có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 12 14, 2007

Em điên xõa tóc




Tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi
ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
(Thanh Tâm Tuyền)


Giờ này chắc người con gái tóc dài hãy còn thao thức. Cũng như tôi. Cũng như đêm qua, cũng như đêm kia, và biết bao đêm nữa. Trước khi nổi điên, người ta thường mất ngủ một thời gian dài. Có lần tôi đã mất ngủ cả năm nhưng không nổi điên. Lần này tôi mất ngủ ngót tám tháng, và tôi nổi điên. Nàng cũng vậy, nhưng không biết đã mất ngủ bao lâu. Ðiên? Làm sao biết mình điên? Chỉ biết chúng tôi đang bị giữ trong bệnh viện tâm lý cùng nhiều người khác, nhưng trong đám tương đối tôi và nàng trẻ nhất. Sao chúng tôi nổi điên quá sớm? Và nàng còn sớm hơn tôi nữa. Nàng đẹp, phải công nhận nàng đẹp. Nhưng đó đâu phải là một lý do để nổi điên!


Hôm đầu tiên nhập viện, ngồi trong phòng ngó ra thấy nàng mặc một cái robe trắng thấp thoáng ngoài hành lang tôi tưởng nàng là nữ trợ tá. Nàng đi qua nhanh, tôi trông theo mắt bị thu hút kỳ lạ bởi mái tóc dài ẻo lả trên lưng, xuống tận dây nịt. Mái tóc gội rửa sạch sẽ xõa ra mềm mại, màu nâu thẫm, trong ánh sáng mờ tưởng như mái tóc đen dài của một cô gái đông phương nào đó. Áo nàng màu trắng ngà phùng ra ở cườm tay, ở thắt lưng và bên dưới gối, trùm lên đôi ủng da cao mầu đen, nịt da cũng màu đen. Cả người nàng toát ra nét thanh lịch và tha thướt theo từng bước đi, đuôi tóc phấp phới. Nàng lên phòng trực phát thuốc ở đầu hành lang, chập sau quay trở lại, đi ngang phòng tôi, tới cuối hành lang rồi mở cửa căn phòng ngó xéo với phòng tôi bước vào khép cửa lại. Nàng không biết có tôi đang ngó và đang bị mái tóc nàng mê hoặc.

Tôi có ý chờ khi trở ra nàng sẽ ghé vào phòng tôi, mang cho tôi mấy viên thuốc ngủ cùng ly nước lạnh và vỗ về tôi uống. Tôi khép hờ cửa và chờ nghe tiếng bước chân. Khi cúi xuống tóc nàng xòa lên mặt tôi, thơm tho ngầy ngật – tôi tưởng tượng. Nụ cười của nữ trợ tá chan chứa thông cảm bao dung như tôi thường thấy.

Trong tình trạng hiện tại, người tôi không còn một chút phấn đấu nào, như một bình điện hết hơi, tôi bỏ cuộc. Bốn bức tường bệnh viện ngăn cách tôi khỏi sự công phá từ bên ngoài. Cửa sổ có thanh sắt và kiếng mủ dầy, tôi không thể nào đập vỡ và lao ra không trung bất thần được. Thế giới của tôi bây giờ có nàng và những người điên khác. Kiên nhẫn, một chút nữa nàng sẽ ghé vào. Vách phòng sơn trắng, giường trải nệm trắng, một bàn nhỏ, một ghế nhỏ, một tủ nhỏ cũng sơn trắng ở đầu nằm. Trong tủ có hai bộ quần áo, một bàn chải đánh răng, một cây lược, một cục xà bông thơm, một cuốn sách hình Mickey và một tập vở học trò tôi dùng để chép thơ còn độ một nửa tập giấy trắng. Tự nhiên tôi thèm viết, viết gì cũng được, miễn được cầm bút và ngúy ngoáy trên trang giấy trắng. Hồi còn học sinh, tôi hay viết nhựt ký. Tôi dở tập đến hết phần thơ chép và cầm bút đặt lên trang giấy đầu còn lại :


Bệnh viện Paul Brousse, ngày…
«Có hai điều tôi sợ nhứt trên đời là bệnh tật và cô đơn. Mà rồi bây giờ tôi cô đơn và bệnh tật. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi ở nhà thương điên - mỹ từ: bệnh viện tâm lý. Tôi không muốn vào đây nhưng Ánh nói nằm nhà mãi tình trạnh càng trầm trọng thêm và nàng khóc lóc. Tôi đành nghe theo. Chỉ sợ một khi vào đây, tôi sẽ không trở ra được nữa. Mỗi ngày tôi sẽ một điên thêm, người ta sẽ chuyển tôi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, sẽ chung chạ với những người càng lúc càng điên nặng hơn. Tôi đã từng chứng kiến người điên bị nhốt. Hồi học trung học, một anh chàng si tình phát điên bị nhốt trong phòng có song sắt hắn ta miệng nói làm xàm không ngớt và leo trèo lòng vòng như con khỉ thấy phát chóng mặt. Một bận khác đi thăm con nhỏ cháu tôi ở nhà thương Chợ Quán. Nó bị nhốt chung với rất nhiều người điên, nhà giam giống như chuồng nhốt súc vật ở sở thú. Mùi hôi hám nhớp nhúa hực ra tanh thúi không thể tả. Nó đứng vịn song sắt khóc ròng và đòi về, nó nói đã hết điên rồi. Bỗng có một mụ dơ dáy quần áo rách bươm tới nắm tóc nó kéo đi và tru tréo sao nó giết con mụ ta. Nó dẫy dụa gỡ ra không được. Tôi bắt nôn mửa phải lùi ra xa, để nó một mình đứng lại gần chuồng cũng không biết làm gì hơn.

Nhắc tới sực nhớ gia đình tôi có lẽ có dòng máu điên. Má tôi, anh tôi, chị tôi, cháu tôi, bây giờ tới tôi. Lúc đẻ ra chị tôi, má tôi bị bệnh rồi phát điên. Một bận đi xuồng trên kinh Cờ Ðỏ, má tôi bỗng nổi cơn tính nhận chìm xuồng cho chết hết bốn mẹ con, may có ba tôi ngăn lại. Bà bỏ chạy lên bờ, ba tôi rượt theo lấy ba cây roi mây chập lại đánh má tôi đổ máu rồi nắm tóc lôi xuống xuồng. Nhắc tới, má tôi còn oán hận ba tôi sao ở ác. Sau đó bỗng một hôm có một bà sư quảy bộc thuốc đi ngang nhà mùi hương xông ngào ngạt. Bà bổ cho má tôi một thang thuốc, má tôi uống vào hết điên luôn. Kế đến chị tôi hồi đẻ đứa con thứ ba phát bịnh tưởng chết, và cuồng trí gần cả năm. Tới phiên con nhỏ cháu tôi, hồi đẻ khó khăn, bị mụ vườn nắm cổ lôi ra, đầu nó mềm nhũn như trái chuối chín mùi bị vập. Lớn lên nó cứ ba trợn, tới mùa nắng là rượt theo trai và nổi khùng.

Còn anh tôi không điên ra mặt, nhưng có chứng cuồng dâm. Khi dâm hành thì bất kể đẹp xấu, mẻ càng gãy gọng, sứt mũi sún răng, hôi hám nhớp nhúa, bao nhiên đứa ở ông ta quơ tuốt, nhiều lúc bốc hốt luôn cả con em họ hàng, bất chấp tai tiếng loạn luân. Có lần bị con nhỏ ở thưa tội hiếp dâm, anh chàng bị nhốt, vừa chạy chọt được thả về ghé nhà tôi lại bóp vú con nhỏ ở của tôi, tới nhà chị dâu tôi lại rờ đít con nhỏ ở đằng đó. Máu cuồng dâm một khi đã bốc lên là mờ cả hai con mắt…»


Có tiếng gõ cửa. Nàng đã tới! Tôi giật thót vội vàng xếp tập lại. Lên tiếng: cứ vào! Người nữ y tá bước vào, mặc áo blouse trắng, chào tôi và mỉm cười dịu dàng. Không phải nàng tóc dài, tôi thất vọng, nhưng cũng chào lại. Cô ta hỏi thăm tình trạng tôi qua loa, đoạn đưa cho tôi hai viên thuốc an thần và pha cho tôi hai chục giọt thuốc ngủ màu hồng. Canh chừng cho tôi uống xong, cô ta chúc tôi ngủ ngon và quay gót. Chờ cho người nữ y tá trở về phòng trực, tôi nhè nhẹ hé cửa ngó qua bên kia. Phòng nàng đóng im ỉm. Nàng có ở trong đó? Hay đã ra về? Về đâu? Giờ này đâu phải là giờ thăm thân nhân. Không có chút ánh sáng nào lọt ra ngoài. Tôi khép cửa lại, tắt đèn, lên giường nằm chờ thuốc ngủ ngấm và giấc ngủ an thần kéo về dập tắt ngọn lửa trong trí tôi.

Màn cửa sổ chỉ kéo che một nửa, bên nửa kia còn ngó thấy nền trời và sao lung linh như một tín hiệu. Trời mới vào xuân, trong sáng êm ả. Ðôi khi anh muốn tin ngoài đời chỉ có trời sao là đáng kể, mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em, đến ngày cuối …* Tôi chợt nhớ tới Ánh và tội nghiệp nàng. Sáng nay nàng khăn gói đưa tôi nhập viện. Ngồi ở phòng đợi làm thủ tục, nàng nắm tay tôi mà khóc, nước mắt ròng ròng. Nàng an ủi tôi - lẽ ra nàng cần được an ủi mới phải. Nàng căn dặn tôi đừng bỏ trốn, nàng sợ lắm. Tôi chỉ ngồi thừ ra đó, như một động cơ hết nhiên liệu. Người ta có thể đổ nhiên liệu vào và đẩy tiếp sức, nhưng tình trạng này không thể kéo dài vĩnh viễn được. Tới một lúc nào đó động cơ phải tự nó bắt điện nổ máy và di chuyển lấy một mình. Bằng không nó sẽ nằm ì ra đó chịu cho rỉ sét gậm mòn tới lúc bị phế thải ra nghĩa địa, mưa gió đục phá cho đến khi hoàn toàn tan rã thành đống bụi nâu đỏ và trái đất thu hồi trở lại.

Thủ tục xong Ánh sắp về, tôi bịn rịn. Nàng về thật rồi. Tôi hốt hoảng và hối hận sao đã chịu vào đây. Tôi không biết ai hết. Tôi sẽ leo chạy bên trong chấn song sắt như con khỉ thất tình? Hay bị giựt tóc như trong chuồng súc vật? Thân thể tôi tỏa nhiệt dồn dập rồi vụt lạnh ngắt. Hệ thống điều hòa tự động của cơ thể rối loạn, mở đóng vô trật tự. Miệng tôi khô đắng, sắp bốc cháy. Ruột thắt lại, người muốn gẫy quặp làm hai, như con múa rối bị đứt chỉ. Tôi xách cái túi nhỏ lẽo đẽo theo người dẫn đường lên lầu ba, phòng giành cho tôi nằm ở đó. Buổi trưa tôi nằm lì trong phòng, bỏ ăn. Tôi hối hận, ăn năn, giận mình. Trời nắng rực rỡ. Tôi kéo màn kín mít. Ðâu phải để ngủ. Làm sao ngủ được. Ðêm nào cũng mở mắt trừng trừng. Uống rượu tiêu sầu họa hoằn lắm cũng chỉ ngất ngư được một chút từ hai tới ba giờ sáng rồi thức trắng dờ luôn. Cho tới lúc mặt trời mọc và tiếng huyên náo lớn dần dưới đường đem trở về một ngày mới với nỗi sợ hãi rất cũ, bất di bất dịch, những đương cự với khó khăn của đời sống hằng ngày. Một câu hỏi duy nhất: làm sao tìm được việc làm. Một khiếp đảm duy nhất: làm sao tìm được việc làm. Một bế tắc duy nhất: làm sao tìm được việc làm. Làm như người ta sống ở đời chỉ duy nhất để làm viêc. Thiệt là chó má!

Buổi chiều hai nữ y tá vào phòng dỗ dành tôi đi ăn cơm. Cực chẳng đã tôi phải nghe theo. Tôi để nguyên quần áo xốc xếch, không buồn rửa mặt, bước vào phòng ăn có đâu hơn hai chục người – hay nhiều hơn nữa không biết. Trước mặt tôi là người đàn ông có hai răng trước ở hàm trên bị gãy. Cạnh tôi là một anh chàng tóc quăn dài có râu quai hàm. Tôi không biết ai hết. Tôi không nói với ai một câu. Không ai hỏi tôi một câu. Tôi không thấy có ai khác da vàng như tôi. Tôi cầm muỗng nhúng vào dĩa xúp. Khi múc lên tay tôi chợt rung bắn. Tôi kinh hãi đặt muỗng trở lại dĩa. Tôi đổi tay trái. Cũng lẩy bẩy như thường. Chắc tôi sẽ không bao giờ ra khỏi nơi này. Người ta sẽ chuyển tôi tới một nhà thương dành cho những người điên run rẩy như tôi. Tôi muốn chảy nước mắt. Tôi lén xé bánh mì chấm vào dĩa xúp rồi cúi xuống thật gần đút vào miệng khô đắng. Mẩu bánh mì vướng ngang cổ thắt gút. Tôi đâu quen ai ở chốn này. Tôi muốn kêu Ánh cầu cứu.

