có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 2 22, 2008

Trở về và nhớ



Trực nhìn xuống những ruộng lúa bị cháy đen và xăng chảy từ những ống ra ngoài, vết đen lớn tàn phá lúa. Ngày xa cũ thưa thớt vài bóng cây, xe chạy ngược vào thị trấn dần dần xa khỏi những đồi cỏ để vào đường phố với hàng thông cao ướt nước, đường phố đầy bùn đỏ dơ bẩn và chỉ những chiếc xe nhà binh ướt sũng không ngừng, những dãy phố thấp, những hè phố không đều và những đường dốc. Xe ngừng lại nơi cửa nhà thờ, Trực bước xuống đeo ba lô trên vai, bây giờ hãy kiếm một tô mì, môt ly cà phê cho buổi sáng của mình.

Bờ lề cao, ngôi quán Tàu mái nhà thấp, những thân cột sơn đỏ, trần thấp ám khói, tủ kính ngoài quầy hàng treo thịt quay, xá xíu người đàn bà Tàu cắt tóc ngắn ngồi từ trên cao nhìn xuống, những bàn vuông và tròn với ống đũa, những chai nước mắm, bình ớt đỏ… Cho một tô hủ tiếu, một phế nại. Đứa con gái không nói bước đi. Trực bỏ ba lô xuống một chiếc ghế, mặt bàn cáu bẩn và ấm nước như đã mốc. Nơi nào cũng chỉ có Tàu, Tàu… dù một thành phố lớn, một thị trấn có người ở, ở đó có hủ tiếu, cà phê dớ, từ đó những ngôi nhà lớn mọc lên và những cửa tiệm luộm thuộm. Thực tôi cũng không hiểu được. Chú tôi nói trong quân đội mấy lính Ba Tàu làm hỏa đầu quân thì ông quan nào cũng khoái hết, họ khôn ngoan , chịu khó và sợ chết nữa, nhưng nhà bếp thì họ không e sợ gì cả… Tôi đã gặp những lính Tàu… Bữa ăn sáng, hơi thuốc lá ngọt, đâu phải lúc nào mình cũng được sống hạnh phúc như thế, nhưng nếu mình được sống hoài như thế đã chắc gì mình thấy mình hạnh phúc. Mình sẽ qua những ngày phép trong căn nhà nhỏ, những đường phố dơ bẩn, những bữa ăn sáng và quanh quẩn ít người bạn…Cuộc sống hình như không còn gì lôi kéo về phía trước mặt mình. Trực bải hoải với những ý nghĩ buồn nản vô cớ. Mình sẽ hưởng những gì và ngay từ trong cùng tận của cuộc sống, một kêu gọi thẳm sâu nào… Và Trực như thấy mình sống lại…

… Chiếc trực thăng vượt lên cao mãi theo với những ngọn núi kế tiếp và bầu trời xanh những lớp mây vươn lên chất ngất, len giữa những ngọn núi có lúc mây che khuất ngọn, gió lạnh buốt, qua khỏi những lớp trường thành thiên nhiên hùng vĩ đó trực thăng xuống thấp dần ngang qua những ngọn núi rừng cây với những ngọn cây trải thành thảm lá mướt êm đềm. một khoảng trống hiện ra với những đồn biên phòng nằm gọn trong thung lũng : nơi tôi sống những ngày cô quạnh. Trực thăng lượn một vòng, xuống thấp dần và Trực nhìn thấy bóng một vài người trong chiếc sân trống giữa những lớp hàng rào kẽm gai, giữa những công sự chiến đấu, có những cánh tay giơ cao vẫy chào đón đợi…trực thăng sà xuống và đậu giữa sân của tiền đồn, cánh quạt ngừng quay và Trực bước xuống với ba lô, chiếc thùng sắt, tất cả những gì chàng có. Tôi hiểu những gì tôi sắp bắt đầu được sống : những người bạn chưa quen, núi rừng xa lạ, mưa gió, thiên nhiên, những kẻ lạ không tên gọi đang ẩn hiện đâu đó và cái chết rình chờ bên những hẻm núi, nơi những gốc cây, lùm bụi hờm sẵn những họng súng, những mũi dao nhọn hoắt đã được mài giũa bằng những lời hô hào , những quyết tâm những lời thề sinh bắc tử nam …Chúng tôi có tám đứa được đưa tới tăng phái cho tiền đồn, người thượng sĩ đứng đón cách phi cơ khoảng mười thước mỉm cười nhìn chúng tôi. Trực thăng ngừng cánh, một thành viên bỏ phi cơ đi vào trại mang theo một bao đỏ những thư từ của gia đình những binh sĩ trấn đóng nơi đây. Sau khi vào trại chúng tôi được dẫn tới gian nhà phía tay trái của trại, chúng tôi được chỉ cho nơi mình được sống, một số bạn mới của chúng tôi bu lại có người ngó nhìn, có người cười nói hỏi chuyện chúng tôi, ở đâu tới, bây giờ cuộc sống ở Sài-gòn, ở Pleiku, ở Kontum ra sao. Chúng tôi làm quen với nhau. Sau đó chúng tôi trình diện trưởng trại.

