có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 7 22, 2008

Những kỷ niệm dzui thời chinh chiến





Dị đoan

Thường thường bay những chuyến liên lạc, chở khách, đi phép về Sài Gòn ít khi tới phiên tôi! Vậy mà hôm nay, một ngày đẹp trời, lại được giao cho cái phi vụ thoải mái này…lòng bỗng thấy vui vui.

Nhìn lên bảng phi lệnh, thấy giờ cất cánh ghi là 13 giờ đúng.Gặp số 13 tôi chẳng có cảm tình gì nhưng được về thăm dzợ… nên không mấy care.


Sau khi chiếc tàu số 018 của phi đạo cho bị chảy dầu, tôi liên lạc với họ để xin chiếc khác, phi đạo liền đổi cho chiếc phi cơ khả dụng mang số 013. Trời đất, tự nhiên thêm một số 13 nữa nhảy vô cái phi dzụ này thì bắt đầu nhột rồi à nghen!

Năn nỉ mãi họ vẫn nói là không có chiếc nào khá hơn…Thôi thì đành chịu vậy…Nhìn số 013 chần dần ở đuôi, không khỏi thấy chột dạ!

12 giờ 45, hành khách bắt đầu lên tàu. Sau khi mọi người an vị, anh cơ phi cho hay tổng số người trên tàu là 13 người, nghe báo cáo mà tôi muốn xỉu.

Không biết ngày này là ngày gì mà gặp toàn số 13 không dzậy nè trời!

Coi lại danh sách thì đáng lẽ có mười bốn người nhưng ông thiếu úy quân nhu đi công tác SG giờ chót bị đau bụng không đi được cho nên chỉ còn mười ba người thôi Tôi rủa thầm cha này ăn bậy bạ cái gì để đau bụng hay số chả sống thọ mới xui khiến như vậy! Mặt mày hành khách và phi hành đoàn không được dzui, nhưng hỏi có ai bỏ chổ không thì ngồi im re, quay mặt chổ khác làm bộ như không nghe thấy…thật chán mớ đời ! Không lẽ tôi là trưởng phi cơ mà lạnh cẳng bỏ chỗ!

Thường ngày, hành khách xin đi nhiều hơn chổ ngồi, từ chối không hết.

Thế mà hôm nay đích tôi phải thất thểu vào hậu trạm kiếm thêm ‘khứa’ và năn nỉ goài chẳng ma nào thèm đi…

Hay đây là điềm xấu? Nghĩ tới điều này làm tôi muốn bịnh luôn dzậy đó…

Hàng ngày xông pha trận mạc, đạn thù tua tủa mà không sợ, bây giờ bụng đánh lô tô trước mấy con số 13 mắc dịch này…hèn ơi là hèn!!!

Bần cùng sanh đạo tặc. Cho đi người không thèm lên, năn nỉ người không thèm xuống nên tôi đổ lì, kệ mẹ cái số 13 xúi quảy này, chơi luôn… cho tới luôn bác tài ơi.

Thế là con tàu mang số 013, cất cánh lúc 13 giờ, chở đúng 13 hành khách nhẹ nhàng rời Sóc Trăng nắng cháy để về Sài Gòn hoa lệ. Khi bay qua Cai Lậy, địa danh nổi tiếng có nhiều SA7, tôi để ý kỷ khu rừng dừa bát ngát dưới kia, kẻo rủi tên VC nào buồn buồn chơi một qủa tầm nhiệt thì chết cả đám…

Rồi phi cơ cũng đáp an toàn, êm ái và đúng giờ ở TSN. Mọi người thơ thới hân hoan xuống tàu.Như vậy là tôi đã dẵm nát cái huyền thọai của số 13 nên từ đó về sau tôi không còn ngán con số 13 nữa và coi nó như ne… pas, kể cả « thứ sáu 13 » mà nhiều người vừa nghe là đã nhợn, né xa!.




Sinh ngữ

Trong thời chiến tranh VN, bất cứ quân nhân nào xuất ngoại, thường là đi Hoa kỳ đều phải qua một lớp huấn luyện sinh ngữ tại trường sinh ngữ Quân đội.