Giấc ngủ đầu tiên ở bệnh viện đen ngòm như chén chí-bà-phủ. Không nhớ gì hết. Nó đến hồi nào? Như hòn đá quá nặng vụt chìm, không kịp ngó. Tôi mở mắt, dần dần định trí, nhớ ra mình đang ở đâu. Lần đầu tiên tôi không bị ám ảnh bởi việc mua báo, chúi mũi vào những trang rao vặt và viết đơn xin việc. Lần thứ năm trăm, bảy trăm, cứ mãi một câu kết: « Veuillez agréer, Monsieur, l’assurance… ». Ngủ nướng không được, tôi đứng dậy bước tới cửa sổ kéo màn. Trời đã thực sự vào xuân, nắng rạng rỡ tưởng như Tết. Tôi nhớ tô hủ tiếu hồi nhỏ chỉ dịp Tết mới được ăn, trên có miếng tôm chiên và lát gan khô, xịt tàu vị yểu « Hai Con Chuột » vô, tôi gục đầu húp tới giọt nước lèo cuối cùng. Sướng hết sức! Ai đã đuổi tôi ra khỏi thiên đường? Sự tinh ranh, suy nghĩ, tìm hiểu, muốn diễn giải, cắt nghĩa. Hành động nào cũng tự nó đầy đủ, như vậy chưa đủ sao? Vẫn luôn luôn chạy kiếm một cái gì bên ngoài, phía sau để biện minh chứng đúng. Khi chứng đúng được hành động của mình, người ta dám trở thành bạo ngược, tàn sát không gớm tay: Tần Thủy Hoàng, Hitler, Staline, Dalatôla, Pol Pot, Việt Nam Xã Hội!

Ăn hủ tiếu là ăn hủ tiếu. Hết. Sống là sống. Hết. Không gì có thể giải thích được gì hết. Giải thích là sa vào mê cung. Rời khỏi mê cung này là chỉ để dấn mình vào mê cung khác. Tôi đang ở trong mê cung, giờ này phút này.

Tôi làm những vệ sinh thông thường, như hồi đi lính. Khi trở về tôi thấy phòng nàng vẫn đóng kín. Tôi ra ngồi ở ghế bành gần cửa sổ xem tiếp quyển Mickey. Hay xem lại, vì tôi đã xem tới xem lui nhiều lần mà không hiểu gì hết. Tôi mất khả năng chú ý. Ðọc câu này nghĩ câu khác, đọc câu khác nghĩ tới chuyện hoàn toàn không ăn nhập gì, cứ thế, quanh quẩn trở lại những ám ảnh như điả đói hút cứng trong óc, nhức nhối. Khác với đọc, khi viết, ý nghĩ bắt buộc phải tập trung, diễn dịch theo một thứ tự tương đối nào đó. Cả chục năm nay tôi bỏ viết. Tôi không đủ đam mê. Tôi không viết để chứng minh. Tôi viết khi cảm thấy có nhu cầu. Nếu không viết mà vẫn sống hạnh phúc, tôi sẽ không bao giờ viết, vì khi đó tôi đang ở trong trạng thái quân bình. Nếu viết, tôi sẽ đánh mất quân bình. Khi viết, tôi như người lên đồng, lúc cười lúc khóc, vật vã, hành xác. Tôi lật nhựt ký bỏ dở nửa chừng hồi hôm viết tiếp:


Paul Brousse, ngày…
«Ðêm qua nàng đã không tới. Nàng, người con gái tóc dài đã đánh lạc hướng nỗi ám ảnh của tôi - để tôi lại sa vào một ám ảnh khác? Tóc nàng không làm cho tôi nhớ liễu, lệ liễu (nàng liễu rũ vì cơn gió dập, hay vì hoa đã lỡ làng duyên), mà tóc nàng làm tôi nhớ tàng cây vú sữa vào buổi trưa nắng, có tiếng chó sủa. Lá vú sữa mặt xanh mặt đỏ, trái trương bóng như vú căng bên trong có sữa trắng, cả vòm cây tỏa ra hơi mát, tôi thường leo lên đó, đâu phải để hái trái. Tôi tới thăm chị em nàng, nàng có lông tơ trên cánh tay, mày rậm (dục tình?), chị nàng tóc dài trắng trẻo, tôi không biết mình yêu ai, cũng chẳng bao giờ dám tỏ tình. Kiến vàng con lớn cắn nhức nhối. Thiềng Ðức. Cầu sắt ván gỗ đã long, đường đá lởm chởm. Tôi vừa thắng xe đạp, chị nàng ngó ra kêu thốt : «Kìa em!…» Ai đã đặt tên cho trái cây đó là «vú sữa»? Thiệt quá tài tình!

Dưới nội cỏ bệnh viện hoa vàng rực chói mắt. Không phải hoa mai. Từng cụm nhiều nhánh từ dưới đất chỉa lên sai oằn bông vàng chi chít. Không thấy lá, hực hỡ chóa lòa. Từng bầy chim sà xuống, loại chim đuôi ngắn ngủn không phải chim sẻ, không phải chim sáo, cúi đầu mổ lia lịa, chạy lúp xúp trong cỏ, không thấy chưn, tưởng như loài chim đồ chơi cơ động, lăn trên hai bánh lẩn khuất, chạy tới chạy lui ngộ nghĩnh. Tôi thèm chạy trên cỏ. Lần nào ngó chim chạy trên bãi cỏ nắng tôi cũng thấy mình ngu. Trời ơi! Sao hạnh phúc dễ ợt như vậy mà tôi không với tới! Bao nhiêu lần tôi đến ngồi trong vườn Luxembourg suốt mùa xuân suốt mùa hè để chỉ nghĩ đến chuyện thất nghiệp. Kìa xem con chim bồ câu đang tắm rửa rỉa lông và kêu rù rù bên ống nước lủng có tia nước xịt ra nhỏ rức, nó đâu có phải làm đơn xin việc kèm theo phiếu lý lịch có dán hình thắt cà vạt hẳn hòi như tôi. Nọ xem con chim sẻ con đang chạy theo chim mẹ cánh xòe ra, mép vàng chưa mất dấu, hả miệng chờ mồi, và mẹ nó hết sức kiên nhẫn tận tụy. Tình thương của trời đất. Ðời sống sờ sờ như vậy mà tôi tự ý ngoảnh mặt làm ngơ, giam mình trong ngục tù do mình dựng ra và do mình cai quản…»


Buổi chiều, vẫn cảnh phòng ăn quen thuộc ồn ào. Nhưng ồn ào hơn hôm qua vì có một lão mới nhập viện, ngồi ở đầu bàn ăn phát thanh ra rả không ngớt. Bạ gì nói đó không đầu không đuôi, bất chấp luận lý, bất chấp mọi người chung quanh. Nói để nói, vậy thôi. Lúc đầu tôi bực lắm, nhưng sau này tôi thấy vui vui, rồi ngẫm lại lối nói của ông ta coi vậy mà còn ít điên khùng hơn lối nói của bọn cuồng tín, chủ thuyết, giáo điều giáo lý, rập khuôn lải nhải nói hoài một thứ, bất chấp thực tại, bất chấp đời sống. Ít ra lối nói của ông già điên này không giết người và hợp lý hơn so với cái phi lý vì muốn quá sức hợp lý, độc quyền hợp lý, nghe một hồi muốn… đi ỉa cho nhẹ bớt.

Vậy mà con người vẫn hãnh diện vì mình biết nói, biết suy nghĩ, cogito ergo sum, tôi suy nghĩ vậy tôi có, thay vì tôi có rồi tôi mới suy nghĩ. Mẹ rượt! Không suy nghĩ tôi vẫn có như thường. Không tin thử lấy kim nhọn châm vào đít triết gia đang say ngủ thì biết.

Trước mặt tôi và cạnh tôi vẫn anh chàng sún răng và gã râu quai nón. Hôm nay tay tôi hết run, không hiểu vì sao. Tôi nghe tiếng cười the thé khàn khàn của người đàn bà ở phía trước, không biết của ai, rồi tiếng muỗng thép rơi xoảng ở phía sau lưng, góc trái. Tôi quay lại ngó: Nàng! Phải, nàng ngồi đó, tóc vẫn dài, áo vẫn trắng, khuôn mặt trẻ, buồn, mắt kẻ xanh phớt, đang cắn môi dưới, bối rối, chiếc muỗng kim khí nằm dưới chân. Nàng ngồi bàn nhỏ ở góc, một mình. Hiện diện của người con gái thanh lịch trong phòng ăn ồn ào điên khùng này thật là không phải chỗ, không lẽ nàng cũng… Gã quai nón lắc vai tôi biểu đưa cho hắn lọ tiêu. Tôi cầm muỗng đưa lên miệng húp, máy móc. Không yên bụng tôi quay ngó lại. Người nữ y tá đang cố gắng đút muỗng xúp cho nàng ăn, nàng lắc đầu, các ngón tay thon vò xé mẩu bánh mì. Tôi lo âu, người nữ y tá năn nỉ, nàng hả miệng. Tôi bớt lo âu, trở lại dĩa xúp của mình, nhủ thầm nên nghĩ đây là tô hủ tiếu hồi còn nhỏ của mày đó, ăn đi. Dĩa xúp được dọn đi, tôi quay ngó lại, nàng không còn ở đó. Dĩa thịt dọn tiếp ra, tôi đói bụng tiếp tục ăn, không thấy ngon gì hết, thỉnh thoảng liếc ngược trở lại. Lòng buồn bã.

Bữa cơm chiều chấm dứt. Tôi không ăn tráng miệng, cầm hai trái táo đem về phòng để nhâm nhi lúc cổ họng khô đắng. Phòng nàng còn mở hờ không thắp sáng, ngoại trừ ánh điện mờ từ ngoài hành lang hắt vào. Tôi tò mò ghé mắt nhìn. Phòng nàng cũng giống như phòng tôi, cũng chiếc giường nệm trắng và ở cuối giường nàng đang ngồi xõa tóc. Lưng quay ra cửa, nàng ngồi ở ghế bất động. Tôi hồi hộp và bồi hồi thương xót. Nàng làm gì ở đây? Chẳng lẽ nàng cũng điên như tôi. Tôi ba chục năm chiến tranh, bạn bè lớp chết lớp cụt tay cụt chưn, bà con tứ tán, bây giờ tôi thất nghiệp đã đành. Nhưng còn nàng? Tóc nàng quá yêu kiều thướt tha như một hạnh phúc nắm chặt khi luồn tay vào mái tóc ấy và nói yêu em. Nỡ nào điên sao? Trong trí tôi lúc đó chỉ những người tâm địa xấu xa, mặt mũi xấu xa mới đáng điên. Còn nàng, tôi không tưởng nổi. Tôi không dám bước vào. Tôi không dám gọi. Tôi thò tay đặt trên giường nàng trái táo, như lén lút, rồi vội vã trở về phòng mình đóng cửa lại, tim đập mạnh.

Tôi trèo lên giường bật đèn. Tôi giở tập thơ chép tay nhẩm đọc các bài mình đã ưa thích. Sự rung động đã chết ngấm trong lòng. Tôi dửng dưng. Sự bất hạnh cũng là điều may mắn. Ðôi khi tôi thèm được làm hòn đá vô tri mà trời đất đã bỏ quên trên một dốc núi hết sức tầm thường, không ai hay biết. Không có trí nhớ, không có dĩ vãng, không có tương lai. Chỉ nằm đó, vậy thôi, quá đủ, không cần chứng minh, chứng minh nào cũng thừa thãi, sai bét. Thú vật đâu có ngu như tôi. Ðâu có con chó nào làm thơ, đâu có con chim nào đặt nhạc, đâu có con dế nào viết văn. Toàn những thứ bày đặt mà con người rất lấy làm hãnh diện, cũng như đã hãnh diện về cái tài biến chế, đẻ ra tôn giáo, chính trị, triết lý của mình. Triết lý, nhứt là triết lý tây phương, mới đi được một nửa hành trình từ có đến không. Chưa ai đi được - hình như vậy - nửa đường còn lại từ không đến có, cho trọn cuộc hành trình. Dừng lại nửa đường, đứng trước hư vô, họ kinh hoàng và đâm ra bạo động - để vớt vát? Nào ai biết « không có gì đáng sợ bằng sự sợ hãi »!

Tôi lật đến phần nhựt ký viết tiếp :

Ðêm…

Ðã thực sự có một cuộc chiến tranh ở Việt Nam hay sao? Nó là cái gì và bây giờ nó ở đâu? Chẳng lẽ nó là thằng điên đang nằm bệnh viện giờ đây. Hay là tên tù đang dang nắng xới mìn trên núi đá? Hay là gã bộ đội trẻ hồi hộp mang con búp bê bằng nhựa hồng sần sùi, có đôi môi đỏ choét in lệch ở chợ trời Sài Gòn về cho đứa em gái nhỏ ngoài Hà Nội để làm quà quý kỷ niệm ngày « giải phóng » miền Nam? Tôi không hiểu nổi. Tôi từ chối mọi giải thích, mọi logique, mọi biện chứng, mọi nhu cầu lịch sử. Chỉ có sự xuẩn ngốc. Tôi không thấy thương xứ sở. Tôi chỉ thấy giận dữ. Tôi giận Việt Nam. Cái xứ gì thật là chó chết! Hãnh diện? Hãnh diện cái mẹ gì? Ðừng tìm đâu xa ai là thủ phạm. Chúng ta là nạn nhân của chính cá tính dân tộc mình. Chúng ta là đao phủ của chính chúng ta. Vậy mà cứ vỗ ngực cho rằng ở cùng Ðông Nam Á mình ngon lành nhứt, mình khôn nhứt, mình oai hùng nhứt. Việt Nam số một! Tiểu xảo, khôn vặt, tào lao, nhảm nhí - nhảm nhí chết người! Tôi giận quá. Tôi giận tôi. Sao hồi đi lính ở Việt Nam tôi không chết quách đi cho xong việc. Nghĩa địa tôi phải là một rãnh mương, bờ đê đất sét hay vàm bãi phù sa nào đó. Tôi làm cái khỉ mốc gì ở đây? Không ai cần tôi có mặt trong cái bệnh viện khốn kiếp này. Tôi trúng đạn đại liên nát ngực, ngã lật trên bờ ruộng chết tốt, không kịp hối tiếc, chẳng hơn sao?

