trăn trở của người thanh niên Việt Nam thời đó, quốc cũng như cộng. Hơn nữa nó ghi lại cái đẹp của tâm hồn Việt Nam qua vai người nữ, không phải cái đẹp công thức của một Kiều Nguyệt Nga qua cơn binh lửa mà bùn không lấm tới gót chân, mà một con người rất gần với chúng ta, đã ngã xuống bùn mà vẫn vùng lên với đầy đủ nhân phẩm tự trọng, nhờ có trái tim, có trí óc…
Thời giờ không cho phép kéo dài hơn, tôi xin tóm lại là ‘Thác Đổ Sau Nhà’ là một tác phẩm tuyệt bút hiếm hoi. Có thì giờ phân tách ra mà nhìn từng diện của văn chương, như cách sử dụng đối thoại, dẫn dắt sự việc, dàn dựng nhân vật, gài ý vào lời, tả cảnh tả tình, âm điệu của từ ngữ, vân vân… truyện lại càng hay hơn. Tôi xin dành phần kỹ thuật ấy cho các vị giáo chức văn chương khai triển…
Nếu quý vị hỏi trong sự nghiệp văn học đồ sộ của nhà văn lớn, bao nhiêu truyện tôi cho hay bằng ‘Thác Đổ Sau Nhà’. Câu hỏi thật khó trả lời vì nét đa dạng của văn phong Võ Phiến. Tất nhiên là Võ Phiến không thiếu truyện hay, nào ‘Thương Hoài Ngàn Năm’, nào ‘Đêm Xuân Trăng Sáng’, nào ‘Nguyên Vẹn’, nào ‘Giã từ’… Nhưng nếu quý vị chấp nhận cái nhìn chủ quan của tôi, thú vị nhất vẫn là ‘Thác Đổ Sau Nhà’.
Lại mượn lời Kawabata nói qua miệng nhân vật Oki trong ‘Đẹp và Buồn’, một đời người mà vắt ra được một truyện hay như vậy, chẳng đã là thành công rất lớn sao?
Jan 27, 2007
Mai Kim Ngọc