Riêng Không quân thì có khóa huấn luyện nói tiếng Anh cho các quân nhân của mình chuẩn bị du học Hoa Kỳ tại trung tâm huấn luyện Nha Trang.

Cũng như mọi người, hằng ngày tôi thường vào lớp ê… a… how are you? I am sick! I am fine, you are very nice, bye-bye …trong lúc chờ đợi du học.

Thời gian trôi mau…Rồi cũng đến lượt tôi sửa soạn lên đường theo học khoá hoa tiêu trực thăng tại Hoa Kỳ.

Bọn chúng tôi bốn thiếu úy trẻ trung dzui dzẻ, mặt mày rạng rỡ,gọn gàng trong bộ quân phục Không quân màu xanh, hãnh diện bước lên chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Pan Am lên đường du ngoạn…Mỹ quốc.

Đây là lần đầu tiên xuất ngoại, được trang bị một vốn liếng tiếng Anh vừa đủ để có thể nghe, trả lời và hỏi những câu thông thường, nên trong lòng ngổn ngang những lo âu và náo nức vì những sự mới lạ ở xứ người. Mà từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ biết hay nhìn thấy!

Giữa đám mù, dĩ nhiên thằng chột làm dzua.Trong bọn chúng tôi có th/uý T có lẽ tiếng Anh khá nhất vì khi nói hắn uốn giọng lên xuống rất điệu nghệ. Chúng tôi nghĩ hắn hơn mình về mồm mép nên T nghiễm nhiên trở thành leader của toán trong chuyến đi này.

Sau khi phi cơ đã lên đến cao độ ấn định, thì các nàng flight attendant xinh xắn tươi cười đến từng người hỏi xem hành khách muốn uống gì thì em cho…free.

Chúng tôi ngồi hàng ngang bốn đứa mà T được ưu tiên ngồi ngoài để đại diện chọn món ăn, thức uống cho mấy thằng cà lăm chúng tôi.

Một nàng trẻ đẹp có đôi môi nũng nịu, đến hỏi T: coffee, tea or milk sir? Ba đứa chúng tôi không ai bảo ai mà tự động sửa lại thế ngồi ngay ngắn và cố vễnh tai để nghe xem ông leader lanh lợi của mình chọn cái gì. T bèn uống lưỡi chu miệng phán “milk please” thế là hai thằng tôi nhanh nhẩu bắt chước T cũng “miêu pờ li”. Riêng thằng D ngoan cố chê milk nhạt như nước ốc mà uống mẹ gì nên hắn dõng dạt nói : “Coffee please”. Sau khi cà phê và sữa đã được tiêu thụ hết ráo và tất cả ly tách đã được cô flight attendant dọn sạch sẽ, tôi thấy thằng T đứng dậy đi nhanh về phía sau một hồi lâu mới trở lại.Thằng D thì ngồi ngủ gà ngủ gật, còn hai đứa tôi chụm đầu vào tán láo và thán phục thằng T mới đó mà đã mò ra sau tán phét với mấy em rồi, thằng này sinh ngữ giỏi thật !

Bỗng tôi thấy chột bụng phải đứng dậy đi toilet. Xong xuôi, đang thơ thới hân hoan đi về chổ thì thấy thằng P tất tả chạy ngược chiều, tay bợ lưng quần, mặt mày nghiêm trọng…Thôi chết mẹ rồi, bụng dạ mấy thằng Mít chưa quen với sữa tươi của Mỹ nên bị Tào Tháo rượt cho chừa cái tật “miêu pờ li”.Thằng T miệng thì cứng nhưng bụng thì mềm nên bị Tào Tháo rượt trước chứ chữ nghĩa mẹ gì mà đi ghẹo gái! Chỉ có thằng D là sướng nhất, sau khi chê cà phê Mẽo dỡ ẹt, hắn đánh một giấc ngon lành, chỉ tội cho hai thằng tôi thay phiên nhau chạy toé khói, chẳng ngủ nghê gì được, cả ông leader cũng dzậy, lăng xăng suốt buổi mới êm…trông rất thểu não !

Đó là chiện trên mây, bây giờ đến chiện dưới đất.