Qua thư nhà, tôi thấy mình còn tốt phước hơn nhiều người. Như anh tôi, như bạn bè tôi đang học tập cải tạo, có thằng đã chết. Ở đó tù tội, hành xác, hành tinh thần, địa ngục triền miên. Vậy mà tôi không thấy sướng khi ở đây. Ðịa ngục Việt Nam tôi trốn được. Nhưng còn cái địa ngục tôi mang kè kè trong đầu, tôi biết lẩn trốn ở đâu. Mỗi chúng ta mang sẵn thiên đàng địa ngục trong tâm tưởng.


Chính bác sĩ tâm lý của tôi, ông Cazas, đã khuyên tôi nên vào đây tịnh dưỡng. Phải rứt tôi ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Tôi đã tới phòng mạch ông ngồi lì, không chịu về, muốn rã luôn tại đó, mệt mỏi cực độ. Lúc chẩn bịnh, ông có yêu cầu tôi nắn tuợng. Tôi nắn một người hai mặt ba chưn. Một chưn đứng trên sợi chỉ căng, một mặt hướng về quá khứ sau lưng một mặt hướng về tương lai phía trước, mặt nào cũng nhắm tít mắt, bốn tay đưa thẳng như người mộng du, hai chưn bước về hai phía đối nghịch, lơ lửng trong khoảng trống. Tôi mộng du, quên sống trong hiện tại, dù rằng không thể sống cách nào khác hơn được là sống trong hiện tại. Dĩ vãng tương lai cũng nằm trong hiện tại. Không có thời gian nào khác hơn là thời gian hiện tại.

Bận khác tôi nặn cho ông một con trâu nước. Ông yêu cầu tôi giải thích. Tôi nói đó là hiện thân của tôi, con trâu nước. Tôi muốn trầm mình trong nước, vùi bùn thảnh thơi, không ai ăn thịt tôi, tôi cũng chẳng ăn thịt ai. Con trâu nước không đẹp đẽ cũng chẳng có ích gì cho ai, nhưng cũng chẳng phải ích kỷ. Nó sống, vậy thôi. Con vật nào sinh ra cũng để sống, vậy thôi. Chẳng phải từ đâu đến, đến đây để làm gì, rồi đi về đâu. Ðó là những câu hỏi dựng đứng, bày đặt, lẩm cẩm. Tôi đã nhiều phen đặt những câu hỏi cà chớn như vậy, cũng như đã nhiều phen nổi loạn chống lại Thượng đế vì thấy ông ta quyền hành quá sức. Tạo ra một Thượng đế, phong cho chức tước quyền năng…rồi chống lại, tuyên chiến. Như hiệp sĩ Ðông Ki-Xốt đánh lộn với cái quạt gió, hay Lucky Luke đấu súng với cái bóng của mình. Hào hứng tới phát khóc được…

Sáng hôm sau khi ở nhà tắm đánh răng trở về, tôi thấy phòng nàng mở cửa. Nàng ngồi trên giường chải tóc, vẫn mái tóc bồng ẻo lả đó. Áo nàng xanh da trời màu thẫm cũng loại vải mềm mại như áo trắng hôm trước, chân nàng cũng trần trắng phớt hồng, bàn tay dịu dàng gỡ lược. Tôi cúi đầu chào, nàng chào lại. Tôi gạ chuyện hỏi chiều qua nàng không ăn có thấy đói không, nàng lắc đầu. Quả táo cắn dở đang còn để trên bàn. Tôi rủ nàng lên phòng ăn sáng. Nàng dụ dự rồi đồng ý. Tôi mặc áo sơ mi sọc, quần jeans, xỏ đôi giày rồi bước qua gọi nàng.

Nàng uống sô-cô-la sữa, không ăn. Tôi rót cho tôi một tô cà phê lớn và trét bơ lên bánh mì nướng. Tôi bảo từ ngày vào đây tôi có triệu chứng lên cân, mặc quần đã thấy chật. Tôi được biết nàng tên Evelyne và nàng vào bệnh viện đã được ba tháng nay. Trước đó nàng là nữ y tá cho một bệnh viện dành cho người già. Vì mới quen nên tôi không tò mò hỏi duyên cớ nào xui nàng vào đây. Nàng cũng không hỏi tôi vì sao phát điên. Nàng hay cắn môi, môi nàng màu hồng đều đặn, không dầy không mỏng. Nàng không có vẻ gì bất bình thường, ngoại trừ đôi mắt như xa vắng, nhìn nhưng không chú ý, có đó mà như không có đó. Gương mặt sầu muộn man mác, thương nhớ đâu đâu. Nếu không điên, có lẽ tôi đã tán tỉnh nàng. Dung nhan nàng trùng hợp với mẫu người con gái mà tôi ưa thích. Ăn xong, chúng tôi về phòng chờ bác sĩ đến khám bệnh cho thuốc.

Sau bữa cơm trưa thằng râu quai hàm rủ tôi trốn ra phố chơi - hắn tên Christian. Ðã hơn tuần nay tôi giam mình trong bệnh viện, hết ăn tới nằm, hết nằm tới ngồi, hết ngồi tới ăn, tôi cũng tù chân. Trời nắng đẹp, tôi đồng ý leo rào với hắn. Hai đứa lẻn ra cửa nhỏ, cuốc bộ ra đường cái đón xe buýt ra Paris. Ngồi trên xe buýt, tôi chỉ sợ nhân viên bệnh viện đón cùng xe lên thình lình và nắm cổ hai thằng điên lôi về. Chúng tôi an toàn đi vào thành phố, hai đứa rà rà xuống khu Opéra. Trở lại cái náo nhiệt của Paris, tôi thấy vui vui nhưng trong lòng cũng lo sợ vu vơ. Không biết lính cảnh sát có tới hỏi giấy bất tử. Tôi muốn đi xi-nê nhưng không có tiền. Christian dắt tôi vào một tiệm sách, hắn tìm mua một cuốn sách nói về phân-tâm-học. Hắn là thầy giáo ở một khu hẻo lánh dưới tỉnh. Hắn nói ở đó buồn quá, có mỗi một cô giáo độc nhứt lại đổi đi nơi khác. Hắn phát khùng, không biết có phải tại thất tình cô nọ.

Vào tiệm sách, hắn lựa ba quyển nói về tâm lý, hỏi ý kiến tôi nên mua quyển nào. Có một quyển tôi đã đọc nên tôi xúi hắn mua quyển đó, hai quyển kia in chữ nhỏ và có vẻ lập thuyết nên tôi không thích. Thuyết nào cũng chứa sẵn mầm loạn trong nó. Thuyết càng lớn, loạn càng lớn. Hắn chọn một trong hai quyển kia mang ra quày hàng. Khi cô hàng sắp tính tiền, hắn đổi ý ôm quyển sách trở vào, lại hỏi ý kiến tôi. Tôi không đổi ý. Hắn lại ôm quyển khác ra quày rồi lộn trở vào đứng xớ rớ với ba quyển sách trên tay. Tôi không muốn mất thì giờ nên xui hắn mua mẹ nó ba quyển luôn cho được việc. Hắn không chịu. Sau cùng hắn cầm quyển sách tôi chọn ra quầy trả tiền. Xong hai đứa đi lòng vòng một hồi rồi đón xe buýt về bệnh viện. Trên xe hắn lại càu nhàu và tỏ ý hối hận vì đã mua quyển sách mà hắn không thích. Tôi xì nẹt la chưa chắc mày đã biết mày thích gì nữa. Hắn đòi xuống xe đi trở lại Paris đổi sách. Tôi dọa cô bán sách sẽ kêu cảnh sát vì thấy mày dị hụ quá, hắn mới thôi. Hắn tiu nghỉu nhưng cứ cục cựa trên băng xe hoài không yên. Tôi chỉ mong chuyến buýt tới chỗ phứt cho rồi.

Buổi tối, khi ăn cơm Christian lại đem đề tài cuốn sách hồi chiều ra thảo luận. Hắn công kích làm như thể tôi là tác giả cuốn đó. Nghe lý luận của hắn tôi nghĩ bụng thằng cha này không thể nào đàn bà thích nổi, chắc chắn sẽ ở giá tới già. Tôi nổi sùng định gây thì may quá hắn đổi đề tài qua chuyện dĩa bay, một chương mà hắn cho rằng mình nắm giữ được nhiều tài liệu xác thực, chứng cớ đàng hoàng. Hắn tin rằng người ở hành tinh khác sẽ đáp dĩa bay xuống quả đất này và mang tới một trật tự mới. Hắn sẽ theo đoàn người ngoại địa kia bay lên không gian, nơi từ đó hắn đã đáp xuống địa cầu này. Hắn nói say sưa rồi hỏi tôi tin dĩa bay có thật không. Tôi nói tôi không biết, có điều chắc chắn là ngoài thế giới loài người, còn có hằng hà sa số thế giới khác nữa. Vả lại tôi chỉ mong cho bọn Nga bọn Mỹ bay tuốt lên hết không gian để lại quả đất già nua này cho tôi, tôi sẽ mừng biết mấy.

Sau bữa cơm tối Christian rủ tôi ở lại coi truyền hình, tôi chán nản trở về phòng nằm ngó ra cửa sổ thấy trăng mọc. Lòng tôi dịu xuống. Tôi chợt có một ý nghĩ rất đằm thắm về nàng, gần như tội nghiệp. Phòng Christian khít phòng tôi và ngang phòng nàng. Hắn nói từ ngày vào bệnh viện hơn tháng nay, hắn không thấy ai tới thăm nàng hết. Có hôm hắn nghe tiếng khóc la trong phòng nàng và hắn kêu cứu nhân viên trực. Người ta đến đem nàng đi hai ngày sau mới mang trở lại. Nàng xanh xao. Duy có điều là lúc nào nàng cũng ăn mặc đẹp đẽ và mái tóc gội rửa sạch sẽ óng chuốt. Hắn có gợi chuyện với nàng nhưng thấy không hạp – có gì đâu ngạc nhiên? Tôi châm điếu thuốc và ngồi dậy viết nhựt ký.

Ðêm…

Có lẽ giờ này Ánh đang loay quay dưới bếp, trong tiệm ăn; mùi xào nấu khét nghẹt, khói tỏa mù mịt. Giờ này khách bắt đầu đông dần, cho tới khuya. Tiệm anh Thận ở đường Saints Pères lúc nào cũng đông vì anh biết chìu khách và tử tế với nhân viên, tuy thỉnh thoảng anh có bốc hốt ấu tả. Ánh than phiền nhưng tôi an ủi là đàn ông nào mà chẳng vậy. Tới khuya nàng lò dò về, len lén tắm rửa sơ sài rồi chui lên giường, mùi củ hành còn dính trong tóc. Có lần tôi than thở em có mùi củ hành, nàng phản đối hôm nay em chỉ xắt tỏi chớ không có xắt hành. Với tôi thì mùi nào cũng khó mà ôm vào lòng ngủ cho được. Tôi vốn đã mất ngủ, đang lúc thất nghiệp. Thế nhưng tôi vẫn ước ao khi nào có đủ tiền ta sẽ rước Kiều ra khỏi lầu xanh. Khi trước ở Việt Nam nàng làm nhà băng, qua bên Tây nàng làm nhà hàng, đâu cũng là nhà cả!

Một dạo tôi xuống đón nàng buổi tối, e nàng thân gái dậm trường. Ðêm nọ dưới métro trạm Odéon tôi đứng lại xem một bọn bốn đứa da đen đánh trống hòa nhịp với nhau. Nghe tiếng trống dội tôi tưởng chừng như ai đang đập lên da thịt mình (con trâu nước?). Ðã nhiều lần như vậy và lần nào tôi cũng chảy nước mắt. Con trâu nước đang dãy dụa dưới làn nước đục trên lưng còn dính cứng những mũi giáo nhọn, máu tuôn lênh láng. Con trâu nước trồi lên mặt nước, miệng hả lớn lấy hơi thở, tôi hụp xuống lẩn trốn, con trâu nước trồi lên, tôi hụp xuống, con trâu nước mang giáo nhọn, tôi dãy dụa dưới làn nước đục…Tôi vụt khóc sướt mướt và vội vã chạy ra khỏi métro, chạy băng qua đại lộ Saint Germain, chui vào mấy con đường nhỏ ở chợ Buci, lẩn trốn dưới cổng lớn của trường Y khoa gần tiệm anh Thận. Tôi ẩn núp để khóc cho thỏa thích, làm như khóc là điều xấu hổ phải dấu che. Tôi khóc rất lâu, tưởng chừng đứt mất hơi thở. Con trâu nước tuôn máu lênh láng, tôi khóc lênh láng. Khi dịu bớt, tôi đi đón Ánh. Ra về, trong toa xe, bất thần tôi lại tủi thân bật khóc. Ánh ôm tôi vỗ về, hành khách trong xe ái ngại. Từ đêm đó, tôi không đi đón nàng nữa.

