Hạnh đến nhận việc ở gia đình anh Hân vào tháng tư năm ngoái. Bấy giờ là đầu mùa xuân, mùa hoa tulip nở chập chùng trên những lượn đồi miền Tây Bắc Hoa Kỳ. Nơi đây là một thị trấn nhỏ nói tên không ai biết. Nhà anh Hân ở đầu một con dốc đứng. Sát bên hông nhà là một cụm rừng thưa được ngăn lại bởi cái rào gỗ. Cây trong đó rất nhiều. Nấm ký sinh mọc trắng từng mảng trên những cái thân xù xì, lở tróc như vẩy. Cạnh khu rừng có một băng ghế dài nhưng không bao giờ thấy ai ra ngồi. Trên băng ghế nước mưa đọng lại, rồi bụi đất bám vào làm thành những cái quầng đen đen có hình ngôi sao nhiều cánh. Muốn ra ngồi chơi phải cầm theo một cái giẻ lau. Lúc mới đặt chân lên bậc tam cấp Hạnh liếc sang bên khu rừng ấy và có cảm tưởng như những cái cây trong đó nhìn nàng phảng phất cười. Nghe nói cây cũng có hồn. Hạnh bước vào nhà, chúng nhìn theo.
Gia đình anh Hân sống trong một căn nhà bừa bộn không tưởng tượng nổi. Đồ chơi con nít, sách vở, băng video, quần áo, thậm chí nồi niêu rổ rá bày đầy dẫy khắp nơi phải nhón chân mới bước qua được. Màn treo cửa sút sổ, xiên xẹo. Anh Hân ngồi sửa xe đạp cho con ở giữa nhà, gõ gõ, xiết xiết những con tán trong ánh sáng vàng vọt yếu ớt của cái chụp đèn ba bóng đã đứt hết hai. Bên cạnh là tô cơm nguội khô khốc đang ăn dở. Trên ghế sofa là một đống vừa vải vụn, vừa mền gối, bàn ủi, giấy gói quà, băng keo, hộp thuốc, Hạnh phải đùa qua một bên để lấy chỗ ngồi. Anh Hân gượng gạo: “Nhà cửa bê bối quá. Cô chịu khó vậy. Vợ tôi bịnh đã mấy tháng nay.”
Nhà có bốn phòng. Ba trên lầu, một dưới đất. Vợ chồng anh Hân và hai đứa con ở tầng trên. Phòng dưới nhà cho một người mướn. Có một người đàn bà độ sáu mươi đang nấu ăn dưới bếp. Hạnh hỏi: “Bà này mướn nhà anh hả?” Anh Hân đáp: “Không. Bà này là bà Hai. Người mướn nhà là ông Thu. Ổng gần bảy mươi, có đứa con gái ở xa tên là Thảo. Cô này gởi tiền về mướn bà Hai săn sóc cho ông ấy. Mỗi ngày bà Hai tới nấu cơm, giặt ủi quần áo cho ổng chừng vài ba tiếng rồi về. Ổng bị hẹp thị trường mắt, nhìn chỉ thấy lờ mờ nên chẳng đi đâu ra khỏi nhà.” Hạnh hỏi: “Sao cô Thảo không rước ông Thu về ở chung?” Anh Hân nói: “Ổng đâu có chịu. Mà cũng không ai chịu nổi ổng. Cô Thảo cũng có chồng… Bên chồng bên cha kẹt lắm.” Bà Hai ngồi lặt rau thấy Hạnh ngẩng đầu lên mỉm cười.
Anh Hân nói: “Cô trông coi dùm hai đứa nhỏ, cho chúng ăn uống, tắm rửa. Rảnh tay thì làm công việc nhà. Cô nấu dùm cho vợ tôi một phần cơm riêng. Cô ấy phải ăn thật lạt và không có mỡ. Tôi đi làm suốt ngày. Chiều về chỉ ăn một bữa. Tối cô ngủ với thằng nhỏ trên lầu, cái nôi để cạnh giường của cô.” Vợ anh Hân sau khi sinh đứa con thứ hai thì bị một bệnh về thận phải mổ. Mổ xong vẫn không khỏi, người sưng phù, đi đứng rất mệt nhọc, đang chờ để mổ lại. Chị hầu như chỉ bước ra khỏi phòng khi tới bữa ăn. Anh Hân rất thương vợ, đi làm cứ nóng ruột gọi điện thoại về thăm chừng. Anh là thợ hàn cho một hãng đóng tàu. Làm mười mấy năm hai mắt anh lúc nào cũng đỏ.
Hai đứa con của anh Hân gầy nhom như bố. Bé lớn tên An, năm tuổi, rất xinh, hai mắt to đen lónh lánh trên khuôn mặt thanh tú nhưng trắng xanh. Nó lúc thúc chơi một mình, nói chuyện một mình. An hay ngồi trên sofa nhìn qua cụm rừng bên cạnh. Nắng xuyên qua những tán lá chỗ dày chỗ mỏng làm cho khu rừng có những khoảng sáng tối không đồng đều, nửa tươi tắn sinh động, nửa u trầm bí hiểm. Những cái lá phe phẩy đong đưa trông như bàn tay vẫy. An nói:
-Cô Hạnh coi kìa. Mấy cái cây đó rủ mình qua chơi.