Trong căn phòng được chất đầy những thùng đạn dựng đất vây lấy những bức tường, viên sĩ quan lặng lẽ nhìn chúng tôi từ đầu tới chân như một người ngắm nhìn những gì mới lạ. Đại úy N. tiến đến bên Hùng đặt tay lên vai người lính mới, mỉm cười :

- Chú em giết người rồi hả ?

Nét mặt măng trẻ của Hùng như muốn đỏ lên, hắn lúng túng một lúc lâu, Đại úy N. hỏi tiếp :

- Sao, nhiều hả ?

Hùng, giọng mất tự nhiên, nhỏ :

- Dạ, thưa đại úy không có…

- Thôi mà, xạo hoài, cái sẹo nào đây ?

Ngón tay trỏ của đại úy N. chạy dài trên vết sẹo từ nơi mang tai xuống cổ, vết sẹo còn để lại những dấu vằn như vết khâu trên da mặt. Vết sẹo làm cho khuôn mặt Hùng có một vẻ đặc biệt vừa dữ tợn vừa dịu dàng. Đôi mắt lớn cuống quýt, dáng ẻo lả. Trực không hiểu được Hùng, sao hắn có thể vào lính sớm như vậy. Trông thấy Hùng trong toán tăng phái, Trực ngạc nhiên không ít. Đại úy N. nói tiếp :

- Cái huy chương này đáng giá lắm…

- Thưa đại úy, một tai nạn, bọn nó hiểu lầm em…

Giọng cười khô khan :

- Không sao, hiểu lầm hay không chẳng sao, nhưng ở đây thì bỏ máu anh chị đi nghe, đây không có chuyện đâm thuê chém mướn đâu nghe, mấy tuổi rồi ?

- Dạ, mười chín.

- Một hiệp sĩ mù, được lắm…

Bỏ Hùng lại, Đại úy N. đến bên Thiện cầm lấy cánh tay đưa lên, hình một người con gái khỏa thân xâm trên cánh tay đầy những lông đen quăn, Đại úy N. cười cười bỏ xuống không nói, ông đi tới những người khác. Tới Trực ông chậm chạp nhìn ngắm. Đôi mắt sâu hút, lông mày rậm, nước da đen, đôi môi đỏ, ống mũi nhẹ nhàng. Tôi không thấy nơi ông một vẻ gì hung dữ, Trực đứng im. Đại úy N. :

- Tóc tai tài tử quá hả, vợ con gì chưa ?

- Dạ chưa.

Đại úy N. mỉm cười nhưng nét mặt vẫn có một vẻ nghiêm nghị một cách khôi hài :

- Sao chưa biết hả ?

- Dạ biết…

Trực ngượng ngùng nhìn xuống, tiếng cười trong cổ họng vị sĩ quan, ông đi trở lại phía sau bàn giấy, ngồi xuống lấy thuốc châm hút :

- Rồi, các chú tới đây bọn tôi mừng lắm, ở đây thì đường hoàng nghe, giang hồ với nhau, không có quan với lính mẹ gì hết, sống đường hoàng, xuống dưới đó nhận tiểu đội, kiếm rượu uống, có tiền không, đây phát cho mỗi chú một ngàn, cho mượn chờ tháng lĩnh lương trả, trừ đứa nào được bạc thì trả ngay. Rồi, cảm ơn mấy chú.

