thơ Du Tử Lê
Vĩnh Điện phổ nhạc và hát
Thu khúc một
trăng khuyết, như đời tôi
cũng thôi, một kiếp người
em về, khuya có vui
đầy hồn tôi mưa bụi
tôi về, khuya thiếu... tôi
nhớ người, môi tháng tám
chiều thu, im tiếng rồi
những ngón tay mồ côi
đường ngôi không tiếng gọi
em còn trong cõi tôi
thoảng mùi hương tháng chín
nắng xót, như biển khơi
đường xa hút bóng người
nỗi buồn nào có đôi ?
sao đời tôi khép vội
tóc buồn xuống hai vai
em nghìn năm mây khói
tôi đã khóc đêm qua
như đứa trẻ nhớ nhà
em ở đâu đêm qua ?
quê-nhà-tôi, mất dấu
tôi ở đây đêm qua
mênh mông hồn nghĩa địa
trăng khuyết, như tình tôi
còn nhau không cuối đời
em, một trời gió nổi
tôi, một trời gió nổi
tôi, một trời mưa thôi
mắt người đêm tháng chạp
đắp buồn ván quan tôi
áo người trưa tháng tám
gói hồn tôi không vui
kịp về không hỡi bé ?
vầng trăng ta khuyết rồi.
8-1984
..Tôi phổ nhạc bài thơ nầy từ năm 1993, khi định cư ở Mỹ được gần 2 năm.
Cảm nhận được sự cô đơn của mình từ những tình thân đã ngoảnh mặt, tôi nghe và hiểu được cái não nề của lời thơ DTL. DTL đã rất là chân tình với sự tuyệt vọng, thủy chung với những đợi chờ và cũng rất là tận tụy trong nỗi khổ đau.
Chẳng biết đêm qua DTL có thật khóc như đứa trẻ nhớ nhà không, nhưng tôi đã thực sự chảy nước mắt khi đọc hết bài thơ nầy, và chợt hiểu rằng mình đã mất dấu quê nhà thật rồi..!
Nhưng cũng lạ thay, trong cuối đường cùng cực của tuyệt vọng vẫn còn một nỗi khát khao : "Kịp về không hỡi bé..."
"Trăng Khuyết" là đầu đề của bản nhạc nầy, chắc là đúng hơn tên nguyên thủy của bài thơ "Thu Khúc Một". Dù cho DTL sau đó có làm đến Thu Khúc Một Trăm, đối với tôi.. vẫn không bằng một Trăng Khuyết.
Đã 17 năm giữ lấy bên mình, chắc cũng đã đến lúc chia sẻ ca khúc "Trăng Khuyết" nầy với tất cả mọi người. Xin mời...
Vĩnh Điện.