1
Chú tôi ngồi dựa lưng vào tường , hai tay cầm lấy hai mép của chiếc bao tải căng rộng ra đưa xuống dưới chân, hai chân co lên rồi lồng vào chiếc bao tải và duỗi thẳng, chiếc bao tải quá khổ nhờ thím tôi tháo đáy một cái rồi khâu nối lại với nhau, miệng chiếc bao tải kéo lên ngang ngực, chú kéo hai đầu dây buộc lại, bây giờ chú đã gọn gàng trong chiếc bao,hai tay bỏ xuống dưới, ngả người vào vách nhà. Tôi cởi chiếc khăn quàng ra chùm lên đầu còn lại quấn một vòng cổ và buộc lại :
- Ở dưới ẩm quá, chắc hầm ở dưới mực nước ao.
Thím tôi ngồi ở chiếc ghế đẩu phía ngoài đang hơ những ngón chân lên những nùi giẻ cháy khét và khói mù, có lúc nhăn mặt vì đau đớn với những khe chân nước ăn bị nứt ra. Chú tôi cầm chiếc điếu cày hít một hơi thuốc dài, hãm khói rồi thở khói thuốc lên cao. Chú bỏ chiếc điếu xuống bên, ghếch lên vách nói lơ đãng :
- Chú muốn cháu ở hẳn ngoài ấy, cháu không nên ở nhà nữa, mặt trận mỗi lúc một thít lại, bom đạn thì vô chừng...
Thím tôi ở phía ngoài ngẩng lên nhìn tôi rồi lại cúi xuống, tôi nhìn chú tôi :
- Cháu muốn đưa bố cháu đi, không thể để ông dưới hầm mãi như thế.
- Làm sao đi ? Lên tới huyện là có thể bị bắt giam rồi. Giải thích làm sao đây ?
- Để bố cháu chết ở dưới hầm đó sao ?
Chú tôi ngồi im, tôi thấy hai ngón chân cái chú động đậy trong chiếc bao tải. Ngọn đèn nhỏ như hạt đậu xanh đứng im trên ngọn bấc, gian nhà chìm vào trong một thứ ánh sáng vàng nhờ nhờ bệnh hoạn. Tôi nghe như những ngọn gió lẻn vào trong vách vào trong nhà, hơi gió buốt có lúc len vào cổ, luồn vào trong chiếc áo bông ngắn ngủn trên người. Chú tôi thở dài, cúi xuống với hai tay khoanh trước ngực :
- Chú cũng tính đưa thím ra ngoài kiếm ăn, ở nhà không yên, nhưng cháu thấy, bây giờ mình đi thì như chim chích vào rừng làm sao nuôi sống được nhau, ruộng nương ở nhà giao cho ai, bán thì không có ai mua, mình chỉ có thể sống được ở quê nhà, riêng phần cháu thì được, chính thế chú muốn cháu hoặc trở ra ngoài đó hoặc trở vào với bác. Chuyện của bố cháu để chú thím lo, cháu còn nhỏ… bây giờ ở quê mỗi lúc một bất ổn, cháu thấy đó, mới đêm qua ông Trùm bị giết.
- Ông Trùm bị giết ?
- Chú mới nghe tin hồi chiều, tính xuống dưới thăm nhưng rồi chú không dám đi, từ đây xuống Bãi Bồi chiều tối là không còn bóng người. Đêm qua họ họp ở dưới đó, ông Trùm bị mang ra xử và bị bắn ngay ở cửa nhà thờ…
- Tội gì, họ nói tội gì ? Ông Trùm già và hiền…
- Chó săn cho Tây.
- Thực sao ? thế chú gì đó con ông Trùm là du kích sao không cứu cha ?
- Tây nó bắn chết hồi năm ngoái rồi.
- À phải rồi…
Tôi ngồi yên với những ý nghĩ miên man, bây giờ thì thực sự chú thím tôi đã không muốn cho tôi ở nhà nữa, dù chỉ là những thời gian ngắn ngủi, những tuần lễ học hành ở ngoài tỉnh không cho tôi yên tâm mỗi khi nhớ tới cha tôi đang nằm dưới hầm và quê nhà thân yêu, chú thím tôi phải sống trong vòng lửa đạn[1]. Có lúc tôi muốn trở lại Nha Trang với bác tôi, nhưng tôi đã không thể quyết định được giữa vô số những giằng co không đâu, mà tôi nghĩ những người cùng trang lứa chắc không nghĩ đến. Khi nghĩ tới chuyện đưa cha tôi ra khỏi hầm, đưa cha tôi ra tỉnh, tôi hiểu ngay rằng tôi chưa đủ lớn để làm một điều gì.
Đêm càng khuya tôi càng cảm thấy lạnh buốt nơi hai bàn chân không, mùa đông trở lại, ở quê không có chăn, thím tôi đã mua được mấy cái bao tải và đêm lại mỗi người chui vào trong cho qua giấc ngủ trên ổ rơm khô. Những buổi sáng thức dậy bỏ tay vào chậu nước cảm giác tê buốt chạy khắp cơ thể, trên những mặt ao tù chừng như hơi nước còn đọng lại và tôi chờ nắng lên ra ngồi ngoài sân gạch cởi chiếc áo len cũ ra lần bắt những con rận nằm nép bên những đường đan gấp lại, những con rận khô bên những chiếc trứng trắng tươi như hạt vừng nhỏ đã sát vỏ. Và mỗi ngày tôi mang xuống hầm cho cha tôi môt ấm đất nước nóng. Có những buổi sáng tôi thấy cha tôi vẫn ngủ say nằm co quắp trong chiếc bao tải, có buổi tôi tưởng như cha tôi đã chết.