Chúng tôi thuê một căn nhà hai phòng ở lầu bốn một cao ốc cũ kỹ đường Pyrénées, quận hai mươi Paris. Hai đứa nhỏ ngủ chung một phòng trên giường hai tầng, trong phòng lúc nào cũng ngổn ngang thùng giấy đựng quần áo, như sắp sửa chạy giặc. Tôi và Ánh ở phòng ngoài có ghế dài để ban ngày tiếp khách, ban đêm kéo ra làm giường ngủ, ăn cũng ở đó, xem truyền hình cũng ở đó, hội hè cũng ở đó. Không có hệ thống sưởi, chúng tôi mua một lò sưởi điện xài đỡ. Hôm nào lạnh quá, cha con ngồi co ro bên lò điện tìm hơi ấm. Suốt mùa đông Ánh đi làm việc, hai đứa nhỏ đi học, tôi nằm nhà trùm chăn kín mít cho đỡ lạnh, chỉ chừa một lỗ đủ để thở. Hôm nào có họp chợ lộ thiên, lúc tan chợ tôi lò dò đi lượm mấy trái cam úng người ta quăng bỏ đem về vạt xén phần hư, nhâm nhi phần còn lại có mùi vị bất định cho đỡ thèm. Có bữa cơn động kinh bất chợt kéo về bứt cắn cân não, tôi chỏng lưng giựt tóc la hét một mình trong căn buồng mông quạnh, đầu vùi dưới gối cho không ai nghe thấu. Thất nghiệp, không tiền, không biết đi đâu, không có bận rộn gì khác ngoài viết đơn xin việc. Cố gắng ngủ, không được, mặt như phù thủng, vàng vọt, tóc trĩnh ướt. Khi nghe tiếng chân Ánh về trên cầu thang, tôi cố gắng ngồi dậy cho nàng đỡ âu lo. Nàng về tôi mừng lắm, cũng thấy bớt sợ trong cảnh cô đơn.

Hết đông tới xuân, hết xuân tới hè, vẫn thất nghiệp dài dài. Ðứa con trai nhỏ theo trường đi cắm trại miền biển, còn lại tôi và đứa con gái, cha con mỗi ngày ngồi ngó nhau chờ má về. Nó học ở trường biết thổi sáo chút đỉnh, mấy bản ru em. Tôi mượn được cây lục huyền cầm, gảy lăng tăng. Mùa hè hai cha con tính xuống métro song tấu kiếm chút cháo của hành khách xui ngược. Nhưng sợ má bắt gặp bất tử nên thôi. Tôi nghĩ nếu một mai tôi chết, khi viết hồi ký, con gái tôi chắc sẽ bắt đầu như sau : « Ba tôi là một người hết sức buồn rầu… ». Thấy tôi lừ đừ cả ngày, nó tự động lấy giấy bìa nặn hình cái chén rồi vẽ bông hoa lên đó tiêu khiển. Tôi cũng xé hình màu ở các tạp chí dán lăng nhăng thành những cảnh trí khác để giải khuây. Chán tôi mua rượu về uống. Say chán tôi tỉnh dậy ngán ngẩm còn bao nhiêu rượu đem vào cầu tiêu đổ bỏ rồi giựt nước cho trôi đi. Mùa hè các xí nghiệp đóng cửa hay chỉ hoạt động tà tà, không ai thâu dụng người. Lại chờ nữa.

Có hôm đứng ngó mình trong kiếng tôi ngỡ thấy một thằng điên. Tóc tai rũ rượi, mắt nổi gân đỏ, da mặt vàng ẻo. Tôi chợt hối hận ăn năn vô cùng. Ðâu dễ gì tôi xuất hiện trên trái đất này dưới lốt một con người. Phải bao nhiêu vạn kiếp, bao nhiêu cơ duyên. Sao tôi không nhiệt thành sống cuộc sống đó. Người ta sinh ra đâu phải để hạnh phúc hay để đau khổ. Người ta sinh ra để sống, và sống hàm chứa hạnh phúc lẫn đau khổ. Phải chấp nhận. Nên chấp nhận. Cũng không có cách nào khác. Tự tử để chứng minh mình có tự do thì tự do đó quả thật khốn nạn, hẩm hiu và kiêu căng xuẩn ngốc. Nhiều lần cầm mười viên thuốc ngủ trong lòng bàn tay, tôi do dự. Kiếp người, hành trình từ sống tới chết chỉ một chiều. Không thể đi từ chết trở lại sống. Ðó là lý do duy nhất khiến tôi bỏ các viên thuốc ngủ trở lại ống. Sống không hân hoan là một tật nguyền do chính mình tạo lấy, hoàn cảnh bên ngoài chỉ là một cái cớ. Nếu biết sống vẫn luôn luôn có một chút mặt trời đâu đó… »

Trước cổng bệnh viện là thành phố Villejuif. Thành phố này, đối với tôi, gồm hai khối nhà cửa xúm xít. Khối bên trái gồm nhiều cửa tiệm buôn bán, một hiệu cà phê, nhiều tiệm ăn, quán nước, tiệm giặt ủi, trường học và đặc biệt là một tiệm sách tôi thường ghé vào coi cọp tạp chí lăng nhăng. Khối bên phải gồm chợ nhà lồng có nhiều sạp bày bán quần áo, hàng xén, bánh trái, bông hoa vệ đường… trong những ngày họp chợ, một siêu thị và một quán nước trang bị các máy tiêu khiển, banh điện, banh bàn… bọn trẻ thường tụ họp ở đó. Ngày nào tôi cũng đi lòng vòng quanh hai khối nhà cửa đó, thét rồi thuộc lòng hết vị trí. Cũng chẳng biết đi đâu hơn. Ðối với tôi, thành phố chỉ có vậy. Xa hơn, nhà cửa thưa thớt, cũ kỹ, đi vô đó sợ lạc.

Trời bước vào mùa xuân với những ngày nắng càng lúc càng tươi tốt, rạng rỡ. Tôi đánh một vòng qua khỏi hiệu cà phê đến tiệm sách. Tôi giật mình vì từ xa đã thấy nàng đứng đó, trước cửa tiệm sách, trong nắng vàng, tóc lùa gió xuân bay phất phới, hình ảnh thật tươi mát, hạnh phúc. Nàng mặc quần jeans bó sát, áo sơ mi màu hồng nhạt như chim hạc xòe cánh hồng, tay cầm ví nhỏ, trông như một cô gái đang chờ tình nhân, mắt nàng chóa nắng nheo nheo. Nàng có vẻ không để ý gì đến quang cảnh chung quanh. Nàng có đó nhưng cũng đồng thời không có đó. Tôi đến gần, nàng không hay biết. Tôi gọi nhỏ:

- Evelyne!

Nàng giật mình nhìn tôi bối rối, tay chân lúng túng như muốn che giấu điều gì. Tôi có cảm tưởng đã bắt gặp quả tang nàng đang… đứng phơi nắng. Tôi cố gắng mỉm cười cho nàng yên tâm. Tôi ngó trời nói bâng quơ:

- Bữa nay trời đẹp thiệt ! Cô đi mua sách hả?

Nàng ấp úng:

- Không… không…

- Cô đang chờ một người bạn chăng

Nàng lắp bắp:

- Không… Tôi không chờ ai hết. Cũng chẳng có ai chờ tôi.

Nàng bối rối khiến tôi cũng bối rối. Tôi đề nghị:

- Hay là… chúng mình cùng vào đây xem sách coi có gì thú vị chăng.

Nàng ngần ngừ, tôi đẩy cửa tiệm sách, nàng liếc nhanh tôi rồi bước vào. Chúng tôi đứng trước sạp chưng bày các tạp chí và sách hình, dở xem lăng nhăng hết tập này đến tập khác. Tôi hỏi nàng muốn mua gì không, nàng lắc đầu. Sau đó tôi chọn cho nàng một cuốn Mickey mới xuất bản, bảo nàng giữ lấy xem trước, khi xong tôi sẽ xem sau. Rời tiệm sách, tôi đề nghị nàng đi tới một khoảng vườn nhỏ trồng bông gần đó ngồi phơi nắng chơi, hôm nay trời quá đẹp. Trong vườn bông tulipes màu vàng, màu đỏ, màu vàng sọc đỏ nở rực rỡ, hồn nhiên. Con chim sẻ mới biết bay vỗ cánh cất mình la đà tại chỗ rồi rớt xuống, rất ngộ nghĩnh. Nàng nhìn thú vị, như đứa nhỏ đang khám phá đời sống. Tôi ngắt một cọng cỏ vò nát trên đầu ngón tay rồi đưa cho nàng ngửi. Mũi nàng hỉnh hỉnh, có vẻ chăm chú. Tôi kể sơ lược lý do đã khiến tôi vào bệnh viện. Cái tên Việt Nam đối với nàng như một địa danh đến từ một hành tinh xa lạ. Nàng hoàn toàn không biết những gì đã xảy ra ở đó trong mấy chục năm qua. Càng may cho nàng. Biết chi vô ích. Nếu thế giới cũng quên được Việt Nam như nàng thì dân Việt sẽ đỡ khổ biết mấy!

Khi nói về nàng, Evelyne lại tỏ ra lúng túng, hốt hoảng. Nàng nói nàng rối trí vì lý do gia đình. Tôi hỏi:

- Chồng cô đâu sao không thấy tới thăm.

- Không, tôi còn độc thân.

- Ủa, chớ còn chuyện rắc rối gia đình...

- Gia đình đây là gia đình ba má, tôi sống với ba má và người chị sanh đôi duy nhứt là Isabelle. Cách đây hai năm, lúc tôi được mười tám tuổi gia đình bắt đầu xào xáo. Má tôi ghen…

Nàng ngập ngừng. Tôi yên lặng. Nàng tiếp:

- Má tôi ghen với chị tôi. Lúc đầu bà nghi ngờ, rồi sau đó bà quả quyết là ba tôi đã ngủ với chị tôi. Ba tôi chửi má tôi, nói là bà ghen riết hóa điên, từ ngày lấy nhau bà đã luôn luôn hành hạ ông vì cái chứng ghen quá trớn của bà. Ngày nào cũng cãi vã rồi đi tới xô xát.

Mắt nàng mở lớn, sợ sệt. Tôi hỏi:

- Sao hai chị em không ra ở riêng?

- Chúng tôi không có phương tiện. Hơn nữa ba tôi cũng không muốn. Một hôm trong phòng khách ba người lại cãi nhau. Má tôi buông lời tục tằn, ba tôi giận dữ đánh bà bạt tai, bà ré khóc la hét. Isabelle cũng khóc. Tôi trong buồng bước ra cầm lưỡi dao cạo trên tay dọa sẽ cắt gân máu nếu mọi người tiếp tục. Không ai nghe tôi. Tôi cứa dao cạo lên cổ tay, máu vọt ra lênh láng và ngã xỉu…

Mặt nàng nhợt nhạt. Tôi hoảng hốt nắm vai nàng lay tỉnh. Tôi gọi nàng:

- Evelyne! Hết rồi! Chuyện đó hết rồi! Chúng ta đang ngồi trong vườn. Nhớ đi! Nhớ đi! Chúng ta đang ngồi trong vườn hoa.

Tôi hối hận vì vô tình đã đánh thức hoài niệm thương động của người con gái xõa tóc. Tôi nắm tay nàng vỗ về, tay nàng lạnh ngắt. Nàng bình tâm lại. Nàng mở nút tay áo đưa tôi xem, cố tay trái nàng còn ba dấu cắt, một dấu dài ở giữa, hai dấu ngắn hai bên. Tôi bồi hồi thương xót, tôi vuốt ve vết cắt, cài tay áo nàng lại và bảo nàng hãy về buồng ngủ nghỉ ngơi. Nàng đứng dậy, quyển Mickey rơi xuống đất. Tôi cúi xuống nhặt và ngắt cho nàng một hoa tulipe đỏ. Ðể tạ lỗi. Sau lưng chúng tôi, chim trong vườn vẫn kêu ríu rít. Buổi cơm tối không có mặt nàng.


Paul Brousse, tối…

« …Tôi vẫn còn ân hận và áy náy cho Evelyne. Tôi đoán lờ mờ câu chuyện của nàng còn nhiều uẩn khúc. Mà phanh phui nhắc nhở để làm gì? Trí nhớ khốn kiếp! Người ta cần có trí nhớ để tiếp tục, nhưng cần phải lãng quên để sống. Trí nhớ, không biết đó là diễm phúc hay là nỗi bất hạnh của vạn vật, của con người. Sự tiến hóa đã sáng chế ra trí nhớ, chôn kín trong tế bào, không thể rứt ra được nữa. Có lần tôi đã viết cho một người đàn bà ở Bình Dương: « Vùi chôn trí nhớ đầu ghềnh, hồn nhiên hạnh phúc lênh đênh cũng gần », không biết nàng có cảm nhận điều tôi muốn nói?

Vì không quên được nên tôi chưa thích ứng được với cuộc sống nơi đây. Dù giận quê hương, Việt Nam vẫn còn đeo cứng trong tâm tưởng. Gỡ ra bật máu, đau nhức như vết thương chưa lành. Ở đây, tôi phải thay đổi đời sống, làm những công việc khác, chấp nhận những luật lệ khác, chia sẻ sự khủng hoảng kinh tế của Pháp – và của thế giới – như mọi người. Sau thời gian thất nghiệp, tôi sẵn sàng làm bất cứ công việc gì, hay ít ra tôi tưởng vậy. Tôi tính đi bưng cơm và rửa chén ở tiệm ăn, nhưng Ánh cản tôi, vì nàng biết tính ý tôi. Tôi nhận đứng bán hàng trong một tiệm điện tử. Từ nhỏ tới lớn tôi nào biết buôn bán là gì. Tôi vốn ghét thương lượng, mặc cả, kiếm lời. Trưa nào tôi cũng xuống hầm gặm khúc bánh mì cạnh cầu tiêu. Một tháng sau tôi đổi việc làm.