Hạnh bảo:
-Hôm nào cô dắt An vô rừng hái nấm.
Bà Hai lấy chai dầu gió trong túi ra quẹt quẹt ngang mũi:
-Cô nói làm như trong truyện. Trong ấy làm gì có nấm. Chỉ có kiến lửa. Hôm nọ bé An làm rớt trái banh trong đó tôi phải vô lượm. Kiến cắn còn sưng vù. Đây nè, nè…
Hạnh bảo:
-Khu rừng đẹp chứ hả dì Hai?
Bà Hai dài giọng:
-Ừ… thì đẹp. Hôm nào vui thì thấy đẹp. Hôm nào buồn mà ngó cái đám cây đó thì thiệt…muốn chết cho rồi. Cô ở đây lâu rồi cô biết.
Công việc nhiều quá nên đã hai tháng mà Hạnh chưa thấy cái vui cái buồn nào rõ rệt. Tối nào thằng Tí cũng khó ngủ nên Hạnh phải bế xốc nó lên vai ngồi lắc lư trên ghế xích đu đến thật khuya. Khuya đến mấy giờ nàng không biết, chỉ nhớ là tay chân mỏi rã rời, đầu óc mụ mẫm trong tiếng bật lên bật xuống cót két của cái ghế. Một nhánh cây mềm oặt bị gió đưa quét vào cửa sổ xào xạc. Hạnh nhướn đôi mắt nặng trĩu nhìn lên và nàng sửng sốt nghe những cái lá rù rì với nhau: “Kể cũng tội. Cô ấy cực quá.” Hạnh rùng mình tỉnh hẳn, rướn người lên cố nghe cho rõ thì cành cây bị gió dạt về phía khác để lại ô cửa trống không, đen thẫm buồn rầu. Chắc mình mơ-Hạnh nghĩ. Đứa bé trên vai giật mình khóc ré. Nàng đập nhẹ nhẹ lên lưng nó vừa dỗ dành vừa ngáp. Tối qua bé An đái dầm nên sáng ra Hạnh phải giặt tất cả mền gối, lại phải đem cái nệm ra phơi ngoài nắng. Thằng Tí bị tiêu chảy, không uống được sữa phải nấu cà rốt xay cho nó ăn. Vừa ăn xong nó ói đầy áo Hạnh. Lại dọn dẹp, lau chùi. Buổi trưa hai đứa nhỏ ngủ Hạnh tưởng có thể ngả lưng một chút thì chị Hân bảo đau bụng, không muốn ăn cơm, biểu nàng bắt dùm nồi cháo. Bà Hai nói:
– Cô đi nghỉ đi, để tôi làm cho.
Hạnh bảo
– Phải chi cháu có job nào giống như dì Hai thì đỡ biết mấy chớ coi con nít coi người bịnh kiểu này mệt quá.
Bà Hai lập tức vung cái đũa bếp trợn mắt nói:
-Cô tưởng job của tôi sướng lắm sao. Ông Thu này cũng bắt nạt tôi đủ điều. Ổng nói tôi cố tình chọc tức ổng. Mà tôi hỏi cô chớ tôi chọc tức ổng làm gì. Hỏi có béo bổ gì cho tôi không.
-Chọc tức là như thế nào?
-Thì như vầy. Ổng lôi thôi lắm. Quần áo mặc treo cả tuần lễ dơ không chịu được. Tôi vừa gom đi giặt thì ổng rầy. Tôi đưa cái cổ áo đen thui ra cho ổng coi, nói như thế này mà sạch à. Ổng la lớn bộ chị là má tôi sao. Đã vậy hôm cô Thảo về thăm ổng biểu chở ổng đi mua rùa về nuôi chơi cho có bạn. Bạn gì không biết chỉ thấy tôi phải làm thêm một việc nữa là thay nước cho rùa. Ổng còn biểu tôi mua thịt mỡ về nấu cho ổng ăn chớ thịt nạt ổng ghét lắm. Mà cô biết không ổng bị bịnh tim mạch, cao mỡ cao máu ăn uống lơ mơ chết như chơi. Nói thiệt cô chớ tính tình ổng trái trở lắm. Tôi thương cô Thảo tôi mới làm chớ gặp người khác là tôi nghỉ lâu rồi.
-Má cô Thảo đâu rồi hả dì Hai?-Hạnh hỏi.
-Bà đó chết lâu rồi.
-Ông Thu không lấy vợ khác à?
-Lấy vợ làm gì cho mệt. Ổng chỉ thích bồ thôi, từ hồi má cô Thảo còn sống kìa. Cô đừng thấy ổng già cả bịnh hoạn mà lầm.
-Vậy chớ bồ bịch của ổng bây giờ đâu hết rồi dì Hai?
-Bỏ đi hết rồi. Người cuối cùng là một cô còn trẻ, thương ổng lắm nhưng cũng không ở được.