Cả đám rời khỏi phòng, trở lại với những bạn mới, Trực thấy yên tâm phần nào với đại úy N. ông mang đến cho mọi người sự thân mật cần thiết, đáng ra Trực không cần tiền nhưng thấy dáng vẻ của Đại úy N. Trực thích số tiền đó. Trực bỏ đồ đạc vào nơi đầu chiếc giường được chỉ định, chàng nhận thấy căn phòng có một vẻ hỗn độn đặc biệt, những hình khỏa thân lấy ra từ trong một tập báo Mỹ dán đấy nơi những vách ván, bên đó treo những mũ, súng, những cành cây khô, nơi đầu giường gần nơi cửa của phòng có một khóm lan rừng treo từ vách rũ xuống ở bên một cây đàn. Trực nghĩ : một tay nghệ sĩ giang hồ. Trong phòng có mười chiếc giường, Trực là một trong hai người được bổ sung cho toán này. Trong phòng, lúc đó chỉ còn lại hai người, Lịnh và Mãnh, những người vắng mặt đang ở trong một chuyến công tác vắng mặt đã ba ngày, Lịnh nói :

- Tháng trước có hai con đi ngủ, bọn tôi chờ mấy anh. Tôi cũng sắp được về, sáu tháng rồi.

- Rách hai con hồi nào ?

- Tháng trước, mới đầu tưởng thất lạc, sau thấy bị treo trên một cành cây.

Giọng Lịnh bình thản. Mãnh đứng bên, tựa người vào vách nhà nhìn chúng tôi, tôi lo trải giường rồi nằm xuống cho những thớ thịt doãi ra. Sáu tháng là ít nhất tôi sống ở đây và có thể chết ở đây. Mãnh nói :

- Tôi muốn đổi về Lôi Hổ, ở đây buồn quá, ngày đêm lúc nào cũng như bị tù, chẳng có nơi nào là hậu cứ cho mình, thiếu mọi điền cần thiết, sống hết nổi, có lúc muốn phát điên, anh tưởng tượng : sáu tháng không đàn bà…

Mãnh cười cung cúc như tiếng cười của môt người đàn bà thô kệch không còn duyên dáng của một người nữ. Trực cười theo lặng lẽ. Thời loạn, những đòi hỏi thực tế con người. Mình cũng đã chọn một đời sống đã chết. Sao mình không làm khác ? Làm gì ? Trực lại nhớ tới người con của ông chú, thi xong tú tài nó học cầm chừng và chơi bời, la nó, nó nói nhẹ nhàng: đằng nào rồi cũng vào lính, chỉ có chờ, chỉ có trước hay sau… Trực nghĩ tới vô số những người khác cùng lứa tuổi với mình, chỉ có một nơi chờ họ tới : Trại binh , sau đó là chiến trường ...Tương lai sáng lên những u tối của một thời đại liên tiếp những biến đổi, liên tiếp kéo tới những số kiếp đồng dạng bi thảm nhoa nhếch những máu và nước mắt. Trực cầm trong chiếc ba lô ra tờ nhật báo cũ bỏ lên giường. Mãnh cúi xuống cầm lên đọc:

- Ở đây bọn tôi chỉ có la dô, tờ báo cũng trở thành kỳ lạ. Nghĩ thấy những cái này cũng chẳng cần gì. Thực nhiều khi tôi không còn muốn biết gì nữa, mọi điều ở ngoài nơi đây tôi không cần biết tới. Anh cũng đã biết ?

- Tôi biết, ở trong lính được hơn một năm rồi.

- Như vậy là thọ.

- Anh thích Lôi Hổ ?

- Không phải thích, nhưng trong những thứ buộc phải lựa chọn thì mình chọn cái nào khá hơn, chẳng lẽ chọn đời sống của một tên trốn chui trốn nhủi hay một tên lính gác cửa, anh thấy vậy không ?

- Anh tưởng vậy, tìm một chỗ làm lính gác cửa đâu phải dễ gì tiền bạc không đó ?

- Thật là thằng ngu mới lựa chọn như thế, nhiều chuyện không hiểu nổi, thật bọn heo…

- Có lần tôi xin đi làm chuyên viên chất nổ mà không được, tim đập ghê quá.

Mãnh cười, hắn lật trang báo tới chỗ này chỗ khác, Lịnh nằm dài nơi chiếc giường mé bên kia. Hùng đã trải xong và thu xếp mọi thứ cần thiết. Trực nhìn Hùng lúc lâu, vết sẹo nơi mang tai. Nghĩ tới ngón tay của Đại úy N. và câu chuyện ngắn ngủi khiến Trực bật cười và bỗng thắc mắc về Hùng :

- Trông cậu như tên tội phạm khi đứng trước đại úy.

