có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 10 29, 2009

Phi công trực thăng




(thân mến tặng các bạn lái trực thăng và riêng cho PD 215)

Lần đầu tiên tôi được thấy phi cơ trực thăng là trong một buổi diễn binh của quân đội Pháp tại Hà nội vào ngày 14 tháng bảy năm 1950, trên Hồ Hoàn kiếm phía trước Taverne Royale.

Đây là loại trực thăng tải thương hiệu Hiller hai chỗ ngồi và có gắn thêm hai cáng bên ngoài có nắp plastic để chở thương bệnh binh, sự biểu diễn khéo léo của viên nữ phi công Pháp Đ/úy Valérie, nguyên là một bác sĩ quân-y, đã gây nhiều thích thú và cảm phục cho người coi: lúc bay đứng, lúc bay lui, lúc bay ngang sang trái, lúc bay ngang sang phải, lúc quay tròn tại chỗ, lúc bốc thẳng lên cao thật là lạ lùng, coi thường mọi khả năng của phi cơ thông thường, hình dáng thon nhỏ, khung sườn là những ống thép, với cánh quạt quay loang loáng phía trên trông thật giống như con chuồn chuồn.

Thế rồi thời gian trôi đi, tôi gia nhập Không Quân và phục vụ tại Phi Ịoàn 1 Quan Sát. Vào những năm đầu của thập niên 50, Bộ Tư Lệnh Không Quân (BTLKQ) cần tuyển một số phi công theo học chuyển ngành trực thăng. Phi đoàn tôi đề cử Thượng sĩ Lê Quỳnh vì điều kiện tiên quyết phải là hoa tiêu đã. Nơi huấn luyện sơ khởi tại TSN trên loại Hiller do Th/sĩ Petit người Pháp đảm trách, sau đó sẽ được hoàn tất tại phi trường Orly bên Pháp. Cùng khóa còn có Tr/uy Nguyễn hữu Hậu, Nguyễn văn Bá, Nguyễn đức Hớn... và sau này còn nhiều bạn khác chuyển ngành từ phi cơ có cánh sang bay trực thăng như Ba Thiện, Các, Trang, Dưỡng, Định, Thập, Phước, Trường....

Phi đoàn trực thăng đầu tiên nhận lãnh những phòng ốc của KQ Pháp trong căn cứ TSN có tên gọi là Heliport, phi cơ là loại H-19 Choctow, với nhiệm vụ chính là tải thương. Thỉnh thoảng về công tác tại Saigon, tôi hay sang thăm các bạn cũ và bay theo các phi vụ huấn luyện để tìm cảm giác lạ trên một loại phi cơ không cần tốc độ đi tới lại có thể cất cánh được. Lẽ dĩ nhiên là tôi được chiếu cố đặc biệt bởi những anh bạn cũ tinh nghịch, đã biểu diễn cho tôi mọi kiểu bay. động tác mà tôi ghét nhất là tập làm autorotation: phi cơ tự nhiên rớt như cục đá khi gần tới mặt đất lại khựng lại, khiến tôi lên ruột. Nhưng điều làm tôi không mấy yêu thích trực thăng là sự rung động triền miên của thân tàu, ăn nhịp với tiếng “phành phạch” đặc biệt của cánh quạt trực thăng, và con người cũng ít nhiều về lâu về dài bị ảnh hưởng của sự rung này. Nên tôi nghĩ các anh phi công trực thăng phải có tim, gan, phèo, phổi thật tốt, nếu không cột chặt mũ bay thì rất có khả năng bị sói đầu sớm và bụng bự ra cái chắc, vì cứ bị lắc triền miên như thế thì tim phổi gan sẽ dồn xuống bụng hết, và rồi ra đi đứng lúc nào cũng sẽ rung lật bật như người mắc bệnh Parkinson.

