Có những câu hỏi, tôi tự đặt ra khi nghe xong một loạt những bản nhạc của nhạc sĩ Trường Sa. Là, hình như có một điều gì của đời sống thực tế đã được nghệ thuật làm biến đổi thành những cảm giác nửa hư nửa thực của một thế giới khác, rộng khắp hơn và cũng lãng mạn bềnh bồng hơn. Nghe nhạc Trường Sa, thấy cuộc nhân sinh như dời đổi theo những chu kỳ của định mệnh, và con người trong những hoàn cảnh đặc biệt của thời thế như bị lôi kéo vào một cơn lốc xoáy điên cuồng không cưỡng chống nổi.
Khởi đầu với một bản nhạc có lẽ cũng bình thường không xuất sắc mấy, “Mây Trên Đỉnh Núi” viết cho một người bạn tên Hoàng là xướng ngôn viên của Đài Phát thanh Đà Lạt. Và để rồi sau đó nổi tiếng với những bản nhạc thời trang viết về đời sống thực của người lính Hải Quân lãng mạn trên sông nước với những chuyến tàu ra khơi và những chuyến cập bến ở những bản nhạc kế tiếp. Chất sống động, cũng như ngôn từ giản dị cận gần cuộc sống đã làm thành những nhạc khúc đuợc phổ biến sâu rộng trong đời sống thường nhật dân gian. Những ca khúc như Một Lần Xa Bến, như Hành Trang Giã Từ, như Chuyện Tình Người Đan Áo, … mọi người nghe, mọi người hát đến quen thuộc đã làm tên tuổi Trường Sa nổi bật hơn.
Viết nhạc về chính đời lính của mình, nhạc sĩ Trường Sa có lần đã trả lời câu phỏng vấn của nhà văn Điệp Mỹ Linh hỏi sẽ chon danh xưng nào giữa một sĩ quan Hải Quân ngành chỉ huy và danh xưng của một nhạc sĩ tài danh: “Là một thiếu tá HQ tôi rất hãnh diện đã phục vụ cho lý tưởng tự do đó là hoài bão của một thanh niên đầy nhiệt huyết trước nhu cầu của đất nước đó cũng là danh dự của một đời người, tôi không thể không chọn lựa danh xưng này. Mọi người sinh ra đều có những năng khiếu khác nhau. Viết một ca khúc, trước hết mình đã phần nào là một người làm thơ và mình cũng phải có một giác quan rất bén nhạy mới có thể tạo ra được những chuỗi âm thanh hài hòa để người nghe cùng rung động với tâm tư của mình. Vì vậy trong âm nhạc tôi cũng không thể không nhìn nhận đây là nhu cầu vô cùng cần thiết cho đời sống tinh thần... ”
Có lần nhạc sĩ Từ Công Phụng đã tâm sự với ông :”Hơn ba mươi năm trước có một lần tôi đã nói với Trường Sa về Tình ca khi anh hỏi tôi tại sao tôi chọn con đường sáng tác ấy. Nếu tình yêu là lẽ sống đẹp đẽ nhất của loài người thì tình ca chính là những lời phủ dụ ngọt ngào được cất lên để ca ngợi tình yêu. Nếu chim muông chỉ có một thời để ca hát, cỏ cây chỉ có một thời để xanh tươi và loài người chỉ có một thời để yêu thì đó chính là cái thời đẹp nhất của chúng ta. Tôi đã không ngần ngại chọn con đường viết tình ca để bày tỏ niềm hân hoan và biến cái khoảnh khắc hạnh phúc đó trở thành vĩnh cửu và hiến dâng cho đời. Tôi vẫn nghĩ Tạo Hóa đã ban cho loài người trái tim biết rung động, tâm hồn biết thổn thức và ngôn từ để diễn tả cái đẹp của tình yêu thì tại sao chúng ta không làm cho cuộc đời thăng hoa bằng những bản tình ca?…”
Nhạc sĩ Trường Sa có lẽ cũng yêu những bản tình ca. Nên nối tiếp là dòng nhạc của tình yêu, những ca khúc buồn, những chuyện tình dở dang, những nỗi niềm trong tâm khó ngỏ. Nhạc sĩ đã sống với con tim mình và ngôn ngữ cùng âm nhạc để nói lên tâm tư của mình qua những cuộc tình buồn mà ông gọi là “đành đoạn”. Để tiễn đưa mối tình buồn thảm ông viết ”Rồi mai tôi đưa em” trong hơn hai năm dài tính từ khi khởi đầu nốt nhạc đầu tiên đến lúc chấm dứt cung bậc cuối cùng. Và với Xin Còn Gọi Tên Nhau và Mùa Thu Trong Mưa, cùng giọng hát Lệ Thu đã thành những tuyệt phẩm âm nhạc để đời. Những tình khúc này trau chuốt một cách gián tiếp và khéo léo với ca từ chuyên chở được tâm cảm của người đang yêu, đã yêu và nuối tiếc vì yêu. Những nhạc sĩ đã cùng viết tình ca như ông và cùng nổi tiếng hình như cùng thời với ông như Từ Công Phụng, như Ngô Thụy Miên đã lên tiếng tán thưởng người đi chung đường với họ.