Lúc bấy giờ mùa đông, tôi nhớ rõ thế, trong một tình thế khó khăn bất ổn, chú tôi đã không muốn cho tôi ở lại nhà, tôi thì muốn đưa cha tôi lên khỏi hầm, đưa ông ra tỉnh sống, nhưng chú tôi không thể giúp tôi thực hiện điều đó, chú tôi cho tôi thấy tất cả những khó khăn, tôi ra tỉnh và tìm kiếm, hỏi han một số người quen biết giúp cho, sau chót tôi có một người đằng ngoại nói với tôi là nên nói chuyện đó với Cha sở, nhờ ông nói với Tây và ông Quận rồi đưa cha tôi đi. Thực ra lúc đó chuyện cha tôi trốn dưới hầm vẫn không ai rõ, tôi thì nói cho người ta hiểu mập mờ như là cha tôi ở ngoài khu muốn về tề. Và tôi mang chuyện đó ra nói với cha tôi.
Đúng như chú tôi tiên liệu, vài ngày sau khi ông Trùm bị xử bắn thì Tây hành quân càn quét một cách hung bạo, đêm họ lại bắn moóc- chê vào làng nữa. Cha tôi ở dưới hầm mà cũng run. Nhưng ngay khi Tây đi khỏi, đêm lại, du kích về đốt sạch cả xóm Bãi Bồi, lửa cháy sáng cả một góc trời, tôi ra đứng nơi sân ngó về hướng bên kia bờ đê mà kinh hoàng. Nhưng cũng may phần lớn những người ở đây đã bỏ xóm mà lên tá túc trên huyện cả. Tôi kể lại sự kiện này cho cha tôi nghe, ông thở dài và buồn khi nhắc tới ông Trùm, một người bà con xa với gia đình. Tôi nói :
- Con muốn cha ra tỉnh, con không muốn thấy cha chết ở dưới hầm.
Cha tôi lắc đầu nhìn tôi, tôi thấy những ngọn tóc bạc lay động.
- Vậy cha chịu chết ở dưới này sao ?
- Không cha tin ở một đổi thay.
2
Người lớn tuổi im lặng cúi nhìn xuống khoảng đất bột phẳng mà người trẻ tuổi đang dùng chiếc que vẽ một tràng pháo đài với những chiếc pháo đều đặn. Người trẻ ngửng lên nhìn bạn, người lớn tuổi giọng mơ hồ :
- Lại hồi tưởng, thời ấy đã xa rồi… Anh lại đang…
- Tôi nhớ lại một cái Tết hồi còn ở lại ngoài Bắc, cái Tết cuối cùng nơi quê hương, và có lẽ là cái Tết cuối cùng trong đời, dù là Tết trong thời loạn, từ đó mình không còn là Tết nữa, anh có vậy không ?
Người lớn tuổi phác một nụ cười trễ biếng trên môi :
- Người ta bao giờ cũng gắn bó với quá khứ, chính quá khứ đã khiến anh không sống được gì, đó là một thiệt thòi, lỗi một phần ở anh.
- Lỗi ở tôi ?
- Một phần, đừng cáu giận chứ.
Người trẻ im lặng cầm cái que trên tay vứt ra xa, lấy chân chùi bỏ hình vẽ trên mặt đất. Người lớn tuổi nhìn vẻ ái ngại :
- Nhiều lúc tôi không hiểu gì nơi anh hết, anh thật gần với tôi, nhưng có lúc tôi thấy anh lạ quá, những điều anh nói với tôi cũng vậy, có lúc tôi nghĩ anh sắp làm sáng tỏ một điều gì, thì ngay đó tôi thấy anh đã xóa bỏ nó không giải đáp, và ngay đó anh lại mở ra một vấn đề khác không ăn nhập gì…
- Không phải thế, chính nó vẫn ở trong câu chuyện mà tôi đang nói với anh, muốn anh giúp, tôi thấy tôi không thể giải thích được một cách thỏa đáng, để sau đó có thể chết thanh thản.
- Không phải thế, không phải là cái chết,chính là sự sống…
- Tôi đã lại thấy đau đầu, chừng như có một hạt sạn nào đó lọt vào trong đầu tôi.
- Không phải đâu, tôi biết một chuyện khác.
- Cái gì ?
- Một cái cây đang mọc ở trong đó.
Người trẻ vẻ mặt nghiêm, người lớn mỉm cười tinh quái :
- Tôi biết, hồi nhỏ, anh ăn ổi, ăn cam, ăn nhãn rồi anh nuốt hột vào trong bụng, phải không, bây giờ những hạt đó đã mọc mầm và đâm lên đỉnh đầu.
Người trẻ tuổi phá lên cười, người lớn cười theo, tiếng cười hồn nhiên giòn tan trong không khí yên lặng của khu bệnh viện. Người trẻ gật đầu vẻ tươi tắn trên nét mặt xanh xao :
- Anh làm như tôi còn con nít, điều ấy hồi nhỏ tôi vẫn sợ mỗi lần ăn quả gì mà vô tình nuốt cả hột, nhất là khi ăn nhót, anh biết không ?