Sau một hai ngày làm quen với LackLand Air force Base, bọn tôi khám phá ra một PX bán đồ như Sears ở trong căn cứ này.Thế là chúng tôi nhào dzô đi dạo khắp nơi, tới một quầy bán đồng hồ chưng bày hàng hàng lớp lớp đồng hồ đủ loại, đủ kiểu, lấp lánh, lộng lẩy …nhìn phát mê. Thằng T đòi cô bán hàng cho xem cái đồng hồ Rolex trông rất gồ ghề. Chúng tôi xúm vào ngắm nghía, trầm trồ quan sát một lúc mà chẳng thấy giá cả gì hết nên xúi T leader hỏi xem họ bán thế nào. Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn và chờ đợi hắn biểu diễn tiếng Anh. Trước sự hối thúc của bạn bè, T bèn nghiêm mặt, sửa mồm sửa miệng rồi nhìn thẳng vào cô Mỹ bán hàng lên giọng hỏi: “bao nhiêu”? Ôi cha mẹ ơi, hắn hỏi “how much” bằng tiếng Việt giời ạ, mà còn lên giọng theo kiểu Mỹ nữa mới chết mẹ chứ!!! Cô bán hàng ú ớ thấy rõ. Chúng tôi bò ra cười trên tủ kiếng làm cô ta chẳng hiểu mô tê chi cả! Còn T leader thì mặt đỏ rần vì biết mình líu lưỡi nói lộn nên đổ quạo nói : « C… lộn chút làm gì cười dữ vậy ? » Nộn gì mà nộn ác dzậy cha ? Thằng P chọc.

Rồi weekend cũng đến mau. Chúng tôi rủ nhau ra một restaurant ngoài phố. Thấy mấy tên Mít lạ mặt bước vào, cô waitress chạy ra tươi cười chào đón vui vẻ rồi thân mật dẫn chúng tôi vào một bàn vuông gần cửa sổ sáng sủa.

Trên bàn trống trơn chỉ có mấy lọ tiêu muối, hộp giấy napkin và chai ketch-up.

Chúng tôi bảo nhau là phải xin cái menu mới biết món gì mà order chứ trên tường treo dán đủ thứ lạ mắt biết đâu mà rờ… và đề nghị T hỏi xin cô bồi cái menu.Vì còn quê cái vụ “bao nhiêu” hai ngày trước nên hắn bèn từ chối và giọng hờn dỗi thấy rõ: “mẹ, tụi bây cười ông, bây giờ có giỏi thì lo lấy đi, ông đếch mượn”. Biết hắn còn giận nên thằng D hăng hái nói để nó xin cái menu cho.

Cô waitress tay cầm cuốn sổ nhỏ cười cầu tài đến bên bàn hỏi chúng tôi đã sẵn sàng để order chưa? Cả bọn chúng tôi nhìn về phía vị anh hùng D mong đợi…

D nhà ta nhìn cô bồi, cười cầu tài rồi phán: “can I borrow the menu ?”.Tất cả các đấng Mít hiện diện trong bàn đều lấy làm hài lòng vì thằng bạn mình nói tiếng Anh đúng văn phạm quá chời, diễn dịch ra tiếng Việt mình là “ tôi có thể mượn cái thực đơn được không?” như vậy là quá đúng và lịch sự ra phết rồi còn gì nữa. Lần này thì chắc như bắp không còn bị tổ trác nữa rồi.Tất cả chúng tôi yên chí là cô ta sẽ nhanh nhẩu trả lời yes… yes, of course lia lịa.

Nhưng không… cô bồi bàn thối lui một bước, đứng ngây người ra mấy giây, trố mắt có vẽ ngạc nhiên rồi vừa cười gượng gạo vừa thò tay vào túi móc ra một mớ tiền và hỏi chúng tôi «muốn mượn bao nhiêu»?

Thôi, chết mẹ rồi, thằng D dân học trường Tây nên phát âm tiếng “mi niu” thành ra tiếng “mơ nì” làm cô bồi nghe không ra tưởng là hắn mượn tiền thì có độn thổ không cơ chứ!!! (Waitress gần nửa thế kỷ trước thì hiền và chất phác chứ thời vệ tinh nguyên tử bây giờ thì không những không cho còn bị chửi là khác!)