- Phạm tội, rỡn hoài…

- Thế sao xanh mướt, run và mồ hôi chảy nhép trên mang tai, cậu cũng anh chị nhỉ, lịch sử một vết sẹo đâu phải cứt gì, cũng đâm chém đấy chứ…

- Thôi đi, một tai nạn xe cộ, một tai nạn hồi nhỏ tuổi không thể có à ?

- Không tin, trông mặt cậu ta không tin, lại nữa, bước chân vào một nơi như thế này, cậu không phải như thế, khai đi cho anh em nghe chơi và ngưỡng mộ.

Hùng lặng thinh không nói, Mãnh ngó Hùng không chớp mắt, Lịnh cũng nhìn Hùng như muốn biết rõ về người bạn đồng đội mới của mình. Không khí im lặng như chờ đợi. Hùng nhìn Trực :

- Thế còn cậu, không có một lịch sử nào cho cậu sao ? thất tình phải không ? một nàng tiên nào đó đã đá cậu một cú song phi ?

- Lại chuyện tình nữa, có thể lắm, chết vì tình là nhất.

- Đó là lịch sử của cậu ?

- Nàng tặng ta khổ đau

Ta không nhận nhưng cầm

Mang về để dưới gối…

- Chà một nghệ sĩ giang hồ.

Cả đám cùng cười rộ. Trực tự hỏi : tại sao không có một lịch sử nào cho mình, tại sao mình lại thấy phải bước vào con đường này : một mơ ước phiêu lưu ? một lựa chọn vô lý ? một thự tế cùng quẫn ? một vô vọng lười biếng ? Một chuyện tình cho mình có để bỏ đi như hành lý cần thiết là một hạnh phúc mà mình cũng không có. Tôi chỉ có những nàng tiên trong ổ đĩ, chỉ có những thoáng nhìn tội nghiệp, chỉ có một đời sống mồ côi và thực tế cơm áo, tôi không có gì khác ngoài một thực tế tầm thường. Trực như nói với mình :

- Nếu có một chuyện tình như mình nhớ.

- Thôi đừng mơ mộng chứ…

Hùng bỏ ra ngoài phòng. Trực ngả người xuống giường. Nơi đây tôi sẽ sống những ngày sắp tới. Không khí những người chung quanh mang đến cho Trực một niềm vui, ở đâu cũng thế, trong những năm trôi nổi chàng chỉ thấy có tình bạn. Những bên nhau, đi bên nhau, chiến đấu bên nhau thân thiết như chân tay. Đôi mắt một người bạn cũ mở không ngừng trong trí nhớ Trực. Hai đứa vừa vượt lên khỏi hầm lao đầu về phía trước thì một loạt đại liên nổ xối xả, hắn ngả xuống với tiếng kêu thất thanh. Trực không tiến lên, nằm rạp xuống, quay đấu trở lại, người bạn đang quằn quại với vết thương trên ngực. Quên những làn đạn trên đầu, Trực bế vội người bạn quay trở lại hầm trú ẩn. Người bạn không nói được, máu chảy ướt sang người Trực. Đôi mắt hắn mở lớn không chớp. Lúc sau giữa những tiếng đạn nổ nhức nhối tiếng người bạn thều thào : tao chết mất mày. Và hắn chết, đôi mắt mở lớn như tìm kiếm cái gì. Trực nghĩ tới những người thân của hắn. Trực nhớ tới câu chuyện một ngày nào đó đã xa lắm hắn nói hắn bỏ gia đình mà đi, hắn chỉ thương mẹ hắn. Đôi mắt mở trợn trừng, tiếng kêu thất thanh nơi tuyến đầu vẫn như còn đó với hình ảnh khắc ghi. Trực đã lấy bàn tay dính máu vuốt mắt người bạn mà trước đó không lâu còn cười nói bên mình. Chính trong chiếc hầm đó, Trực đã rã người đi với xác người bạn lạnh dần trên tay. Khi trở lại sau trận chiến với máu đầy trên người, những đồng đội đã nhìn thấy Trực như một người chết hiện về. Cuộc sống ngắn ngủi, cái chết tình cờ dễ dàng nhanh chóng đã nhiều lúc khiến Trực bàng hoàng. Bây giờ ở đây, những bạn bè mới gặp, những ngày tháng gai lửa trước mặt, Trực tự nghĩ, biết đâu một hôm nào đó Trực sẽ trút hơi thở bên một người đồng đội . Cái chết mang theo mọi điều đã có trên đời sống, những điều chẳng liên can đến ai. Chiếc ba lô, chiếc thùng sắt, một ít vật dụng, một số tiền chết cũng không ai nhận lãnh, và chàng nằm xuống lòng đất rã tan…