- Thôi đừng nói, chảy cả nước miếng, tôi nhớ nó hồi được ra Hà-nội học, những trái gì mà mọng đỏ, với phấn và mình cầm từng trái sát vào áo len và áo dạ… Ơ nhưng mà hình như anh đang nói với tôi chuyện gì kia mà, đâu phải là những trái nhót nhỉ ?
Người trẻ tuổi lặng yên, người lớn nhìn mông ra khu sân cỏ của bệnh viện, người trẻ tuổi tư lự, người lớn tuổi ngó bạn thương hại :
- Điều tôi muốn biết là : cha anh sau đó có được cứu sống không ?
- Thong thả anh để cho tôi nhớ lại, vâng…
Người trẻ lấy một điếu thuốc châm hút, người lớn tuổi lấy một viên kẹo ngậm, chút giấy bông nhỏ vê tròn trong lòng tay.
Người lớn tuổi đứng lên đi về phía bên kia nhà nguyện, buổi chiều đã xuống, trên con đường từ cổng bệnh viện đi vào số người vào thăm bắt đầu đông hơn, những bước đi vội vàng, những gói quà trên tay, trong giỏ xách. Người trẻ tuổi vẫn ngồi im nhìn người bạn bước đi chậm, người lớn tuổi quay lại nói :
- Đứng lên, đi một chút cho nó khỏe chứ.
Người trẻ vừa đi đến vừa nói :
- Đã què rồi còn ham đi, nếu còn chân chắc lúc nào anh cũng chạy, phải thế không ?
Người lớn tuổi cười, gõ tay vào chiếc nạng :
- Chưa chừng rồi tôi trở thành một hiệp sĩ độc cước.
Người trẻ nhìn bạn ngậm ngùi :
- Bây giờ chỉ toàn là những hiệp sĩ, hiệp sĩ mù, hiệp sĩ độc thủ, hiệp sĩ cụt, có điều toàn là hiệp sĩ không có kiếm.
- Anh nghĩ tôi khuya cái nạng này lên mà không mệt à.
- Thôi, cũng không xong đâu, anh không thấy là mình thua đấy sao, thua rồi, hỏng rồi… Tôi , tôi mất hết cả tin tưởng. Chúng ta ở trong một cái vòng siết rồi. và đau lòng hơn hết khi tôi thầy chúng ta đứng ở hai phía của Tây phương lại vẫn cứ tưởng rằng mình là dân tộc…
Người trẻ tuổi dừng lại với cơn ho rũ rượi, người trẻ rũ người xuống như một tàu lá, người lớn đi vội lại bên cho người trẻ tựa lấy, cơn ho nghẹn ngào, khi cơn ho dứt, người trẻ ngửng mặt lên với khuôn mặt nhòe nhoẹt những nước mắt, da tái nhợt, hơi thở gấp gáp cồn cào :
- Nói cho cố, nghe bệnh anh không khá được, mình lại kia đi, ngồi một chút cho khỏe lại. Anh bi quan quá.
- Bi quan, bác sĩ bảo tôi không chết vì bệnh mà chết vì những điều nhảm nhí trong đầu. Nhảm nhí, cái tiếng ấy nghe hay thật.
- Anh không thấy là thời tiết đang chuyển đó sao, cuối đông rồi, mùa xuân sẽ đến…
- Anh đừng an ủi tôi, mùa xuân. Tôi đâu đã được sống.
Trời đã tối hẳn, buổi chiều đã tan, những ngọn đèn đã bật sáng, hai người trở lại phòng.