-Sao vậy dì Hai?
Bà Hai hạ thấp giọng, liếc về phòng ông Thu nói thầm thì:
-Cái này tôi nói riêng cô nghe thôi nhé, cô đừng nói lại với ổng. Cô này xinh đẹp lắm, tên là Phong Lan, đi theo ổng cũng mấy năm. Hôm ổng mổ tim cô ấy có tới thăm, ngồi ngoài phòng đợi mà khóc ròng. Tôi nói ổng mổ xong thì khỏe chớ có gì mà cô khóc. Cô ấy nói em khóc vì bị má em chửi. Tôi hỏi chửi cái gì. Cô ấy kể rằng bà cụ nói mày là phong lan nên mới bám vào cái khúc cây mục này. Từ sau hôm đó không thấy cô ấy lui tới nữa. Bây giờ ổng chẳng còn ai.
Bà Hai nói xong rắc thức ăn vào hồ cho con rùa. Con vật rụt đầu nằm bất động trên tảng đá. Mấy viên thức ăn nổi lềnh bềnh trên mặt nước mà nó không buồn đớp lấy. Tiếng ông Thu nói với bé An: “An ơi, đem giấy thủ công lại đây. Ông làm cho cháu con diều. Hôm nào trời gió ông dắt cháu đi thả diều.” Bà Hai lầm bầm: “Lại bày thêm chuyện. Thử coi con diều của ông bay được tới đâu.”
Sau mấy tháng hè là mùa mưa. Mưa liên tục. Mưa nhiều quá khiến cái cổng rào gỗ no nước không khép lại được. Hạnh thì vẫn phải chúi đầu vào những việc nấu cơm, đút cháo, thay tả, súc bình sữa, hút bụi, giặt giũ, phơi phóng…Mưa nhiều nên anh Hân ngại lái xe đi chợ. Mấy ngày liền cả nhà phải ăn đồ hộp. Những lon rau quả để lâu ngày gần nhũn ra, chưa cắn đã rã như bột. Phòng bé An bị dột, nước thấm vào ướt một góc thảm. Anh Hân phải leo lên mái nhà sửa lại, bị trượt chân té bong gân. Ông Thu ngồi trong phòng chán lấy cái áo mưa mặc vào ra sân chơi. Bà Hai nói nhỏ với Hạnh: “Cô thấy ổng khùng chưa.” Quay sang ông Thu bà nói: “Ông ra đó làm gì vậy ông?” Ông bảo: “Ra nhìn trời nhìn nước.” Bà Hai lầu bầu: “Có thấy không mà đòi nhìn.” Lúc trở vô ông mang đôi dép ướt nhẹp bùn đất dẫm vào nhà. Bà Hai la oai oái: “Trời ơi là trời. Công chuyện làm không hết mà ông còn vẽ ra thêm.” Hạnh bồng thằng Tí ngó qua cụm rừng bên cạnh. Như đã thành thói quen cứ đi qua đi lại khung cửa sổ là Hạnh ngó sang bên đó. Những cái cây ướt đẫm nước run rẩy trong màn mưa bất tận. “Nè, đừng giả vờ.-Hạnh nói với chúng. Mấy bồ sướng hơn tôi nhiều. Đời sống của tôi đây còn nhũn hơn rau quả đóng hộp”. Mấy cái cây kia trả lời: “ Ai có phần nấy bồ ạ. Làm sao đổi chác cho nhau được”.
Một tối Hạnh đang ngủ bỗng nghe một tiếng hét lớn, đúng ra là một tiếng rống hãi hùng như của một con vật bị thương mà mới đầu nàng tưởng là phát ra từ màn ảnh truyền hình. Tiếp theo là tiếng người la điên cuồng rồi tiếng khóc dữ dội vỡ òa. Hạnh lập tức chạy về phía tiếng động thì chứng kiến một cảnh tình thê thảm. Chị Hân nằm trên giường ôm bụng la oằn oại. Cạnh bên là bé An đang khóc điếng cả người. Anh Hân gào lên: “Trời ơi, con ơi là con.” Số là tối hôm trước chị Hân mới xuất viện trở về sau khi mổ lại lần thứ hai. Vết thương của chị còn rất đau nên khi ngủ chị phải dằn lên bụng một cái gối. Nửa đêm bé An thức giấc qua phòng tìm mẹ đã vô tình dẫm lên cái gối mà không ngờ có chị Hân bên dưới. Anh Hân gọi gấp cho xe cứu thương. Sáng hôm sau anh trở về như một cái xác. Anh ôm lấy bé An mà khóc nức nở: “Con ơi, không biết mẹ con có qua khỏi không.”