Trực trở dậy theo Mãnh đi thăm căn trại. Những bạn mới, những căn nhà như hầm với những vỏ đạn, bao đất, thùng đất chất chồng từ nơi này tới nơi khác, những công sự chiến đấu kiên cố, Mãnh nói :

- Hồi cách đây ba tháng bọn này bị đói mất mấy ngày, bọn nó làm dữ, trời thì mưa không sao tiếp tế được, tức phát chết là đồ thả dù lại rơi vào bọn nó hết, tức cười nhất là một thùng đồ rơi phía ngoài vòng trại một khoảng, cả hai bên cùng tìm cách chiếm, thằng ở trong bò ra thì bị bắn, thằng ở ngoài định lấy cũng không được, mấy thằng bị chết vì kiện lương thực đó, nghĩ đến tức cười giữa hai làn đạn, sau những ngày cầm cự đến lúc ra lấy được kiện hàng thì chẳng phải lương thực gì hết mà toàn là quân trang, chẳng hiểu là họ nhầm hay không, nhưng quân trang đầy những vết đạn và chẳng đứa nào thèm lãnh hết. Nghĩ thực tức cười.

- Nhưng cậu thì mong ở trong đó một thứ gì ?

- Một người đàn bà được bọc trong một thùng bằng thép.

Trực cười ngất, Mãnh nghiêm giọng :

- Ngó bộ cậu nghĩ đó là chuyện bậy bạ sao ? Một chuyện nghiêm trang đó chứ.

- Đâu có, mình tưởng cậu nghĩ tới lương thực.

- Lương thực cũng cần, nhưng đàn bà cũng cần.

- Bọn đàn ông ở chung lại với nhau, ở trong tù, ở trong trại lính trước hết nghĩ tới ăn đã, trước là cần có cái ăn, sau là ăn ngon và đủ, sau đó mới tới chuyện đàn bà. Ăn đã…

Hai người tiếp tục đi vòng quanh khu trại, Mãnh chỉ nói tới nhà nào lương thực, chỗ nào súng đạn, tới căn nhà nhỏ nằm riêng phía góc của trại, ngoài phía sân bay trực thăng, kế đó phía ngoài hàng rào có một sân bay nhỏ trải đá đỏ dùng cho các chuyến bay tiếp tế, đường bay ngắn có nhiều hố đạn chưa được lấp phẳng, dấu tích của những trận pháo kích của địch quân. Mãnh nói :

- Đó là nhà Vĩnh biệt, và đó cũng là nhà chứa bộ quần áo cho bọn mình diện lần cuối nếu có may mắn…

- May mắn ?

- Chứ sao ...

- Cậu còn yêu đời lắm, nghĩ tới cả lúc chết thì tuyệt thật. Cái kho áo quan ấy trước không có, sau này mới có vì bọn này đã bị một lần cực vì cái ông bạn mình chết ở đó.

- Sao vậy ?

- Cậu thử tưởng tượng bây giờ có người chết, kéo dài hàng nửa tháng để trong trại này, mùi hôi thối có làm cho cậu chết không ? Bọn này đã bị rồi… Nửa tháng máy bay không xuống được, mưa, sương mù và đạn thù làm cho bọn sống, bọn chết, người bị thương ở chung với nhau .Phải sống qua mới biết thế nào là mùi tử khí . Sau này trại xin cho quan tài bọc kẽm mang xuống, anh nào tịch bỏ vào liền, gắn chì lại, để cả năm cũng không sao…