3
Khi chuồi người được vào trong hầm, tôi ngừng lại một lúc để làm quen với bóng tối vây quanh, trong ánh sáng lờ mờ tôi nhìn vào góc tối quen thuộc nơi cha tôi vẫn ngồi, tôi thót người hốt hoảng trong giây phút, tim đập mạnh, chỉ còn một ổ rơm bỏ trống với dấu vết của một chỗ ngồi. Cha tôi đã biến đi đâu ? Tôi tưởng tượng tới chuyện cha tôi đã rời khỏi hầm và biến vào một thế giới nào đấy, biết đâu, trong đêm trước mặt một người nào đó, người bạn cũ chẳng hạn, đã đến đây với mũi nhọn trong người mang cha tôi đi, rồi một bản án ghim trên ngực, hay một viên đạn xuyên mang tai… Tôi run lên với những lo sợ. Tôi đứng im lắng nghe, với những cố gắng tột cùng tôi tìm kiếm cha tôi… vách hầm phía trước mặt, lỗ thông hơi với ánh sáng, bên trái tôi và bên phải, tôi giật mình, cha tôi đang đứng ép người vào một vách hẩm ngay bên người tôi. Tôi thở ra, lấy lại bình tĩnh : cha, cha làm gì vậy ? Tôi nghe thấy tiếng cha tôi thở dài, bỏ chỗ đứng và ngồi xuống nơi ổ rơm : tệ quá, thời gian làm cho cha mất khả năng chịu đựng, cha đứng thẳng xem mình còn sức khỏe không, tệ lắm rồi, đứng đã thấy mỏi, đầu gối đã thấy run và hơi thở không đều nữa… cha tôi cười thành tiếng. Tôi đã quen với bóng tối đi tới ngồi xuống bên cha tôi. Như một thói quen cha tôi nói : con hãy kể những chuyện con biết cho cha nghe… Tôi ngồi và nói cho ông biết những chuyện đang diễn ra trên mặt hầm, những trận càn quét, những sinh hoạt của mọi người, trong đó có chuyện một thanh niên trong làng đã dẫn Tây từ đồn về khui lên một cái hầm của du kích, bắn chết hai người, bắt đi một người và đốt ngôi nhà có hầm… Anh ta bị bắt cách đây một tuần, hôm nay trở về với vẻ vàng vọt, chú nói Tây nó đánh dã man anh ta không chịu được nên khai, anh ta là con bà nhiêu gì dưới xóm dưới, ngay sau khi Tây dẫn người con về khui hầm thì ông bà ấy vội vàng ôm quần áo lên huyện vừa đi vừa khóc, họ sợ đêm du kích về thì khó sống. Cha tôi thở dài : e rồi cũng có ngày Tây nó khui được hầm của cha cho mà coi, con bị đánh có khai cho cha là Việt Minh không ? Một cảm giác lạnh buốt chạy suốt sống lưng tôi. Tôi hình dung tới khi mình bị treo lên sà nhà, bị côt điện vào chân tay, bị ngâm vào trong bể nước dơ bẩn, bị đổ nước sà phòng vào miệng rồi người ta dùng một tấm ván đè lên bụng mà nhảy lên cho ói hết mật xanh mật vàng…có khi lúc ấy tôi sẽ khai cha tôi là Việt Minh…
Cha đang đào hầm cho sâu hơn một chút nữa… Vừa nói cha tôi vừa trở lại nơi cha tôi vừa đứng, ông cầm lấy chiếc bát và đào đất lên, tôi thấy ở chỗ đó đất đã sâu hơn xuống một chút. Nhờ đất dưới hầm và dưới sâu nên mềm, với chiếc bát cha tôi có thể đào được một cách không khó khăn nhưng chậm chạp. Ông cắm cúi làm việc như quên tôi có mặt ở bên, trong bóng tối nhờ nhờ tôi nhìn thấy những cố gắng nơi ông dồn vào một bên tay ra sức đào sâu thêm chiếc hầm của mình, trên thái dương những nếp gân như cũng nổi lên với những cố gắng của cha tôi, nơi đó tôi tưởng như mồ hôi đang vã ra. Con đã thấy một người giãy chết ở trước mặt bao giờ chưa ? Chưa. Cha đã thấy một người giãy chết trước mặt, biết ông ta chết mà không sao cứu được, người ta cắt cổ ông ấy, máu phọt ra nơi cổ như người ta cắt tiết một con gà, sau đó là những bọt, chân tay thì giãy giãy nhẹ nhẹ, có cái lạ là người đó không chết nhanh chóng, anh ta vẫn cố gắng thở như bám chặt lấy sự sống…bây giờ hình ảnh đó như vẫn còn hiển hiện, lúc bấy giờ người ta như thế nào nhỉ… Trước đó với con người đó, anh ta đã nhìn thấy một con người khác, hắn là kẻ cầm con mã tấu từ từ cứa lên cổ kẻ được coi là thù địch kia, nào đâu có phải là một nhát chém mạnh cho xong ngay, hắn không muốn thế, hắn nói : phải bắt nó chết từ từ, chết trong đau đớn, xưa kia vua chúa trị vì phạm nhân còn đặt ra lệnh “tùng xẻo” thì đủ biết, môt tiếng trống đánh lên, một miếng thịt được cắt khỏi cơ thể, cho tới lúc kẻ kia chỉ còn một bộ xương… Kẻ ấy phải chết vì bị kết tội Việt gian, trong người mang cờ tam tài, một miếng vá nơi lẩn trong chiếc áo khoác, còn để làm gì nữa, chính là dùng để ra hiệu cho máy bay Pháp dội bom xuống bộ đội…Cha đã sống giữa một phiên tòa, một phiên tòa được coi là của nhân dân kết án kẻ kia, người ta la thét, chửi bới, lớn tiếng như một bầy thú điên cuồng, trong cuồng nộ của đám đông kẻ bị mang ra xét xử chỉ còn có cái chết chờ đợi, hắn không được bào chữa, tiếng nói của bị tước đoạt, giành giật, hắn xanh như tàu lá giữa đám đông và tiếng nói của hắn biến mất, với đôi mắt thất thần nhìn quanh nhìn quất như chẳng còn ai có thể cứu được hắn… Hắn chết trong cơn cuồng nộ của kẻ khác và trong sự u tối, ngu xuẩn của đám đông bị dẫn dắt lôi kéo với những mưu toan… Cho đến ngày nay cha vẫn không quên được sự việc…
Cha tôi bỏ chiếc bát xuống, đứng lên, dựa lưng vào vách hầm, ông đứng thật thẳng, hai chân bỏ cuống hố mới đào thêm, ông giơ tay lên khỏi đấu : chưa được. Ông vừa đụng tay lên trần hầm vừa nói ngắn gọn, phải đào thêm nữa, như thế này chưa đủ để treo cổ mình lên. Tôi nói nhanh trong hốt hoảng : cha định chết – Có lẽ chỉ có cái chết cho cha, cha không muốn chết một cách khổ sở.