Chị Hân bị xuất huyết nội, bị nhiễm trùng phải nằm bệnh viện cả tháng. Về nhà mấy tuần lễ mà vết thương còn đau. Nấu cơm xong Hạnh phải mang lên lầu cho chị vì chị không đi xuống nổi nữa. Anh Hân nói với Hạnh: “Cô ráng dùm tôi. Làm được một năm tôi tặng cô cái vé đi vacation.” Mỗi ngày anh Hân đều đọc kinh cầu nguyện. Hai tháng sau chị đi lại được chút chút và tới tháng thứ tư thì coi như đã khá thấy rõ. Anh Hân mừng rỡ đặt tiệc ở nhà hàng mời hết gia đình, bạn bè, bà Hai, ông Thu đi dự. Ông Thu nói: “Ở xứ này có hai việc khó làm. Thứ nhất là làm giàu, thứ hai là chết. Như tôi đây bị đủ thứ bịnh mà sao chờ hoài không thấy chết.” Sẵn đang vui anh Hân rủ thêm mấy người bạn tổ chức cho cả nhà đi cắm trại. Anh chở con đi sắm giày vớ, bình đựng nước đá, đèn pin, cần câu, dụng cụ đi rừng… Bé An ôm cổ Hạnh nói: “Cô Hạnh ở nhà ngoan. An câu cá đem về cho cô.” Anh Hân dặn: “Cô ở nhà ba ngày lo giặt thảm, giặt tất cả màn cửa và lau chùi toàn bộ cửa kính.” Rộng rãi chán. Hạnh làm hai ngày là xong. Vắng chủ nhà thích thật. Nàng vừa làm vừa hát: “Mưa này mưa hãy qua mau đi. Ông mặt trời đừng trốn tôi nữa nhé. Cái áo của tôi cần được phơi khô. Con mèo của tôi cần được sưởi nắng. Và trái tim tôi cần được nô đùa.” Buổi chiều trước hôm anh Hân về Hạnh lấy chiếc áo mới mua từ dạo trước khi đến làm ở đây ra mặc vào rồi nhẹ nhàng khép cửa đi chơi. Trước khi đi nàng còn ngó qua cụm rừng bên cạnh một lần nữa. Nàng nói với những cái cây:“ Thôi mấy bồ ở lại, mình đi một chút rồi về.” “Vui lên. Vui lên.”-Những cái cây đó đồng loạt đáp.
Phía sau nhà anh Hân đi xuống vài con dốc là ra tới bờ sông. Trên bờ có một chợ phiên đồng quê bán nông phẩm từ những trang trại gần đó như rau quả, trứng gà, ngũ cốc… Nước chảy êm như mơ. Nắng chiều vàng óng trải trên thành cầu, trên bờ nước. Hạnh ngồi xuống một gốc cây cầm cái que khuấy nhè nhẹ lên những cụm rong bập bềnh. Dưới mặt nước rung rinh là cái bóng của một cô Hạnh nào đó đăm đăm nhìn nàng bằng ánh mắt trỏm lơ, cam chịu như ánh mắt của con chó, con khỉ bị nhốt trong chuồng. Hạnh thở dài ném cái que. Ước gì có một bàn tay cho mình nắm nhỉ. Chồng Hạnh trước đây không nắm tay vợ bao giờ. Sau tiệc cưới anh về nhà rất khuya, cả người phất lên cái mùi tanh tanh của thức ăn và rượu. Lúc đó nàng đang nằm dật dờ trong căn phòng được xếp dọn qua quít bên nhà cha mẹ chồng. Phòng này trước giờ vẫn được dùng làm phòng may quần áo bỏ mối nên chiếc giường của nàng lọt thỏm giữa những chồng vải đã cắt rập chất cao đụng trần. Anh ta nằm lên người nàng. Nàng sợ hãi nhích lên, nhích lên tới khi đầu đụng vào tường. Mắt nàng nhìn lên những chồng vải chông chênh, chờn vờn như sắp ngã. Xong, anh ta che miệng ngáp: “Làm gì như mất hồn vậy? Ra uống một ly nước lạnh đi.” Bây giờ thì con người ấy ở đâu nàng không biết. Đoạn đời ấy ngắn nhưng vật vã như một giấc ngủ muộn lúc xế chiều mà người ta gọi là bị mặt trời đè. Hạnh rời thành phố cũ, tìm việc làm ở những nơi xa, những nơi không ai biết nàng. Những liên lạc với người thân mất dần. Đứa em trai, người chị gái của Hạnh bây giờ ở đâu? Những bạn bè cũ giờ ở đâu? Tất cả đều xa vời. Không ai biết Hạnh đang ở đây, đang một mình bên dòng nước không tên không tuổi này. Bao nhiêu lần Hạnh muốn viết một bức thư hay gọi một cú điện thoại về nhưng rồi thôi. Không liên lạc lâu quá rồi, bây giờ mở miệng ra nói không biết nói chuyện gì.