Tôi nhận làm thư ký cho tiệm chạp phô của một người đồng hương. Công việc ghi chép sổ sách kế toán, ngân hàng, kiểm điểm thanh toán hoá đơn và các công việc lắt nhắt tạp nhạp khác, kể cả ôm mấy bó củ hành, vịt quay, lạp xưởng ra ngoài nhà bưu điện làm thủ tục để gửi đi. Tôi có triệu chứng sa sút trầm trọng, ban đêm trao tráo, ban ngày ngủ gật, lờ đờ. Ngồi trong cầu tiêu tôi mê thiếp. Tôi làm việc với tâm trạng thất nghiệp, làm chưa đúng nghề của mình. Tôi bám níu nghề cũ, như thể tôi sinh ra để chỉ làm nghề đó, tâm trí vọng chấp. Mỗi tối, khi về Ánh thường gãi đầu tôi trong đêm khuya để dỗ tôi ngủ. Nàng thường ứa nước mắt chép miệng « tụi mình đâu có làm gì ác! » Mỗi sáng tôi sợ hãi nhỏm dậy sau một đêm chập chờn (như mấy trăm đêm đã qua), xỏ quần áo xốc xếch, xuống bếp pha ly cà phê lớn. Tôi lò dò bước xuống đường khi Ánh còn mệt ngủ vì làm đêm, về muộn.

Tiệp chạp phô nằm ở khu Maubert. Khi tới gần tiệm, tôi sợ hãi, bước chậm lại muốn thối lui. Ngày nào cũng mùi nước mắm, xì dầu, hành hẹ, rau cỏ úng, ba khía, chả giò, cà ri, vân vân…Tôi đầy cứng cả phổi. Sách nào cũng anh chàng chà-và giữ quán đốt nhang Ấn Ðộ, vặn nhạc Ấn Ðộ, hát theo tiếng Ấn Ðộ, ngoáy ngoáy cái bụng kiểu Ấn Ðộ, quần áo ít khi thay đổi, hôi rình. Bước vào quán đã dội ngược. Rồi tiếng tru tréo của bà chủ, tiếng xỉa xói của đám con bà chủ, tiếng nạt nộ hách xược của ông chủ. Ngồi trong văn phòng (!) nhỏ xíu trong kẹt quán, tôi thường trải qua những giây phút kinh hoàng đột khởi trong tâm lý. Tôi sẽ trở thành lão thư ký già cạo giấy chết dần chết mòn giữa mùi cà ri sực nức này? Không thấy lối thoát. Những lúc đó tôi thường nhìn bức tranh Quan Âm lộng kíếng treo trước mặt, tôi nhớ tới má tôi thường dắt tôi đi chùa hồi nhỏ, và tôi niệm Phật. Không phải vì tin tưởng, mà giống người sắp chết đuối níu phao, phao gì cũng được. Tôi thấy cắn rứt vì mình không tin tưởng Trời Phật một cách thành thực, bất vụ lợi. Tôi kêu gọi Trời Phật khi bị hiểm nguy, mong mỏi điều đó có thể lợi ích cho tôi. Nếu không có lợi cho tôi gì hết, khó có thể tôi tin lâu dài được. Nếu Chúa Trời không có thiên đàng, có lẽ tín đồ sẽ chỉ còn lại loe ngoe mấy mống. Hơn nữa, nghe đâu ở cõi Cực lạc không có người nữ nên tôi chẳng tha thiết gì cho lắm. Vả lại, tôi rất sợ « vĩnh viễn », bất cứ gì vĩnh viễn. Vui sướng vĩnh viễn! Hoan lạc vĩnh viễn (như thượng mã phong?) Hạnh phúc vĩnh viễn! Nghe qua phát ớn. Vĩnh viễn là một cái chết tuyệt đối. Mà sự hoàn hảo cũng là một thứ vĩnh viễn, một tình trạng bất khả đổi thay. Nếu Thượng đế hoàn hảo thì thật đáng tội nghiệp. Ông ta đã chết cứng khi mới xuất hiện, chết tuyệt đối, chết ngay tại chỗ, không thể tiến lên, không thể tụt xuống.

Tiệm chạp phô cách nhà thờ Notre Dame độ hơn trăm thước. Chỉ cần băng qua cây cầu đá bắt ngang sông Seine là tới. Tiệm không có lò sưởi nên mùa đông buổi trưa nào tôi cũng ôm khúc bánh mì chui vào nhà thờ tìm hơi ấm để ngủ gật. Trong nhà thờ có những vỉ sắt, hơi nóng từ bên dưới hắt lên. Ngồi đó đỡ khổ lắm. Những lúc ấy tôi thấy nhà thờ thật cần thiết. Tôi nằm co trên ghế, không buồn ăn. Có khi người trong nhà thờ gọi tôi ngồi dậy, không cho nằm, sợ làm mất vẻ tôn nghiêm của thánh đường. Có lúc vào tới thì đã thấy hai ba anh chàng clochards chiếm mất chỗ tốt, tôi đành ngồi lùi phía sau không đủ ấm. Mùa đông năm đó sao lạnh kỳ lạ! Thỉnh thoảng tôi thắp một ngọn nến cắm trên giàn sắt dưới chân Thánh Thérèse. Sau ngày vừa mất Sài Gòn, tôi theo một cô bạn vào nhà thờ Notre Dame, cô bảo tôi Thánh Thérèse linh hiển lắm, tôi nên cầu nguyện cho vợ con còn kẹt bên đó. Tôi thắp nến nguyện cầu. Ðộ tuần sau, Ánh từ bên đảo Guam điện thoại sang cho biết đã trốn đi được hết sức tình cờ tại Tân Cảng với hai con, ngày 29 tháng tư – ngày hôm sau Sài Gòn mất, năm 75. Khi nghe sự tích Thánh Thérèse, được biết Bà vốn là một kiều nữ bỏ đi tu, tôi cành thấy gần gũi với Bà hơn, có lẽ vì Bà có mang nhiều chất người trong lốt Thánh.

Cảnh tượng ngủ gật trong nhà thờ còn ràng ràng trong trí. Ngày nào ra khỏi bệnh viện, nơi này, tôi sẽ lại sa chân vào cái tiệm chạp phô, ngửi lại mùi cà ri và nghe lại nhạc Ấn Ðộ, chắc chẳng sớm thì chầy tôi sẽ trở lại đây và sẽ lại đi vòng vòng trong khu phố Villejuif. Có cách nào khác hơn không?…)

Sáng hôm nay Evelyne trở lại phòng ăn với chiếc áo trắng hôm đầu tôi thoáng thấy nàng ngoài hành lang. Nàng có vẻ tỉnh táo, nhưng vẫn xa vắng. Tôi mừng cho nàng nhưng cũng không muốn quấy rầy. Tôi chỉ chào hỏi qua loa, không dám gợi chuyện. Nàng cầm trên tay quyển Mickey, thỉnh thoảng lật xem, mỉm cười (hình như mỉm cười). Trong khi đó quyển Mickey tôi mang theo khi nhập viện giờ đây tôi đọc đã theo dõi được câu chuyện, bắt đầu tập trung được sự chú ý chút đỉnh.

Ăn sáng xong, anh chàng sún răng rủ tôi đi dạo chợ vì hôm nay có họp chợ lộ thiên. Hãy còn sớm, chúng tôi đánh vài vòng. Chuyện vãn, được biết hắn bị vợ bỏ theo người đàn ông khác. Ba tháng sau nàng trở về, hắn tha thứ hết. Nàng dụ dỗ lấy hết tiền của hắn rồi trốn đi biệt tích. Hắn chán đời uống thuốc tự tử. Chở vào nhà thương người ta phải cạy miệng để bơm ruột. Vì vậy hắn bị gãy hết hai răng trên. Hắn nói chắc sẽ không dại dột tự tử hay nghe đàn bà nữa đâu. Khi ghé chợ, chúng tôi dừng lại trước sạp bán sôn quần áo. Tôi chọn mua một quần jeans đã bạc màu, nhưng hãy con tốt, rẻ rề. Hắn lựa mua hai cái quần lót. Khi người bán hàng quay lưng, hắn lén chọt một cái khác nhét vào bọc. Tôi sợ có người bắt gặp tri hô lên và tôi bị vạ lây, hai đứa sẽ bị dắt trở lại nhà thương điên nhốt kỹ, nhốt dài hạn. Vì vậy, rời khỏi sạp, tôi tìm cách thoái thác đi riêng, để hắn tự do hành nghề đạo chích một mình. Tôi đoán chừng hắn bị vợ bỏ chắc cũng có lý do gì đó.

Tôi ghé tiệm cà phê và gọi chai bia. Ðã lâu lắm tôi không uống rượu vì chẳng thấy thú vị. Muốn trốn thực tại, sau cơn say tỉnh dậy các khó khăn vẫn còn nguyên vẹn, và càng thêm ngao ngán, mệt mỏi. Hôm nay uống bia thấy ngon. Ở quầy vài khách quen đi chợ về ghé qua uống rượu đấu hót. Tôi không có cảm giác xa lạ. Mọi vật hình như đã trở lại trật tự và vị trí phải chỗ của nó trong trí tôi.

Xe cộ chạy xì xầm ngoài đường, tự nhiên hết sức. Ánh nắng lọt qua mặt kiếng lớn ở quán, trải lên quầy, tràn lên cánh tay tôi. Trong đường nắng đi, vân vi khói thuốc xanh xám và chút bụi mờ, mỗi hạt bụi là cả một vũ trụ. Tôi chợt cảm nhận khoảnh khắc này sẽ không bao giờ có nữa. Khoảnh khắc nào cũng độc nhứt. Ngày này, tháng này, giờ này, khắc này, tôi đứng đây, ở quầy rượu này sẽ không bao giờ tái diễn. Tôi có cảm tưởng sẽ ra đi và sẽ không bao giờ trở lại trái đất này nữa. Tôi xúc động rớm nước mắt. Tôi chợt cảm thương khoảnh khắc độc nhứt này vô cùng. Nhưng tôi không muốn giữ nó lại. Khoảnh khắc nào cũng như nhau, độc nhứt. Và cũng vì độc nhứt nên khác nhau.

Sau buổi trưa, tôi về phòng ngủ thiu thiu, chợt có tiếng gõ cửa. Evelyne! Nàng nói hôm nay có buổi tập vẽ ở phòng ăn, ai muốn tham dự cũng được. Tôi không có dụng cụ. Nàng bảo trên đó có sẵn hết. Tôi theo nàng lên phòng ăn. Hướng dẫn viên là một người đàn bà có nụ cười hiền hậu đầy thông cảm. Tôi ngồi đối diện với Evelyne. Tôi pha sơn trên mấy khối màu nước như thuở còn đi học. Nhớ hồi nhỏ tôi ưa vẽ hình Zorro, Tarzan và những nhân vật tôi ưa thích. Tôi gạch ô vuông và gò gẫm bắt chước vẽ cho giống trong sách hình. Thiệt thú vị hết sức. Lớn lên tôi chạy theo gái và mất thói quen đó. Giờ này trong nhà thương điên tôi khám phá lại. Tôi không vẽ anh hùng đeo dao giắt súng. Tôi vẽ một cành tre có se sẻ đậu và trên tấm khác, một con chim hạc có đầu mỏ đen, cánh màu hồng và đôi chân dài khẳng khiu.

Evelyne nhúng cọ trong những vũng màu tôi pha và nàng vẽ những ô vuông đầy kín khác màu, ô này nằm chồng tréo lên ô kia, như một bức tranh trừu tượng. Nàng khoe với tôi và hớn hở ra mặt. Tôi khen đẹp lắm, nàng đắc ý hỏi tôi:

- Thiệt hả anh? Thiệt hả? Từ thuở giờ em đâu có biết vẽ hình.

Tôi để ý thấy nàng đã đổi cách xưng hô với tôi. Tôi cầm tranh nàng lên ngắm nghía gật gù ra vẻ người thưởng ngoạn sành điệu. Nàng mừng rỡ như con nít. Tôi cảm động. Làm cho người đàn bà hạnh phúc bao giờ tôi cũng cảm động, như nhìn thấy con chim chạy tíu tít trong nắng. Nàng lại nhúng cọ vẽ những tảng tròn nhiều màu. Nàng nói đó là những bong bóng và mặt trời.

Tôi lại gật gù thưởng thức. Mắt nàng rực vui và lần đầu tiên tôi thấy nàng thực sự có mặt, không còn xa vắng, lãng đãng. Bà hướng dẫn cũng khen nàng và tôi vẽ đẹp. Bà lấy đinh gút treo tranh của chúng tôi lên tấm bảng bằng gỗ mốp trong phòng ăn cho mấy người điên khác trong bệnh viện cùng thưởng thức. Tan buổi vẽ, tôi rủ Evelyne đi dạo. Nàng nói muốn về phòng xem tiếp quyển Mickey. Tôi một mình đánh hai vòng rồi về phòng mình viết nhựt ký.

Ngày… tháng tư…

« Hôm nay là sinh nhựt của tôi. Ngày tôi chào đời cách đây hơn ba mươi năm. Tôi được đẻ ra. Tôi ăn. Tôi uống. Tôi bài tiết. Tôi lớn lên. Thật vậy sao? Tôi. Tôi?