Tôi ngồi im nhìn cha tôi đứng dán lưng vào vách hầm, mái tóc dài vuốt về phía sau, những sợi râu dài, đôi mắt nhắm lại, đôi má sị xuống như da mặt một người bị phù thủng… Trong bóng tôi nhờ nhờ tôi thấy cha tôi như đã chết bao giờ. Có phải tôi đang ở một bên người chết, có khi không phải là cha tôi nữa mà là một con ma nào đấy ? Tôi nghĩ tới một người bị căng lên vách ván và những cái đinh dài đóng khắp thân thể, hình ảnh của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá…
Tôi không hiểu được rằng chúng tôi đã đứng im như vậy trong bao lâu, mãi cho tới lúc tiếng cha tôi nói mới đưa tôi ra khỏi cơn mê chập chờn nhòa lẫn, những u tối chờn vờn quanh quất mù đục như bầu trời lúc gần tối trong những ngày mùa đông lạnh giá.
Cha tôi ngồi trở xuống, ông lấy ra một cái bao, trong bóng tối nhưng tôi cũng nhận thấy một màu xanh thiên lý đã cũ, tôi nhận ra đó là một cái ruột tượng, cái bao dành cho đàn bà thắt lưng trong để tiền… Cha tôi vuốt thẳng cái bao trên hai tay dang ra : đây là cái ruột tượng của mẹ con lúc còn sống, cha dùng để giấy tờ, con thấy không, nó có thể giúp cha chết được một cách êm ái. Vừa nói ông vừa quàng lên cổ, khoanh một vòng, cha tôi cầm lấy hai đầu và nói tiếp : kể ra thì mình cũng có thể thắt cho chặt lại, nhưng cha sợ tới lúc mình thấy thương mình quá mà không đang tay. Cha thương cha nhiều hơn, cha muốn đào cho cái hầm nó sâu thêm. Con nghĩ thế nào khi thấy xác cha lạnh ?
Tôi ngồi im, lúc sau mới nói : con không trông đợi điều đó… Nhưng con nghĩ thế nào, cha ví dụ thế, khi con trở lại quê mà chung quanh, mọi người thân yêu đều đã chết hết, không ai còn biết tới con – con không tưởng tượng cho mình sống, con chờ đợi và sống với thực tại…
Giọng cha tôi chợt như bị lôi cuốn vào một dĩ vãng : cái lần vượt ngục ấy cha không thể quên, khi nhớ lại cha không hiểu sao mình đã thoát chết, làm cách nào mà mình lại có sức mạnh để nhảy qua được những chướng ngại vật, cha nghĩ, giá lúc đó mình chết thì thật tuyệt diệu, nhưng lúc ấy cha không nghĩ tới chết, cha nghĩ tới sống.
4
Người lớn tuổi nằm dài xuống chiếc ghế đá nhìn lên bầu trời, vầng trăng non thấp thoáng trên cành lá, người trẻ ngồi hút thuốc lá nhìn suốt theo con đường ra ngoài cổng bệnh viện, những đường kẻ trắng, hai bờ cây xanh thấp thoáng ngoài xa, không khí hoàn toàn im vắng.
- Anh có trông đợi cha anh chết không ?Tôi biết có người trông cho người thân yêu chết, không phải là vô nhân đạo, chính là vì yêu thương quá mà không thể giúp đỡ được gì cho người đó. Như trường hợp anh…
- Không, tôi không trông đợi điều đó, thực tình tôi muốn có một ông cha bình thường như mọi người, ông làm đồ chơi cho con cái, trong nom cho con học hành… anh có ước như tôi vậy không ? Tôi mong ước một cuộc sống bình yên giữa cha mẹ, anh em, anh nhớ không, không khí như trong sách Quốc văn giáo khoa thư vẫn tả với vẻ êm ấm của gia đình sum họp dưới ánh đèn…
- Sau đó, cha anh treo cổ chết ?
- Không, ông tiếp tục đào cái hầm cho sâu thêm.
Thời gian, tôi muốn nói tới thời gian. Tôi đã không nói lại với anh một cách mạch lạc, cái đầu tôi nó nhiều khi cũng không còn thứ tự nữa.
- Tại sao anh không đưa cha anh lên khỏi hầm ?
- Sau này tôi cũng hỏi tôi như thế, nhưng khi tôi nhớ lại thì thực ra lúc đó, với những điều cha tôi nói về chính ông, và những điều chung quanh đã khiến tôi không thể làm điều đó. Anh hãy nhớ tới sự rình rập của du kích, sự có mặt của lính Tây. Như anh biết, cha tôi không muốn bị giết, nghĩa là không có nơi nào cho ông trừ cái hầm…
- Ông có nghĩ là ông sẽ chết ở dưới đó không ?
- Có lúc tôi nghĩ ông chọn cái chết cho ông, như anh đã thấy, nhưng đồng thời cha tôi cũng tin tưởng một cách mơ hồ rằng rồi cha tôi sẽ có hoàn cảnh để ra khỏi hầm, ông tin có những đổi thay, đổi thay khiến không có mặt cả hai phe mà ông đã không chấp nhận.