Về kỹ thuật lái, phi cơ trực thăng có những nét đặc biệt không giống ai, phi công chính thì ngồi ghế bên phải, hai tay điều khiển hai cần lái, tay ga thì xoay nắm tay như xe gắn máy Honda (UH1 và Chinook cải tiến bằng tay ga tự động). Trên phi cơ thông thường, khi đẩy cần lái tới thì bay xuống, kéo vào bụng thì bay lên. Nhưng trực thăng thì khác: đưa cần lái về trước thì phi cơ cúi đầu xuống lao về phía trước như chú bò rừng tấn công anh chàng matador, kéo cần lái về phía sau thì phi cơ hất đầu lên nhảy lùi về phía sau như một con ngựa bất kham. Với nhiệm vụ nhân đạo chính là tải thương, phi cơ trực thăng vẫn hấp dẫn một số phi công “ hào hiệp” trong lòng mang đầy “hiệp sĩ tính”. Muốn đi tìm một lối thoát cho tính Thiện của con người trong thời chiến, những phi công mang đầy lý tưởng cao đẹp này đã không quản hiểm nguy nơi tiền tuyến, chỉ có chữ thập đỏ lớn sơn trên thân phi cơ làm bùa hộ mạng, đã tản thương được biết bao chiến hữu về trạm quân y thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Việt nam là một chiến trường để trắc nghiệm những vũ khí và chiến thuật chống nổi dậy của Mỹ, nên đầu năm 60 Lục quân Mỹ đưa vào một số trực thăng H-21, tục gọi là “ trái chuối bay”, để chở quân đột nhập vào hậu cứ địch. Các trực thăng đươc trang bị đại liên, vì kỹ thuật chưa được hoàn hảo, tốc độ chậm, xoay trở chậm chạp nên một số lớn H-21 đã nằm la liệt trên những đồng ruộng của vùng 4 chiến thuật... H-21 được thay thế bằng loại H-34 to lớn hơn, hình thù cục mịch như con voi nhưng vẫn biểu diễn được những động tác khéo léo như một người làm xiếc, nên Phi Ịoàn 215 đã chọn hình vẽ một chú voi đứng thăng bằng trên một quả bóng làm phù hiệu, và lấy danh hiệu là Thần tượng, cả nghĩa đen và nghĩa bóng đều rất hay.

Các phi đoàn trực thăng của KQVN được lần lượt thành lập trang bị loại H-34 và tham chiến trên các vùng chiến thuật, theo tiêu chuẩn mới, các phi công trực thăng không nhất thiết phải đã là hoa tiêu phi cơ có cánh, nên BTLKQ đã tuyển chọn những sĩ quan từ những trường Võ bị Dalat hoặc Thủ đức gởi đi huấn luyện tại Hoa kỳ.


Thiếu tá Nguyễn Minh Thiện, nguyên trưởng phòng Chiến tranh tâm lý BTLKQ là vị chỉ huy trưởng đầu tiên của PĐ.215 đồn trú tại Nhatrang. Anh chơi nhạc rất hay và lấy bút hiệu là Lam Minh trong một số bản nhạc do anh sáng tác. Gia đình anh là điển hình cho một nếp sống mới trong mọi sinh hoạt tập thể của đơn vị, anh được mọi người yêu mến. Chúng tôi thường gọi anh là Ba Thiện trong những lúc riêng tư, tiếc thay Đại-tá Thiện mang bạo bệnh đã qua đời sau khi cùng gia đình di tản sang Mỹ, để riêng tôi mất đi một người bạn đồng đội với bao kỷ niệm khó quên của thuở KĐ62CT mới được thành lập với ba phi đoàn nồng cốt: PĐ 114, PĐ 215 và PĐ 524.

Trực thăng H-34 tương đối tốt và an toàn hơn loại cũ H-19 nhiều, tôi có nhiều thiện cảm hơn với loại phi cơ này, nhất là sau những lần bay tìm cứu những bạn tôi bị lâm nạn, như bạn Trần duy Nguyện trên đèo Mydrak. Bên quân đội Đại Hàn không có trực thăng loại này, nên có một lần Đ/T Ước đã tổ chức một cuộc thăm viếng xã giao bằng trực thăng cho một phái đoàn gồm các sĩ quan chỉ huy và phu nhân tới thăm Bộ Chỉ huy Tiếp vận 100 của quân đội Đại Hàn đóng tại đèo Rù Rì. Trong khi các đấng lang quân được hướng dẫn đi thăm các phòng sở thì những “má mì” được đi thăm P.X., thích gì cứ việc coi như quà tặng của bạn đồng minh. Đ/úy Nguyễn Văn Trang (Trưởng Phòng Hành Quân PĐ 215) thắc mắc cứ đòi xem nơi ăn chốn ở của các sĩ quan Dại Hàn, vì lúc này phòng kiến tạo của KĐ không thỏa mãn được nhu cầu cho các sĩ quan nên Đ/Uy Trang đang phải giải quyết vấn đề nơi ở cho các sĩ quan thuộc cấp, còn vị sĩ quan Đại Hàn thì cố gắng giải thích cho các phu nhân hiệu quả kỳ diệu của Ginseng Whisky cho các đức lang quân..