Năm 1973 ông viết Một Mai Em Đi, ... một tình khúc mà ca từ giản dị nhưng sâu lắng và sự tha thiết níu kéo dường như là chất nam châm để thu hết về những từ lực ngậm ngùi khắc khoải. Lời như bàn tay vỗ về gói tròn lại những thương yêu mong manh dường như đang trong thời tan biến: ”Một mai em đi gọi gió thả mây về ngàn / xin tạ lòng người tình ta hư không thế thôi / đời vui không mấy niềm đau đã chín kiếp người / lòng đâu phụ nhau thêm nữa khi mai không còn có nhau?”
Rồi đến năm 1975, cơn hồng thủy của đất nước Việt Nam, người nhạc sĩ và cũng là một sĩ quan cấp tá của HQVN, người đã đến đảo Guam nhưng vì nặng tình gia đình không thể bỏ vợ con nên đã trở về theo tàu VN Thương Tín và bị tù đầy hơn mười năm trong trại giam Cộng Sản. Sau đó, lại vượt biên, lại bị tù hai năm rồi trở về và sau đó lại lái tàu vượt biển thành công sang Canada định cư. Rồi sau đó đoàn tụ gia đình rồi người vợ có 4 mặt con lại ra đi vĩnh viễn trong một tai nạn…
Bao nhiêu biến cố ấy, bao nhiêu nỗi niềm ấy, đã là một khởi đầu cho chân dung một nhạc sĩ thứ hai mang tên Trường Sa. Có bản nhạc của hoài niệm, về một người thân yêu đã xa, về một đời sống hải hồ đã cũ, về một thành phố Sài Gòn thân yêu đã mất tên. Nhưng, cũng có những bản nhạc, về một cuộc sống mới, về một cuộc tình khởi đầu trong tuổi già. Có những đau đớn hân hoan và cũng có những bất hạnh tận tuyệt. Trong cơn mưa Sài Gòn có ánh nắng xứ người, trong dáng hình người tình mới có thấp thoáng vóc dáng người vợ cũ. Và trong ly tan có trùng phùng, trong niềm vui có pha lẫn nỗi buồn.
Chúng ta hãy đi theo dòng nhạc Trường Sa, một hải lưu đắm đuối chất ngất tình cảm, để trở về lãnh địa yêu thương xưa và đi vào không gian và thời gian của cuộc tình đang hiện hữu như một gọi mời của một tương lai xanh ngạt ngào mùi cỏ mật…Từ khi bắt đầu cuộc sống lưu lạc xứ người, ông đã sáng tác được trình diễn trên các sân khấu của Trung tâm Thúy Nga, Trung tâm Asia, Trung Tâm Thùy Dương, …: Xin Yêu Nhau Dù Mai Nữa, Mùa Xuân Sao Chưa về Hỡi Em, Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi, Khi Chuyện Tình Đã Cuối, Bản Tình ca Cho Kỷ Niệm, Paris Em Về, Đôi Mắt Em Tôi, Một Thoáng Mơ Phai, SaiGòn Ơi Tôi vẫn Còn Em Đó, Thu Vẫn Qua Đây Mình Ta, Hạnh Phúc Hôm Nay, …
Trường Sa sáng tác âm nhạc như sống lại với một phần đời của mình. Ở đó, có những biến cố thời thế có mặt cho những dấu tích của tình buồn, của những điều mà định mệnh đã chờ sẵn. Không phải một người lính dày dạn chiến trường, một người sĩ quan Hải Quân cấp tá không thông hiểu Cộng sản mà theo tàu Việt Nam Thương Tín để trở về và bị tù ngục hết mười năm. Nhạc sĩ cũng đành phải ngậm ngùi với tình cảm gia đình quá nặng, không thể bỏ rơi vơ con trong những đe dọa của cuộc đời.