- Thực tôi không thể tưởng tượng được.
Người lớn tuổi ngừng lại, chừng như có tiếng thở dài, trăng mỗi lúc một sáng hơn trong khu vườn cây xanh, không khí của một cõi sống êm ả, trăng mướt như một giải lụa huyền ảo. Người trẻ tuổi chống hai tay về phía sau, ngửa mặt lên trời :
- Trăng đẹp quá…
Người lớn tuổi ngối trở dậy. Người trẻ tuổi đốt một điếu thuốc, mùi diêm sinh ngầy ngật, ánh lửa đỏ bệnh hoạn…
- Tôi muốn được chết.
Điếu thuốc cầm ra tay, ngụm khói thả lên bầu trời :
- Tại sao người ta không tự tử ?
- Tôi muốn nói cách khác : tại sao người ta sống ?
- Anh thì có thể trả lời được, tôi thì không.
- Anh đừng bắt tôi làm việc đó. Nhưng còn cha anh ?
- Cha tôi không còn có thì giờ nữa. Anh hãy nhớ lại, như tôi đã nói, dù tuổi anh nhỏ hơn tuổi cha tôi, nhưng anh thực sự thuộc về thế hệ cha tôi, anh đã sống như cha tôi, lựa chọn như cha tôi, trô nổi từng ấy năm với những biến cố không ngừng, anh đã sống, hành động như mình nghĩ, tin tưởng, phải vậy không, cho đến nay anh vẫn còn muốn được sống, vậy thì anh, hơn ai hết có thể trả lời : tại sao anh sống ?
- Tôi sống. Vậy thôi, tôi không giải thích được.
- Tôi không hiểu gì cả.
- Vì anh không chịu sống.
- Tôi mệt rồi, anh chẳng chịu nhìn thấy chúng tôi, những kẻ đang lang thang thất thểu đi tìm các anh, đi tìm các anh để hỏi các anh một điều…
Người trẻ tuổi gập người xuống với cơn ho dữ dội, người lớn tuổi, một tay đỡ lấy ngực một tay giữ lấy lưng và vuốt ngực cho người bạn trẻ, điếu thuốc cầm trên tay rung theo với nhịp ho. Lúc người trẻ ngửng mặt lên, người lớn tuổi nhìn thấy đôi mắt ràn rụa những lệ, những giọt nước mắt như không ngừng lại với nhịp thở hối hả, trong ánh trăng xanh những giọt lệ long lanh chảy xuống theo hai gò má, da mặt nhợt nhạt hẳn đi, trong giây phút ấy người lớn tuổi cầm chặt tay người bạn trẻ. Giọng người trẻ yếu ớt :
- Anh quên những điều lẩm cẩm đó đi, những điều vô nghĩa… Có điều, anh có hối hận không ?
- Hối hận cái gì ?
Người trẻ tuổi phác một nụ cười buồn như một nét vẻ nhoa nhếch trên chân dung một ông già bệnh hoạn :
- Xin lỗi anh, tôi muốn nói : anh có hối hận là được sinh ra không
- Không, tôi không hối hận.
- Tôi thì có. Tôi ân hận.
- Tôi chỉ ân hận mình đã không được sống như mình mong ước…
Người trẻ tuổi đứng lên, bước ra xa một quãng, dang rộng hai tay, mặt nhìn lên trời, ánh trăng sáng chan hòa trên những giọt nước mắt ràn rụa, tiếng nói như lạc đi xa lạ :
- Nhân danh Đấng tối cao ta ban phép lành cho nhà ngươi…
Trong ánh sáng xanh đục, người trẻ tuổi đứng im như một pho tượng đá, đầu ngả sang một bên, hai tay dang rộng, người lớn tuổi ngồi im nhìn lên, mỗi lúc kẻ đứng như một trôi xa thêm , tiếng nói một lúc như một vang vào trong cõi hư không, tiếng vang không ngừng va đi va lại như tiếng sóng rì rầm vỗ không ngừng vào một vách đá. Tôi nhìn thấy tôi như một pho tượng cát đang rã tan và loãng dần vào những lớp sóng đưa tôi vào trong lòng biển mênh mông…
5
Hai người cùng nhau bước dọc theo con đường chạy sát với bờ hiên cao, hành lang vắng người, buổi sáng đã bắt đầu, những đợt nắng mới lóng lánh trên những mặt lá ướt nhẫy sương đêm, trên thảm cỏ xanh, dưới gốc cây hoa sứ, mấy cánh hoa còn trắng tươi nằm rải rác. Tiếng sỏi kêu nhẹ dưới bước chân. Người trẻ nói :
- Trong đời có khi nào anh nghĩ là mình đã được trao tặng một bông hoa của hạnh phúc và ơn huệ.
Người lớn tuổi ngửng lên, đôi mắt nhìn cười :
- Sau một chiến thắng tôi đã được trao tặng vòng hoa trên cổ.
- Anh thấy hạnh phúc không ?
Người lớn tuổi cười lớn :
- Hạnh phúc, thực ra anh mới là người lạc quan…
- Sao vậy ?
- Tôi chưa biết hạnh phúc nghĩa là gì.
Tiếng thở dài, cơn gió lạnh thổi suốt qua đường hầm tối ám, tiếng rên rỉ một kẻ hấp hối trên cánh đồng mùa đông băng giá.