“A, xe lửa. Xe lửa chạy qua kìa mẹ.”- Một đứa trẻ níu tay mẹ chỉ lên cầu. Xập xình, xập xình… Tu tu….Người mẹ nói: “Con đếm coi xe lửa có bao nhiêu toa.” Đứa bé đếm: “Một, hai, bốn, mười bốn…mười sáu…” “Đếm gì mà kỳ vậy?” Người mẹ ký đầu con còn đứa trẻ thì cười như nắc nẻ. Trời sụp tối. Không còn một mảng nắng chiều nào vướng lại trên dòng sông. Mặt nước dần dần đổi sang màu xám đục. Chợ phiên còn sót lại vài người cuối cùng đang xếp những sọt hàng lên xe chở đi. Họ cười với Hạnh: “Tuần sau đến nữa nhé. Nhé. Nhé.” Những bàn tay vẫy thoáng cái đã lẩn vào bóng đêm. Nàng về tới con dốc thì những căn nhà hai bên đã lên đèn trừ nhà anh Hân còn tối âm u. Phòng khách tối thui. Hành lang tối thui. Chỉ nhà bếp có ánh đèn. Hạnh nhìn thấy ông Thu đang ngồi ăn cơm một mình, ăn rất lặng lẽ, âm thầm như một cái bóng vô danh. Ông có tật hay đội nón, ngay cả ở nhà, trong túi luôn luôn có cái radio chạy pin nói ra rả không ngừng. Cả ngày không thấy ai nói chuyện với ông. Bà Hai xong công việc ra về, nếu có nói là nói những lời phàn nàn, dấm dẳng. Ông Thu không hay Hạnh đứng đó, tiếp tục và cơm một cách chậm rãi, chốc chốc đưa tay đấm nhè nhẹ lên cái lưng hơi còng do thoái hóa cột sống. Những âm thanh trong radio méo mó, rè đục như sắp hết pin. Nàng cất tiếng hỏi: “Bác Thu ăn cơm có một mình à? Bà Hai đâu?” Ông Thu tắt radio ngẩng lên. Cái nón trên đầu sụp xuống tạo thành một quầng đen che khuất gần nửa khuôn mặt đẩy ông xa thêm với người đối diện và kéo ông lại gần hơn với cái bóng của chính mình. Ông nói: “Bà Hai bận việc xin về sớm.” Hạnh nói: “Sao bác không mở đèn lên, để nhà tối thui coi buồn quá.” Ông trả lời: “Với tôi thì sáng tối gì cũng giống nhau. À, cô mới đi đâu về vậy?” Hạnh đáp: “Cháu ra chơi ngoài bờ sông.” Ông Thu nói: “Cô ăn cơm chưa ngồi ăn với tôi cho vui.” Hạnh ngần ngừ: “Cháu mua bánh mì ăn rồi.” Ông ngước nhìn Hạnh: “Cô ngồi chơi với tôi một lát đi. Tôi ăn cơm một mình đã sáu năm nay rồi. Nhiều khi nuốt không trôi cô nhỏ à.”
Hạnh kéo ghế ngồi đối diện. Nàng thấy trên bàn có dĩa trứng chiên và ít rau luộc, cơm rớt vương vãi. Ông Thu nói:
-Tôi thèm ăn cá mà bà Hai không cho. Bà ấy nói là sợ xương.
Hạnh hỏi:
-Bác thích ăn cá gì?
Ông nói:
-Tôi thích ăn cá he.
Hạnh nhớ trước đây chồng mình cũng thích ăn cá he nhưng lúc nào anh ta cũng ăn mình cá, còn Hạnh phần đầu phần đuôi. Nàng nói vơ vẩn:
– Cháu cũng thích cá he.
Trên bàn có một vệt gì rất mảnh và dài vắt ngang đụng vào dĩa trứng làm Hạnh chú ý. Trong dĩa là những cái hạt lấm tấm, đen đen mà mới nhìn Hạnh tưởng là tiêu. Nàng cầm dĩa trứng lên nhìn thật kỹ buột miệng kêu:
-Ối, bác Thu ơi. Bàn ăn kiến bò lên đây nè.
Ông Thu cúi sát xuống mặt bàn:
-Đâu? Đâu?
Hạnh kéo dĩa rau, dĩa trứng sang một bên:
-Trời ơi kiến bò đầy nè bác ơi. Trong chén cơm của bác cũng có kiến nữa.
Đúng là kiến. Kiến ở đâu mà nhiều quá. Chúng li ti như mạt gỗ, chen chúc, đủng đỉnh lên xuống giữa những hạt cơm. Chúng bò cả lên tay làm Hạnh phải phủi lia lịa.
Ông Thu nói:
-Vậy mà tôi đâu có thấy. Nãy giờ ngồi ăn kiến mà không hay.
Hạnh thấy tội nghiệp. Nàng đổ cơm vào thùng rác, dọn bàn sạch sẽ rồi xới cho ông chén khác. Ông đỡ lấy chén cơm. Trên ống tay áo vướng lòng thòng vài cọng rau. Con người này mà thời trai trẻ đã từng ôm ấp bao nhiêu đàn bà như lời bà Hai kể đó sao? Ông Thu hỏi:
-Cô ra bờ sông chơi có gì vui?
Hạnh không biết trả lời như thế nào. Những gì nàng nhìn thấy có thể cho là vui được hay không. Nàng nói đại:
-Nắng chiều đẹp lắm bác.
Ông Thu ngừng đũa nói:
-Sáu bảy năm rồi tôi chẳng biết nắng chiều nắng sáng gì cả.