Ngượng quá, chúng tôi vội xua tay lia lia, miệng say no… no tía lia, lấy tay vẽ một cái hình vuông tổ chảng trên không rồi đồng loạt la lên «mi niu, mơ nì».

Bây giờ thì cô bồi bàn tốt bụng nhưng tối dạ mới hiểu ý của a few good gentlemen ngọng ngịu. Thế là cả đám được một dịp cười dzui dzẻ.

Vài tuần sau, ở ngoài căn cứ lackland có một cái hội chợ (fair). Thiên hạ tới lui tấp nập. Bọn tôi cũng hăng hái tham gia nhưng sau đó bị lạc tứ tung mỗi đứa mỗi ngã. Chen lấn loanh quanh trên mấy đường phố một lúc, tôi đến trước một hàng bán ice cream có nhiều flavour, màu sắc sặc sỡ. Sắp hàng để mua, tôi thấy cô gái đứng trước vừa mua một cone có mấy cục kem khác màu chồng lên nhau trông hấp dẫn quá trời hà, nhưng chịu không biết làm sao mà gọi. Đang phân vân thì bị bà bán kem hỏi muốn gì, quýnh quá tôi chỉ ngay vào cây kem của cô vừa bước đi rồi nói “me too” và để chắc ăn tôi bồi thêm “the same”, thế là bà ta nhẩn nha làm cho tôi “hai” cone giống hệt nhau. Tôi chới với nhưng không biết cải chính ra sao nên đành lấy tiền trả hai cây kem rồi ôm hận tách đám đông đi ra. Thấy một thằng nhỏ đứng lơ ngơ gần đó, tôi đưa cho hắn một cây. Thằng nhỏ ngạc nhiên vì sự hào phóng bất đắc dĩ của tôi nên thank you… thank you lia lịa, làm tôi cảm thấy sự bực dọc bay đi cái dzù.

Vừa đi, vừa le lưỡi liếm quanh cây ice cream theo đúng cung cách Mỹ trông rất ư là tục tĩu, nhưng nếu không làm thế thì kem sẽ nhểu tùm lum dưới sức nóng như thiêu của mùa hè Texas… Chợt thấy thằng P đàng xa, mừng quá, với cái miệng tèm lem ice cream, tôi nhảy tưng tưng, tay ngoắc, miệng hét : ê Phúc, ê phúc… làm mấy bà Mỹ có con nhỏ vội kéo con đi chổ khác, còn mấy cô trẻ thì cười khúc khích. Thì ra họ tưởng tôi điên hay maniac mà tự nhiên nhảy đong đỏng la lên f..ck, f..ck giữa chợ!!! Thằng Phúc bây giờ nghe đâu đang định cư ở Canada và đổi tên là Philip cho có vẽ hoàng gia chứ tên Phúc mà bị Tây hay Mẽo gọi thì thế nào cũng có mấy mụ đầm sồn sồn chạy theo xin số điện thoại cho mà coi!

Lúc đầu tiếng Anh bết bát như vậy nhưng chỉ sau vài tháng ở Lackland, ngày thi mãn khóa để chuyển qua trường khác,bọn chúng tôi đứa nào cũng dư điểm để đi trường bay.

Riêng tôi còn được sự nhờ cậy của ông sĩ quan lục quân Thái Lan. Ông thiếu tá người Thái thú nhận là không nghe giỏi tiếng Anh nên nhờ tôi lúc ngồi thi kế bên ông nhớ đá chân cho ông để ông đánh theo câu a.b.c.d.

Thấy ông có vẽ thành khẩn và lo lắng vì nếu rớt sẽ bị ở lại nên tôi cũng động lòng giúp ông bạn xứ Xiêm La một phen, đá nhè nhẹ vào giày nhau thì ai mà biết được? Hể câu trả lời là “a” thì đá một cái, câu b thì hai cái…Thế là ông thiếu tá đậu ngon lành.

Chiều ngày hôm sau, ổng bèn nấu cơm Thái mời tôi ăn..

Đang ăn ngon lành thì ổng nói ổng có nhạc VN hay lắm để vặn cho tôi nghe.