- Chẳng lẽ anh đã không có một niềm vui riêng nào.
- Chắc là có, nhưng nào nó có ý nghĩa gì nữa, nó như hột muối nhỏ. Tôi mơ hồ tưởng tới một cái gì, một… điều này khó nói. Được trao tặng một bông hoa, tôi chưa bao giờ biết tới. suốt bao thời gian, có lúc tôi thử tưởng tượng, hãy bám vào một cái gì đó, chẳng hạn như kỷ niệm để có thể nói đó là hạnh phúc đã mất, nhưng tôi cũng không thấy đó là hạnh phúc nữa, anh nghĩ coi, như thời thơ ấu của mỗi người, có phải, chính anh cũng đã từng tìm thấy bóng dáng của hạnh phúc một thời nào đó, sống với hạnh phúc đã mất, tôi không có. Kỷ niệm anh có thấy đó là một thứ đồ hộp không, nếu không thì cũng là một món ăn nguội, một thứ ướp nước đá… Tôi không muốn ăn những thực phẩm đó…
Người lớn tuổi ngừng lại, chống chiếc nạng, cúi xuống bên hàng cây thấp ngăn lối đi với thảm cỏ, ngắt lên tay một cây nhỏ, người trẻ nói :
- Cây gì đó ?
- Cây chua me.
Người lớn tuổi đứng lên, giơ cây nhỏ lên tầm nhìn :
- Cây này nấu canh với cá rô nướng ngon lắm, anh được ăn bao giờ chưa, ở nhà quê có cái món rau tập tàng tôi thú lắm, lâu không còn được ăn nữa.
- Tôi chỉ nhớ lá cây bánh khúc, anh biết không ?
- Biết, nhưng ở đây đào đâu ra…
- Tôi bỗng nhớ tới cánh đồng mùa xuân, rau khúc có vào mùa đó, anh nhớ không, ăn Tết xong, trời còn lạnh, những cánh đồng trơ gốc rạ, đất nứt nẻ, những cơn mưa bụi dịu dàng, rau khúc mọc trên những mặt đất nâu ẩm. Chính cha tôi đã nói cho tôi biết về thứ rau đó, tôi cũng ăn miếng bánh khúc thứ nhất trong đời đó với cha tôi, lúc bấy giờ mùa xuân…
Giọng nói xa vắng, cánh đồng bát ngát, những chân rạ, từng cơn mưa bụi trắng, trong bếp lửa hồng, trong hầm tối ẩm, tiếng than thở của một dĩ vãng…
Hai người bước tới phía trước, người lớn tuổi xoe cây chua me trên hai ngón tay, tới cuối dãy nhà, họ ngồi xuống bờ hiên, thỏng hai chân xuống sân. Giọng người trẻ ngậm ngùi :
- Tôi mong ông đã chết êm đềm như một giấc mơ…
6
Anh muốn nghe, vậy thì tôi kể tiếp cho anh nghe, thực ra tôi vẫn đang cố gắng dò tìm lại từ trong quá khứ một vài điều, những điều mà tôi nghĩ có thể giúp tôi tìm lại cho mình… tìm lại, anh có thấy là thảm không ? Một thứ đồ hộp, một món ăn nguội tích trữ, để dành, không, tôi không nghĩ như anh, quả thực quá khứ đối với tôi là một kho tàng. Làm sao để cho người ta sống không có quá khứ, cũng như làm sao để một người không có tâm sự. Quá khứ, cái nôi hồng của tuổi thơ, tôi được nó nuôi dưỡng. Ngày xưa, gần Tết tôi trở về nhà. Trở về, anh có thấy đó là một hạnh phúc không. Bây giờ thì chúng ta không có nơi để trở về nữa. Từ trên đường cái quan, tôi băng qua cánh đồng sau mùa gặt chỉ còn trơ những gốc rạ, con đường ruộng nhỏ ngoằn ngoèo, những búp cỏ non, những cánh chim bỗng vỗ cánh bay lên. Tôi nhớ vào buổi chiều, gió lạnh buốt, cánh đồng không có bóng người, chiếc quán nước giữa đồng với gốc cây đa cao quạnh hiu. Tôi nhìn về lũy tre xanh trước mặt, cây đa đầu làng, tôi hình dung tới ngôi nhà thân yêu nơi chú thím tôi đang sống, và ở đó cha tôi… phải nói cha đang sống hay đang chết ? Có lẽ không thể nói như thế. Ở đó cha tôi đang thở, ông đang thở, sau này tôi nghĩ chỉ có thế, ông không còn được sống như một người nữa, ông chỉ còn biết thở mà thôi. Tôi, lúc bấy giờ mơ tưởng, nếu như không có chiến tranh, mẹ tôi còn sống, hẳn trên đường về ấy tôi đã chạy thật nhanh, chạy băng trên những ruộng khô để sớm được ngồi trong bếp lửa ấm áp. Nhưng không, tôi buồn rầu bước từng bước ngắn nghe mình rời rã. Mong ước được trở về, nhưng sao tôi không thấy trọn vẹn. Anh thấy đó, có phải tôi tham lam không ? Trở về mái nhà xưa ngày cuối năm, chờ đón mùa xuân đến, có trở về nào hạnh phúc hơn thế, nhưng thực thế làm tôi đau lòng. Tôi lắng nghe tôi. Tôi đi hết con đường đất, hết cánh đồng khô, bước qua cổng làng để về tới ngôi nhà nơi tôi đã được sinh ra và ít năm thơ ấu ngắn ngủi mờ nhạt.