Hạnh lấy hộp bánh trên bàn ăn nhỏ nhẻ. Nàng rót cho mình một tách trà, ông Thu một tách. Mùi trà thơm thơm, mùi thuốc xịt kiến nồng nồng. Ông nói:
– Nhắc tới sông với nắng chiều tự dưng tôi nhớ tới một kỷ niệm hồi còn trai trẻ. Dạo ấy tôi đâu mười sáu mười bảy tuổi, ở trong đoàn hướng đạo sinh. Một hôm tôi theo đoàn hướng đạo về một vùng quê. Ở đó cũng có một con sông nhỏ, hai bên bờ trồng mía. Những cây mía cao quá đầu, lá dài và sắc, ngọt không tả được. Chiều hôm đó tôi hứng chí thơ thẩn ra bờ sông đi chơi một mình. Tôi đi luồn giữa những cây mía tay cầm một cây gậy đánh qua đánh lại hai bên. Cô biết tại sao phải làm như vậy không? Để tránh rắn. Nếu có rắn thì nó biết mình sắp tới nó chạy trước. Gió từ bờ sông thổi vào đám lá mía nghe rào rào. Đang đi tự nhiên tôi nghe có tiếng đàn réo rắt phát ra từ một nếp nhà tranh trong lùm cây gần đó. Tôi tách khỏi đám mía, rảo bước về phía căn nhà kia. Nhà có một cổng rào bằng tre, xung quanh trồng nhiều đu đủ. Tôi rón rén tới gần nhìn qua cửa sổ thì thấy một cô gái đang đánh đàn. Cô ấy mặc áo bà ba, tóc ngắn tới vai, ngồi trên cái ghế gỗ, chơi đàn măng-đô-lin. Cô ấy chơi bài gì cô biết không. Bài Nắng Chiều. Cô biết bài hát đó không? Qua bến nước xưa lá hoa về chiều. Dịu dàng mềm đưa trong nắng lưa thưa. Trời ơi tôi cảm động quá. Tôi cứ đứng ngây ra vừa nhìn trộm vừa nghe trộm. Lúc ấy nắng chiều đẹp lắm. Nó rực lên óng ả trên rẫy mía, trên những trái đu đủ xanh bóng. Cô ấy không biết có người nghe trộm cứ thản nhiên chơi đàn, một bàn chân nhịp nhịp xuống đất. Bỗng cô bất thần nhìn lên, ngó thấy tôi ngoài cửa sổ thì hơi khựng lại nhưng không sợ hãi lắm. Cô đặt cây đàn xuống bước tới gần. Cô ấy nhìn tôi. Tôi nhìn cô ấy…
-Rồi …sao nữa bác?- Hạnh hỏi.
-Rồi…thôi. –Ông Thu cười. Cô còn muốn thêm gì nữa? Sau đó cô ta đi lấy chồng, còn tôi thì thất tình nên nhảy xuống sông tự tử? Hà hà. Làm gì như cải lương vậy. Chỉ nhìn nhau rồi thôi cô nhỏ à. Tôi quay trở về trại, không kể lại với ai. Rồi đoàn hướng đạo đi. Tôi không có dịp nào trở về vùng quê đó. Cô nàng kia bây giờ cũng xấp xỉ bảy mươi như tôi. Đó là kỷ niệm đẹp duy nhất trong đời tôi. Sau này tôi làm toàn những chuyện bậy bạ. Cái thời đó… năm chục năm rồi chớ ít gì… Ối dào, nắng chiều ơi là nắng chiều…
Ông Thu nói xong nở một nụ cười lành như đất. Cái duyên dáng, hóm hỉnh của một anh trai trẻ như còn sót lại trên hai môi kéo giãn hết cỡ, trên những rãnh sâu già cỗi của một khuôn mặt đã ở cuối đường. Nghiêng người về phía Hạnh ông bảo:
-Cô kể chuyện cho tôi nghe đi. Chuyện đi học, đi làm, hay chuyện mấy anh con trai đeo đuổi cô hồi con gái chẳng hạn…
Hạnh mỉm cười chống một tay lên bàn. Chuyện gì nhỉ? Mình đã có ai đâu. À, cái anh gì hồi đó trong xóm hay qua hứng nước dùm. Hứng đầy ba lu, còn nàng thì nằm võng ca vọng cổ. Rồi anh ấy đi theo một đoàn cải lương tỉnh, có ghé về thăm đem theo một giỏ mận và chai nước mắm làm quà. Sau lần đó thì biệt luôn. Hạnh kể cho ông Thu nghe. Ông nói đùa:
-Nước gì mà hứng có ba lu. Gặp tôi thì ba chục lu tôi cũng hứng.
Hạnh cười. Ông Thu cũng cười.
Rồi ông hỏi:
-Hạnh có chồng con gì chưa?
Hạnh đáp:
-Cháu không có ai cả.