Mừng vì lâu ngày xa quê hương nhớ mẹ già, thèm nước mắm và nhạc vàng nên tôi hối ổng mở đi…tiếng đờn dạo đầu nghe sao quá chói tai nhưng khi ca sĩ vừa cất tiếng hát là khắp người tôi nổi đầy gai ốc. Nhạc nghe the thé, sắt máu quá trời ! Thì ra ông đang cho tôi nghe nhạc miền Bắc của CSVN!!! Tôi yêu cầu ổng tắt đi vì không phải nhạc vàng êm dịu trử tình của miền Nam chúng tôi. Ổng cho tôi biết nhạc này là do cô bồ người Việt của ông ở bên Thái tặng và ông còn hãnh diện nói rằng nhiều sĩ quan cao cấp của Thái đều có bạn gái là người VN ở thái. Điều này cho thấy CSVN đã có mỹ nhân kế nằm đầy dẫy trong chánh quyền và quân đội Thái.




Cạo gió

Hôm nay được nghỉ. Từ quán cà phê trong căn cứ, tôi tà tà thả bộ về cư xá, đi ngang qua mấy bà làm phòng ngồi giặt đồ dưới mái hiên để về phòng.

Một bà tuổi chừng ba mươi, tuy làm việc lao động nhưng có dáng người mũm mĩm, khuôn mặt tươi tắn, dễ nhìn,với chiếc áo bà ba nâu trên người làm nỗi bật chiếc cổ đầy đặn, trắng ngần. Thấy tôi, bà nhăn mặt hỏi: “Cái áo bay của anh sao mà hôi dữ thần dậy? còn hơn mùi chuột chết dậy đó!”. Trong lúc mấy bà khác cúi đầu cười rúc rích, làm tôi hơi ngượng nhưng cũng từ tốn trả lời : “Tại ngày hôm qua chở xác mấy ông lính BB, nước từ xác chết dính vô áo tụi tôi nên mới hôi dữ vậy đó, Giòi bò lên người nữa, coi chừng trong túi có mấy con giòi đó bà ơi!”

Nghe giòi, mấy bà hét lên, liệng mấy cái áo đang cầm ra nền cement…

Mấy hôm sau… Một đêm, tôi bỗng ngã bịnh, người hâm hấp sốt, ráng ngồi dậy uống thuốc rồi lại nằm bẹp xuống giường lúc mê, lúc tỉnh cho tới sáng.

Đến trưa, chị làm phòng có cái cổ trắng ngần gõ cửa bước vào giao đồ giặt ủi. Thấy tôi nằm trên giường mồ hôi rịn trên tráng dù trên người chỉ bận có bộ pyjamas mỏng.Nhìn sắc diện, chị biết ngay là tôi bị bịnh nên có vẽ ngạc nhiên hỏi dồn dập: “chời ơi anh bịnh hả, có sao không, mà anh ăn gì chưa?” rồi lật đật đi nấu cho tôi một tô cháo.Một lúc lâu sau, chị mang cháo trở lại. Tôi cám ơn chị nhưng cháo nóng quá nên chưa ăn được.Chị ngồi xuống bên giường, tay sờ lên trán, thấy tôi bị nóng chị nói: “mèn đét ơi người anh nóng hổi hà, để tôi cạo gió cho nghe”.Tôi nói không cần nhưng chị cứ bỏ đi kiếm lọ dầu cù là và cái muỗng, tôi không biết làm gì hơn là nằm chờ. Đang nằm thiêm thiếp thì chị nhẹ nhàng trở lại ngồi bên giường như trước nhưng lần này thì hơi khác thường là chiếc áo bà ba được mở ra hai nút và đôi mắt chị nhìn tôi cũng có vẽ ướt át hơn…chị cúi sát trên người làm tôi tỉnh hẳn vì mùi thơm da thịt…

Dưới ánh sáng lờ mờ lọt qua khe cửa, ẩn hiện sau cổ áo nâu mở rộng hững hờ là phần ngực trắng nhễ nhại với những đường nét cong tuyệt mỹ làm cho đôi mắt lờ đờ mệt mỏi như con gà nuốt dây thun của tôi sáng lên, linh động lạ thường…