Ðã có lần, trong lúc nổi loạn chống lại Thượng đế tôi những tưởng đã nêu lên được trọng tâm của vấn đề: « Tôi đâu đòi hỏi sinh ra làm người. Tôi đâu chọn lựa làm người Việt Nam. Khi tạo ra tôi, Thượng đế đâu có hỏi ý kiến tôi. » Thiệt cũng khổ tâm cho Thượng đế. Trước khi tạo tôi ra, biết tôi ở đâu mà ông ta hỏi? Tôi thường đặt ra vô số những vấn đề ngụy tạo như vậy. Trong lúc tâm thần bất ổn, thấy cục đá nằm bên lề đường tôi cũng thắc mắc: « Tại sao cục đá nằm đây? Tại sao cục đá phải là cục đá? Tại sao cục đá ù lì, câm nín? Cục đá có tự do lựa chọn? Yếu tính của cục đá này là gì? »


Nhưng đừng tưởng tôi xì- nẹt tại cục đá này nằm đây mà không nằm chỗ khác. Sẽ không có một « chỗ khác » nào thỏa mãn được câu hỏi tôi đặt ra đâu. Thượng đế có mang cục đá này về Thiên đàng chưa chắc tôi đã vừa ý. Ðiểm then chốt tôi muốn đặt ra là ý nghĩa của cục đá. Tôi muốn cái gì cũng phải có ý nghĩa. Ý nghĩa theo cảm quan của tôi, dĩ nhiên. Vì có như vậy tôi mới chấp nhận. Tôi chỉ có thể chấp nhận tôi. Thiệt hết sức logique. Hết sức hợp lý. Tôi đã tìm ra được triết lý của cái lỗ rún. Ngó lỗ rún của mình mà lý luận. Mê lắm. Tôi bắt buộc đời phải có ý nghĩa với cảm quan của tôi. Không có thì tôi đi tìm. Tôi vác gói dấn thân vào con đường siêu hình. Tìm không ra tôi xì-nẹt, tôi nổi giận với Thượng đế và tuyên bố cuộc đời phi lý. Cuộc đời trở thành vô nghĩa vì tôi muốn gán cho nó một ý nghĩa mà vốn nó không có. Cuộc đời không ý nghĩa cũng chẳng vô nghĩa. Cuộc đời vốn nó Như Vậy Ðó. Ý nghĩa chỉ là chữ nói do con người ý niệm và đặt ra. Thoạt tiên, thấy con cá sao cứ lội hoài, còn con chim sao cứ bay hoài, tôi đặt câu hỏi: « Sao cá cứ phải là cá, mà chim sao cứ phải là chim? » Tôi muốn con cá phải có cánh bay như chim. Cá không có cánh, tôi nổi giận. Nhưng rủi thời mọi con cá đều vỗ cánh bay đầy trời như chim chắc chắn tôi sẽ lại nổi giận và đặt một câu hỏi then chốt khác, chẳng hạn: tại sao cá chẳng phải là cá, mà chim chẳng phải là chim? Cuộc sống không phải để sống. Cuộc sống chỉ là một cái cớ cho tôi đặt câu hỏi. Tôi muốn dùng trí thông minh để giải quyết đời sống. Thiệt lẩm cẩm! Một mình nó, trí thông minh không giải quyết được gì hết. Nó tạo ra vấn đề nhiều hơn là giải quyết.

Ngày sinh nhựt! Tôi là thằng nhỏ đã sinh ra trong ngày đó, tháng đó, năm đó, bây giờ trở thành tôi nằm trong bệnh viện? Thằng nhỏ là cái bào thai ba tháng lớn lên trong bụng mẹ? Bào thai là cái trứng của má tôi được khai nở bởi con tinh trùng của ba tôi, một nửa sinh lý của cha, một nửa sinh lý của mẹ. Ðó là tôi, bắt đầu từ sự giao hợp?

Không! Tôi không hề được sinh ra. Tôi (?) đã có sẵn trong vũ trụ từ đời đời kiếp kiếp. Sinh ra, chỉ là một cách nói, một dấu mốc trong thời gian. Thời gian do biến dịch mà có. Không có biến dịch, không thể có thời gian. Không biến dịch không có cách gì biết được thời gian. Không biến dịch, chết tuyệt đối. Không có cái gì sinh ra cái gì được hết. Và cũng chẳng có cái gì chết đi. Chỉ có một dòng biến dịch vô thủy vô chung. Vũ trụ chớp tắt không ngừng như một ánh đèn. Chớp, có đó. Tắt, biến mất. Chớp, có đó. Vũ trụ khoảnh khắc trước không sinh ra vũ trụ khoảnh khắc sau. Vũ trụ bao giờ cũng xuất hiện mới mẻ, từng khoảnh khắc. Khoảnh khắc nào cũng độc nhứt. Ðộc nhứt nào cũng mới mẻ. Vũ trụ, một chuỗi toàn là độc nhứt, toàn là mới mẻ, vô thủy vô chung. Nói độc nhứt, không phải độc nhứt. Nói mới mẻ không phải mới mẻ. Không có hệ thống chuẩn, không thể so sánh. Ai so sánh? So sánh với gì? Ðứng đâu mà so sánh? Làm sao biết? Biết vậy, chắc không? Khi sai đúng đã mất hết ý nghĩa, chỉ còn im lặng mà cảm thức. Không phải ta cảm thức.

Tôi ngày hôm nay không phải là tôi ngày hôm qua trở thành. Tôi lúc nào cũng mới trong vũ trụ lúc nào cũng mới. Nói tôi nhưng không phải là tôi. Tôi? Giới hạn của tôi ở chỗ nào. Chỗ nào là tôi, chỗ nào không phải là tôi?

Tôi tiềm tàng trong vũ trụ từ muôn vạn kiếp. Tôi lãng đãng trong bụi sao, trong khí trời, trong hạt muối, trong ngọn cỏ, trong ánh sáng, trong sức nóng, trong con tép, trong vỏ cua, trong thịt chim, trong nanh khủng long, trong tiết mùa, trong tốc độ của trăng sao, trong lăn lóc của trái đất. Không chỗ nào là tôi. Không chỗ nào không phải là tôi.

Rượu nằm trong ly không phải là tôi. Uống rượu vào bụng, rượu trở thành tôi, bài tiết ra ngoài, rượu không phải tôi. Cuống rún nối liền tôi với vũ trụ là đường ống vô hình bắt ráp mũi tôi vào không khí, không khí dính liền với trái đất, trái đất với thái dương hệ, thái dương hệ với ngân hà, ngân hà với vũ trụ. Chỉ cần đường ống tắt nghẽn, một phút, hai phút. Óc não chết ngắt. Sự kiêu hãnh của trí tuệ chấm dứt. Không có ranh giới minh định giữa cái tôi và cái không phải tôi. Tôi mật thiết với vũ trụ như ngón tay với thân thể. Không có sự trao đổi thường xuyên, không có sự giao thoa vô khởi vô tận, sẽ không gì có thể có được. Tất cả đều có cùng lúc, hoặc không có gì có thể có được cả.

Hôm nay là sinh nhựt của tôi. Và cũng không phải là sinh nhựt của tôi… »


Buổi tối hôm đó trời mưa. Lâu lắm tôi mới được nghe trời đất gầm gừ, chớp xẹt và tiếng sét xé trời. Tôi không có nhu cầu cầm viết. Tôi lên phòng coi truyền hình. Máy đen trắng, hình ảnh thường răng cưa, nhún nhẩy, âm thanh tiếng mất tiếng còn. Ít khi tôi hiểu hết chuyện gì xảy ra trên màn ảnh nhỏ. Tôi lên đó, có mặt mọi người cho đỡ buồn. Vô tuồng đâu được nửa giờ tôi chợt nghe có tiếng dép lẹp xẹp bước vào phòng hát và giọng cười the thé khàn đục: nàng đã tới! Nàng là một người đàn bà son phấn lòe loẹt, mặc áo ngủ dài mỏng, để ửng lộ cái xì líp đen và cái xú chen đen bên trong, có khi màu đỏ, có khi không có xú chen, tóc chải cột đuôi phía sau, tai đeo vòng lớn, móng tay móng chân sơn đỏ choét. Nàng ôm trên tay một hộp kẹo thiếc, đi coi hát lần nào cũng vậy, cười nói tự nhiên như ở nhà, nhai kẹo rôm rốp. Tôi cũng được chẩn bần một cục kẹo the, bỏ vào miệng ngậm đỡ đắng.

Tối đó chiếu tuồng cao bồi có Gary Cooper, mọi người say mê theo dõi. Nàng ồn ào quá nên nhiều người « suỵt, suỵt ». Nàng cũng suỵt suỵt lại rồi cười ăng ắc coi như pha. Cái máy cà chớn lại nhẩy hình. Bình thường như vậy, giữ im lặng coi cũng đã khó hiểu rồi. Ðằng này nàng lại đệm theo tiếng nút kẹo lách chách, thỉnh thoảng phụ đề một câu rồi chêm vô một tràng cười. Khán giả bất mãn phản đối. Thể theo nguyện vọng của đồng bào, nàng ra cuối phòng hát ngồi với một cô bạn để tha hồ đấu hót. Tôi chẳng tha thiết gì với cái truyền hình nhẩy cỡn kia nên cũng lò dò theo ngồi bên cạnh nàng tán gẫu chơi, coi bộ vui hơn. Tôi tò mò hỏi nàng :

- Coi mày vui vẻ như vầy mà chui vào nhà thương điên thiệt cũng lạ.

Nàng bĩu môi :

- Tại mày không thấy tao hồi lúc mới vào cách đây hai tháng đó chớ. Lúc đó tao cú rũ như con gà mắc toi. Bây giờ mới đỡ đỡ, chịu diện trở lại, chịu liếc tình với đàn ông.

Nàng lại cười ăng ắc rồi đưa tay bụm miệng. Tôi lại hỏi tiếp:

- Ở ngoài đời mày làm gì?

- Tao làm nghề đứng đường.

Nàng đáp tỉnh bơ, không do dự. Thấy mặt tôi ngớ ngẩn thộn ra, nàng nói:

- Bộ mày tưởng đĩ không biết điên hả?

Máu đàn ông nổi dậy, tôi phản ứng:

- Biết chớ! Hồi đó tao quen một con nhỏ khá xinh cũng làm đĩ. Khuya nào bà chủ cũng kêu dậy đi khách ba bốn lần. Tối nào nó cũng ngủ sật sừ, mơ màng chiêm bao thấy mình bị kéo đầu dậy đi khách, ban đầu nó chỉ ba trợn, thét rồi nó khùng thiệt phải chở vô nhà thương.

Nàng cướp lời:

- Trường hợp tao không phải vậy. Tao bị thằng đĩ đực của tao bỏ rơi. Nó đánh đập tao, lột tiền đi khách của tao chạy theo con đĩ khác. Thiệt chó đẻ! Tao còn thương nó quá nên mới phát điên.

Nàng gãi đùi, móng tay dài kêu sột soạt, lách cách. Thấy tôi không có ý kiến, nàng la:

- Bộ mày tưởng đĩ không biết yêu hả?

Tôi chống chế:

- Tao đâu có nói vậy. Tao cũng đã có yêu đĩ nên biết sơ sơ…

- Ðàn ông tụi bây xạo lắm. Chỉ có đàn bà mới biết yêu, đàn ông tụi bây đâu biết yêu, tụi bây chỉ khoái chơi đàn bà, chơi cho đã. Không phải vậy sao?

Khi không bị bà xẹt bất tử, tôi lúng túng. Biết mình không thể cãi lý với nàng được nên tôi cười cầu tài rồi xin nàng cục kẹo khác. Nàng cũng phá lên cười. Tôi để yên cho nàng đấu hót với cô bạn bên cạnh, trong bụng thấy vui vui. Phim kết thúc, thằng ăn cướp mặt rằn bị bắn chết. Ngoài đời, thằng đĩ đực của nàng giờ này chắc vẫn còn sống nhăn.

Dù sao với em bé đứng đường này, khán giả còn có thể theo dõi diễn tiến trên màn ảnh được, chứ nếu để ông già nói xàm lọt vào phòng hát là vô phương. Ông ta sẽ chiếm đài phát thanh độc diễn cho tới lúc khán giả ra về hết và hai nam y tá tới xốc nách dẫn độ đương sự ra về tận phòng khóa lại, còn nghe tiếng phân trần chói lọi vọng ra. Tôi không biết ông ta có bao giờ ngủ, và khi ngủ có còn nói làm xàm? Cái máy hát có thể hết pin, còn ông này coi bộ không thể nào hết điện được, và cái nút tắt ai đã tháo gỡ đâu mất.

Một bữa trưa đi ngoài hành lang, tôi chợt nghe có tiếng kêu giựt ngược:

- Mông-xừ Lê! Mông-xừ Lê!

Tôi ngần ngừ vì nhận ra tiếng gọi của đài phát thanh. Tiếng gọi càng khẩn thiết:

- Mông-xừ Lê! Xin ông hãy giúp tôi! Xin ông vui lòng ghé lại.

Tôi không nỡ lòng đi thẳng nên quay lại bước vào phòng phát thanh. Ông ta ngồi trên ghế, mặt nhăn nhúm coi bộ mệt mỏi, nhưng tiếng nói vẫn sang sảng:

- Tôi đứng không nổi, xin ông vui lòng mở tủ lấy hộ tôi cái áo.

Tôi mở tủ, tủ trống trơn chẳng thấy áo đâu. Ông nói:

- Ông xách cái túi trong tủ ra, tôi chỉ cho.

