Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo
Cùng với sự rộ, nở của sinh hoạt văn chương, qua những diễn đàn văn học, hiện diện từ giữa thập niên 50, khởi đầu với những tạp chí như Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Bách Khoa, sinh hoạt âm nhạc miền Nam với hàng trăm trung tâm, nhà xuất bản, thu băng, đĩa, tất cả đem lại cho người nghe những dòng nhạc tiêu biểu của một Phạm Ðình Chương, Phạm Duy, Vũ Thành, Hoàng Trọng, Cung Tiến, Lê Trọng Nguyễn, Ðan Thọ, Nguyễn Hiền, Tuấn Khanh, Y Vân, Lâm Tuyền, Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Nguyễn Văn Ðông, Trúc Phương,v.v...đó là cột mốc thứ nhất.
Chân dung Hoàng Quốc Bảo (Tranh: Họa Sĩ Võ Ðình)
Bằng âm nhạc, tự những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, họ Hoàng đã thiết lập cho mình (hay cho người), những chiếc cầu tâm linh, bắc qua đôi bờ nhân gian và, lẽ đạo. Dù không một chỉ dấu, chẳng một tận khai cố tình, bằng cõi tâm tĩnh, lặng, Hoàng Quốc Bảo, với cõi nhạc của mình, đã mặc nhiên mang đến người nghe, những hồi chuông lai tỉnh. Những thời kinh, những câu kệ nhắc gọi chúng sinh, hồi hướng bến giác. Tính thiền hay lời gọi kêu chúng sinh rời bỏ bờ mê trong đời nhạc Hoàng Quốc Bảo, mỗi lúc, một thêm nồng nàn sở nguyện, bằng vào bản thân, qua những năm luân lạc, quê người, họ Hoàng càng thực chứng lẽ vô thường. Ðời hữu hạn. Nơi cõi tạm, tôi nhớ cuối năm 1975, đầu năm 1976, Hoàng Quốc bảo, đưa thân mẫu từ tiểu bang Illinoise về quận hạt Orange County, ở miền Nam California. Một buổi tối, nơi căn apartment ở thành phố Costa Mesa, trong căn phòng không đồ đạc, Hoàng Quốc Bảo ôm đàn, hát cho chúng tôi nghe một số nhạc cũ, mới của ông. Trong số đó, có ca khúc nhan đề “Hồ Như”, với những câu như: “Có lẽ ta về ai biết đâu - Trồng vàng hoa trên núi sương hào - có lẽ trăm rừng xanh trở lại - gọi đàn chim xa mãi về phương nào - có lẽ ta về như giấc mơ - làm dòng sông bôi xóa đôi bờ - có lẽ người hồi sinh trở lại - nhìn cuộc chơi quên bấy lâu nay.” Khi nghe lần thứ hai câu “...làm dòng sông bôi xóa đôi bờ...” tôi rất muốn hỏi ông, “Hồ Như” là ca khúc được viết thời gian nào? Trước hay sau 30 tháng 4? Nhưng cuối cùng, tôi im lặng. Tôi im lặng vì trong một thoáng mơ hồ, người thanh niên ngồi bệt trên thảm, trước mặt tôi, người thanh niên lúc nào cũng như ngơ ngác, lạc lõng, dường không còn là Hoàng Quốc Bảo. Ông là một người khác. Với tôi, ông không “làm” (tôi nhấn mạnh) “dòng sông bôi xóa đôi bờ” mà ông chính “là” (tôi nhấn mạnh) dòng sông. Và, dòngsông ấy đã “bôi xóa đôi bờ.”