Câu nói mang hơi hướm của một tiếng thở dài. Cả hai người ngừng nói. Chưa ai nghĩ ra câu gì để kéo câu chuyện trở lại tự nhiên như nãy giờ. Hình như ông có cựa mình trên ghế nên Hạnh nghe có tiếng ken két rất nhỏ của những khớp gỗ nghiến vào nhau. Trong tách nước những cái bọt trà nhỏ xíu nổi lên tụ lại một góc. Nói chuyện gì nữa? Hạnh đứng lên:
-Thôi bác nghỉ. Cháu về phòng.
Ông Thu đột ngột nhoài người giữ lấy tay Hạnh:
-Cô Hạnh nè…Tôi muốn nói một điều này. Mong cô… Cô cho tôi nhìn kỹ mặt cô có được không? Cô ở đây lâu rồi mà tôi có biết mặt mũi gì cô đâu. Chỉ thấy mờ mờ…
Lời đề nghị khiến Hạnh hơi bất ngờ nhưng nàng để yên cho ông nắm lấy tay mình dắt về phía ngọn đèn. Ông bưng lấy mặt nàng, cúi xuống nhìn chăm chú khiến Hạnh nhìn thấy từng sợi lông mi cũng bạc như màu tóc của ông, trĩu xuống như chịu lấy sức nặng của một đời người. Đôi mắt tàn tật của ông bị những nếp nhăn xung quanh kéo sụp xuống, ngân ngấn nước, gợn lên nỗi hắt hiu, gần như tuyệt vọng. Hạnh không nỡ nhoài người khỏi tay ông. Ánh mắt của ông làm nàng nhớ tới ánh mắt của con chó hoang đói rã tìm tới nhà nàng, gác cái mõm sùi nước bọt vào chỗ hở của cái rào tre ngước lên chờ đợi. Người này là ai? Một anh trai tơ tâm hồn còn hết sức trong trẻo như màu nắng chiều, một gã đàn ông hoang đàng phóng túng hay một người già nua tàn tạ đang ngồi ăn những con kiến trong những bữa cơm ở cuối đời? Những ngón tay của ông miết miết lên tóc nàng, lên sống mũi, lên má lên môi rồi từ từ hạ xuống vai, xuống ngực. Hạnh khẽ run lên. Từ nãy giờ nàng dường như đã cảm, chỉ cảm thôi một cách lờ mờ rằng sự thể sẽ đi xa hơn. Đáng lẽ nàng đã chận tay ông lại. Hình như nàng có làm điều đó nhưng rồi nàng buông xuôi. Bây giờ nếu có ai hỏi nàng cũng không hiểu tại sao mình đã dễ dãi đối với ông như thế. Ngay cả những vuốt ve thèm muốn của ông cũng không khuấy nổi trong lòng nàng cảm giác ghê sợ hay khinh bỉ. Cả hai làm chuyện đó vì tới lúc câu chuyện đã vừa cạn? Vì cô quạnh? Vì lòng trắc ẩn? Vì…? Hạnh chỉ nhớ là ông đã cầm lấy hai tay nàng quàng quanh người ông và cử chỉ đó khiến nàng chạm vào chỗ xương của ông nhô lên sau lưng do thoái hóa cột sống. Rồi làm như nàng không nhìn thấy ông nữa, không ý thức được những gặp gỡ giữa da thịt mình với da thịt người đó. Trước mắt nàng là những con kiến, những con kiến trong chén cơm khi nãy kéo về với cái vẻ nhởn nhơ táo tợn, mới đầu còn ít ít, sau mỗi lúc một nhiều, trùng trùng, dày đặc, đùn lên như một ụ đất con con. Một sự thương cảm mênh mông ở đâu chợt ùa vào tâm hồn nàng như ngọn gió lùa vào mái lều trống phộc, xác xơ. Chỉ tội cho cả hai vì sự chập lại ấy xem ra không đem lại một mối cảm động sâu xa hay một kỷ niệm êm đềm đáng kể. Nó tệ hại, nó dở dở ương ương, nó sượng sùng như một nồi cơm nấu hỏng. Hạnh quay mặt vào vách, lấy ngón tay đồ theo những hoa văn trên tấm giấy dán tường không dám nhìn người đàn ông sau lưng mình loay hoay, khổ sở với cái xấu hổ không che đậy được. Sau cùng không cố gắng gì thêm ông trở dậy ra bàn ăn, sờ soạng đám chai thuốc lố nhố run run trút một viên ra lòng bàn tay. Nước trà nhểu mấy giọt hoen bẩn trên ngực áo. Ông nói ngượng ngập: “Thuốc ngủ. Tối nào cũng phải uống một viên mới ngủ được.” Nàng muốn khóc mà không khóc được, muốn la hét mà không la hét được, muốn đập phá mà không đập phá được. Tất cả vẫn không ngoài một cảm giác xót xa. Hạnh đau đớn nghĩ. Nàng loáng thoáng nghe tiếng chuông điện thoại đổ hồi rồi giọng anh Hân vang lên trong máy nhắn tin: “Cô Hạnh ơi. Cô đang làm gì đó? Tôi nhắc cô nhớ đem rác ra ngoài. Ngày mai đổ rác. Cô đừng quên.”