Rồi trực thăng H-34 cũng lỗi thời, nhường chỗ cho loại UH-1 với máy phản lực nhẹ nhàng uyển chuyển hơn, có trang bị đại liên, hỏa tiển..., để đánh dấu giai đoạn chuyển sang phản lực và giã từ vĩnh viễn H-34. Đ/U Trang đã ra lệnh cho các phi công và cơ khí viên đẩy bằng tay thay vì dùng tractor chiếc H-34 cuối cùng ra khỏi parking của phi đoàn giữa những tiếng reo hò vui thích của tất cả nhân viên KĐ62CT..

Trực thăng UH-1 Iroquois, với tên gọi thân thương UTT(iu ti ti) hoặc chopper đã trở nên quen thuộc trong quân lực VNCH: danh từ chopper cũng có nghĩa là helicopter , còn UTT là do tiếng gọi tắt của chữ Utilities nói lên tính năng đa dạng của Huey (hu-i) cũng là một tên gọi khác của UH-1. Sau một thời gian ngắn bay chuyển tiếp, các PĐTT lại tiếp tục nhiệm vụ hành quân ngày càng phức tạp hơn do sự tăng cường xâm nhập của VC và kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh. Phi công trực thăng VN là những người có nhiều giờ bay nhất thế giới, thậm chí có những huấn luyện viên Mỹ còn ít giờ bay cánh quay hơn khóa sinh Việt nam. Mùa hè đỏ lửa với những chiến thuật mới về đổ quân ngay giữa lòng địch đã gây hoang mang không ít cho địch.

Từ đó, những công tác phá hoại và ngăn chặn theo kiểu đào đường đắp ụ sở trường của VC đã mất hiệu quả. Bằng trực thăng vận, ta có thể đưa quân tới những nơi được coi như là bất khả xâm phạm: hành quân đường 9 Nam Lào là kinh nghiệm xương máu cho sự trưởng thành của ngành trực thăng của KQVN.

Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, VC còn sử dụng một số UH-1 của ta còn bị kẹt lại, trong một cuộc dàn cảnh cho một cuốn phim của Bộ Nội Vụ VC, tại trại cải tạo Ba Sao, Nam Hà vào năm 80. Tôi lại được trông thấy hình dáng quen thuộc, nghe tiếng phành phạch khó quên của chiếc UTT thân thương mà trong lòng không khỏi mang chút ngậm ngùi, ấm ức như tâm trạng mình đã để mất người yêu xinh đẹp vào tay một tên phàm phu tục tử. Có một anh bạn cay cú không cầm lòng được đã la lên “hãy trả lại trực thăng cho ta”. Tôi chợt nghĩ đến Tr/tá Bút bên trại C chắc còn mang nhiều cay đắng hơn, và thương tiếc cho Th/tá Nghĩa, phi đoàn trưởng phi đoàn trực thăng 219 đã chết vì thiếu thuốc men tại trạm xá Yên báỵ


Trực thăng có nhiều ưu điểm hơn phi cơ có cánh cố định, nhất là trong việc tản thương. Về quân sự, nhược điểm lớn nhất của trực thăng là tốc độ tương đốI chậm, rất dễ bị bắn rơi. Chỉ một viên đạn nhỏ trúng vào cánh quay hay bộ phận truyền lực cũng đủ loại khỏi vòng chiến một trực thăng kém may mắn, trong khi một phi cơ bình thường cánh bị trúng đạn lỗ chỗ, hay mất một phần đuôi vẫn có thể lết về căn cứ được. Bởi vậy tôi luôn luôn ngưỡng mộ những phi công trực thăng về lòng can đảm cũng như việc điều hòa khéo léo cả tay lẫn chân trong kỹ thuật lái loại phi cơ kỳ diệu nàỵ (thực ra cánh trực thăng UH1 có thể lãnh cả chục viên đạn AK mà vẫn bay về an toàn -noted by Dq`)


Trong chiến tranh Việt Nam, trực thăng đã giữ vai trò quan trọng trên chiến trường vì những tính năng đặc biệt và đem lại nhiều thay đổi mới về chiến thuật khiến một quân sử gia Mỹ đã mệnh danh Viêtnam War là choppers war.

Trên đất nước tạm dung này, chắc các anh cảm thấy nao nao trong lòng mỗi khi thấy một chiếc trực thăng bay ngang qua bầu trời. Một số lớn các anh không còn dịp được bay nữa, không có trực thăng để bay nữa. Nhưng hãnh diện thay, các hiền thê của chopper pilots vẫn còn có phi công trực thăng để lái tới cuối cuộc đời, và chàng phi công trực thăng hào hoa phong nhã vẫn còn có bãi đáp để thỉnh thoảng biểu diễn những đường bay lả lướt của năm xưa.


Đằng Vân
3/97


nguồn hoiquanphidung.com