Thủ bút của Hoàng Quốc Bảo
Tôi không hỏi “đôi bờ” trong ca khúc “Hồ Như” của Hoàng Quốc bảo là đôi bờ nào. Tôi không hỏi bởi tôi nghĩ, nếu hỏi, chưa chắc giải thích của ông và cảm nhận riêng của tôi, đã gặp gỡ nhau. Với tôi, đó là “đôi bờ” của biến cố kinh hoàng, điếng tê mới xẩy ra. Còn tưa máu. “Ðôi bờ” với tôi là trong/ngoài một tổ quốc. “Ðôi bờ” với tôi là hai miền tử/sinh mà, con người bị phanh thây, đứng giữa... Ðó cũng là thời gian chúng tôi cùng làm việc ở hãng Rockwell International, chi nhánh Newport Beach, trên đường Jamboree. Một năm sau, ông cho tôi biết, đã xin nghỉ việc để nhận công việc mới là thảo chương viên, cho công ty nước ngoài ở thành phố Los Angeles. Từ đó, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Nhưng, tôi vẫn dõi theo bước đi của người “là” “dòng sông bôi xóa đôi bờ”! Như dõi theo những mơ ước bất toàn của chính mình. Và, thời gian cho tôi hiểu, những thực chứng, những sở nguyện khởi tự khá nhiều nghịch cũng như thuận duyên, đã mang lại cho Hoàng Quốc Bảo (hay cho chúng ta) nhiều số tác phẩm mới. Những tác phẩm càng lúc càng cho thấy tính “bôi xóa đôi bờ” nơi ông. Mười ca khúc phổ từ thi kệ, thiền thi của của các thiền sư như Nhất Hạnh, Huyền Không, Tịnh Từ, trong đĩa nhạc mang tên “Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không,” Hoàng Quốc Bảo một lần nữa, thống thiết trải rộng tấm lòng yêu người, trái tim thương đời của mình, tới người nghe, như một lời cảm ơn những ơn phước (mà, ông đã nhận được từ cảnh đời. Cảnh đời, hiểu theo một nghĩa nào, là phản quang hay, ảo hóa của ngục A Tỳ.) Trong một cuộc phỏng vấn dành cho một ký giả của đài Little Saigon Radio ở miền Nam California, từ nhiều năm trước, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo cho biết, kể từ đĩa nhạc mang tên “Tịnh Tâm Khúc” cách đây nhiều chục năm, thì “Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không” là đĩa nhạc thứ hai của ông. Phần lớn những ca khúc trong đĩa nhạc vừa kể, được họ Hoàng sáng tác đầu thập niên 80. Nhạc sĩ Hồ Ðăng Tín đã bỏ ra 5 năm, cho phần soạn hòa âm. “Rồi nhiều thiện duyên đến, nhất là với tâm ý hân hoan và, thôi thúc trong việc kỷ niệm mùa Ðản Sinh đầu thiên niên kỷ, chúng tôi nguyện đem lòng thực hiện,” tác giả “Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không” tâm sự. Khi được hỏi quan điểm riêng về những ca khúc và những băng nhạc Phật Giáo ra đời trong những năm tháng gần đây, Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo nói: “Tôi là người Cư sĩ Phật tử, lại trong giới sáng tác âm nhạc, thấy việc làm nào cũng có mặt tốt của nó. Nhạc mình như một đóa hoa nhỏ, trong vườn hoa nghệ thuật đầy mầu sắc. Có người thưởng ngoạn chỉ vì màu sắc sặc sỡ, lại có kẻ trang trọng với dị thảo, kỳ hương. Trong công tác nghệ thuật, tôi chỉ nguyện chính mình trân trọng hết sức với nghệ phẩm của mình. Không để bị chi phối vì bất cứ mục đích gì khi sáng tác, quyền lợi hay danh vị. Nhất là khi thực hiện, lấy nghệ thuật làm mục đích chính. Thứ đến mới nhượng bộ những điều kiện khác. Ðã làm hết sức mình rồi, kết quả ra sao, lúc ấy mới hoan hỉ chấp nhận...” Câu trả lời của họ Hoàng, cho thấy quan điểm cũng như cung cách ứng xử của ông, không chỉ với nghệ thuật, mà còn với cả cuộc sống hàng ngày nữa. Vẫn theo lời giới thiệu của ký giả phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, thì họ Hoàng chính thức sáng tác ca khúc kể từ năm 1969, thời còn ở Việt Nam. Ông từng là người chủ trương những