Hạnh lăn cái thùng rác cao, to và hôi hám ra ngoài sân. Sương mù đang dày lên, bốc trắng như khói trên con dốc trước nhà. Hai ống quần của Hạnh lết bết trong cỏ ướt. Có một người hàng xóm cũng đẩy rác ra, vừa đi vừa huýt sáo một điệu nhạc vui. Thấy Hạnh người đó chào to bằng một cái giọng hết sức phấn chấn: “A, cô Hạnh. Khỏe không?” Hạnh đáp lại bằng một cái giọng cũng phấn chấn không kém: “Cám ơn. Tôi khỏe. Rất khỏe.” Người kia nói: “Tốt. Thế là tốt đấy.” Có một chiếc máy bay bay ngang chớp những ngọn đèn xanh đỏ lập lòe. Nàng tự hỏi: “Mình vừa nói gì vậy? Mình khỏe à? Có gì không đúng đâu.” Nàng đẩy nốt hai cái thùng rác còn lại ra sân và bỗng cảm thấy một nỗi chán chường khủng khiếp, chán mọi thứ trên đời. Cụm rừng bên cạnh thăm thẳm, đen ngòm, những thân cây lù lù, sừng sững nhìn nàng trơ tráo. “Mấy bồ làm gì vậy?-Hạnh căm tức. Mấy bồ cứ đứng đó, cứ ngã ngớn. Mấy bồ đã làm gì được cho ai.” Lần này không một cái cây nào trả lời. Chúng mặc xác nàng, vô tình với nàng…
Giữa đầu năm sau thì anh Hân cho Hạnh nghỉ việc. Chị Hân đã hoàn toàn mạnh khỏe, có thể đảm đương hết thảy những việc Hạnh làm. Hạnh băn khoăn chưa biết phải đi đâu. Nàng dò tìm trên báo ở mục Cần Người, điện thoại đến một vài hãng xưởng, hỏi thăm vài chỗ quen biết. Sắp xếp xong nàng từ giã những người trong gia đình anh Hân ra đi. Tháng này cũng còn mùa xuân. Mùa hoa tulip nở chập chùng trên những lượn đồi miền Tây Bắc Hoa Kỳ. Nàng đến phi trường rất sớm, làm xong mọi thủ tục cần thiết đoạn chọn cho mình một chỗ ngồi chờ đợi. Người qua kẻ lại không ai ngó ngàng đến ai. Có tiếng con nít khóc, tiếng nói chuyện lầm rầm, tiếng loa phóng thanh liên tục nhắc nhở: “Xin quí khách đừng cầm bất cứ hành lý nào không phải của mình. Có dấu hiệu gì khả nghi xin báo ngay cho nhân viên phi trường hoặc gọi số….” Hạnh mở túi xách lấy con diều của bé An tặng nàng ra xem lại. Con diều bằng giấy thủ công màu đỏ, cái đuôi màu xanh dán bằng hồ. Nàng lấy ngón tay đưa qua đưa lại trên những đường cắt không ngay thẳng nhớ tới lời con bé nói: “An cho cô Hạnh nè. Ông bác làm cho An mà ông bác không đi ra ngoài được làm sao thả diều.” Nàng nhớ là ngay lúc đó nàng chợt nhìn về phía ông Thu và bắt gặp ánh mắt ông hướng về phía mình. Nàng biết là ông chẳng nhìn thấy gì đâu. Ông chỉ cố đoán thôi, cố phác ra trong đầu một nhân ảnh nhạt nhòa mà ông đã được gần trong những phút giây ngắn ngủi. Rồi ông lại sùm sụp ẩn trú dưới cái nón, ngón tay rà rà kiếm đài trên cái radio chạy pin. Trong giỏ còn cái bao thư đựng một ít tiền của anh Hân cho nàng, chai nước uống, miếng sandwich. À, còn cái gì nữa đây? Tay nàng đụng vào một miếng giấy gì cứng cứng nằm im lìm trong một ngăn sát thành giỏ. Thì ra là cái bưu ảnh mà nàng đã mua cũng tại phi trường này lúc mới qua, dự định gởi cho một người thân nào đó. Bây giờ thì nó vô duyên quá, vô nghĩa quá. Còn ít phút nữa là nàng rời đây rồi. Gởi cho ai? Hạnh mân mê cái bưu ảnh trên tay. Thế mà nàng đã ở đây một năm hai tháng mười bốn ngày rồi đó. Hợp, tan, khóc, cười, thương, tiếc, chua chát, não nề, vương vấn, xốn xang …tất cả gom vào đằng sau hình ảnh một con dốc đứng, một ngọn đồi, một cụm rừng đẹp đẽ như thế này đây. Tiếng loa phóng thanh vang lên: “Đã tới giờ lên tàu. Hành khách đi chuyến bay… đến thành phố… xin chuẩn bị vé lên tàu và xếp hàng theo thứ tự. Chúng tôi sẽ ưu tiên cho trẻ em, người già .…” Hạnh đứng lên đeo túi xách lên vai, bỏ cái bưu ảnh vào thùng rác rồi nối đuôi mọi người bước vào khoang máy bay.
Cao Thanh Phương Nghi
10/2008