Tôi lôi cái túi du lịch Air France lớn màu xanh đặt lên bàn. Ông bảo tôi mở khóa kéo lôi ra từng món. Tôi làm theo. Mỗi món được lôi ra, ông kể tôi nghe lý lịch của nó, mua hồi nào, ở đâu, tại sao mua, mặc cả với người bán hàng ra sao, cửa hàng có cái gì đặc biệt, vân vân. Hết cái cạo râu đến bàn chải áo đến cái quần, hết cái quần đến cái dây nịt, nghe một hồi tôi choáng váng muốn xỉu. Hết dây nịt đến cái áo xanh, tôi mừng quá tưởng đã hoàn tất nhiệm vụ, nhưng ông bảo không phải, ông muốn cái áo kẻ ô. Tôi sốt ruột trút hết túi đồ lên giường, bới tìm. Không thấy cái áo kẻ ô nào hết. Tôi bực dọc:

- Không có cái áo kẻ ô trong nầy.

Ông nói hết sức tự nhiên:

- Vậy hả? Chắc vợ tôi đem về giặt rồi. Vậy xin ông vui lòng xếp đồ lại vào túi hộ tôi, tôi chỉ cho ông xếp.

Chương trình phát thanh tiếp tục ngon lành. Tôi cáu sườn nhét đại đồ vào túi, bỏ vô tủ đóng lại. Tôi dợm bước ra, ông níu cánh tay tôi cứng ngắc, đôi mắt nài nỉ. Tôi sắp xiêu lòng. Nhưng tôi lấy can đảm gỡ bàn tay ông và bước nhanh ra cửa, còn nghe tiếng gọi giựt ngược sau lưng:

- Mông-xừ Lê! Mông-xừ Lê! Xin ông vui lòng…

Tôi bỏ chạy xuống cầu thang. Ði khỏi tiệm cà phê, vòng ra tiệm sách. Hy vọng bắt gặp con chim hồng đứng xòe cánh phơi nắng. Không gặp ai, tôi bước vào tiệm sách, cũng không gặp ai. Tôi giở một tờ tạp chí, làm bộ lật ngó rồi xếp lại đặt trả lên kệ, bước ra khỏi tiệm. Trời nắng nóng, xanh biếc. Tôi bỏ ý định đánh vòng. Tôi đi dọc theo con đường dẫn vào khu nhà cửa lưa thưa mà tôi vẫn sợ vào đó đi lạc. Xe cộ thỉnh thoảng vụt qua, tiếng máy mô tô rú ga xé màng nhĩ. Tôi lững thững vô chủ đích. Bỗng từ xa tôi ngỡ thấy mái tóc dài xõa trên lưng tựa băng gỗ vệ đường. Không lẽ nàng? Tôi đi sát ven tường để không bị khám phá. Tới gần. Ðúng là Evelyne, không còn ngờ gì nữa.

Nàng mặc áo sơ mi trắng tinh tay dài có kết ren ở cổ tay, quần jeans, giầy trắng hở đế thấp, vai đeo túi nhỏ màu thuốc lá buộc dây thòng đến trước bụng. Mỗi lần xe vụt qua, gió cuốn tóc nàng phất phơ. Nàng có vẻ không quan ngại đến bụi bặm hay mùi xăng nhớt. Chuyến buýt xịch đỗ, hành khách xuống xe. Nàng vẫn ngồi bất động. Xe rời trạm. Nàng không chờ xe đi Paris. Nàng đợi ai chăng? Lần nào bắt gặp nàng tôi cũng có cảm tưởng nàng đang đón đợi tình nhân. Tôi đến đứng sau băng gỗ vỗ nhẹ lên vai nàng. Evelyne giật bắn người. Ngó lại thấy tôi, nàng bớt sợ mỉm cười. Nàng hỏi:

- Kìa anh? Ði đâu đó? Anh làm em hết hồn!

Cách xưng hô của nàng khiến tôi bạo dạn:

- Anh xuống tiệm sách không thấy em, nên đi lang thang, tình cờ tới đây.

Nàng đứng dậy phủi đít, gậm nhấm đầu móng tay. Xe vụt qua, tóc xòa lên mặt. Tay vén hất. Tóc điên gọi nắng. Cây trồng ven đường bị mé nhánh lúc tàn đông bây giờ nhú lá non, xanh như ngọc. Như tóc mai nhung mượt trên hai màng tang thả xuống nhu mì.

Cử chỉ cố hữu, tôi ngó trời:

- Bữa nay trời nóng, tưởng như mùa hè.

Nàng gật đầu, mắt liếc. Tôi ngó thấy tiệm tạp hóa, trước tủ có bày tủ cà rem trên vỉa hè.

- Evelyne khát nước không? Tới đây anh mua cà rem ăn cho đỡ khát.

Nàng hớn hở, mắt sáng trưng. Nàng lựa cà rem mùi dâu, tôi mùi chanh. Hai đứa liếm láp như con nít, cười ngỏn ngoẻn. Tôi hỏi:

- Em biết khu phố trước mặt không?

- Em không biết.

- Vậy mình thử tới chơi cho biết.

Hai đứa nói chuyện vu vơ, bắt sang xi-nê:

- Em có thích coi xi-nê không?

Nàng đáp vội vàng:

- Thích chớ! Em thích lắm. Mà lâu rồi em không được coi xi-nê. Không có ai dắt em đi hết.

Mặt nàng thoáng buồn, tiu nghỉu. Tôi an ủi:

- Nếu em thích thì hôm nào thuận tiện, mình trốn ra Paris coi xi-nê, anh sẽ dắt em…

- Thiệt hả? Anh nói thiệt hả?

Mắt nàng lóng lánh. Tôi gật đầu:

- Thiệt chớ! Anh nói thiệt mà. Anh xin hứa với em.

Bàn về sở thích, nàng nói thích phim « Le Magicien d’Oz » và « Peau d’Âne ». Tôi hỏi nàng đã coi « Les Dimanches de Ville d’Avray » chưa, nàng nói chưa. Tôi nói phim thú vị lắm, chuyện kể một anh chàng đánh giặc về hơi khật khùng thường đến đón một cô gái nhỏ bị bỏ rơi ở trường học ngày cuối tuần. Cô gái tên Cybelle (si belle?). Một đêm lễ, anh khật khùng leo lên đỉnh tháp chuông gỡ con gà bằng đồng trên đó về cho cô gái để làm quà tặng. Người trong làng nghi ngờ anh ta bắt cóc cô gái và có tà ý. Anh ta bị bắn từ trên tháp chuông rớt xuống đất, chết tốt, không kịp trối trăn. Evelyne nói, miệng nàng thoang thoảng mùi dâu:

- Phim gì buồn quá, em không chịu coi đâu. Anh dắt cho em coi phim « Thằng Người Gỗ Pinocchio » vậy mà hay hơn. Em chưa coi. Anh hứa nghe.

- Ừ, anh xin hứa.

Hai đứa đi vào khu phố thưa thớt. Nhà cửa đen xì, đường sá hẹp té, không có bờ lề. Mỗi lần có xe tới, hai đứa nép sát vách tường, còn sợ bị xe chẹt. May mắn có một tiệm cà phê ở góc đường. Tôi và nàng chui vào tiệm, ngồi ở góc vắng. Tiệm cũng trống vắng, chẳng có ai, ngoài hai đứa điên. Evelyne nói còn khát nước. Tôi gọi cho nàng ly bạc hà pha nước lọc, tôi thích màu xanh lục của bạc hà, nó gợi tôi nhớ tuổi ấu thơ, không biết hồi nào, lúc nào. Tô hủ tiếu, ly bạc hà, và Tết và nắng trên những bức tường vôi cao, tôi chẳng đòi hỏi gì hơn. Tôi gọi cho mình ly bia. Tôi nghĩ thầm mùi bạc hà sẽ làm phai nhạt mùi dâu trên môi nàng.

Evelyne bỗng lên tiếng, mặt thoáng tái:

- Em sợ!

Tôi nắm tay nàng ve vuốt:

- Em sợ gì? Ðâu có gì đáng sợ. Ðã có anh đây…

Tôi buông ra câu đó như một người hùng. Thật tình tôi cũng chẳng biết làm cách nào để bảo vệ nàng. Nàng sợ gì tôi cũng không biết. Nàng nói:

- Em sợ trở về nhà, nhà của em, ba em, má em…

Tôi an ủi nàng:

- Em chớ quá sợ hãi, mọi chuyện rồi sẽ nguôi ngoai. Nhưng thiệt tình anh nghĩ tốt hơn hết là em nên bàn lại với ba em, để em và Isabelle ra ở riêng.

Mặt Evelyne nhợt nhạt:

- Isabelle chết rồi!

Tôi bắn người như bị điện giật:

- Sao? Em nói sao? Isabelle chết hồi nào? Mới chết đây hả?

Giọng nàng xa vắng:

- Isabelle chết hồi bảy tuổi… Hôm trước em có cho anh biết rồi mà…

Trong đầu óc khật khùng của hai đứa, tôi không biết nàng lẫn lộn hay tôi lú lẫn. Tôi chỉ ờ ờ chiếu lệ, không dám vặn hỏi sợ đánh thức hoài niệm thương động còn mê ngủ chập chờn dưới mái tóc sợi nhỏ yêu kiều. Nàng cúi đầu, tóc xòa trên bàn tay tôi đang nắm tay nàng.

Khi Evelyne ngửng đầu lên, mắt nàng có ngấn lệ. Tôi bối rối yên lặng. Nàng nói tiếp:

- Bữa đó ba em chở Isabelle đi chơi, hồi đó tụi em ở nhà quê. Ðường vắng, tới ngã tư bất thần có xe lớn phóng ra đâm vào xe ba em. Chị em chết ngay tại chỗ. Ba em thương Isabelle lắm. Ba em muốn phát điên sau tai nạn.

Nàng quẹt nước mắt. Tôi siết tay nàng, xúc động:

- Kể từ đó ba em gọi em là Isabelle, còn má em thì tiếp tục gọi em là Evelyne, nhiều lúc em không biết em là Isabelle hay Evelyne nữa. Má em thường nhắc tới tai nạn và trách móc ba em. Má em sức khỏe yếu kém. Người gầy đét và đau yếu luôn.

Nàng đặt luôn bàn tay kia lên tay tôi níu siết như một bùa chú, một phao nổi:

- Từ lâu ba má em ngủ riêng. Má em lại hay ghen tương.

Tôi buột miệng:

- Má em ghen với…

Tôi ngưng lại kịp. Tôi mân mê lọn tóc xõa. Tôi cầm ly bạc hà đưa cho nàng.

- Em uống đi, ngoan đi rồi mai mốt anh dắt đi coi xi-nê.

Mặt nàng bừng sáng trở lại:

- Thiệt hả anh? Anh hứa thiệt hả anh? Ði coi « Thằng Người Gỗ » nghe anh. Phim đó hay lắm.

Evelyne, anh xin hứa. Nếu phải leo lên chóp nhà thờ gỡ cho em con gà bằng đồng đúc cho em vui anh cũng xin tự nguyện. Mỗi người chúng ta đều đáng được chia xẻ nụ cười. Nhứt là em. Nụ cười trong lành thơm mùi dâu chín sau làn tóc tơ giăng.

Trời trưa xế. Tôi dắt nàng trở về bệnh viện. Hai đứa đi ngược lại con đường hồi nãy, không có bờ lề, người sát vào tường như kẻ trộm, tay nắm tay sợ lạc. Tới ngã quẹo ra đường lớn, hai đứa dừng lại ngó nhau, hai tay tôi nắm hai bàn tay nàng. Chợt tôi thèm muốn hôn nàng, tôi thèm hết sức. Hai đứa ngó nhau, trời nắng đã muộn, không dám làm gì hết, Evelyne, Isabelle, tôi cố gắng nhìn rõ, chợt nhớ lần hẹn đầu với người yêu đầu ở bờ sông chùa Vĩnh Tràng, nàng đó… không dám làm gì hết.

Tôi bước vào phòng mình. Người đàn bà nằm trên giường, mặt úp, tóc xõa, chăn đắp lên tới cổ. Hơi thở đều như tiếng động xa xa quen thuộc ban đêm. Tôi ngồi ở ghế bành ngó ra cửa sổ có miếng nhựa ngăn chận, chờ đợi. Nàng mệt ngủ. Phải để nàng ngủ. Tay chân cựa giật trong cơn mê, tội nghiệp. Tình yêu bền bỉ.

Khi giật mình thức dậy, Ánh ngạc nhiên hỏi anh về hồi nào. Em ở tiệm anh Thận ra mua mấy trái cam tới cho anh, chờ anh không được, em lên giường nằm, mệt quá ngủ quên. Sao, hôm nay anh thấy khỏe không? Ờ, cũng khỏe, không có gì đáng lo. Anh còn ở trong này thì em còn lo. Em cứ lo anh hoài, anh đâu còn là con nít nữa. Ðáng lẽ anh lo cho em mới phải. Tôi mở tủ lấy cái quần jeans mua sôn hôm trước khoe với Ánh, như trúng mối ngon. Nàng dở ra ngắm nghía, thử khóa kéo, kêu lên, trời đất! Quần này là quần đàn bà, anh mua cho ai vậy. Tôi sượng trân. Tôi không biết nói dóc. Ánh xoa đầu tôi, mỉm cười thông cảm. Nàng gọt cam cho tôi ăn rồi kể chuyện hai đứa nhỏ ở nhà và tin tức Việt Nam qua thư gia đình vừa nhận được. Sau khi bàn cãi, nàng lấy giấy trắng ra cho tôi viết đơn xin bảo lãnh Lộc anh tôi đi học tập đã bốn năm rồi chưa được thả, luôn cả vợ và ba con của anh. Một đơn khác cho gia đình của một người anh khác nữa. Nực cười. Tự thân mình, tôi bảo lãnh còn chưa xong. Tôi biên lên bìa của hồ sơ đó ba chữ: « Hồng Ngượt Hải », tên của một hảo hán đã gồng mình đỡ tấm bửng đá cho anh hùng, những Võ Văn Thành Ðô, Lý Ngươn Bá, Ðơn Hùng Tín, La Thành… đang bị sụp bẫy bít kín thoát chạy ra khỏi hang động. Ðến khi đuối sức, Hồng Ngượt Hải bị bửng đá đè lún từ từ, rồi chôn luôn xuống đất. Chết ngay tại chỗ.