chương trình âm nhạc cho các đài phát thanh ở Thủ đô Saigòn, trước tháng 4, 1975, như đài Tiếng Nói Tự Do, đài Phát Thanh Saigon, đài Tiếng Nói Quân Ðội, nhưng ông không hề lợi dụng vị trí của mình, để phổ cập tên tuổi ông. Ðề cặp tới đĩa nhạc “Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không” của Hoàng Quốc Bảo, một nhà báo khác, trong một bài viết trên nhật báo Việt Báo, cho biết nhan đề ấy, vốn là một câu thơ của Không Lộ Thiền Sư đời nhà Lý. Ðó là câu: “Có khi lên thẳng non hề/hú dài một tiếng lạnh về hư không.” Cũng trên nhật báo Việt Báo, số cuối năm 2005 loan tin nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo... xuất gia. Xuống tóc. Ði tu. Tôi chia sẻ với người viết bản tin, khi nhấn mạnh rằng, sự việc vừa kể, không làm nhiều người ngạc nhiên. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn ghi lại bản tin này, như một ghi chú quan trọng ở những năm cuối đời của họ Hoàng. Với cá nhân tôi, nó cũng là một hình thức “bôi xóa đôi bờ” mà thôi. Nguyên văn bản tin đó, như sau: “Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã rời bỏ California để về xuất gia ở một Thiền Viện tại Việt Nam trong những ngày đầu tháng 12, 2005.” Ðược biết, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã tham dự lễ khánh thành Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên ở Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 27 tháng 11, 2005 và rồi vài ngày sau đã trở về Thiền Viện Trúc Lâm ở Ðà Lạt và xuống tóc xuất gia với Thiền Sư Thích Thanh Từ trong những ngày đầu tháng 12, 2005.” Việc nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo xuống tóc đi tu không làm bao nhiêu người bất ngờ, vì nhạc sĩ đã nói ý nguyện này từ lâu, từ những ngày làm việc trong ngành Tin Học ở Sở Cấp Nước Los Angeles. “Mới vài năm trước, trong chuyến Hòa Thượng Thanh Từ lần cuối viếng thăm California, nhạc sĩ đã có tên trong danh sách xuống tóc đi tu trong buổi lễ ở Thiền Viện Ðại Ðăng, Nam Calif., nhưng khi xướng tên trên danh sách, tới khi đọc tên Hoàng Quốc Bảo, thì nhạc sĩ không có mặt - trước đó, nhạc sĩ đã lẳng lặng bước ra ngoài và chờ dịp khác.” Và lần này là một cơ duyên lớn. Nhân dịp lễ khánh thành Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên ở Tam Ðảo, một thiền viện tuy là mới tân trang cho Trúc Lâm Thiền Phái của HT Thanh Từ, nhưng theo sử thì chính nơi đây là dấu tích Phật Giáo xưa cổ nhất, chính nơi đây là chỗ các nhà sư do Vua Asoka của Ấn Ðộ cổ thời đặt chân vào Việt Nam làm trú xứ. Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên còn là một thắng cảnh lớn với núi rừng nguyên sơ, cao 300 mét trên mặt biển...
Hoàng Quốc Bảo sau khi ngày thế phát xuất gia, ảnh chụp 2007 “
Sau khi dự lễ, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã về Trúc Lâm Thiền Viện ở Ðà Lạt, và xuất gia với HT Thanh Từ, vị Thiền Sư nổi tiếng nhất tại quê nhà và đang hoằng pháp Thiền Tông Trúc Lâm tại cả trong và ngoài nước. “California tuy mất đi một nghệ sĩ tài hoa, nhưng Thiền Tông VN ở quê nhà lại đang có thêm một người gánh vác mới...” Cách đây không lâu, nhân tang lễ một người thân trong gia tộc, tại một nhà quàn quận hạt Orange County, một số thân hữu đã được gặp lại tu sĩ Hoàng Quốc Bảo. Ông không hát nữa. Dĩ nhiên. Có thể ông cũng không nữa “hồ như”... Riêng tôi, gặp lại ông, tôi lại tự hỏi: - Phải chăng, ông đã “là” “dòng sông bôi xóa đôi bờ” tự một xa xưa, tiền kiếp nào.
Du Tử Lê
(Tháng 3, 2010)
(nguồn: http://nguoivietonline.com/)