Nhưng tôi chỉ nằm im chiêm ngưỡng mà thôi! Đôi bàn tay quen thói tham lam nay xuội lơ bất động. Con lợn lòng bị cột chặt lại vì những lý do (1). Bị sốt cả đêm, người đã rã rời (2). Hình ảnh người vợ ngoan hiền tươi cười trước mặt (3). Ông quan toà lương tâm nhìn nghiêm khắc (4). Và cái quan trọng nhất đã giúp tôi kềm chế lòng mình là khoảng trống của bức tường ngăn cách giữa phòng tôi và phòng hai anh chàng pilot độc thân trời đánh bên kia. Bình thường giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng ngáy phì phò nho nhỏ cũng đã nghe rất rỏ. Bây giờ mà lỡ dại chìu ý rủi chị la lên từng chặp…thì hậu quả e khó lường! Tôi chịu không nổi sự dằn vật giữa tranh chấp lý trí và ái dục nên từ từ xoay người lại nằm sấp. Thà đưa cái lưng trần ra cho chị cạo gió còn hơn nằm ngửa tênh hênh rủi chị chịu hổng nỗi, cạo nhầm chổ khác thì… ối giời ơi chết con!

Mấy chàng pilot trời đánh của 225 bên kia mà biết được thì tôi chỉ có nước độn thổ!

Uả, mà sao tôi lại lo xa dzậy cà, biết đâu mấy chả đã “được” cạo trước rồi. Chứ đâu như tôi, mỡ đưa tới miệng mèo mà mèo lại chê, thật là “ngu” và “cù lần” hết chổ nói!

Sau khi được chị cạo gió, tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đồng thời cũng cảm thấy luyến tiếc như vừa đánh mất một cái gì! nhất là khi thấy gương mặt chị đỏ hồng xen chút hờn dỗi và bẽn lẽn cài lại hai nút áo hớ hênh…

Đến xế trưa, đang nằm lơ mơ thì điện thoại từ đồn Quân cảnh báo là có một cô làm cho Air VN ghé xuống đây và muốn tôi ra đón.

Tôi nói với anh QC là tôi đang bịnh và nhờ anh chở dùm bà xã tôi. Vợ tôi vừa từ SG xuống, có mang cho tôi một chai rượu và mấy hộp bánh. Bả ưa đột kích theo kiểu thanh tra bất tử này lắm, nhiều khi xuống không báo trưóc, nếu không gặp tôi là bả lại theo tàu dông về SG. Bả hỏi tôi là ai đã cạo gió cho tôi, tôi nói đại là bà già “quấn chiếc khăn rằn” ngồi giặt đồ ngoài kia cạo cho tôi đó. Tưởng nói cho qua chuyện, ai ngờ bà dzợ tôi liền lấy một hộp bánh đem ra biếu và cám ơn bà già. Bà già không nhận và nói là bả đâu có cạo, chính cô Ba này cạo đó. Trời ơi bà già trầu này giết tôi rồi! Thế là tôi bị dzợ nghi ngờ. Tôi phải nói cứng là “bà già đó chứ ai mà biết cạo, tại bả không muốn nhận quà và muốn chọc em, bả mới nói dzậy, không tin ra hỏi lại coi”. Lá bài tố của tôi đã có hiệu nghiệm.

Viên thuốc đắng, tô cháo nóng cay xè và bàn tay ve vuốt tuyệt vời của chị Ba đã có mãnh lực dìm cơn bịnh xuống, nâng tôi đứng đậy để lảo đảo tiễn vợ về lại SG.

Gió chiều tung bay tà áo xanh của bà xã quyện vào chân tôi quyến luyến, và thổi nghiêng nghiêng chiếc nón lá bạc màu của chị ba đang thấp thoáng đứng phơi đồ xa xa…

Trước khi lên phi cơ, vợ tôi với giọng gái Hà Nội ngày xưa, ngọt ngào hăm dọa: “anh mà lộn xộn là chết… với em đấy nhé”!

Khi tôi trở về lại phòng thì hình bóng chị Ba đã không còn thấp thoáng ở cuối dãy hàng hiên…

Dù nay đã quá muộn màng nhưng tôi vẫn xin chân thành cám ơn sự săn sóc của chị Ba và đồng thời tạ lỗi vì đã không làm vừa lòng chị ngày ấy!


Cali