Tôi nhớ tới những cái Tết ngày xưa. Tất cả đã được sửa soạn, cổng nhà quét môt nước vôi trắng mới, bàn thờ đã được lau chùi sạch sẽ, mấy đôi câu đối bằng giấy đỏ dán nơi cổng nhà, nơi cột hiên. Nơi bàn thờ đã có một đôi mía cao, có bình hoa và một mâm bồng đầy chuối, quít và bưởi… Anh nhớ không, cái không khí trong ngôi nhà thờ, vào một buổi trưa nào đó, anh ngồi trong ngôi nhà thờ một mình, dù không thắp hương, không đèn nến, nhưng anh vẫn thấy môt không khí thơm ngát và trang nghiêm thành kính, nơi chúng ta không dám động mạnh. Ngày cuối năm, chờ xuân đến, trong ngôi nhà thờ tôi càng cảm thấy một cái gì thiêng liêng, ấm cúng. Có phải những người chết quanh quẩn nơi đó. Từ chiếc sập gụ, từ cây đèn trét những sáp, tấm màn… tất cả như đều được ủ trong một hương thơm và thời gian đã mang đến cho nó những tâm sự. Tôi tưởng tượng nếu những vật kia nói với chúng ta, chúng ta sẽ được che lại cả một lịch sử. Tôi thấy thân thiết gắn bó với những đồ vật đó. Có phải vì chúng có bàn tay của mẹ tôi, bố tôi, ông bà tôi cầm vào, nhìn tới. Mẹ tôi cũng được thờ nơi đó, và cha tôi chết cũng sẽ được thờ nơi ấy, tôi nữa…những ngày giỗ tết, cỗ bàn dọn lên, thắp hai ngọn nến, đốt ba nén hương, lời khấn nguyện của con cháu. Nghĩ thế tôi cảm động. Kể lại cho anh về không khí trong nhà thờ để anh hiểu vì sao tôi mong ước trở về đó… Cha tôi vẫn ở dưới hầm, vâng, tôi đâu có quên, nhưng đâu có phải lúc nào tôi muốn gặp cũng được. Tôi phải chờ đợi…
Tôi trở về, vâng, làng quê với những cây nêu cao, thấp thoáng những vuông giấy đỏ và những dọn dẹp trên đường đi, lối cổng vào nhà… Mọi người đón chờ, và có lẽ cũng như tôi, chúng tôi đón chờ một hy vọng vào đầu mùa xuân sẽ tới…
Tôi đang nói tới ngày tết ở quê nhà, mùa xuân cuối cùng trên quê hương. Tất cả, bây giờ đã xa, đã khuất, đã chỉ còn là kỷ niệm, không phải là một món ăn nguội, thứ đồ hộp. Không phải thế. Chính là một thứ rượu, rượu càng lâu năm càng đậm, càng nồng. Đậm và nồng của một thứ rượu ngon nhưng cũng trở thành cay đắng. Phải, nhiều đêm không ngủ, liếm môi khô tôi tưởng như vị đắng và chát của quá khứ còn đọng trên đó, nhưng không phải, đó là nước mắt, tôi đã khóc thầm khi nhớ lại những gì của thơ ấu, ngày cha tôi và tôi còn ở trên quê hương. Tôi nói : con định đưa cha đi, không thể chờ được nữa. Cha tôi lặng đi. Tôi nói tiếp : cha không còn đào thêm cái hầm nữa. Cha tôi không nói. Ngày đầu năm ấy, mùa xuân cuối cùng ấy, tôi và cha tôi đã im lặng nhìn nhau… không có một tiếng nói nào thốt ra. Và đến bây giờ tôi vẫn còn im lặng lắng nghe…
7
Người trẻ tuổi đứng lên vươn vai thở mạnh, người lớn tuổi lặng thinh, nắng đã đầy trên khoảng sân cỏ hẹp, trời xanh và cao vút.
- Lúc bấy giờ mùa xuân, tôi phân vân trăm ngả. Hết Tết, tôi băng qua cánh đồng trơ những gốc rạ, tất cả một màu trắng đục của mưa xuân, con đường đất trơn nhẵn,tôi nhìn chung quanh, chỉ có màu trắng đục mênh mông, nỗi cô quạnh và buồn rầu. Giữa gió lạnh, không khí giá buốt, tôi tự hỏi : mùa xuân đó sao ? Bây giờ tôi còn nhớ nhu in cái cảm giác ngày hôm dời quê với những băn khoăn về người cha. Có phải ông đang sống không ?
Người lớn tuổi mồi một điếu thuốc. Người trẻ nhìn khói thuốc hay tản mạn…
- Nhiều khi người ta chọn để trở thành người thất bại… Tôi muốn biết sau đó cha anh ra sao ?
- Cha tôi ở lại dưới hầm tối đó. Một cái hầm tối trong một vùng dĩ vãng thăm thẳm.
(1968)
Dương Nghiễm Mậu
(Trong tập truyện "Trời cao đất dầy")