Từ hai tuần nay, mỗi sáng sau khi uống cà phê xong, tôi và gã sún răng xuống phòng tập thể dục. Làm những động tác căn bản của cơ thể, thở hít, đưa tay, dở chân, ưỡn ngực, ngồi xếp, giữ thăng bằng. Tôi ngỡ ngàng khám phá nhiều động tác tôi không còn làm được, hoặc làm rối rắm, bong trẹo, mất thăng bằng, té ngửa. Sau buổi tập tôi ra ngồi ở băng đá trên sân cỏ ngoài phòng tập, thở không khí thoáng mát. Trước mặt tôi cây trồng rải rác, cạnh băng đá là một thân cây có vỏ màu bạc trắng ngời ngời. Lá đã ra nhiều, từ xanh non ngã màu xanh lục thẫm.

Tôi có cảm tưởng cội cây vỏ màu bạc này không phải vừa mới có đây. Nó đã có từ vạn kiếp, cũng như tôi, bàng bạc đâu đó. Ngày nào cũng là sinh nhật. Tôi là nhánh cây, phần nối dài của thân cây màu bạc kia, vì lý do gì không rõ, khoảng khắc này ngồi đây, trên băng đá. Tôi chợt thấy vỏ cây lay động và di chuyển ngược về phía trên. Cả gốc cây sẽ đột ngột bỏ chạy và cất tiếng sủa như chó? Tôi ghé mắt cố nhìn kỹ. Vỏ cây nhúc nhích. Tôi tò mò đưa tay gỡ vỏ cây. Con bọ bên dưới vụt thoát chạy lên ngọn cây biến mất, không kịp nhận ra. Khoảng thân cây bị lột vỏ để lộ màu nâu, trên nền nâu có một chấm trắng nhỏ, như bột phấn. Tôi thổi lên đó, chấm trắng chợt cựa quậy và dời chỗ. Ðó là con sâu nhỏ tí, thiệt bất ngờ và lạ lùng. Phải gọi chấp phấn là sinh vật. Phải gọi? Tại sao phải gọi? Nó đã có từ đời nào, đâu đợi tôi gọi mới có. Trước đó nó và cây chỉ là một, giờ tôi đặt nó tên « sâu trắng », cái tên như vết cắt, sự vật bị chia xẻ vô phương hàn gắn trong tâm thức. Ngôn ngữ như một thần chú, huyễn hoặc, dắt vào mê cung. Khởi đầu là một theo trật tự thiên nhiên của trời đất. Con người cho đó là hỗn mang. Để khép trời đất vào trật tự của mình cho dễ nhận dễ hiểu, con người phân biệt, chia cắt, đặt tên cho sự vật. Và cái trật tự dựa trên nhãn hiệu đó, chính nó là hỗn mang.

Tôi đi một vòng ra chợ vì hôm nay có họp chợ trời. Mọi người tới lui tấp nập hết sức bình thường. Mọi người trả tiền rồi bỏ vật mua vào túi xách hết sức bình thường. Tôi thèm muốn được bình thường như mọi người. Không đặt câu hỏi, không thắc mắc. Mùa xuân trở về hết sức bình thường. Trời nắng hết sức bình thường. Chim gọi ríu rít hết sức bình thường. Thêm một ngày trời đẹp, rất đẹp! Bụng tôi thoắt quặn đau, càng lúc càng dồn thúc. Tôi vội vã trở về bệnh viện.

Ngồi trong cầu tống khứ xong, tôi thấy nhẹ người. Cơn đau đã qua. Tôi tận hưởng sự sung sướng tầm thường và tự nhiên đó. Dưới chân tôi có một tờ báo. Tôi cầm lên đọc, phát hiện bên dưới một quyển sách, trên bìa là hình một người đàn bà chụp phóng ảnh, đầu ngửa ra sau, đôi vú lớn nơ nơ. Tôi vứt tờ báo, nhặt quyển sách. Sách loại dâm dật, không biết ai bỏ quên. Bên trong toàn hình chụp những pha làm tình cụp lạc giữa đàn ông với đàn bà. Bộ phận be bét, trương cứng, tục tĩu. Sao lại tục tĩu? Không! Bộ phận đực là bộ phận đực, bộ phận cái là bộ phận cái, bộ phận đực cái dính nhau là lẽ tự nhiên, hết sức tự nhiên, sự tục tĩu chỉ có trong đầu. Không có bộ phận nào tục tĩu, không có cách thế nào tục tĩu. Người đàn bà nằm sấp. Người đàn bà nằm nghiêng. Người đàn bà úp trên giường, lưng uốn cong, cả thân hình là một lượn sóng, đường nét trơn tru không sười gãy như nét phẩy của ngọn bút lông trong một phút xuất thần. Bộ phận tôi phản ứng. Lâu lắm tôi mới khám phá lại cảm giác bị kích dục, động tình, rạo rực, thèm dâm. Cửa sổ nhỏ bên trên hé mở thoáng mát, ánh sáng lọt vào. Bên ngoài bệnh viện trời đất bao la, nắng xuân đẹp đẽ, chim xuân ríu rít. Bên trong bệnh viện, giữa bốn vách nhà cầu, tên điên ngốc đang mắn mó bộ phận sinh dục, tìm lại gạch nối giữa mình và đời sống sinh vật. Từ lâu tôi quên mất mình có một thân thể, từ lâu tôi đã sống như một người không có thân thể. Cơn điên bắt đầu từ đó? Tôi ứa nước mắt.

Tôi châm điếu thuốc nằm trên giường ngó ra cửa sổ kiếng nhựa nhả khói. Cảm giác uể oải dễ chịu. Màn vén hết hai bên. Năm nay mùa xuân sáng choang kỳ lạ. Tôi với tay lấy quyển nhựt ký đọc lại những trang mình đã viết. Như thể ai đã viết, không phải tôi. Tôi điên, tôi biết tôi điên, nhưng tôi không dè mình điên tới mức như vậy. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ ra khỏi nơi nầy. Tôi vứt nhựt ký xuống sàn nhà, như vứt một con điả đói gớm ghiếc. Nằm lim dim một lát, tôi mở cửa định sang phòng Evelyne mượn lại quyển Mickey mua cho nàng hôm trước đọc chơi đỡ buồn.

Cửa phòng nàng khép hờ, gõ cửa không ai trả lời, tôi đẩy nhẹ cửa bước vào. Evelyne ngồi bất động trên ghế ở đầu giường, lưng quay ra cửa, tóc nâu đen xõa trên vai áo trắng hôm đầu tôi ngó thấy. Tôi bước tới trước mặt nàng gọi nhỏ:

- Evelyne!

Nàng ngước lên nhìn tôi, nét mặt bâng khuâng kỳ lạ, buồn bã khác hẳn mọi khi. Tôi lo lắng :

- Evelyne, em làm sao vậy?

Nàng cúi mặt rồi ngửng lên, nước mắt chực tràn. Nàng nói chỉ đủ nghe:

- Em sắp rời khỏi nơi nầy. Người ta sẽ mang em tới một bệnh viện khác chiều mai.

Tôi choáng váng:

- Sao? Ðem em tới nơi khác chi vậy?

- Người ta nói ở đây không đủ phương tiện. Ở bệnh viện kia có chạy điện…

Tôi bủn rủn. Người ta sẽ tra hai cực điện lên màng tang Evelyne và phóng điện vào óc nàng, tóc nàng cháy khét nghẹt. Làm sao chịu nổi!

- Người ta nói ở đó trị, em mới hết bệnh.

Nàng nhìn tôi, đôi mắt van lơn:

- Anh! Em không muốn đi…

Nước mắt nàng rưng rưng lăn tròn xuống má. Nàng nhìn tôi chừng như tôi có thể bênh vực được cho nàng. Tôi thấy mình bất lực, phẫn uất và hèn nhát. Tôi đưa tay định vuốt tóc nàng. Nhưng tôi không biết nói lời gì để an ủi, vỗ về hoặc trấn an. Tôi dừng tay lại rồi vụt chạy ra khỏi phòng nàng như một tên hèn nhát. Tôi chạy ra ngoài bệnh viện.

Buổi tối, không thấy Evelyne ở phòng ăn. Gã râu quai hàm nói hồi chiều có hai nữ y tá vào phòng nàng, rồi nàng theo hai người lên dãy nhà bên kia, có lẽ để gặp các bác sĩ trị liệu. Ăn xong tôi về phòng nằm mong ngóng người ta đem Evelyne trở về. Chờ. Có tiếng động ngoài hành lang, không phải nàng, lại chờ. Khoảng mười giờ, người nữ y tá đem tới cho tôi hai viên thuốc an thần và pha những giọt thuốc ngủ màu hồng. Một giờ sau, giấc ngủ chụp xuống như đám mây đen nghịt.

Buổi sáng vừa tỉnh ngủ tôi vội vàng nhảy xuống giường mở cửa ngó sang bên kia. Phòng Evelyne mở toang. Người đàn bà da đen đang thay khăn trải nệm mới, trắng tinh. Phòng trống trơn. Tôi hỏi thăm, người đàn bà không biết gì hết. Buổi trưa, nghe tiếng động, tôi hé cửa ngó qua. Trước cửa phòng nàng, một người đàn bà già nua mặc áo ngủ, tóc tai bù xù, đang đứng xớ rớ. Bệnh nhân mới. Cổ tôi vụt đau thắt, sắp rạn nứt, tôi nghẹt thở, nước mắt ứa ra, nóng hổi. Lẽ ra chiều nay người ta mới đem nàng đi. Tôi giận dữ, không biết giận ai. Ðau xót.

Tôi bỏ ăn cơm trưa. Tôi đánh vòng ra hiệu cà phê, ra tiệm sách rồi lang thang xuống con phố nhỏ, hẹp té, không có bờ lề. Tưởng có thể bất thần gặp lại nàng ở góc phố. Nàng đi lạc. Tôi đi lạc. Tôi sẽ dắt nàng đi trốn. Tôi quay trở về, chân mỏi, ngồi ở băng gỗ nàng ngồi bên trạm đó xe buýt hôm trước - nhưng nàng không đón xe buýt. Tiếng động cơ nổ ồn ào, chát chúa. Lại một ngày nắng nóng, trời xanh. Rời đường lớn, tôi trở lại khoảnh vườn nhỏ có hoa tulipes vàng đỏ. Ghế đá nóng hâm hấp. Mùa xuân vẫn tiếp tục nắng tốt. Một con ong lẻ loi đánh vòng. Lá cây đã đổi màu đậm hơn. « …Ðôi khi anh muốn tin ngoài đời thơm phức những trái cây của Thượng đế. Mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em, nguồn sữa mật khởi đầu… » *

Người ta đang tra điện lên màng tang Evelyne, tóc nàng cháy khét. Nàng dẫy dụa, miệng há hốc, mắt trắng dã, hai tay muốn giựt thoát khỏi dây trói bấu lấy cực điện đang bốc cháy trên màng tang giựt ra. Có thể vậy sao? Tôi ôm đầu rứt tóc, không muốn chấp nhận.

Không, Evelyne! Người ta sẽ không làm hư mái tóc xõa đẹp đẽ của em đâu. Một ngày nào đó gặp lại, anh sẽ vuốt tóc em, anh sẽ mua cho em quyển sách hình vẽ, anh sẽ mua cho em cây cà rem mùi dâu, anh sẽ mua cho em ly nước bạc hà màu xanh non thời thơ ấu. Em sẽ không bao giờ lớn thêm, anh sẽ không bao giờ trưởng thành, hai đứa mình không ai lớn lên hết. Và anh sẽ đưa em đi coi hát bóng, coi những tuồng thần thoại hoang đường. Em sẽ là Công Chúa Da Lừa xinh đẹp choàng lốt lông thú ẩn thân trong rừng, trốn chạy phụ vương đang muốn kết hôn với con gái mình. Anh sẽ là Thằng Người Gỗ vụng về đi hết nhầm lẫn này đến nhầm lẫn khác. Cho đến bao giờ?

Evelyne ơi! Ngày nào em rời khỏi bệnh viện, ngày nào anh rời khỏi bệnh viện, ngày nào anh và em hết khật khùng, anh hứa sẽ mua cho em cây cà rem và dắt em đi coi hát bóng. Sẽ không coi phim thằng khùng ăn cắp con gà đồng, mà sẽ coi phim Thằng Người Gỗ như em vòi vĩnh.

Evelyne! Ngày nào rời khỏi bệnh viện, anh xin hứa. Giờ này anh ngồi trên băng đá, nước mắt lưng tròng. Còn em ở đâu? Em đã bớt điên hay có còn sống sót?


Kiêt Tấn

1987

-----------------------------
* Thanh Tâm Tuyền
(Nguồn : «Tuyển tập Kiệt Tấn», nxb Văn Mới, 2002)