Trong bản nhạc Một Thoáng Mơ Phai, chúng ta cảm nhận được gì? Từ những lời thủ thỉ, có khi là những câu hỏi, có khi là những vương vấn thoảng qua, nhạc và lời nhắc nhở lại những kỷ niệm. Điệp ngữ “em có hay”, mỗi một lập lại trong ca khúc như những kêu gọi tìm về của những vấn nạn hỏi mà chẳng cần trả lời. Em. Tôi. chỉ là những kẻ lạc loài trong dòng sống hôm nay và có lúc như là bóng hình của lung linh phảng phất. Em đã đi, trả lại những mùa xuân xứ người, để như một thoáng mơ phai, dù lúc nào cũng hiện hữu trong hồn nhưng vẫn chỉ là nhòa nhạt hư không. Em có hay? Có phải chỉ là câu hỏi cho một người, mà còn có thể cho hai người và cho cả nhiều người trong chúng ta nữa…
Một bản nhạc khác, Những Mùa Thu qua Trên Cuộc Tình Tôi, là nỗi niềm dàn trải của quá khứ nhọc nhằn. Khi nói về những ngày tù ngục Việt Nam coi như khoảng thời gian gián đoạn sáng tác, nhạc sĩ Trường Sa đã viết : ”Trong mười lăm năm mất đi đó, phải kể là giai đoạn hoàn hảo của một đời người vì hoàn cảnh đất nước và số phận con người không thoát ra khỏi giòng nghiệt ngã, đau buồn. Nhìn lại quá khứ khi phải sống cuộc đời viễn xứ, phải xa quê hương mến yêu cùng với những người thân, bạn bè và cả một thời yêu dấu trong chiếc nôi vô cùng êm ấm mà đau xót. Từ những niềm ưu tư đó, tôi đã viết ra một số ca khúc hướng về Sài Gòn như Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi, Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó, Giấc Mơ Nghìn Trùng. Từ Một Ước Mơ và nỗi cô đơn trong buổi chiều cuộc đời khi nhìn về phía quê nhà như ca khúc Đường Chiều Một Bóng... ”
Nhưng có khi Sài Gòn với hình bóng Em chỉ là một, là những kỷ niệm chẳng thể nào quên trong đời. Sài Gòn xưa cũ vẫn còn muôn năm của mùa thu tình yêu réo gọi. Như giọt nước mắt khóc người trăm năm. Như hình bóng Em của mặn nồng quấn quýt của những lối xưa ngõ cũ đi về theo hai mùa mưa nắng. Ơi những giấc mơ của nỗi niềm lẻ loi của những hình ảnh sầu xứ lạc loài hôm nay nhắc mãi đến không gian nào thời gian nào đã mất biệt đã mù tăm trong đời người lầm lũi nhưng vẩn còn nguyên vẹn Đến muôn đời những giấc mơ…
Tình khúc Yêu Em Anh Đã Yêu Mùa Thu với không gian thời gian lãng mạn của mùa thu. Đó có phải là thời tiết của những người yêu nhau? Ca khúc như là lời ngỏ cho những cánh cửa tim để tình yêu đơm hoa trong rộn ràng của thiên nhiên. Tình yêu mùa thu như tình yêu em của vàng phai sắc lá, của những dư âm của gió mây mở toang những khung trời đất tương lai. Có câu hỏi bật ra. Tại sao? Gió lại cuốn đi những lời âu yếm? Lá rơi để cho tình vàng thêm để phai nhòa trên áo em? Hỏi, nhưng không thể trả lời. Bởi Anh. Anh yêu Em như mãi mãi vẫn yêu mùa thu. Hỏi mà không trả lời, cái ý thầm ấy có lẽ là cái nghịch thường của những người đang yêu nhau…
Bản nhạc Xin Ơn Nhau Cuộc Đời, là lời ngỏ của thương yêu, là kết cuộc của một chuyện tình sau những gian nan cuộc đời. Dòng nhạc là vang vọng của tâm tư yêu đương, ca từ là biểu hiện của nỗi niềm tâm sự. Và ngôn ngữ của trái tim tràn đầy trong bộ nhớ của tiềm thức. Hãy nói lời yêu nhau, dường như là lời đồng vọng của hai người đang cùng đi tìm một lời giải cho bài toán cuộc đời. Hãy giang đôi tay rộng, rộng đến muôn trùng không gian của mùa xuân xanh đẹp, của mùa hạ hồng tươi, và của mùa thu vằng vặc ánh trăng như đôi mắt yêu nhau thuở nào. Xin Ơn Nhau Cuộc Đời, có phải là lời hẹn trăm năm, là lời bắt đầu sau những đổ vỡ hoang mang cuộc đời?
Nguyễn Mạnh Trinh
nguồn http://phusaonline.free.fr