Trực rùng mình nghĩ tới cảnh đó nơi chàng vừa bắt đầu thời gian mới của đời mình. Thức ăn, súng đạn và mơ ước . Một nỗi cay đắng buồn phiền xâm chiếm Trực… Những ngày tháng mới, những chuyến đi toán, rừng cao lớp lớp không ánh mặt trời, không một con đường mòn, chỉ có lá rừng dưới chân, những cạm bẫy chờ đợi, những họng súng đâu đó.Trực cũng đã có lần ngây ngất với hương lan hoang dại giữa rừng sâu, những con suối trong vắt chảy dài như con rắn hiền lành. Giữa rừng sâu, giữa những hoang vu đầy mùi thảo mộc đó có lúc Trực nghĩ tới một viên đạn nổ vào đầu, ghim vào ngực và Trực nằm xuống không còn thở nữa. Chàng muốn được nằm đó và thân xác tan rữa. … Trực nhớ tới những điều đó, những ý nghĩ quanh quẩn lâu lâu với hoàn cảnh lại thức dậy… Nhưng chàng đã không chết, chàng đã sống và dời khỏi tiền đồn, chia tay với bạn bè, từ biệt những con đường ngắn ngủi chạy quanh khu trại, từ biệt chiếc giường sắt, những cái ghế trong câu lạc bộ, từ biệt những họng súng chờ đợi nhìn xuống từ những sườn núi, từ biệt những kẻ lạ mặt trì chí trong rừng sâu nhưng có hẹn ngày trở về ?

… Những ý nghĩ miên man đến với Trực, cơn mưa ở đâu ập xuống xối xả, buổi sáng như được kéo dài theo với cơn mưa và không khí ẩm lạnh của thị trấn trên cao. Trực kêu thêm cho mình một ly cà phê, thứ cà phê đất bùn này dù sao cũng còn khá hơn thứ cà phê của bọn Mỹ bỏ trong những chiếc bao chua lòm khó chịu. Cửa tiệm gần như không còn sinh hoạt nào khác, Trực ngồi một mình trong đó giữa những bàn ghế bỏ trống. Người đàn bà ngồi nơi quầy có lúc vào nhà trong bỏ lại khoảng trống, ngoài đường, thỉnh thoảng một người ngang qua với áo mưa ướt bóng. Những chiếc xe nhà binh chạy nhanh xuống dốc vời tiếng máy khó chịu. Mưa như thế này ở trong thung lũng thì coi như buổi tối đã bắt đầu và mọi người nằm ngồi trong ánh sáng vàng của những ngọn điện treo trên cao. Tấm lịch chàng có đã phải được gạch đi từng ngày để biết thời gian trôi, những ngày hành quân trong rừng, có lần trở về Trực không còn biết rõ ngày tháng. Chừng như thời gian trong những ngày tháng ấy dài hơn những ngày tháng khác. Trong ngôi trại, mùa mưa có những giấc ngủ kéo dài khi thức dậy chàng không còn trí nhớ để xem mình đang ở trong đêm mình đã ngủ, ngày hôm sau hay là một đêm khác đã bắt đầu, những ngày tháng vô vị lãng đãng đó như một cảm giác vô vị nhạt nhẽo lềnh bềnh trôi và Trực thả mình trong lười biếng cùng trí óc cùn nhụt…

Hai đứa nhỏ đánh giày ướt át đi vào, đứng nơi cửa ngó ngang quán ăn tìm kiếm những khách hàng. Một đứa đến bên Trực :

- Đánh giày anh hai…

Không kịp nghe trả lời đứa nhỏ đã ngồi ngay xuống kéo giày của Trực định đánh, Trực kéo chân lại, ngó xuống :

- Mưa gió mà đánh gì chú bé.

Đứa nhỏ tay vẫn cố lôi chân Trực, mắt nhìn lên nhìn Trực với vẻ tội nghiệp khó chịu, đôi mắt thơ ngây, khuôn mặt khô lại, những giọt nước còn chảy nhoa nhếch trên mặt, chiếc áo cánh mỏng ướt nhép, chiếc quần ngắn, hắn ngồi bỏ cao hai đầu gối trần ra ngoài đầy bùn đỏ. Trực nhìn vào mặt bàn :

- Thôi không đánh đâu em.

Đứa nhỏ đứng lên ra cửa ngồi xuống bên đứa bạn nhìn ra ngoài đường cơn mưa đang xối xả đổ xuống. Một đứa đang hút một điếu thuốc, khói bay lên chậm chạp trong bầu khí lạnh đặc.

Cơn mưa làm bầu trời thấp và tối, những thân cây và những căn nhà bên kia đường nhòe đi trong mắt nhìn.

(1972)


Dương Nghiễm Mậu
(Trong tập truyện "Trời cao đất dầy")